Sao tôi lúc nào cũng nghĩ về họ?

Vi Toàn Nghĩa

Sao tôi lúc nào cũng nghĩ về họ?

imageĐó là những người ngư dân Việt Nam không cứ ở tỉnh nào trên 3200 km từ Hà Tiên đến Móng Cái. Không quen ai cả! Không biết ai cả!

Ra siêu thị mua cá ngừ đại dương, tôi lại nhớ về họ. Mỗi khi VTV1 báo có bão trên biển Đông, tôi lại nghĩ về họ.

Khi còn chiến tranh, họ đánh bắt thủy sản ven bờ, ngoài khơi xa kia là tàu chiến đối phương. Họ là dân, cũng là người chiến sĩ, họ bắn máy bay bằng súng trường, vào đến bờ lại lo cho con cái tránh pháo bầy bắn từ ngoài biển. Không có đá lạnh, họ phải giữ thủy sản bằng muối. Bom đạn làm lượng cá ít đi. Không có độc lập, họ không phải là ngư dân đúng nghĩa, họ đành trở thành "thợ đánh dậm" ven bờ. Vậy mà ở các thành phố, ở những nơi sơ tán khi chiến tranh ác liệt, chúng ta vẫn nhận được những con cá tuy ít và bé nhưng mặn mòi tình người của họ. Có phải vì thế mà tôi hay nghĩ về họ?
Cho đến hôm nay, khi đất nước đã về một mối, 3200 km đường biển đã là của chúng ta – "nước Việt Nam dân chủ cộng hòa" (thơ Tố Hữu) – Chính phủ của cộng đồng chúng ta đã giúp đỡ họ qua "dự án đánh bắt xa bờ", đã giúp đỡ trang bị để họ "vươn ra biển lớn" cùng với đất nước.

Nhưng hoàn cảnh đâu có chiều con người. Thời gian gần đây họ luôn gặp họa.

1. Giặc họa

Họ luôn bị tàu "lạ" đâm chìm rồi bỏ đi, để họ chơi vơi không phương tiện cứu hộ cách xa bờ hàng trăm cây số. Ai bảo vệ họ đây?
Họ bị bắt, bị đòi tiền chuộc hàng trăm triệu đồng. Ai sẵn sàng bỏ tiền ra cho họ? Danh sách cứ dài... dài mãi...
Đặc biệt nghiêm trọng là các vị trí tàu Việt Nam bị đâm ngày càng gần bờ (ngày 3/12/2010, điểm bị đâm chỉ cách Vũng Tàu 30 hải lý).

2. Trời họa

Biến đổi khí hậu, bão tố liên miên và bất thường. Đã có bao con tàu ra đi để vĩnh viễn không bao giờ về bến? Bao nhiêu người chồng, người cha, không được nói lời vĩnh biệt vợ con? Bao nhiêu người không được mai táng, đưa tiễn của cộng đồng – những quyền lợi cuối cùng của một đời người? Danh sách cứ dài... dài mãi...

3. Cơ chế và nhân họa

Ở các nước khác, cơ quan Tìm kiếm cứu nạn là cơ quan chuyên trách – tức là CHUYÊN NGHIỆP. Ở nước ta Tìm kiếm cứu nạn (Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn quốc gia) là cơ quan KIÊM NHIỆM – tức là NGHIỆP DƯ.
Nghiệp dư có nghĩa là:

– Thiết bị cứu hộ nghiệp dư (kể cả máy bay cũng không phải máy cứu nạn chuyên dụng) nên đã rất nhiều lần bay bên trên người bị nạn nhưng không phát hiện được họ vì không có thiết bị chuyên dụng.

– Việc điều động phức tạp, chậm trễ (các máy bay này do quân đội quản lý).
– Nghiệp dư nên trách nhiệm cũng nghiệp dư luôn: Thật là đau lòng, cơ quan cứu hộ mặc cả tiền nong với người bị nạn ngay trên biển, chuyện chưa từng có trên thế giới, và sau đó bỏ mặc người bị nạn. Tôi biết nói gì bây giờ? Có lẽ không ngôn từ nào có sức thể hiện!

Cộng đồng biết trả ơn những khúc cá ngừ của các bạn thế nào bây giờ?
Ý kiến của tôi:
Từ rất lâu rồi tôi nghĩ về họ. Tôi không có tiền, lại càng không có quyền, tôi chỉ xin có ý kiến thế này (chỉ là ý kiến thôi):

a/ Về cơ quan cứu nạn

– Cơ quan cứu nạn phải là chuyên trách.

– Lãnh đạo cơ quan cứu nạn phải là chuyên nghiệp. Phải có quyền điều động tất cả nhân lực, vật lực của bất cứ Bộ nào (kể cả Văn phòng Chính phủ) mà không phải xin phép trước.

– Lãnh đạo cơ quan cứu nạn phải là người rất có trách nhiệm, và tự chịu trách nhiệm.

– Nhân lực của cơ quan cứu nạn phải là người có được đào tạo (thậm chí đào tạo ngoài nước) và phải làm việc theo chế độ ứng trực.
b/ Về vật lực dùng cho cứu nạn

Phải được trang bị thiết bị chuyên dụng theo tiêu chuẩn quốc tế, như máy xác định vị trí (thuyền, người bị nạn) theo tần số quốc tế (121,5 MHz); thiết bị xác định vị trí qua vệ tinh địa tĩnh; có đội tàu thuyền và máy bay riêng ứng trực (24/24) trên 3 miền Bắc, Trung, Nam. Máy bay cứu nạn nên dùng loại UH-1 (Hoa Kỳ đang giúp ta nâng cấp loại này) và ít nhất phải có 12 chiếc cho 3 miền, không nên dùng MI-171 vì cồng kềnh và đắt tiền.
c/ Về ngư dân

Hiện nay cả nước ta có khoảng 130.000 tàu đánh bắt thủy sản – với 700.000 ngư dân trên các tàu đó. Thông tin liên lạc cứu hộ có 30 đài thông tin duyên hải (TTDH) trải dài theo 3.200 km bờ biển, một đài liên lạc vệ tinh địa tĩnh đặt tại Hải Phòng; song vì điều kiện kinh tế chỉ có gần 50% số tàu được lắp máy liên lạc 2 chiều (chế độ song công – máy HF). Khi tàu chìm, máy chìm theo.
Đặc biệt họ chưa được trang bị phao vô tuyến thông báo vị trí (EPIRB), nên khi gặp nạn như tàu chìm, thì tàu cứu hộ, máy bay cứu hộ và vệ tinh địa tĩnh rất khó tìm ra họ giữa biển cả bao la.
Có lẽ nhà nước nên giúp đỡ họ trang bị (về kinh phí), hướng dẫn họ sử dụng những thiết bị cứu hộ, cứu nạn hiện đại.

Theo tôi nghĩ nếu được nhà nước quan tâm, làm thành dự án cho chương trình này thì đây sẽ là một dự án đạt cả tính chính trị, tính xã hội, tính đạo đức và hiệu quả kinh tế.

V. T. N.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn