Nhà văn Nguyễn Quang Thân: Nghĩ về cái khó của trí thức Lam Sơn thuở ấy...

TTCT50 8p32den39.indd

Nhà văn Nguyễn Quang Thân - Ảnh: T.N.T.

TTCT - Tiểu thuyết Hội thề của nhà văn NGUYỄN QUANG THÂN vừa được trao giải A cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn Việt Nam lần 3 (2006-2009). Một cuốn tiểu thuyết lịch sử nhưng “không kể chuyện lịch sử“ mà tái hiện một thời khắc, với cái nhìn và tâm thế của người hôm nay.

* Thưa ông, tiểu thuyết Hội thề tuy dài gần 400 trang nhưng chỉ thuật lại câu chuyện của dăm bảy ngày trước trận Xương Giang lịch sử. Tại sao ông lại chọn cái thời khắc ấy?

- Nhà văn Nguyễn Quang Thân: Khi cuộc chiến tranh giải phóng - khởi nghĩa Lam Sơn - bước vào giai đoạn chót là lúc chuyện cũ kể chưa xong mà chuyện mới đã bắt đầu. Le lói những vấn đề hậu chiến, tranh giành và phân chia quyền lực, quyền lợi trong triều đại mới. Khác với bảy ngày trước đó, cuộc chiến là bản hùng ca với tiếng kèn đồng hào sảng. Nhưng trước sau trận Xương Giang, khi đội quân hùng mạnh của Bắc triều đang khốn đốn bên bờ vực bị tiêu diệt dễ như trở bàn tay, hãy lắng nghe cho được những âm thanh khác từ nhiều phía, kể cả phía kẻ thù. Trên bình diện ngoại giao, vấn đề là thắng một trận lẫy lừng cho Nhị Hà “vạn cổ huyết do hồng” hay nghĩ cách thắng mà vẫn có trăm năm hòa hiếu, hòa bình? Và cả trong lòng người với những toan tính cũng rất người. Tôi có tham vọng dựng lại nhát cắt ấy của lịch sử, ngắn gọn nhưng bao trùm và có chiều sâu.

* Như vậy việc Nguyễn Trãi đưa ra kế sách giảng hòa, trong khi quân Lam Sơn của Lê Lợi đang hừng hực khí thế và hoàn toàn có thể chiếm thành Đông Quan trong oanh liệt, phải chăng là câu chuyện của quân sư và nhà vua với điệp trùng uẩn khúc, hiểm họa... mà ông vốn nghiền ngẫm, tâm đắc?

- “Mưu kế này của vua ta cổ kim chưa từng có”, đó là lời bình của Lê Quý Đôn. Một quyết định, đúng hơn là một mưu kế được thực thi trong vài ngày mà đem lại 365 năm hòa bình (tính đến ngày Tôn Sĩ Nghị phi ngựa qua biên ải) bên cạnh anh hàng xóm phương Bắc luôn lăm le tham vọng thì quả thật chưa từng có. Trí tuệ này của cha ông đáng ngợi ca muôn đời! Cũng không nên chỉ gán cho Nguyễn Trãi là tác giả duy nhất. Mà trước hết là vua ta - Lê Thái Tổ - và toàn bộ tham mưu nghĩa quân. Nhưng nếu không có những Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Lưu Nhân Trú... những nhà khoa bảng tham gia trong bộ tham mưu ấy, nếu họ, những kẻ hay có ý kiến nghịch nhĩ ấy bị ghẻ lạnh, bị “khinh bỉ như trẻ con”, thậm chí bị mời đi chơi chỗ khác thì liệu chiến tranh có kết thúc được theo cách “cổ kim chưa từng có” ấy không?

Liệu khởi nghĩa Lam Sơn có trở thành cuộc chiến tranh giải phóng mẫu mực nhất của lịch sử dân tộc, mẫu mực về chiến lược chiến thuật, về cách kết thúc và cả chính sách thời hậu chiến, với kẻ thù và cả với nội bộ nhân dân vừa ra khỏi hai chiến tuyến đối nghịch? Nhưng trí thức đi với khởi nghĩa dù là giải phóng dân tộc, thích nghi không dễ. Nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử chỉ là “nói vọng”, “nói leo”, dù vậy tôi vẫn muốn người đời nay suy nghĩ về cái khó của trí thức Lam Sơn thuở ấy như thế nào.

* “Ngẫm lại thấy mọi can qua đều do lòng tham đã đành nhưng cũng còn do coi thường kẻ khác”, đó là câu mà Thái Phúc nói với Nguyễn Trãi trong tiểu thuyết. Cũng có thể xem đây là cốt lõi của văn hóa, là đạo của sinh tồn?

- Hàng tướng có học Thái Phúc vì sợ vạ miệng nên không dám nói thẳng. Nhưng chính ông ta đang nói về cái nước lớn luôn trịch thượng với láng giềng của ông. Thầy Trần Quốc Nghệ, ông thầy “siêu giỏi” của chúng tôi, có lần muốn “cải” Khổng Tử. Thầy nói: “Giá như Khổng Khâu chỉ viết “tứ hải giai huynh” (bốn bể đều là anh của ta) thì hay biết mấy, chắc thiên hạ đã tránh được nhiều cuộc chém giết giành đất, giành biển”. Tôi có kể lại chuyện này tại một cuộc gặp mấy nhà văn ở Hội Nhà văn Thượng Hải, họ đều trầm trồ: “Thầy của ông nói đúng quá!”. Dạo đó (năm 1996) thế giới chưa ai thấy có cái lưỡi bò muốn ngọ nguậy trên biển Đông. Hãy cứ gọi tha nhân là “anh”, người ta sẽ gọi mình là “anh”. Cái văn hóa văn minh ấy theo như thầy tôi nói, chính ông thánh Khổng Tử cũng chưa thật “quán triệt”.

* Thưa ông, vì sao ông lại chọn thể loại tiểu thuyết lịch sử?

- Hình như nhà văn A. Dumas (cha) có nói một câu đại khái thế này: “Lịch sử là cái mắc áo mà tôi mượn để treo cái áo của tôi”. Mắc áo thời nay không quá hiếm để tôi phải mượn của lịch sử. Với các tiểu thuyết Một thời hoa mẫu đơn, Ngoài khơi miền đất hứa và Con ngựa Mãn Châu tôi đã tự làm lấy mắc áo để treo các áo của tôi rồi, không phải mượn của ai. Tôi chọn thể loại tiểu thuyết lịch sử vì yêu mến đất nước và bái phục cha ông ta đã để lại những bài học giá trị không những cho con cháu hôm nay mà cho loài người.

TRẦN NHÃ THỤY thực hiện

Nguồn: Tuoitre

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn