Trung Quốc: Nội trị độc tài, ngoại giao hiếu chiến

Lê Phước

clip_image001  

An ninh được tăng cường tại Bắc Kinh trước ngày khai mại Hội nghị BCH TW đảng Cộng sản Trung Quốc, Bắc Kinh, 14/10/2010. Reuters

 

Với dòng tựa “Bắc Kinh luôn hành động theo ý mình”, tạp chí Courrier International cho rằng phản ứng của Trung Quốc về giải Nobel Hòa bình 2010 thể hiện thái độ huênh hoang của nước này trên phương diện quan hệ quốc tế.

Tạp chí nhắc lại, cách đây hơn hai năm, một nhà báo Anh so sánh Olympic Bắc Kinh 2008 với Olympic Berlin 1936. Cả hai nước đều muốn che giấu mặt trái của giới cầm quyền bằng một đại hội thể thao hoành tráng. Thế nhưng, khác với Đức Quốc Xã, Trung Quốc không hề có tham vọng làm thay đổi trật tự thế giới và cũng không có lập trường bài Do thái. Du khách có thể nhìn thấy vẻ tráng lệ, sự mở cửa của Trung Quốc. Vào lúc đó, người ta thấy rằng việc so sánh nói trên có phần cực đoan, cụm từ “chế độ độc tài’ là quá mức, sặc mùi Chiến tranh lạnh, không thể dùng cho một đất nước hội nhập rất nhanh nền kinh tế thị trường như Trung Quốc.

Thế nhưng, trong tình hình hiện tại, người ta buộc phải thừa nhận rằng so sánh trên không hoàn toàn vô lý. Như trong trường hợp của giải Nobel Hòa bình 2010 Lưu Hiểu Ba. Đây là lần thứ hai, kể từ năm 1936, chủ nhân giải thưởng bị ngăn cản đến nhận giải. Thế nhưng, năm 1936, Đức Quốc xã vẫn cho phép người được giải đi lãnh thưởng, mặc dù không cấp hộ chiếu. Còn nếu tính từ những năm 1950, thì Trung quốc là nước có thái độ mạnh bạo nhất. Như ở Liên Xô năm 1975 và Ba Lan năm 1983, chính phủ cấm người được giải ra khỏi nước, nhưng vẫn cho phép người thân của họ đi lãnh giải. Còn năm 1991, con trai bà Aung San Suu Kyi cũng được đi lãnh giải thay mẹ.

Theo Courrier International, những năm gần đây, Trung Quốc luôn hô hào khẩu hiệu “sự trỗi dậy hòa bình”. Thế nhưng, nước này đã không tiếc lời chỉ trích gay gắt giải Nobel Hòa bình 2010. Thật là “tiền hậu bất nhất”. Nhà cầm quyền nước này cho rằng, những từ như “dân chủ”, “tự do”, “nhân quyền” là những khái niệm thuần túy Tây phương. Lần này, khái niệm « hòa bình » cũng không phải là ngoại lệ. Bắc Kinh đã không ngớt lên án các thế lực phương Tây muốn thông qua giải Nobel để ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc. Không chỉ đe dọa bằng lời, nước này còn không ngại gây sức ép công khai lên chính phủ Na Uy.

Tạp chí nhận định, nếu nhìn lại những động thái của Trung quốc trong quan hệ với các nước láng giềng trong thời gian gần đây, ta có thể kết luận rằng “nước này thực hiện chính sách độc tài trong nội trị và một chính sách hung hăng trong ngoại giao”.

Courrier International cho rằng, Trung Quốc tỏ ra thực dụng, chỉ lo lợi ích trước mắt và phản ứng với những thay đổi của thế giới bên ngoài một cách chậm chạp và “vụng về”. Hiện tại, nước này đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng. Cái nhìn thiện cảm của thế giới đối với nước này đang thay đổi. Còn trong nước, sự bất mãn của dân chúng đã như “tức nước vỡ bờ” với nhiều vụ biểu tình, đôi khi có cả bạo lực.

Thế nhưng, không phải vì thế mà cho rằng sẽ có thay đổi nhanh chóng, bởi khả năng phản ứng của nhà cầm quyền Trung Quốc cao hơn nhiều so với các nước Đông Âu và Liên Xô năm 1989. Hơn nữa, sức chịu đựng của người dân Trung Quốc cũng rất cao. Vụ nổi dậy năm 1989 ở Thiên An Môn chỉ liên quan đến tầng lớp trí thức và thị dân. 21 năm sau, chính phủ đã thành công chuyển vụ việc theo hướng có lợi cho mình, không ngại loại trừ các lực lượng có thể gây hại cho họ. Người dân thì dù bất mãn, lại lo ngại là những thay đổi bất chợt sẽ gây ra hậu quả đáng tiếc.

Tạp chí kết luận : Như vậy, Trung Quốc sẽ còn giữ được lâu cương vị một cường quốc, một cường quốc ‘bạc đãi” chính những công dân của mình, xem thường các giá trị nhân sinh, với hành động theo kiểu “vô pháp vô thiên” và “hung hăng” trong quan hệ quốc tế.

Bắc Triều Tiên bên bờ vực tan rã

Vẫn tại khu vực Bắc Á, Courrier International giới thiệu quan điểm của tờ Tokyo Shimbun Nhật Bản về Bắc Triều Tiên, với bài “Một chế độ bên bờ tan rã”.

Tác giả nhắc lại thực trạng đáng lo ngại của nước này. Sau khi đồng minh Liên Xô sụp đổ, nước này mất một nguồn viện trợ to lớn. Rồi đến chính sách phát triển nông nghiệp bị thất bại. Thêm vào đó là lũ lụt hoành hành. Vì thế, tình hình lương thực đã bắt đầu xấu đi từ những năm 1990. Hệ thống phân phối lại bị buông lỏng. Nhiều người dân đã bị chết đói. Những năm tháng đói kém đã khiến cho người dân “gầy guộc”.

Tác giả nhận định, chính quyền Bình Nhưỡng tiến hánh vụ nã pháo vừa qua và thông báo kết quả cho dân biết, trong hy vọng tìm lại lòng tin của dân chúng. Còn đối với nhiều người dân, mục đích là nhằm khiến Hoa Kỳ phải trở lại bàn đàm phán trực tiếp với Bắc Triều Tiên, và đặt nền tảng cho người kế nhiệm là Kim Jong-un. Về việc này, một nhật báo cho biết, trước khi xảy ra vụ tấn công, hai cha con họ Kim đã đi duyệt binh ở một đơn vị tác chiến. Sau vụ tấn công, giới chức nước này tự hào khẳng định rằng, quân đội đặt dưới sự kiểm soát của đại tướng Kim Jong-un là “tất thắng”.

Còn đối với ông Jiro Ishimaru, tổng biên tập tạp chí Tokyo Shimbun, ngoài nguyên nhân liên quan đến Mỹ và Kim Jong-un, thì còn có nhiều giả thuyết khác cũng đáng được ghi nhận. Đó là việc đã có thường dân bị giết và phạm vi cuộc chiến không chỉ còn trên bộ nữa. Nhật, Mỹ, Hàn Quốc đang tăng cường biện pháp ngăn chặn, lãnh đạo Bắc Triều Tiên hiện nay, Kim Jong-il, thì đau bệnh, còn chế độ thì suy yếu. Vì thế, đợt tấn công này là dấu hiệu cho thấy chế độ đang trong ngõ cụt và tình hình hết sức nghiêm trọng.

Số phận trớ trêu của một điệp viên Mỹ

Ngày 8/7 vừa qua, tại thủ đô Vienna, đã diễn ra vụ trao đổi tù nhân giữa Nga và Mỹ. Trong số 4 tù nhân Nga bị buộc tội làm gián điệp, có một người không mong muốn hiện diện trong danh sách người được trao đổi, đó là ông Igor Sutyagin, 45 tuổi. Tuần san Le Point thông tin về nhân vật này qua bài viết “Người gián điệp không muốn được trao đổi”.

Sự việc bắt đầu ngày 27/10/1999. Vừa 8 giờ sáng, lực lượng an ninh đã đến khám xét nhà Sutyagin suốt 10 tiếng đồng hồ. Sau đó, họ bảo với ông là muốn mời ông về trụ sở để ‘trò chuyện”. Và cuộc trò chuyện đã kéo dài 11 năm.

Việc kết tội ông liên quan đến công việc ông làm trước đây: cung cấp những bài báo quân sự cho một công ty của Anh. Mỗi hợp đồng, ông được trả 1000 euro, trong khi lương hàng tháng của ông ở Nga chỉ có 40 euro. Ông khẳng định là tài liệu mình cung cấp không thuộc loại tài liệu mật, mà tất cả đã được công bố trên báo chí.

Ông từng chỉ cho một điều tra viên thông tin mà ông bị cáo buộc rằng nó đã được đăng trên Washington Post cách đó đến 6 tháng. Thế nhưng, điều tra viên kia trả lời “Nếu tôi thả anh, thì tôi sẽ phải ngồi vào chỗ anh đấy”. Còn luật sư bào chữa cho Sutyagin cũng cho biết, thời điểm đó rất nhạy cảm, nên rất dễ trở thành “con mồi”, bởi vì lúc đó đang ở vào cao trào các cơ quan mật vụ muốn khẳng định quyền lực.

Liên quan đến vụ trao đổi, Sutyagin cho biết, trước đó nhà chức trách vào tận tù đưa cho ông một danh sách tù binh được trao trả, và yêu cầu ông ký tên. Ông đã từ chối, do không muốn bị trục xuất khỏi nước Nga. Thế nhưng, sau đó ông hiểu rằng họ có nhiều danh sách, và ông không có lựa chọn nào khác là buộc phải chấp nhận.

Trước buổi trao đổi, Sutyagin được gặp vợ con 4 tiếng. Vợ ông dặn không nên trở về Nga sớm vì sợ rằng lại bị rơi vào vòng tù tội. Thế nhưng, hiện tại, từ mấy tháng nay ở Luân Đôn, Sutyagin luôn canh cánh bên lòng khát vọng được trở về tổ quốc, và đang ngày đêm trông đợi lệnh trả tự do chính thức mà chính quyền Matxcova đã từng hứa trước đây.

Trang bìa các tạp chí

Tuần san Le Monde cho biết, trong số 577 đại biểu của Quốc Hội Pháp, chỉ có 12 người là ở độ tuổi ba mươi. Le Monde đã tiếp xúc và ghi lại suy nghĩ của họ. Bài viết đăng trên trang nhất với tựa đề “Đại Biểu Quốc hội thế hệ trẻ”

Tạp chí Le Point chạy tít lớn “Những vị vua kiến tạo nước Pháp”. Bài viết lược lại công trạng những vị vua được xem là có nhiều công lao đóng góp cho đất nước, từ Philippe Auguste, saint-Louis, Henri IV đến Louis XIV.

Le Nouvel Observateur thì quan tâm đến quyền người đồng tính luyến ái tại Pháp. Với bài viết “Quyền người đồng tính, sự chậm trễ của Pháp”. Tác giả cho biết, 2/3 người Pháp tán đồng với hôn nhân đồng tính. Quyền này đã được thông qua ở nhiều nước châu Âu. Thế nhưng, nước Pháp hình như còn tỏ ra dè dặt.

Trang nhất Courrier International dành cho bài “Với Wikileaks”, chiến tranh mạng đã bắt đầu”. Theo tác giả, cộng đồng hacker đang hợp sức trả đũa những người muốn hạn chế quyền tự do ngôn luận trên mạng.

L. P.

Nguồn: RFI

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn