Người nông dân không im lặng

Quốc Việt

TT - Người nghèo thường cam chịu, dễ bị đè đầu cưỡi cổ. Nhưng với anh nông dân nghèo Phùng Sĩ Lâm thì không...

clip_image001

 

Trong căn nhà trống hoác, ông Lâm kiên trì viết đơn, tìm chứng cứ để đấu tranh chống tham nhũng - Ảnh: QUỐC VIỆT

 

Tiếp tôi ngay bên bờ ruộng với đôi tay vẫn còn lấm lem bùn lầy, người nông dân không im lặng Phùng Sĩ Lâm ở xã nghèo Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa trầm tư kể: “Họ bắn tin đe dọa sẽ diệt từng người dám tố cáo mà trong đó đầu danh sách là tôi. Lúc đầu tôi cũng lo. Nhưng rồi tôi nghĩ lại nếu sợ hãi mà rút lui giữa chừng thì mình cũng chết! Tôi có niềm tin rằng khi những nông dân chân đất ít học như tôi mà dám đứng lên vì lẽ phải thì chắc chắn cái thiện sẽ chiến thắng cái xấu thôi...”.

Mồ hôi, nước mắt ở quê nghèo

Trước khi về Thanh Hóa tìm Phùng Sĩ Lâm, tôi đã gặp những người cùng anh được mời đi dự hội nghị vinh danh chống tham nhũng ở Đà Nẵng. Bác Nguyễn Công Uẩn, người từng “lên bờ xuống ruộng” vì đấu tranh chống tiêu cực ở Bắc Ninh, kể: “Cái nhà anh Lâm ấy được trung ương mời đi vinh danh mà chân tay vẫn còn đen sì sì bùn đất, nhưng tính cách mạnh mẽ lắm. Anh chẳng vòng vo cứ vỗ thẳng mặt, nói thẳng tên những kẻ tham nhũng, hại dân”.

Từ Hà Nội, tôi đã gọi điện hẹn trước anh Lâm, nhưng khi về tận xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia, vẫn rất khó khăn mới tìm được nhà. Vợ chồng anh đang cày cuốc ngoài ruộng, cô con gái làm công nhân ở tận Đồng Nai. Hàng xóm có người lại ngại chỉ đường.

Hình như họ chẳng muốn vạ lây cùng anh nông dân đã “chiến đấu” và gây thù chuốc oán với một loạt quan địa phương này. Cuối cùng, cũng có một bác lặng lẽ chịu chỉ đường nhưng kín đáo dặn dò: “Ai hỏi đừng nói tôi chỉ nhà anh Lâm nhé. Lắm kẻ không thích anh ta đâu”. Tiếp tôi ngay bờ ruộng, Lâm rơm rớm nước mắt xúc động khi nghe giọng miền Nam. Anh tâm sự muốn vào Nam thăm con gái lắm nhưng chưa xoay đủ tiền tàu xe để vào. Nhà nghèo quá, quanh quẩn chỉ trông vào mấy sào ruộng, xót con nhưng chẳng biết làm thế nào!

 

"Hôm nay chúng tôi có thể thua, nhưng ngày mai chúng tôi sẽ thắng, và nếu không thì con cháu chúng tôi cũng sẽ thắng"

Phùng Sĩ Lâm

Lặng nhìn hình ảnh nông dân cần mẫn gập lưng làm việc, mồ hôi ròng ròng nhỏ giọt trên đồng, Lâm ưu tư tâm sự gia đình anh cũng chỉ là nhà nghèo trong rất nhiều nhà nghèo ở miền quê Thanh Hóa này. Hầu hết dân địa phương đều sống nhờ ruộng. Nhưng đất chật người đông, họ cố gắng, vất vả thế nào thì vẫn khó tránh khỏi cảnh nghèo. Trung bình mỗi sào ruộng ở đây chỉ thu hoạch được 1,5 tạ thóc cho vụ trúng. Trừ chi phí đầu tư canh tác và chục thứ thuế phí, lệ phí cho địa phương, may mắn lắm cũng chỉ còn khoảng 50kg thóc về nhà nông dân. Đó là chưa kể công sức, mồ hôi trực tiếp của nông dân đổ ra.

Có vun vén từng hạt thóc, họ cũng rất khó khăn trong trang trải cuộc sống, lo ăn học cho con cái. Nhiều bậc cha mẹ như anh Lâm phải bậm môi đến bật máu, nuốt nước mắt vào trong để con cái ly hương mưu sinh phương xa. “Từ một nông dân ít học, tôi buộc phải mở mồm, phải đấu tranh với cái xấu, cái sai cũng vì chuyện này. Người dân quê tôi kiếm miếng ăn cũng đã đẫm mồ hôi nhọc nhằn rồi, không thể chịu khổ hơn được nữa!”.

Lâm trầm ngâm kể mọi chuyện bắt đầu từ những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai nông nghiệp của chính quyền địa phương. Ruộng đồng khan hiếm, thiếu hụt đến mức nông dân không dám lơi tay, cho đất nghỉ lúc nào. Trên một mảnh đất nhỏ, họ phải cần mẫn xoay xở ba tầng kinh tế với chuồng heo trên ao cá, rồi lại thêm giàn bí trên mái chuồng heo để kiếm thêm từng đồng lẻ.

Thế nhưng, từ chủ trương nặng tính hình thức xây dựng mới nhà văn hóa thôn, chính quyền xã Hải Ninh đã đồng loạt cho bán đất nông nghiệp sai thẩm quyền, sử dụng tiền sai mục đích và vi phạm trong quản lý đất đai, kinh tế, xây dựng cơ bản. Trong đó, cấp thôn cũng được xã “bật đèn xanh” để bán đất canh tác nông nghiệp, đất dự phòng và bán luôn cả nhà văn hóa thôn cũ để lấy tiền xây nhà văn hóa mới.

Đặc biệt, tiền thu từ hàng chục ngàn mét vuông đất bị bán đi chỉ nộp về ngân sách xã một ít, còn lại bị sử dụng sai mục đích. Nông dân nghèo Hải Ninh đã thiếu đất sản xuất lại càng thiếu hơn. Nhiều trai tráng tiếp tục rời quê kiếm sống tha phương! Trong khi đó, các cuộc họp địa phương vẫn liên tiếp yêu cầu nông dân đóng góp thêm tiền để xây dựng các công trình chưa thật sự cần thiết.

Tiếng dân sau lũy tre làng

“Dân quê tôi sinh ra trên ruộng rồi đổ mồ hôi trên ruộng để kiếm miếng ăn. Những chuyện đổi thay từ đất đai chúng tôi đều cảm thấy như từ chính máu thịt mình!” - anh Lâm đau đáu tâm sự vụ việc khuất tất này kéo dài, nhiều nông dân bức xúc thể hiện rõ thái độ không đồng tình nhưng vẫn chìm trong bóng tối. Thậm chí, một số người dân còn bị cán bộ địa phương gây khó khăn, trở ngại vì thái độ bất hợp tác của họ với sự sai trái. Con em họ đi làm ăn xa rất khó khăn trong xin giấy tạm vắng. Nhiều trường hợp phải đóng tiền mới được ký.

Ăn bẩn đến thế là cùng

Có lần anh Lâm đã rớt nước mắt chứng kiến cảnh một nữ sinh không có cha mẹ, phải sống nương tựa vào người bà đã ngoài 80 tuổi bán khoai sắn. Gia cảnh quá khó khăn, em đành phải nghỉ học vào Nam làm công nhân. Nhưng khi xin giấy tạm vắng, cán bộ xã đã làm khó, bắt em phải vay mượn tiền đóng cho xã mới được ký. Họ ăn bẩn đến thế là cùng...

Bức xúc, anh Lâm phản ứng quyết liệt, đòi phải minh bạch mọi chuyện đúng sai. Nhiều đêm anh thức trắng để suy nghĩ viết thư kiến nghị, tố cáo lên cấp trên. Sự việc đến tai những đối tượng liên đới, anh Lâm bị đe dọa “tiêu diệt từng người”.

Những lời hăm dọa không lay chuyển được người nông dân, họ quay sang tố cáo anh là thành phần gây rối nguy hiểm, làm mất ổn định ở địa phương. “Nhưng tôi đau lòng nhất là họ đã chửi tôi ngu dốt, không biết điều và thách thức làm được gì. Tôi trả lời thẳng họ rằng tôi có thể là nông dân ít học thật, nhưng tôi không tham nhũng một tấc đất của ai, không ăn trên mồ hôi nước mắt người nào và cũng không làm điều gì có tội với xóm làng mình”.

Phản ứng trực tiếp với địa phương đã không có kết quả mà còn bị hăm dọa, miệt thị, anh Lâm gửi đơn kiến nghị lên trên thì được trả lời đã chuyển vụ việc về địa phương giải quyết. Anh về làng, đề nghị bà con nông dân họp biểu quyết ý kiến. Những đối tượng liên đới biết tin tìm cách cản trở không cho cuộc họp diễn ra.

Họ bắn tin: “Thằng Lâm là thành phần gây rối, nguy hiểm, ai dây vào nó chỉ thiệt thân”. Nhưng cuối cùng, nông dân vẫn đến họp. Hầu hết ý kiến đều đồng tình kiến nghị lên cấp trên phải làm rõ những khuất tất trong quản lý, mua bán đất đai, thu chi tài chính và xây dựng công trình ở địa phương.

Ngồi làm thư ký ghi chép cuộc họp, anh Lâm đã xúc động không cầm được nước mắt khi nghe nông dân nghèo kể nỗi niềm của mình! Thậm chí khi biên bản cuộc họp đã hoàn thành, những đối tượng liên đới vẫn tìm đến từng nhà nông dân để vừa hăm dọa vừa năn nỉ xin xóa chữ ký đồng tình kiến nghị. Nhưng họ kiên quyết lắc đầu và nói thẳng: “Chúng tôi chỉ ủng hộ cái đúng”.

“Tôi chỉ làm những điều lương tâm thấy đúng”

Vụ việc lan dần ra thôn xóm. Anh Lâm từ một mình lặng lẽ đấu tranh chống tiêu cực đã được nhiều nông dân khác trực tiếp hoặc âm thầm ủng hộ. Họ đóng góp phí cho anh đi lại gửi thư kiến nghị và thu thập chứng cứ, tài liệu. Sự việc kéo dài suốt từ năm 2006 đến năm 2009 thì dần ra ánh sáng. Từ cơ sở các kiến nghị, tố cáo của nông dân, các cơ quan thanh tra, công an, viện kiểm sát vào cuộc.

Cuối cùng, lẽ phải và sự công bằng đã thuộc về những nông dân nghèo Hải Ninh. Cáo trạng của Viện KSND huyện Tĩnh Gia truy tố 13 cá nhân, gồm cả nguyên bí thư, nguyên chủ tịch UBND xã và nguyên sáu trưởng thôn xã Hải Ninh. Hội đồng xét xử tuyên nguyên chủ tịch UBND xã Lê Hữu Nho 36 tháng tù treo, bí thư chi bộ bị đình chỉ công tác và các đối tượng khác cũng bị án treo 18-36 tháng...

Buổi sáng hôm tòa xét xử, anh Lâm vẫn lặng lẽ vác cuốc ra đồng. Có người hỏi: “Sao không đến tòa xem kết cuộc đấu tranh của mình thế nào?”. Anh nhẹ nhàng trả lời: “Trách nhiệm công dân của tôi đã hoàn thành, giờ hãy để pháp luật xét xử công minh”.

Cuối năm 2009, được mời đi dự hội nghị vinh danh các cá nhân đấu tranh chống tham nhũng ở Đà Nẵng, có người đã hỏi nông dân Phùng Sĩ Lâm rằng sau cuộc đấu tranh này sẽ tiếp tục như thế nào? Anh bình thản xòe bàn tay đen đủi, cáu đen bùn đất rồi nhẹ nhàng trả lời: “Thì lại tiếp tục cày ruộng thôi. Tôi vẫn là nông dân mà. Tôi chỉ làm những điều gì lương tâm tôi thấy đúng cho mình và đồng bào mình thôi”.

Q. V.

Nguồn: Tuoitre

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn