Thư ngỏ kính gửi Ngài Yukiko Matsuyoshi

Kính gửi Ngài Yukiko Matsuyoshi

Giám đốc Trung tâm Thông tin văn hóa

Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam

Đầu thư tôi kính chúc Ngài cùng gia đình được sức khỏe và hạnh phúc.

Thưa Ngài,

Ngay sau khi tôi được Đài Á châu tự do (RFA) chuyển tài liệu của Ngài gửi cho tôi về chủ quyền Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku, liên quan đến bài trả lời phỏng vấn của tôi cho RFA ngày 25 tháng 9 năm 2010, tôi đã có thư phúc đáp đến Quý Ngài. Hôm nay, một lần nữa tôi muốn tiếp tục trao đổi và mong Ngài có câu trả lời.

Thưa Ngài,

Khi trả lời phỏng vấn, tôi nói rằng: “Vấn đề chủ quyền không rõ ràng của quần đảo Senkaku là do lịch sử để lại” là do tôi căn cứ theo Tuyên bố Cairo tháng 11 năm 1943, Hòa ước San Francisco 1951 và Hòa ước giữa Trung Hoa Dân Quốc và Nhật Bản, ký ngày 28 tháng 4 năm 1952 tại Đài Bắc, đã không nhắc đến quần đảo Điếu Ngư. Nhưng sau khi đọc tài liệu của Ngài gửi cho tôi, cũng như tham khảo một số tư liệu có liên quan, tôi đã nhận ra thêm một số vấn đề về quần đảo Senkaku.

Quần đảo Senkaku (theo cách gọi của Nhật Bản: Tiêm Cát chư đảo; Trung Quốc gọi là quần đảo Điếu Ngư Đài; trong tiếng Anh đôi khi còn được gọi là Pinnacle nhưng rất ít được sử dụng) gồm một dãy đảo nhỏ có tọa độ 25° 47′ 53″ Bắc 124° 03′ 21″ Đông, gồm có 5 đảo chính và một số đá, diện tích tổng cộng khoảng 7km², không có người ở, nằm rải rác cách đảo Okinawa của Nhật Bản 300 km về phía Tây và 200 km về phía Đông Bắc Đài Loan.

Quần đảo Senkaku trước năm 1895 là vùng đất vô chủ do một người Nhật tên là Koga Tatsuhiro phát hiện vào năm 1879 và được sát nhập vào lãnh thổ Nhật Bản từ năm 1895 theo hiệp ước Shimonoseki.

Theo quan điểm của chính phủ Nhật Bản thì Senkaku không còn là của Đài Loan vì Trung Quốc đã từ bỏ theo điều khoản của hiệp ước Shimonoseki. Còn Trung Quốc dựa vào những tài liệu lịch sử để lại từ đời Minh và đời Thanh, khẳng định rằng nhóm đảo này thuộc về Trung Quốc từ thời xa xưa và điều này cũng được Nhật Bản công nhận cho đến năm 1895 khi xảy ra chiến tranh Giáp Ngọ gữa Trung Quốc và Nhật Bản. Sau cuộc chiến tranh này, Trung Quốc thua trận, nhà Thanh ký hiệp ước Mã quan (Shimonoseki) nhượng đất cho Nhật bản trong đó có quần đảo Điếu Ngư.

Năm 1945, sau khi Nhật Bản thua trận trong cuộc chiến tranh Thái Bình dương thì số phận quần đảo Senkaku đã được định đoạt.

Tuyên Bố Cairo tháng 11 năm 1943 cũng như theo nội dung Hòa ước San Francisco 1951, thì Nhật sẽ từ bỏ chủ quyền đảo Đài Loan và quần đảo Bành Hồ nhưng không đá động gì đến quần đảo Senkaku. Kế đến là Hòa ước giữa Trung Hoa Dân Quốc và Nhật Bản, ký kết tại Đài Bắc ngày 28 tháng 4 năm 1952 cũng không hề nhắc đến quần đảo Senkaku  mà Senkaku thuộc địa phận Okinawa nằm dưới quyền kiểm soát của Hoa Kỳ. Vì vậy, Nhật Bản trao cho Mỹ quản lý quần đảo này.

Cho đến ngày 4 tháng 9 năm 1958, trong bối cảnh thời kỳ chiến tranh lạnh, lúc bấy giờ đang xảy ra cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan. Đài Loan lúc đó còn giữ hai đảo nằm giáp lãnh thổ Trung Quốc là Kim Môn và Mã Tổ. Hải quân Mỹ đến vùng eo biển Đài Loan, khiến Trung Quốc lo sợ rằng Mỹ có thể tấn công xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc. Trung Quốc lập tức ra tuyên bố lãnh hải của mình và trong Tuyên bố của Chính phủ Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về Lãnh hải năm 1958, quần đảo Senkaku đã không được nhắc đến:

“Tuyên bố của Chính phủ Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về Lãnh hải (Ðược thông qua trong kỳ họp thứ 100 của Ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc ngày 4 tháng 9 năm 1958)

Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa nay tuyên bố:

(1) Chiều rộng lãnh hải của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý. Ðiều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Ðài Loan (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bởi biển cả) và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc.

(2) Các đường thẳng nối liền mỗi điểm căn bản của bờ biển trên đất liền và các đảo ngoại biên ngoài khơi được xem là các đường căn bản của lãnh hải dọc theo đất liền Trung Quốc và các đảo ngoài khơi. Phần biển 12 hải lý tính ra từ các đường căn bản là hải phận của Trung Quốc. Phần biển bên trong các đường căn bản, kể cả vịnh Bohai và eo biển Giongzhou, là vùng nội hải của Trung Quốc. Các đảo bên trong các đường căn bản, kể cả đảo Dongyin, đảo Gaodeng, đảo Mazu, đảo Baiquan, đảo Niaoqin, đảo Ðại và Tiểu Jinmen, đảo Dadam, đảo Erdan, và đảo Dongdinh, là các đảo thuộc nội hải Trung Quốc.

(3) Nếu không có sự cho phép của Chính Phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tất cả máy bay nước ngoài và tàu bè quân sự không được xâm nhập hải phận Trung Quốc và vùng trời bao trên hải phận này. Bất cứ tàu bè nước ngoài nào di chuyển trong hải phận Trung Quốc đều phải tuyên thủ các luật lệ liên hệ của Chính Phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

(4) Ðiều (2) và (3) bên trên cũng áp dụng cho Ðài Loan và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc.

Ðài Loan và Bành Hồ hiện còn bị cưỡng chiếm bởi Hoa Kỳ. Ðây là hành động bất hợp pháp vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ðài Loan và Bành Hồ đang chờ được chiếm lại. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có quyền dùng mọi biện pháp thích ứng để lấy lại các phần đất này trong tương lai. Các nước ngoài không nên xen vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc”.

Trước đó, một bài báo có nhan đề: “Cuộc đấu tranh của nhân dân quần đảo Ryukyu chống Mỹ chiếm đóng”, đăng trên Nhân dân Nhật báo, cơ quan chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 8 tháng 1 năm 1953, có đoạn viết:

“Cuộc đấu tranh của nhân dân Ryukyu chống Mỹ biến Ryukyu thành căn cứ quân sự, phản đối sự thống trị nô dịch của Mỹ để giành lấy tự do, giải phóng và hoà bình không cô độc, nó không tách rời khỏi cuộc đấu tranh giành độc lập, dân chủ và hoà bình của nhân dân Nhật Bản và cũng không tách rời khỏi cuộc đấu tranh bảo vệ hoà bình của nhân dân khu vực châu Á và Thái Bình Dưong và nhân dân các nước trên thế giới, vì thế mặc dù bọn chiếm đóng Mỹ thực hiện trấn áp dã man nhân dân Ryukyu nhưng thắng lợi cuối cùng nhất định thuộc về nhân dân Ryukyu”.

Ông Dương Danh Dy, nguyên Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc) đã nhận xét: “Với những dòng chữ như trên, đăng trên Nhân dân Nhật báo, là cơ quan chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, rõ ràng là cho tới năm đó và nhiều năm sau này, người Trung Quốc vẫn trực tiếp công nhận Senkaku là lãnh thổ thiêng liêng của nhân dân Nhật Bản”.(1)

Đến năm 1972, theo thỏa thuận Okinawa, Mỹ trao trả chủ quyền quần đảo Ryukyu và các đảo khác trong đó có quần đảo Senkaku cho Nhật Bản. Việc này gây lên làn sóng phản đối của Trung Quốc cũng như cộng đồng người Hoa ở Đài Loan, Hongkong và Ma Cao. Để tránh những hệ lụy cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao Trung – Nhật vào năm1972 và thỏa thuận được Hiệp ước hòa bình giữa hai nước năm 1978, chính phủ Trung Quốc và Nhật Bản đã đồng ý gác lại tranh chấp quần đảo này sang một bên và sẽ giải quyết khi có điều kiện.

Thưa Ngài,

Qua những sự kiện nêu trên, tôi thấy rằng trường hợp quần đảo Senkaku của Nhật Bản và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam bị phía Trung Quốc đòi chủ quyền là khá giống nhau.

Hòa ước San Francisco được ký kết vào ngày 8 tháng 9 năm 1951, theo điều (2)-(f) của Hòa ước nầy thì Nhật Bản phải từ bỏ mọi quyền lợi, quyền tranh chấp và quyền đòi hỏi đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như quần đảo Trường Sa nhưng trao trả các đảo trên cho ai thì không được đề cập đến.

Cũng như sau đó, Hòa ước giữa Trung Hoa Dân Quốc và Nhật Bản, ký kết tại Đài Bắc ngày 28 tháng 4 năm 1952, tại điều 2 đã nêu rõ: “Hai bên nhìn nhận, theo điều 2 Hòa ước ký với Nhật Bản ngày 8 tháng 9 năm 1951 tại San Francisco ở Hoa Kỳ, Nhật Bản đã khước từ mọi quyền, danh nghĩa hay đòi hỏi liên quan đến Ðài Loan (Formosa) và Bành Hồ (the Pescadores), cũng như quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”.

Theo các hiệp ước này, Nhật Bản chỉ nhắc lại việc khước từ chứ không nói rõ là Nhật Bản hoàn trả hai quần đào này cho ai. Chính vì vậy trên trang mạng Japan Focus ngày 21 tháng 3 năm 2009 có đăng bài nghiên cứu của Kimie Hara, cho rằng các vụ tranh chấp ở Thái Bình Dương từ Đông Bắc xuống Đông Nam Á, gồm cả vùng Trường Sa, là di sản của Hiệp ước San Francisco năm 1951. Bài viết nói rằng các cường quốc sau Đệ nhị Thế chiến đã không ghi rõ chi tiết chủ quyền nhiều đảo và quần đảo qua việc đặt tuyến phân ranh giới Acheson Line. Sau đó, tác động của việc hoạch định lằn ranh bao vây nước Trung Hoa cộng sản và Bắc Triều Tiên lại tạo thêm sự phức tạp cho vấn đề. Tác giả cho rằng, nay để giải quyết các vấn đề, mọi bên đều cần có sự nhượng bộ và giải pháp đa phương, gồm cả Nhật Bản, nước thua trận trong Thế chiến Thứ hai.

Tôi với Ngài, mặc dù không là công dân cùng một nước, thế nhưng với tư cách là những người tôn trọng lịch sử, tôn trọng lẽ phải, xin Ngài cho biết quan điểm của riêng cá nhân Ngài về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, liên quan đến các tài liệu lịch sử để lại, liệu quan điểm này có tương tự như quần đảo Senkaku hay không?

Xin gửi đến Ngài lời chào trân trọng.

Tp. HCM, ngày 4 tháng 12 năm 2010

Kính thư

Đinh Kim Phúc

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Ghi chú:

(1) Dương Danh Dy, “Xin bạn đọc tự đánh giá”. Nguồn: BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn