Lạm phát: Thực trạng và giải pháp

Minh Đăng

clip_image001(Tamnhin.net) - Năm 2010, Việt Nam lạm phát hơn 11,75% gấp rưỡi mức 6,52% của 2009, vượt xa mục tiêu ban đầu (dưới 7%). Mặc dù năm 2010, bội chi ngân sách đã được kéo xuống còn dưới 6%, nhưng nếu tính cả huy động trái phiếu, thì tỷ lệ vẫn còn ở mức 7%. Đó là mức rất cao, không những là một trong những nguyên nhân của lạm phát cao, mà còn làm gia tăng nợ nần.

Nhập siêu năm 2010, so với năm trước và so với kế hoạch năm, đã giảm và thấp hơn cả về kim ngạch tuyệt đối cũng như tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu, nhưng nhập siêu liên tục, kéo dài và hiện ở mức khá cao (năm 2007 là 14,2 tỷ USD, năm 2008 là 18,0 tỷ USD, năm 2009 gần 12,9 tỷ USD, năm 2010 khoảng 12 tỷ USD). Điều này đã tác động tiêu cực tới cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối và tạo sức ép lên tỷ giá. Giá USD trên thế giới giảm, nhưng ở trong nước vẫn tăng (năm 2008 tăng 6,31%, năm 2009 tăng 10,7%, 11 tháng năm 2010 tăng 6,63%), làm tăng mạnh gánh nặng lạm phát …

Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, ngay từ quý I/2011, cần tiếp tục thắt chặt để đạt được mục tiêu quan trọng nhất vào thời điểm này là giảm lạm phát.

Hiện tại, một số tổ chức nước ngoài đưa ra dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2011 vào khoảng 7-8%/năm cho mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 7,5%. Điều này cho thấy, khả năng kiềm chế lạm phát dưới 7% cho năm 2011 là rất khó khăn nếu đặt mức tăng trưởng cao. Đặc biệt, dự báo này đưa ra một thực tế là, nếu không kiên định, nhẫn nại với mục tiêu kiềm chế lạm phát, thì bất ổn kinh tế vĩ mô năm 2011 có thể sẽ cao hơn năm 2010.

Theo ông, nếu kiên định với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, thì tăng cung tín dụng không thể cao hơn năm 2010, chỉ nên khoảng 22-23%. Có nghĩa là, mục tiêu chính sách tiền tệ phải chặt chẽ hơn năm 2010. Cùng với điều hành linh hoạt hơn, nền kinh tế sẽ dần ổn định và tránh được những cú sốc lớn cho doanh nghiệp.

Ông Võ Trí Thành cho rằng, điều đầu tiên phải xác định là kiềm chế lạm phát một cách nghiêm khắc. Ngay cả tỷ lệ lạm phát 7% vẫn là quá cao, sẽ dẫn tới những khó khăn trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, nhất là không thể có chính sách lãi suất và tỷ giá nhất quán được. Lạm phát cao cũng sẽ khiến dòng tiền đổ vào sản xuất giảm, thay vào đó là các hoạt động đầu cơ ngắn hạn.

Tất nhiên, chúng ta cũng không thể đặt mức lạm phát khoảng 3-4% như mức trung bình của các nước đang phát triển, vì việc kéo lạm phát từ gần 12% năm 2010 xuống mức 3-4% trong năm tới sẽ gây ra những cú sốc lớn không cần thiết.

Theo quan điểm của Ông Võ Trí Thành, chúng ta nên đặt mục tiêu khoảng 6% trong năm 2011, làm cơ sở đưa tỷ lệ lạm phát của Việt Nam về mức tương đương với các đối tác thương mại trong những năm tới.

Quan trọng hơn nữa, quyết tâm này phải được hiện thực hoá một cách mạnh mẽ và hợp lý theo nghĩa có sự phối hợp tốt hơn giữa chính sách tiền tệ và tài khoá, cân nhắc tốt hơn giữa chính sách tiền tệ và điều tiết hệ thống ngân hàng.

Khi đó, tăng trưởng có thể sẽ giảm, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn hơn, nhưng với môi trường vĩ mô rõ ràng, doanh nghiệp sẽ tự điều chỉnh, tái cơ cấu một cách hợp lý theo hướng dài hạn. Ông Võ Trí Thành cũng nhắc tới yêu cầu nghiêm khắc hơn với chính sách tài khoá, để giảm áp lực cho chính sách tiền tệ, giảm áp lực cho doanh nghiệp khi buộc phải thực hiện thắt chặt để ổn định kinh tế vĩ mô.

Ông Võ Trí Thành nhấn mạnh, để chống lạm phát, biện pháp quan trọng mà cả thực tiễn và lý luận đều đã chứng minh là thắt chặt tài khóa (các khoản chi tiêu) và thắt chặt tiền tệ (cung tiền). “Trong ngắn hạn không thể có mục tiêu hoàn hảo. Để kiềm chế lạm phát và đạt được mục tiêu lớn là ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ phải thắt chặt và nhiều khi phải chấp nhận đánh đổi lợi ích của một số doanh nghiệp,” ông khẳng định.

Với đặc thù “cơ thể” kinh tế hiện chưa thể “hấp thụ” vốn hiệu quả, việc tăng cung tiền đã đẩy đồng Việt Nam mất giá cao hơn nhiều so với các đồng tiền khác, dẫn tới “vòng xoáy” USD, vàng… Bên cạnh đó, với đặc điểm là nước nhập siêu, khi tăng cung tiền đồng, giá tiền đồng sẽ mất giá so với USD, dẫn tới vòng xoáy lạm phát. Đặc biệt, với kim ngạch nhập khẩu máy móc thiết bị chiếm tỷ trọng cao trong đầu tư công, tình hình lạm phát hiện nay là do áp lực của tổng cầu bao gồm đầu tư và tiêu dùng.

M. Đ.

Nguồn: Tamnhin

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn