Trung Quốc: Kinh tế “cắn răng” chịu lỗ vì chính trị?

Nguyễn Tuyến (theo Time)

clip_image001Việc Trung Quốc theo đuổi mục tiêu mở rộng ảnh hưởng kinh tế ở nước ngoài khiến một số doanh nghiệp nhà nước phải gánh chịu hậu quả.

2,5 triệu người hành hương đổ xô tới Mecca trong suốt tuần thánh hajj kết thúc tuần trước nhận thấy rằng việc đi xung quanh các địa điểm thiêng liêng trong thành phố đông đúc này đã trở nên dễ dàng hơn nhờ có một đường ray xe lửa mới rất hiện đại do các kỹ sư Trung Quốc thiết kế và xây dựng.

Tuyến đường trị giá 1,8 tỉ USD nối một số địa điểm thiêng liêng nhất quanh Mecca với nhau đã đi vào hoạt động vào đầu tháng 11 và có thể mang 72.000 người hành hương đi vòng quanh thành phố trong vòng 1 tiếng đồng hồ.

Tuy nhiên, khi hệ thống đường xe lửa này có thể giảm tắc nghẽn ở thành phố ẢRập, nó lại gây ra sự tranh cãi tại Bắc Kinh. Nhà tài trợ của công trình này, Tổng công ty xây dựng đường sắt Trung Quốc (CRCC), tiết lộ rằng công ty nhà nước này phải gánh chịu khoản lỗ nặng nề lên tới 600 triệu USD do dự án.

Hệ thống đường xe lửa mới thể hiện năng lực công nghệ cao đang phát triển nhanh tại Trung Quốc, nhưng khoản thua lỗ lớn nhất trong lịch sử đầu tư nước ngoài của Trung Quốc này là một minh chứng cho thấy Trung Quốc sẵn sàng làm "vơi" bớt kho bạc của mình để được "ưa chuộng" ở một số nơi trên thế giới.

Dự án Mecca Metro là một thành công lớn trong việc giới thiệu công nghệ Trung Quốc. Thay thế hàng loạt khoảng 4.000 xe buýt chạy quanh thành phố, hệ thống tàu cao tốc này tuần trước chở hàng trăm nghìn khách hành hương mà không gặp phải khó khăn nào.

Truyền thông Trung Quốc đưa tin, ngay sau khi thương vụ được xác nhận và CRCC được chỉ định vào một hợp đồng đã xác định giá cả từ trước, các đối tác Ả Rập Xêút tại Bộ Nội vụ Nông thôn và Đô thị nước này ngay lập tức bắt đầu thiết kế lại các yêu cầu và thay đổi tiêu chuẩn của mình.

Một dự án vốn được dự kiến xây dựng theo tiêu chuẩn công nghiệp Trung Quốc giờ lại phải xây dựng theo thông số kỹ thuật của Mỹ và Châu Âu, điều này gia tăng chi phí một cách đáng kể. Năng lực chuyên chở hành khách được xem xét lại (tăng lên) trong khi khối lượng đất phải đào tăng gấp đôi so với kế hoạch ban đầu.

Ả Rập Xêút còn khiến cho mọi việc tồi tệ hơn với CRCC khi khăng khăng yêu cầu sử dụng thầu phụ của nước này cho tất cả mọi hạng mục công việc, thay vì để CRCC sử dụng thầu phụ Trung Quốc rẻ hơn như dự kiến. Chính phủ Ảrập cũng trì hoãn việc tái định cư hàng nghìn người dọc theo tuyến đường dự kiến làm kéo dài thời gian thực hiện.

Cho dù thua lỗ nặng nhưng CRCC không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc cắn răng và chịu đựng. Với một nhóm dự án do ông Zhao Guangfa, CEO của CRCC, ông Liu Zhijun, Bộ trưởng Bộ Đường Sắt và thứ trưởng Lu Chunfang lãnh đạo, dự án được giám sát chặt chẽ bởi cả Bắc Kinh và đối tác Ả Rập Xêút.

Yin Gang, nhà nghiên cứu tại Viện Tây Á và Châu Phi thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc (CASS) nói: "Bản thân việc xây dựng đường xe lửa ở một khu vực nhạy cảm như vậy đã có những lý do chính trị mạnh mẽ. Và nếu một công ty Trung Quốc ngừng giữa chừng trong một dự án nhạy cảm như vậy, thua lỗ phát sinh sẽ không chỉ là về vấn đề kinh tế."

Trong khi CRCC có thể giành được thiện cảm cả ở Bắc Kinh và Trung Đông vì sự hào phóng của mình, các nhà đầu tư tại Hong Kong nơi công ty này được niêm yết lại không mấy lạc quan vui vẻ khi khoản thua lỗ 600 triệu USD được công bố. Giá cổ phiếu của CRCC ngay lập tức giảm mạnh gần 14% vào 26 tháng 10 năm 2010, một ngày sau thông báo.

CRCC không phải là công ty nhà nước duy nhất "sa lầy" trong các dự án không có lợi nhuận tại nước ngoài. Nhà nghiên cứu Yin Gang từ CASS nói: " Một số trường hợp các công ty Trung Quốc không thua lỗ trong dự án (nước ngoài) nhưng họ cũng không tạo ra lợi nhuận. Một vài năm trước, một công ty Trung Quốc xây dựng hệ thống đường ống dẫn dầu tại Libia và không có bất kì lợi nhuận nào."

Dù háo hức với việc giành được ảnh hưởng và đồng minh tại các khu vực nhạy cảm trên toàn thế giới, Bắc Kinh cũng ý thức được các cơ hội kinh doanh to lớn cho các công ty Trung Quốc tại các thị trường mới nổi như Trung Đông. Các công ty Trung Quốc đang ngày càng năng động trong việc đấu thầu các dự án tại Trung Đông và đang đưa ra các mức giá thấp hơn để đảm bảo giành được hợp đồng.

Ông Ben Simpfendorfer, nhà kinh tế học tại RBS và tác giả của cuốn sánh The Silk Road Economy (tạm dịch: Kinh tế con đường tơ lụa), một cuốn sách về thương mại Trung Quốc, Trung Đông nói: "Các công ty Trung Quốc đã và đang đấu thầu ở mức giá thấp hơn đáng kể [với các dự án trong khu vực], một phần để giành được sự tiếp cận thị trường và cũng một phần vì Trung Đông, vào thời điểm hiện tại, là thị trường dự án tài chính lớn nhất thế giới. Đó là một trong số ít những thị trường nơi các chính phủ vẫn đang xây dựng các dự án tài chính."

Tuy nhiên, một số người lại nghi ngờ sự thông minh của việc lãng phí 600 triệu USD ở những nơi xa xôi với hy vọng mong manh không rõ ràng về việc có được một số sự ảnh hưởng trong tương lai.

"Thậm chí mặc dù Trung Quốc đang tăng cường liên kết kinh tế với các nước Trung Đông, điều này không có nghĩa rằng nó sẽ thay đổi vị thế chính trị hoặc các nhân tố địa chính trị của Trung Quốc tại khu vực đó", Yin Gang nói, "Trường hợp của CRCC là một bài học cho các công ty Trung Quốc – từ đó họ có thể học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm."

Kinh nghiệm! Tất nhiên. Nhưng cũng cần phải chờ xem dự án Mecca Metro có thực sự chuyển thành các cơ hội kinh doanh nhiều hơn cho các công ty Trung Quốc khác hay không. Thậm chí có thể bản thân dự án này chỉ là sự giới thiệu năng lực của Trung Quốc cho 6 ngày trong một năm. Sau tuần thánh hajj kéo dài 6 ngày ấy, rất có thể các đầu máy xe lửa lại bị xếp xó và trùm mền để dành cho 12 tháng sau.

N. T.

Nguồn: VEF

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn