Kỳ vọng - hy vọng! Thất vọng?

Gs. Nguyễn Đăng Hưng 

clip_image001

(Tamnhin.net) - Là giáo sư của đại học ở Bỉ chuyên nghiên cứu về cấu trúc phức tạp đã công bố khoảng trên 200 công trình trên các tạp chí khoa học toàn thế giới.Năm 2008, chúng tôi được biết Tổng công ty đóng tàu Vinashin được nhà nước giao cho gần 800 triệu đô la để triển khai công nghệ.

Là một người làm khoa học ứng dụng tôi đã từng thực hiện những hợp đồng tính toán với công ty Framatome (Pháp) nay là công ty EREVA, chuyên về thiết kế xây dựng lò nguyên tử, hay các công ty hàng không như Aérospatiale nay là European Aeronautic Defence and Space Company (EADS).

Tôi đã cố gắng đem công nghệ quốc tế về Việt Nam, từ năm 1977, hai năm sau ngày hòa bình lặp lại. Ngày ấy tôi đã tổ chức Ủy Ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước mời về giảng dạy có công văn của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Thời thỉnh giảng kéo dài 15 ngày tại Hà Nội tại trường ĐH Giao thông Vận tải. Chúng tôi đã sử dụng chương trình tính toán SAMCEF do khoa LTAS, ĐH Liège thiết kế và lập trình.

Chúng tôi đã bay về Sài Gòn ở Tân Sơn Nhất sử dụng máy tính IBM 360 của Mỹ để lại ở Việt Nam để chạy chương trinh tính toán vạn năng này. Máy tính của Nga ở ngoài Bắc không thể chịu nổi chương trình tính toán này.

Sau năm 1979 vì chế độ bao cấp, tôi không thể triển khai được dự định. Tôi buộc phải ngưng việc hợp tác với Viêt Nam khoảng 10 năm đến sau khi chính sách đổi mới ra đời. Năm 1989 tôi lại trở về và tôi hăm hở làm tiếp công việc mình bỏ dở suốt 10 năm và có thể nói công việc chuyển giao công nghệ của tôi bắt đầu có hiệu quả rõ nét từ năm 1995.

Bởi vì công việc chuyển giao công nghệ cần nhất là con người, trí tuệ, nhân sự bởi vậy tôi đã xây dựng ở Đại học Bách Khoa TpHCM một lớp đào tạo thạc sĩ đầu từ năm 1995 kéo dài cho đến năm 2008 ngày tôi về hưu. Một chương trình tương tự như vậy ở trường đại học Bách Khoa Hà Nội kéo dài tư 1998 đến 2008 cũng được triển khai về công nghệ tính toán mô hình các môi trường liên tục, trong đó có một trường thủy khí thủy văn…

Ở Việt Nam chúng tôi không tính máy bay hay lò nguyên tử mà tính nhà cao tầng, cầu giây, tính phương kế làm kè, các kết cấu phức tạp mà liên quan tới dân sinh, dân dụng.  Suốt hơn 13 năm, chúng tôi đào tạo khoảng 350 thạc sĩ mà không tốn tiền của Việt Nam, mọi chi phí chính phủ Bỉ hay Liên Hiệp Châu Âu tài trợ. Chúng tôi gửi những thạc sĩ này đi đào tạo ở nhiều nước trên thế giới trong đó có khoản 40 người đã bảo vệ thành công.

Có thể nói không có trường đại học nào ở Sài Gòn là không có cựu học trò của chúng tôi giảng dạy. Những cựu học viên khác làm giám đốc hay cán bộ cao cấp cho những xí nghiệp tư nhân, công sở nhà nước.

Năm 2006 ngày lấy hưu trí, tôi kéo một công ty Đức về Việt Nam thành lập một công ty tên là Hưng Việt Technology chuyên về thiết kế xe hơi. Khách hàng của chúng tôi là Mercedes, BMW, Volwagen, Skoda, Tata. Chúng tôi chưa có khách hàng Việt Nam nào, tìm mãi từ ấy tới nay vẫn chưa có khách hàng Việt Nam nào cả.

Năm 2008, chúng tôi được biết Tổng công ty đóng tàu Vinashin được nhà nước giao cho gần 800 triệu đô la để triển khai công nghệ. Chúng tôi vội vàng gõ cửa sở công nghệ thành phố và họ giới thiệu chúng tôi chi nhánh của Vinashin tại bến tàu Sài Gòn.

Tôi tìm gặp ông giám đốc và ông cho tôi đi tham quan phòng tính toán thiết kể. Tôi đã ngỡ ngàng trước sự lạc hậu của phòng này, trực thuộc một công ty tầm cỡ quốc gia như Vinashin. Họ chưa có khả năng thiết kế không gian ba chiều. Đóng tàu thủy mà chưa biết dùng những phần mềm cao cấp và hiện đại như CATIA để thiết kế không gian ba chiều thì khó mà tự động hóa những công đoạn sản xuất, nhanh chóng hình thành sản phẩm có hàm lượng trí tuệ cao.

Tôi rất có nhiều bức xúc về vấn đề này. Ta chưa có những chính sách vĩ mô  đồng bộ cho cả nước để nhập về những công nghệ tiên tiến, nâng cao hàm lượng trí tuệ của sản phẩm. Chủ yếu ta vẫn tiếp tục làm kinh tế xuất khẩu nông sản, xuất khẩu dầu khí rồi bây giờ lại đi đào đất đi tìm bôxit. Chúng ta vẫn chưa rút ra bài học là đã xuất khẩu than đá quá nhiều để bây giờ không còn than nữa cho công nghệ Việt Nam và sẽ phải nhập than đá từ ngoài với giá thành gấp đôi gấp ba.

Bài học đắng cay như vậy mà chúng ta chưa đúc kết để có một tầm nhìn mới. Chúng ta chưa có chính sách thuế để kích thích phát triển công nghệ sạch, công nghệ xanh, công nghệ tiết kiệm năng lượng.

Việc thất bại trong việc nội địa hóa công nghệ xe hơi cũng nói lên sự bất cập của các chính sách công nghệ. Công nghệ làm xe mô tô gặp khó khăn vì ta đã cho nhập tràn lan xe Trung Quốc vào Việt Nam.

Một vấn đề thiết yếu là triển khai công nghệ mới cần nhân sự mới và đạo tạo nhân sự cho công nghệ mới là một điều rất tốn kém. Các trường Đại học Việt Nam chưa có điều kiện để đào tạo lớp người này.

Xin đơn cử một ví dụ mà tôi đã trải qua. Công ty Hưng việt của chúng tôi đã phải gửi các kỹ sư Việt Nam sang Đức đào tạo vì các trường đại học hay cao đẳng Việt Nam chưa đào tạo được những kỹ sư biết thiết kế xe hơi. Việc đào tạo chuyên môn là rất tốn kém đầy rủi ro. Cũng chưa có chưa có quy chế bảo hiểm hay chính sách nhà nước nào có mục đích hỗ trợ những doanh nghiệp làm công nghệ tiên tiến, hàm lượng trí tuệ của sản phẩm cao.

Phải biết đây chính là việc mấu chốt cho công việc hiện đại hóa được đất nước.

Chúng ta có 300 ngàn Việt Kiều có tri thức có công nghệ cao đang ngồi chờ ở hải ngoại quốc đang hành nghề tại những trung tâm nghiên cứu, những công ty tiên tiến Âu Mỹ nhưng ta vẫn chưa có quốc sách hữu hiệu lôi kéo họ về Việt Nam. Singapo ngày nay đã trở thành nước giàu như vậy vì họ đã có chính sách tốt hướng những chất xám người Hoa thành đạt từ bên Mỹ và Cannada về.

Làm thế nào để tranh thủ được Việt kiều về tham gia đóng góp trí tuệ và công sức xây dựng đất nước? Tôi xin đề xuất những hướng đi chính yếu như sau:

1.   Trước hết phải xây dựng cho được một môi trường xã hội công bằng minh bạch, một môi trường Đại học hay Viện nghiên cứu tự do dân chủ thông thoáng và thân thiện. Công bằng minh bạch có nghĩa là người đứng đầu phải có thực tài và đức độ. Thông thoáng và thân thiện có nghĩa là không gò bó, không quan liêu mệnh lệnh, không kỳ thị lý lịch phiền hà.

2.   Muốn có trí thức Việt kiều đông đảo về giúp nước, trước hết phải đối đãi tốt với trí thức trong nước, tạo điều kiện thông thoáng cho họ phát huy như tự do phản biện, tự do thành lập các hội chuyên ngành, bảo đảm tính độc lập khách quan của sinh hoạt trí thức…

3.   Sau đó là phải có chính sách lương tiền, điều kiện ăn ở đi lại hợp lý không quá xa với điều kiện thông thường ở các nước mà người Việt kiều đang công tác.

Con người Việt Nam có tinh thần yêu nước nồng nàn. Chúng ta cần phải có một lòng tin ở con người Việt Nam mới có thể đoàn kết phát triển đất nước.

N. Đ. H.

Nguồn: Tamnhin

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn