Ngẫm từ chuyện thư mạo danh tướng Đồng Sỹ Nguyên

Phạm Toàn

Kết quả của việc dựa vào những thư tố cáo nặc danh này nếu có được đánh giá "tốt, tốt lắm các đồng chí ạ", thì xã hội cũng cứ nên hồ nghi những "kết quả tốt" do thư tố cáo nặc danh mang lại. Một đội bóng thắng xứng đáng một đội bóng khác phải thể hiện ở sự hơn hẳn của những tiêu chí minh bạch, không thể dựa trên những vũ khí tù mù như sự dàn xếp tỉ số chẳng hạn.

LTS: Ngay sau khi đăng bài viết "Tướng Đồng Sĩ Nguyên lên tiếng về lá thư mạo danh", Tuần Việt Nam chúng tôi nhận được bài viết của nhà giáo – nhà văn Phạm Toàn về chủ đề này. Tôn trọng tính thông tin đa chiểu, để rộng đường dư luận, Tuần Việt Nam xin đăng tải bài viết dưới đây. Và mong mỏi nhận được nhiều bài viết của quý bạn đọc gần xa trong nước, nước ngoài về vấn đề này, một vấn đề đáng chú ý trong xã hội dân sự còn đang tiếp tục hoàn thiện.

Mạo danh và nặc danh

Mới đây, có chuyện một kẻ mạo danh nào đó viết thư rồi công bố lên phương tiện thông tin, thư đó ký tên vị tướng lão thành Đồng Sĩ Nguyên. May mà tướng Đồng Sĩ Nguyên biết, rồi lên tiếng nói rõ lá thư kia được mạo danh ông mà viết ra. Chỉ cần lão tướng thông báo tình tiết mạo danh đó, thế là toàn bộ "giá trị" gây rối của lá thư kia đã mất tác dụng.

Dư luận xã hội dễ thống nhất ý kiến trước hiện tượng thư mạo danh. Nhưng có vẻ như dư luận xã hội còn phân tâm trước hiện tượng thư nặc danh. Mọi người thấy còn rất khó nhất trí với giá trị của thư nặc danh: Tin hay không tin, hoặc giả có tin thì tin đến đâu vào những lá thư nặc danh, những lá thư không có tên và địa chỉ người viết đó?

Chuyện này cần được xét dưới ba góc độ: Tâm lý người viết thư (và do đó, cả tâm lý người đời trước thư nặc danh), đạo đức cá nhân và xã hội đối với thư nặc danh, và kỹ thuật xử lý với thư nặc danh.

Ném đá giấu tay

Góc độ tâm lý của người viết thư nặc danh gắn với động cơ của tác giả những lá thư đó, ít nhiều đều mang tâm lý ném đá giấu tay.

Ở đây có thể nói luôn: Động cơ của người viết thư nặc danh khó có thể là động cơ mang một tâm lý trong sáng, cái tấm lòng muốn làm thanh sạch đất nước, tấm lòng mang hy vọng lôi đất nước ra khỏi tệ nạn nào đó, tệ nạn tham nhũng chẳng hạn.

Vì sao dám nói động cơ ấy không trong sáng? Vì sự nặc danh gắn liền với ý muốn hoặc ý định báo thù. Vì sự nặc danh gắn liền với ý muốn hoặc ý định "lêu lêu bêu xấu". Vì sự nặc danh gắn liền với ý muốn hoặc ý định không chỉ trừng phạt kẻ có lỗi hoặc có tội, mà còn muốn "thằng ấy, con ấy" với cái mặt đáng ghét ấy, từ nay hết đường lừa đảo.

 

Một việc làm chống tham nhũng chẳng hạn, mà dựa trên những thư nặc danh của người viết thư mang động cơ như thế, thì dù có đưa được một vài ba phần trăm kẻ có tội ra vành móng ngựa thì cũng chẳng ích gì. Vì xã hội khi đó nếu có "thắng lợi" thì cũng thắng nhờ vào giải pháp bẩn thỉu, chứ không nhờ giải pháp của một xã hội dân sự có thể chế luật pháp và hành xử dân chủ và văn minh. Một "bước tiến" khi đó lại hàm chứa một vài bước lùi tâm lý xã hội.

Chưa kể là, chắc gì người viết thư nặc danh đã hoàn toàn vô tội hoặc vô can trong cùng một vụ việc với kẻ bị tố cáo, hoặc trong một và những vụ việc rất có thể cũng tày trời khác.

Một việc làm chống tham nhũng chẳng hạn, mà dựa trên những thư nặc danh của người viết thư mang động cơ như thế, thì dù có đưa được một vài ba phần trăm kẻ có tội ra vành móng ngựa thì cũng chẳng ích gì. Vì xã hội khi đó nếu có "thắng lợi" thì cũng thắng nhờ vào giải pháp bẩn thỉu, chứ không nhờ giải pháp của một xã hội dân sự có thể chế luật pháp và hành xử dân chủ và văn minh. Một "bước tiến" khi đó lại hàm chứa một vài bước lùi tâm lý xã hội.

Chưa kể là, chắc gì người viết thư nặc danh đã hoàn toàn vô tội hoặc vô can trong cùng một vụ việc với kẻ bị tố cáo, hoặc trong một và những vụ việc rất có thể cũng tày trời khác.

Kết quả của việc dựa vào những thư tố cáo nặc danh này nếu có được đánh giá "tốt, tốt lắm các đồng chí ạ", thì xã hội cũng cứ nên hồ nghi những "kết quả tốt" do thư tố cáo nặc danh mang lại.

Một đội bóng thắng xứng đáng một đội bóng khác phải thể hiện ở sự hơn hẳn của những tiêu chí minh bạch, không thể dựa trên những vũ khí tù mù như sự dàn xếp tỉ số chẳng hạn!

Đạo đức không thể bị ngờ vực!

Ta đã nói đến góc độ tâm lý của thư nặc danh, nhưng thực ra cũng đã xét rồi tới phương diện đạo đức của câu chuyện.

Phương diện đạo đức của người viết thư nặc danh, ngay cả trong trường hợp quẫn bách không thể không dùng tới biện pháp đó, để tránh bị trả thù chẳng hạn, thì cũng là trường hợp đạo đức đáng ngờ, hoặc là trường hợp cần phải bị ngờ vực về mặt đạo đức. Làm sao xã hội chúng ta lại có thể đặt niềm tin vào những kẻ giấu mặt? Đã giấu mặt thì lấy đâu ra địa chỉ cho trách nhiệm?

Xã hội làm sao có thể đủ lòng cả tin để chấp nhận người vô trách nhiệm đó như là một người không tì vết – nguyên việc người đó viết thư nặc danh, nguyên việc làm đó đã là một việc làm có tì vết rồi!

clip_image001

Kỹ thuật của một trình độ phát triển

Bây giờ, còn lại phương diện thứ ba của chuyện thư nặc danh: Kỹ thuật xử lý thư nặc danh.

Kỹ thuật xử lý này liên quan chặt chẽ tới trình độ của xã hội. Xử lý đúng thì về lâu về dài xã hội sẽ tốt đẹp lên. Xử lý tồi thì có được vài ba "thành công" song xã hội vẫn tụt dốc về sự phạm tội, về tâm lý tội phạm.

Sự tụt dốc đó về tâm lý và đạo đức diễn ra trước hết ở những ai hưởng lợi cả từ việc công nhận hoặc gạt thư nặc danh ra khỏi mọi quy trình xử lý tội hoặc lỗi (tội, thuộc hình sự, lỗi, thuộc dân sự).

Điều nguy hiểm nhất của việc tin vào thư nặc danh là ở chỗ, nó hạn chế mặt kỹ thuật căn bản xử lý tội phạm – mà kỹ thuật trung tâm chẳng mấy khó hiểu. Đó chỉ nằm quanh quanh mấy chỉ tiêu mắt thường nếu không hoa mắt do bị tay nhúng chàm che bịt, thì thảy đều nhìn thấy hết sức tinh tường: Pháp luật ngày càng hoàn thiện, pháp chế ngày càng nghiêm minh, dư luận xã hội ngày càng cới mở và được huy động công khai, mạnh mẽ để theo dõi, giám sát việc làm ra pháp luật và việc thực thi pháp chế.

Giáo dục

Nhà trường, sự nghiệp giáo dục phổ thông, không thể đứng ngoài công cuộc xây dựng một xã hội minh bạch. Ở đó không tồn tại việc "phát huy ưu điểm" và "sửa chữa khuyết điểm" dựa trên các thư nặc danh.

Môn học Lối sống sẽ phải thay thế môn "Đạo đức" áp đặt, giúp trẻ em ngay từ lớp 1 đã phải được rèn luyện cách sống an nhiên với bản thân và cách sống đồng thuận với cộng đồng.

Trong cách sống với bản thân mình, cần phục hồi hình thức phê bình và tự phê bình – trước hết là hình thức tự nhận xét việc học của bản thân – một nền nếp đã có trong nền giáo dục Việt Nam độc lập từ những năm 1950 thế kỷ trước. Thật xấu hổ khi thấy trẻ em các trường quốc tế chân chính ở Việt Nam lại đang thực hành tự phê bình, trong khi "quy luật phát triển" ấy lại bị những tác giả của nó né tránh hoặc bị đem dùng vào việc đấu đá.

Xây dựng nền tảng cho một xã hội đẹp tươi muôn đời bền vững phải dựa trên những việc làm tốt, không thể dựa trên những việc làm xấu – trong đó có thư tố cáo nặc danh – cho dù chúng được những ai đó coi là "biện pháp tình thế".

P. T.

Nguồn: Tuanvietnam

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn