Quốc hội sẽ hợp lòng dân?

Mặc Lâm, phóng viên RFA

clip_image001

Ủy ban Nhân dân TP HCM. RFA photo

Những buổi họp thăm dò ý kiến cử tri đã chứng tỏ Quốc hội tiến bộ hơn trước do nhiều đại biểu đã thẳng thắn đưa ra những vấn đề bức xúc đòi giải thích cho người dân.

Liệu khóa tới Quốc hội có giữ được tinh thần này hay không vẫn làm nhiều người suy tư.

Ngày 29 tháng 11 vừa qua, hơn 500 cử tri tại TP HCM đã có cuộc gặp gỡ với các đại biểu vừa tham dự cuộc họp Quốc hội trở về. Trong dịp này nhiều cử tri cho rằng hoạt động chất vấn của QH tại kỳ họp này đã được cải tiến, đạt hiệu quả thiết thực và có chất lượng, không khí các phiên chất vấn thể hiện tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm và xây dựng.

Cử tri Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các đại biểu của họ phải nghiên cứu để cải tiến, nâng cao chất lượng và làm việc hiệu quả hơn nhất là phải gần dân hơn để nắm ý kiến của họ về những vấn đề bức xúc của xã hội.

Cử tri thành phố không thắc mắc gì về việc các vị dân cử đơn vị thành phố Hồ Chí Minh không hề lên tiếng trong các phiên chất vấn và do đó không đem nguyện vọng của họ đến với những Bộ trưởng hay những thành viên Chính phủ có trách nhiệm.

Theo nhiều người nhận xét thì đây là khóa họp có những chuyển biến sâu xa nhất có tầm ảnh hưởng đến nhận thức của nhiều tầng lớp nhân dân. Những pha chất vấn không khoan nhượng của các đại biểu đối với các Bộ trưởng và ngay cả với Thủ tướng đã làm người dân phấn chấn.

Trên từng khu phố, người dân bàn luận chuyện chất vấn như một điều gì lạ lùng lắm xảy ra trong đời sống của họ. Bức màn bất khả xâm phạm xưa nay đã đựơc vén hết lên để họ thấy khung cảnh tranh luận gay gắt của cơ quan làm luật cao nhất nước.

Vấn đề nhân sự

clip_image002

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Photo courtesy of chinhphu.vn

Đối với luật sư Trần Lâm, nguyên Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao thì ưu tư của ông là rồi đây Quốc hội sẽ trở lại tình trạng như cũ nếu các đại biểu năng nổ và có trách nhiệm trong nhiệm kỳ này không còn đứng trong hàng ghế chất vấn nữa. Theo ông, Quốc hội cần phải có ít nhất 1/3 thành phần mà ông gọi là cốt cán để lãnh đạo, có như thế mới có thể tiếp tục gìn giữ thành quả của những tranh luận, chất vấn mà khóa này đạt được, ông nói:

"Quốc hội từ bao lâu nay hoạt động không hữu hiệu, như là cái cổng sau của đảng. Nay Quốc hội đã thay đổi rồi, đã có một sự khởi sắc rồi, thì nguyên nhân cái khởi sắc ấy là từ cốt cán. Nếu không có cốt cán thì chỉ lấy người vào cho đẹp thôi thì không bao giờ làm được việc. Thế nhưng nếu chúng ta không giữ cốt cán thì vài hôm nữa người ta lại phá tan cái cốt cán ấy đi, người ta lại cho những người khác vào thì trở lại bằng không!

Có được một tí hành trang thế nhưng không tiếp tục, giao cho người khác đến khi hành trang ấy lại mất đi thì uổng quá. Thế cho nên Quốc hội phải có người cầm đầu, Quốc hội phải có nòng cốt, Quốc hội phải có những chính khách, còn làm thế nào để có thì là cái việc sau này.

Quốc hội của người ta thì người ta đa đảng. Hai đảng đấu tranh thế là hai cốt cán. Hai cái tinh hoa của dân tộc người ta đấu tranh gay gắt để tìm ra chân lý cho dân tộc. Vì người ta có đa đảng trong khi mình là độc đảng, độc đảng thành ra Quốc hội trở thành một vật trang trí thì nguy hiểm quá!".

Nay Quốc hội đã thay đổi rồi, đã có một sự khởi sắc rồi, thì nguyên nhân cái khởi sắc ấy là từ cốt cán.

LS Trần Lâm

Mặc dù có đại biểu không hề lên tiếng trong các cuộc họp Quốc hội nhưng đối với bà Nguyễn Nguyên Bình, một người từng than thở rằng chưa bao giờ bà được dịp thấy tận mắt người mà bà bỏ phiếu trong nhiều chục năm qua. Tuy không được trực tiếp đặt các câu hỏi cho đại biểu của mình nhưng cử tri Nguyễn Nguyên Bình cho rằng các đại biểu có khó khăn của họ, bà nói:

"Tôi nghĩ điều này chắc khó vì sở dĩ có các vị đại biểu họ phát biểu nhiều vì các vị ấy là đại biểu chuyên nghiệp. Các vị ấy có nhiệm vụ phải phát biểu ý kiến của cử tri, có thời giờ để nghiên cứu các vấn đề. Có đại biểu tôi thấy đã lâu có phát biểu gì đâu. Các ông ấy là bán chuyên nghiệp, người ta làm việc khác, đến họp Quốc hội cũng chỉ là đi tham khảo thôi chứ không thấy họ phát biểu gì cả".

Đối với điều mà LS Trần Lâm gọi là một Quốc hội chỉ có tính cách trang trí, ông nói:

"Bảo Quốc hội là của dân là ý mình nói vậy thôi cho nó tuyên truyền cổ động một tí, chứ người ta chỉ định ai thì được, ai mà người ta không đồng ý thì người ta đã có hiệp thương của Mặt trận rồi!

Tôi chống lại việc trang trí và tôi chống lại một cách yếu ớt là yêu cầu để lại một phần ba đại biểu. Nếu thừa nhận cái Quốc hội này là tốt rồi mà Quốc hội kỳ sau bắt phải học từ ABC nữa thì không được. Hãy nhín cho tôi một ít để làm việc. Đấy là một đề nghị rất là khiên tốn rất là khúm núm mà ông cũng không đồng ý thế tức là ông chỉ muốn Quốc hội là bù nhìn thôi!".

Tin vào lớp trẻ

Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông. Photo courtesy of songlo.com

Với nhìn nhận rằng Quốc hội hiện nay đã lớn lên trước trào lưu dân chủ không thể cưỡng lại của thế giới nhưng vẫn còn những lực cản nhất định từ đảng, LS Trần Lâm hết sức thống thiết khi chia sẻ:

"Tôi đang muốn là: thôi thì ông cử người vì đảng cũng được, do đảng cũng được! Ông chỉ cho tôi xin một tí dân chủ, 30% thôi! Tôi xin đa đảng nhưng mà đảng của tôi ở trong quốc hội chỉ 25% thôi ông ạ! Chứ tôi không dám 50% , không dám là đa số. Tôi xin dân chủ, tôi xin cái chân chầu rìa chỉ 25% mà thôi!".

Tuy nhiên đối với một cử tri có cái nhìn đơn giản hơn thì bà Nguyễn Nguyên Bình cho rằng:

"Không khí của đất nước hiện nay tôi nghĩ là dần dần nó sẽ tốt lên. Trước kia có rất nhiều đại biểu, mà ngay cả bản thân tôi nữa! Tôi cho những vấn đề lớn của đất nước trước kia ai mà quyết thì tôi cho là tốt rồi, tôi cũng chằng phải suy nghĩ nhiều lắm đâu.

Tôi nghĩ rằng lớp trẻ biết đâu người ta lại có sự tự chủ cao hơn, có lòng hăng hái hơn thì sao?

Bà Nguyễn Nguyên Bình

Nếu suy nghĩ thì tôi thấy điều chưa hay lắm chỉ là chuyện nhỏ thôi, nhưng bây giờ thì mình thấy đúng là có nhiều vấn đề mình cần phải suy nghĩ và tranh luận. Các đại biểu tôi nghĩ họ cũng thế. Những ông hay phát biểu trong Quốc hội khóa trước như Nguyễn Ngọc Trân, hay Quốc Thước, Vũ Ngọc Ngoạn…nhiều ông phát biểu rất thẳng thắn".

Với niềm tin rằng sóng sau sẽ xô sóng trước bà Bình đặt câu hỏi: "Tôi nghĩ rằng lớp trẻ biết đâu người ta lại có sự tự chủ cao hơn, có lòng hăng hái hơn thì sao? Cho nên tôi tin rằng rồi sẽ có ngày người ta nói, người ta sẽ suy nghĩ nhiều về những quyền lợi của nhân dân của đất nước chứ không phải lo”.

Lạc quan hay không thì người dân cũng chỉ tin vào những đại biểu có khí phách, đủ can đảm thoát ra vòng kềm tỏa của đảng để nói lên tiếng nói của họ. Bao nhiêu năm trôi qua, người dân như bị bịt mắt, chỉ được nghe những lời có cánh từ truyền thông nhà nước, nay thì những tiếng nói của Nguyễn Minh Thuyết, Dương Trung Quốc, Phạm Thị Loan hay Lê Văn Cuông đã nói giúp họ những nguyện vọng thầm kín nhất mà người bình thường không thể nói.

Quốc hội khóa tới dù có hay không có những khuôn mặt nổi bật này thì niềm tin của người dân đã phần nào trở lại. Niềm tin ấy sẽ được dùng để làm cơ sở so sánh với các trì trệ của những người mang danh đại biểu nhưng quyền lợi của cử tri chỉ đến sau khi quyền lợi của đảng được đặt ra mà thôi.

M. L.

Nguồn: RFA

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn