Giúp đỡ có ẩn ý

Wieland Wagner, Spiegel

clip_image002

 

Hồ Cẩm Đào và tổng thống Cavaco Silva vào ngày 6 tháng 11 tại Lissabon: người Trung Quốc đã được mong đợi như những người cứu giúp. Ảnh. DPA.

 

Người Trung Quốc lợi dụng sự suy yếu của châu Âu để mở rộng ảnh hưởng của họ trên châu lục. Họ lôi kéo bằng đầu tư và bằng cách mua trái phiếu của những nước đang suy yếu trong khu vực đồng Euro – và qua đó tạo cho mình những đồng chí liên minh trong EU.

Đội kỵ binh của Bồ Đào Nha duyệt binh để long trọng chào mừng người lãnh đạo nhà nước và Đảng của Trung Quốc, Hồ Cẩm Đào, 67 tuổi. Bất thình lình có một con ngựa lồng lên và hất ngã người đang cưỡi nó xuống đất. Vị khách quốc gia người Trung Quốc yên lặng đứng chờ cho tới khi nghi lễ chấm dứt, rồi ống ấy đi đến chỗ người vệ binh vừa ngã ngựa, ôm lấy người đấy và hỏi thăm.

Động thái chăm sóc của ông Hồ vào đầu tháng 11 trong Lissabon có một giá trị tượng trưng: đó là "khoảng khắc đẹp nhất" mà "trong đó thế giới nhận thấy nước Trung Quốc thực bằng xương bằng thịt", cơ quan của Đảng Cộng sản "People's Daily" hân hoan.

Hiện giờ trong châu Âu có nhiều cơ hội để Trung Quốc biểu lộ sự đồng cảm. Cuộc khủng hoảng nợ trầm trọng trong khu vực đồng Euro là một dịp. Với những lời hứa hẹn giúp đỡ về tài chính và với những lời tuyên bố tin tưởng vào đồng Euro, Bắc Kinh đang cố gắng làm ổn định đối tác thương mại lớn nhất của mình – trước hết là vì lợi ích riêng của Trung Quốc.

Ngay từ trước khi đến Lissabon, ông Hồ đã được mong đợi trong Bồ Đào Nha như là người cứu giúp. Với cái nhìn đến tai họa nợ nần, người Trung Hoa này đã hứa với quốc gia EU là sẽ "giúp đỡ bằng những biện pháp cụ thể". Trung Quốc muốn nâng thương mại song phương lên gấp đôi cho tới năm 2015.

Tuy ông Hồ không nói như người Bồ Đào Nha thiếu tiền đang mong đợi, rằng liệu ông cũng có muốn giúp đỡ bằng cách mua trái phiếu hay không. Nhưng thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phó Oánh đã nói xa gần về khả năng này từ trước chuyến viếng thăm.

Lời chào mời giúp đỡ của Trung Quốc nhắm đến những nước Euro đang lung lay

Vì cường quốc đang vươn lên này đã khéo léo lợi dụng cuộc khủng hoảng đồng Euro để mở rộng ảnh hưởng chính trị và kinh tế của mình về lâu dài. Những lời chào mời giúp đỡ của họ trước hết là nhắm tới các thành viên đang lung lay nhiều nhất trong khu vực đồng Euro, những nước được gọi là các quốc gia PIIGS: Bồ Đào Nha, Ireland, Ý, Hy Lạp, Tây Ban Nha. Nước Cộng hòa Nhân dân muốn tranh thủ họ về lâu dài như là những đồng chí liên minh trong EU.

Ngay từ trước đây, Trung Quốc đã đối xử như "một người bạn" đối với Hy Lạp, Tây Ban Nha và Ý, và đã mua trái phiếu của những nước đó trong khi các nhà đầu tư khác bỏ chạy, thủ tướng Ôn Gia Bảo đã tuyên bố một cách kẻ cả trong chuyến đi thăm châu Âu của ông trong tháng 10. "Chúng tôi sẽ tiếp tục giúp đỡ và sẽ giúp cho một vài nước nào đấy vượt qua được khó khăn của họ."

Trước Quốc Hội Hy Lạp, ông Ôn hứa hẹn những trợ giúp đặc biệt cho người Hy Lạp: Trung Quốc sẽ mua trái phiếu của họ ngay khi chúng được chào mời trên thị trường tái chính. Đó chỉ là lời nói, nhưng những thị trường đang run rẩy nhìn thấy ở đấy một lá phiếu tín nhiệm cho đồng Euro: người nói ra điều đấy có quyền quyết định Trung Quốc sẽ đầu tư quỹ dự trữ ngoại tệ lớn nhất của thế giới như thế nào.

Trung Quốc tích trữ tròn 2,5 nghìn tỷ dollar, khoảng 70% trong số đó đã được rót vào trong những đầu tư bằng dollar. Thế nhưng những người cầm quyền ở Bắc Kinh hiện đang lo ngại theo dõi nước mang nợ họ nhiều nhất, Hoa Kỳ, đang ngày một nhấn chìm giá trị của đồng Dollar xuống với chính sách tiền tệ lỏng lẻo của họ.

Vì thế mà từ thời gian gần đây, người Trung Quốc cũng cố gắng đầu tư kho ngoại tệ của họ vào trong những tiền tệ khác. Thuộc trong số những người ủng hộ cho sự đa dạng hóa này là Dư Vĩnh Định, một cựu cố vấn cho Ngân hàng Quốc gia có nhiều ảnh hưởng. Tuy các tiền tệ khác "không nhất định phải là một thay thế lý tưởng" cho trái phiếu của Hoa Kỳ, theo như nhà kinh tế học nói, người mà ở Bắc Kinh họ cũng gọi là "sát thủ dollar". Nhưng như thế thì nước Cộng hòa Nhân dân có thể phòng ngừa trước một khi tiền tệ của Hoa Kỳ mất giá thảm hại.

Trong tháng 7, Trung Quốc đã mua 400 triệu euro trái phiếu của Tây Ban Nha có kỳ hạn 10 năm. Thủ tướng José Luis Rodríguez Zapatero đã lễ phép cảm ơn việc đấy qua một chuyến đi thăm Bắc Kinh trong tháng 9: nếu như Trung Quốc nâng cao tỷ lệ trái phiếu Tây Ban Nha của mình, ông ấy nói, thì điều đấy sẽ làm tăng sự tin tưởng của các thị trường tài chính. Ông hi vọng rằng Trung Quốc sẽ mua thêm trái phiếu Tây Ban Nha nhiều hơn nữa.

Người Trung Quốc được chào đón nhiệt liệt trong nhiều phần rộng lớn ở châu Âu

Người Nam Âu đang thiếu tiền nhìn ngày càng thèm muốn nhiều hơn đến Bắc Kinh. Thế nhưng các nhà tư bản quốc gia Trung Quốc giúp đỡ riêng từng nước nào qua việc mua trái phiếu vẫn là điều hoàn toàn không minh bạch.

Các giám đốc đầu tư của Cơ quan Quản lý Ngoại tệ Nhà nước (SAFE) quyết định chiến lược của họ ở đằng sau những bức tường của một tòa nhà văn phòng to lớn trong Bắc Kinh. Rất ít khi họ phát ngôn. Về mặt hình thức họ đứng dưới quyền của Ngân hàng Trung ương. Thống đốc của cơ quan này, Chu Tiểu Xuyên, 62 tuổi, đã gây sự chú ý khắp nơi trên thế giới trong năm vừa qua khi ông đề nghị thay thế đồng dollar như tiền tệ chính trên toàn cầu bằng những quyền rút vốn đặc biệt của Quỹ Tiền tệ Thế giới. Và cuối cùng thì Chu trung thành tuân theo những chỉ thị của Đảng mà ông là thành viên của Ban chấp hành Trung ương.

Cũng tương tự như thế cho quỹ đầu tư nhà nước CIC, quản lý tròn 200 tỉ dollar của kho ngoại tệ – ví dụ như dưới dạng tham gia đầu tư trong những quỹ đầu tư cổ phiếu của nước ngoài, mỏ nguyên liệu hay tập đoàn.

Khi được thành lập trước đây 3 năm, CIC đã còn bị người châu Âu nghi ngờ. "Quan chức EU đến gặp tôi và yêu cầu tôi phải định rõ rằng những cuộc đầu tư của tôi không vượt quá 10%", giám đốc CIC Lâu Kế Vĩ tường thuật mỉa mai không dấu diếm trong năm vừa qua. "Tôi nói là được thôi, thế thì tôi sẽ không đến."

Bây giờ thì đã đổi thay. Ngày nay, người Trung Quốc hiếm khi gặp phải sự kháng cự, như ở Hamburg, nơi cho tới nay họ vẫn hoài công trong việc cố gắng tham gia đầu tư vào trong cảng của thành phố biển này. Ngược lại, họ được nhiệt liệt chào mừng trong nhiều vùng rộng lớn trong châu Âu.

Nước Cộng hòa Nhân dân nhắm đến trước hết là Hy Lạp như một đầu cầu cho thương mại của họ với Đông Âu. Ngay từ trước cuộc khủng hoảng nợ hiện nay, công ty tàu thủy quốc gia Cosco đã nắm lấy cảng Piraeus qua một hợp đồng thuê mướn 35 năm. Cho tới năm 2015, họ muốn nâng mức chuyển tải container ở đó từ 800.000 hiện nay lên đến 3,7 triệu container, Thủ tướng Ôn tuyên bố.

clip_image004

Thủ tướng Ôn và thủ tướng Georgios Papandreou vào ngày 3 tháng 10 ở Athen: người Trung Quốc bộc lộ sự tin tưởng vào đồng euro. Ảnh: DPA.

Trong thành phố Athlone của Ireland, các nhà đầu tư Trung Quốc hiện đang cân nhắc xây một trung tâm hội nghị và triển lãm khổng lồ cho công nghiệp xuất khẩu của họ. Một ưu thế đầu tư theo quan điểm của Bắc Kinh: Ireland là nước nói tiếng Anh duy nhất của khu vực đồng Euro. Trong Bồ Đào Nha, tập đoàn khổng lồ về năng lượng China Power International tham gia đầu tư vào doanh nghiệp cung ứng địa phương EDP; cả hai công ty muốn cộng tác trong châu Âu, châu Phi và Brazil trong lĩnh vực năng lượng tái sinh.

Và trong Ý, thủ tướng Silvio Berlusconi vì thủ tướng Ôn mà đã còn cho chiếu sáng cả đấu trường trong Roma với màu đỏ thẫm và trên đó là hàng chữ tiếng Trung về tình hữu nghị của hai nước. Ôn cũng hứa hẹn với người Ý rằng sẽ tăng gấp đôi thương mại cho tới năm 2015.

Đầu tư tối thiểu, ảnh hưởng tối đa

Tức là với những lời hứa hẹn dành cho các nước PIIGS đang mắc nợ, cuối cùng thì Trung Quốc hỗ trợ cho công nghiệp của chính mình. Về chính trị, Bắc Kinh cũng chờ đợi nhiều phục tùng hơn nữa từ người châu Âu: tại một cuộc họp thượng đỉnh với đại diện của EU ở Bruxelles trong tháng 10, Ôn đã cấm những đòi hỏi nâng giá tiền tệ của Trung Quốc. Trung Quốc cố giữ thấp tỉ giá hối đoái của Nhân dân tệ và qua đó làm rẻ hàng xuất khẩu của họ, cả với khu vực đồng Euro.

Trong một chuyến thăm ngắn hạn thủ tướng Merkel, Ôn nhận được lời hứa cho điều mà ông đã hoài công cố gắng từ nhiều năm nay: Merkel hứa sẽ giúp đỡ cho mong muốn của Trung Quốc, trong vòng 5 năm tới đây sẽ được EU công nhận là nền kinh tế thị trường. Rồi sẽ khó khăn cho EU trong việc áp thuế phá giá lên những hàng xuất khẩu rẻ tiền được nhà nước hỗ trợ từ Trung Quốc, hay lên án Trung Quốc vì nước này bắt buộc phải chuyển giao công nghệ.

Trung Quốc đầu tư thật sự bao nhiêu tiền vào trái phiếu của các quốc gia PIIGS, đó là điều hiện vẫn còn đang được thảo luận ở Bắc Kinh. Các trái phiếu này là một đầu tư có "quá nhiều rủi ro", nhà kinh tế học Dịch Hiến Dung của Viện Khoa học Xã Hội Bắc Kinh, nhóm chuyên gia nhà nước, đã cảnh báo. "Cho tới chừng nào mà EU còn chưa giải quyết được các mâu thuẫn nội bộ của họ thì Trung Quốc không nên mua trái phiếu nhà nước ở đó."

Chỉ trong "kinh doanh chính trị", Dịch nói, thì mua trái phiếu EU mới là khôn khéo cho Trung Quốc, "nhưng chỉ một ít thôi". Đầu tư tối thiểu, ảnh hưởng tối đa – cho tới nay Bắc Kinh vẫn giữ nguyên chiến lược này đối với châu Âu.

W. W.

Phan Ba dịch từ Spiegel

Người dịch gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn