Wikileaks vs quyền tự do ngôn luận

Mr. Do

clip_image002

Ảnh: AFP

Tóm lại là muốn bắt Julian Assange thì công an Mỹ phải đẩy anh chàng vào tư thế mát mẻ (với một đứa trẻ).

Dường như khả năng này đã được người ta - tức giới cầm quyền ở nơi này nơi kia - tính tới. Thế mới có chuyện Thụy Điển truy nã Á Sang (Assange - gọi Á Sang cho dễ, đừng nhầm với anh Tư) về tội dâm ô.

Thụy Điển là một thiên đường của tự do ngôn luận, tự do báo chí. Cứ xem mấy vụ việc liên quan tới tờ Aftonbladet, hay là vụ biếm họa Muhammad thì rõ. Vì lẽ đó mà Á Sang đã chọn Thụy Điển để đặt máy chủ cho Wikileaks. Thế thì chẳng thể vì chuyện "leak" mà giới cầm quyền Thụy Điển chà đạp lên luật pháp – và cao hơn là các giá trị văn hóa tới mức cốt lõi – của họ được.

Cách hay nhất là tìm xem anh này từng "Mạch Lâm" với ai chưa để mà truy tố. Nhưng Mạch Lâm nó cũng phải kheo khéo tí.

Bây giờ nói tới chuyện ông Mỹ.

Ông này bị Á Sang chơi nặng nhất. Chuyện này thì cũng dễ hiểu thôi, vì ông Mỹ luôn "hot", cỡ như Hương Giang vậy. Sau khi Á Sang tung ra một loạt thông tin "nhạy cảm" khiến người Mỹ bẽ bàng, thì bây giờ quan chức Mỹ đang tìm cách truy cứu trách nhiệm hình sự gã người Úc Tất nhiên muốn đưa anh ta ra tòa không đơn giản là chuyện đẩy anh ta vào khách sạn Mạch Lâm. Bắt người phải đúng luật, truy người phải đúng tội.

Mỹ có rất nhiều tài liệu mật, và tối mật. Họ có rất nhiều đạo luật để bảo vệ những tài liệu ấy. Nhưng họ cũng có một hiến pháp, với Tu chính 1 nêu rõ quyền bất khả xâm phạm của diễn đạt.

Một người không thể bị bắt về tội đã "nói gì, viết gì". Hồi trước, Judy Miller, trong vụ Valerie Plame, bị bắt giam sau khi tiết lộ danh phận một điệp viên và nhiều chuyện thâm cung bí sử lên mặt báo. Nhưng ở đây, công an bắt Miller không phải vì những gì cô ta viết trên báo, mà vì cô ta kháng lệnh làm chứng trước tòa, tức một tội danh nằm ở nhóm "cản trở công lý" hay đại khái thế.

Vụ Wikileaks cũng thế. Công an Mỹ không thể bắt Á Sang về tội "làm lộ bí mật quốc gia", chưa nói đến tội "tuyên truyền chống nhà nước cộng hòa" hay là "tuyên truyền chống phá sự thống nhất của liên bang". Hic! Hiến pháp Mỹ cấm các cơ quan công quyền bắt bớ tội đó (mà làm gì có những tội đó). Muốn bắt thì phải đẩy Á Sang vào "tư thế Mạch Lâm" mà phải với một đối tác vị thành niên mới được.

Á Sang cũng không thể bị bắt về tội tiết lộ bí mật quốc gia, nếu chiếu theo các đạo luật về gián điệp hay tương tự, bởi đơn giản một điều ông này không phải là kẻ đã tuồn tin từ cơ quan công quyền ra ngoài. Ông chỉ là người công bố các thông tin đó. Người công bố không bao giờ bị bắt. Quan chức tiết lộ thông tin mới có thể bị truy tố.

Ở đây, cũng có một điểm có thể gây tranh cãi, đó là: Á Sang có thể bị coi là người tiết lộ thông tin được không (vì ông đã "bắn" tin cho một số tờ báo lớn trước khi công bố lên Wikileaks)? Nhưng có lẽ nhà chức trách Mỹ khó mà truy tố (chuyển tội) ông theo kiểu này, bởi làm thế có thể tạo ra một tiền lệ nguy hiểm cho Tu chính 1, chưa kể là bị báo chí và dân ủng hộ tự do ngôn luận chỉ trích. Trừ trường hợp Á Sang dùng "tà pháp" để xâm nhập kho cơ mật, hối lộ hoặc xyz gì đó chẳng hạn.

Đó là Mỹ.

Ở Anh, Đạo luật Bí mật Chính thức ngặt hơn người Mỹ. Theo đó một người đã hoặc đang là viên chức chính quyền (đặc biệt là ngành tình báo) sẽ bị truy tố nếu "ho he". Nhưng đó là luật, còn việc vận nó vào thực tế thì giới chức Anh cũng rất cẩn trọng. Nói chung là họ có xu hướng tránh chuyện phải đem luật này ra để xử ai đó, vì đem nó ra sẽ gây nhiều tranh cãi về quyền tự do ngôn luận. Một câu hỏi cũng thường được đặt ra là: nếu (cựu) quan chức đó tiết lộ một thông tin cơ mật mà hành động tiết lộ này có lợi cho công chúng thì sao (chẳng hạn phanh phui một âm mưu đen tối của giới cầm quyền)? Nói chung ở mấy nước dân chủ thường có những thứ đau đầu như thế, chứ không đơn giản Mạch Lâm một phát là xong/Nửa đêm gà gáy đi tong một chàng.

Bây giờ trở lại nước Mỹ, hồi năm 2000, nghe đâu một số ông nghị liên bang cũng đệ trình dự luật hình sự hóa chuyện một cá nhân công bố thông tin mật quốc gia. Nhưng Bill Clinton đã phủ quyết dự luật này.

Đương nhiên!

Bill không thể đạp lên Tu chính 1

Nguồn: http://blogmrdo.blogspot.com/2010/11/wikileaks-vs-quyen-tu-do-ngon-luan.html

Wikileaks là gì?

Jonathan Fildes

Phóng viên công nghệ, BBC News

clip_image003

Wikileaks nổi tiếng là trang mạng chuyên tung ra những thông tin nhạy cảm

Trang mạng chuyên tung tin nội gián, Wikileaks, một lần nữa lại trở thành tâm điểm chú ý.

Wikileaks mới tung ra một loạt các tài liệu mật của Mỹ, mà lần tung tin này, họ nói, lớn hơn rất nhiều so với các đợt tung tài liệu về Afghanistan và Iraq.

Tháng trước, Wikileaks đưa lên mạng gần 400 ngàn tài liệu cho biết chi tiết về các sự kiện tại Iraq sau cuộc chiến của Mỹ năm 2003 – chỉ vài tháng sau khi đã tung ra 90 ngàn tài liệu mật gồm các phúc trình về tình báo và các biến cố quân sự Mỹ tại cuộc chiến ở Afghanistan.

Đây là vụ mới nhất trong một loạt các vụ “rò rỉ thông tin” của trang mạng vốn nổi tiếng vì ấn hành các tài liệu nhạy cảm của các chính phủ và các tổ chức được nhiều người biết đến.

Chẳng hạn vào tháng 4/2010, Wikileaks đưa lên trang mạng của họ video cho thấy một chiếc trực thăng Apache của Mỹ giết chết 12 người, trong đó có hai phóng viên Reuters, trong một trận tấn công ở Baghdad năm 2007. Một phân tích gia quân sự của Mỹ hiện đang đợi bị đưa ra xét xử vì tội để lộ video này, cùng các tài liệu nhạy cảm về quân sự và ngoại giao khác.

Vào tháng 9/2009, Wikileaks đưa ra một loạt danh sách và địa chỉ của những người mà họ nói là thuộc về Đảng cực hữu BNP của Anh. BNP sau đó nói danh sách này là “sự giả mạo ác ý”.

Và trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2008, Wikileaks còn cho ra các bức ảnh chụp lại màn hình chứa hộp thư email, ảnh và sổ địa chỉ của ứng viên cho chức phó Tổng thống Mỹ là bà Sarah Palin.

Các tài liệu gây tranh cãi khác được trang mạng này đưa ra bao gồm một bản Quy trình Hoạt động chuẩn tại Trại Delta, là tài liệu đưa ra chi tiết những hạn chế đối với tù nhân tại vịnh Guantanamo.

Tranh chấp pháp lý

Wikileaks gây ra nhiều tranh cãi khi xuất hiện lần đầu tiên trên mạng vào tháng 12/2006 và hiện vẫn gây nhiều ý kiến chia rẽ. Một số người coi đây là tương lai của báo chí điều tra. Một số khác lại coi đây là hiểm họa.

Vào giữa tháng 3/2010, Giám đốc mạng này là Julian Assange đưa ra một tài liệu được cho là của tình báo Mỹ, nói rằng Wikileaks là “mối đe dọa tới quân đội Hoa Kỳ”.

Chính phủ Mỹ sau đó khẳng định với BBC tài liệu đó là thực.

Một người phát ngôn cho quân đội Mỹ nói với BBC: “Việc ấn hành không được phép các tài liệu nhạy cảm của Bộ Quốc phòng trên Wikileaks sẽ cung cấp cho các dịch vụ tình báo nước ngoài những thông tin mà họ có thể sử dụng để gây hại cho quân đội và các lợi ích của Bộ Quốc phòng”.

Wikileaks giờ đây tuyên bố họ đã có trong tay hơn một triệu tài liệu.

Bất cứ ai cũng có thể cung cấp thông tin cho Wikileaks mà không cần nêu danh, nhưng một nhóm các chuyên gia đánh giá - là những người tình nguyện từ truyền thông chính thống, các phóng viên và nhân viên của Wikileaks - sẽ quyết định đăng tải những gì.

Ông Assange nói với BBC: “Chúng tôi sử dụng công nghệ mã hóa tiên tiến và kỹ thuật hợp pháp để bảo vệ các nguồn tin của chúng tôi”.

clip_image004

Ông Assange là người sáng lập ra Wikileaks

Trang mạng này nói họ nhận các “tài liệu mật, bị kiểm duyệt hoặc bị hạn chế mà có tầm quan trọng về chính trị, ngoại giao hay đạo đức”, nhưng họ không lấy các “thông tin hay tài liệu mang tính đồn đoán, phát biểu ý kiến hay tường thuật trực tiếp vốn sẵn có đối với công chúng”.

Chúng tôi chuyên chú vào việc cho phép những người nội gián muốn nêu ra những sai trái hay các phóng viên bị kiểm duyệt đưa thông tin ra cho công chúng”.

Trang này được một tổ chức mang tên Sunshine Press điều hành và nói là họ được “cấp ngân sách nhờ các nhà hoạt động nhân quyền, phóng viên điều tra, kỹ thuật viên và công chúng”.

Kể từ lần đầu xuất hiện trên mạng, Wikileaks đã phải đối mặt với rất nhiều thách thức về pháp lý, muốn họ phải bị đưa ra khỏi mạng.

Chẳng hạn vào năm 2008, ngân hàng Thụy Sỹ Julius Baer đã thắng kiện, được phép ngăn chặn trang mạng sau khi Wikileaks tung ra “vài trăm tài liệu” về các hoạt động ở nước ngoài của ngân hàng này.

Tuy nhiên, rất nhiều trang mạng anh em khác của Wikileaks - với các máy chủ khác nhau đặt tại nhiều nơi trên thế giới - vẫn tiếp tục hoạt động.

Lệnh của tòa sau đó đã bị bỏ đi.

Vai trò tương lai

Wikileaks tuyên bố cho tới nay, họ đã phải đương đầu với hơn “100 vụ tấn công bằng pháp lý”, một phần là do cái mà họ mô tả là “hệ thống máy chủ chống nổi đạn” của họ.

Ban đầu, trang Wikileaks phần lớn nằm trong hệ thống máy chủ của nhà cung cấp Thụy Điển PeRiQuito (PRQ), vốn nổi tiếng vì còn là máy chủ cho trang mạng chia sẻ dữ liệu The Pirate Bay.

Wikileaks còn có các tài liệu thuộc các ngành tư pháp, trong đó có của Bỉ.

Nhờ có kinh nghiệm xử lý với các đạo luật khác nhau trên thế giới, Wikileaks đã được các dân biểu Iceland nhờ tới để giúp thảo ra kế hoạch cho chương trình Sáng kiến Truyền thông Hiện đại Iceland (IMMI).

Kế hoạch này kêu gọi chính phủ chấp thuận các đạo luật bảo vệ phóng viên và nguồn cung cấp tin cho phóng viên.

Khi đó, ông Assange nói: “Để bảo vệ an toàn cho các nguồn tin của mình, chúng tôi phải phân bố các tài sản, mã hóa mọi thứ, và di chuyển nhân sự cũng như hệ thống viễn thông khắp thế giới để tận dụng các đạo luật bảo vệ tại các hệ thống tư pháp khác nhau”.

Chúng tôi đã trở nên sành sỏi về chuyện này, và chưa bao giờ bị thua trong vụ kiện nào, hay để mất nguồn cung cấp tin nào, nhưng chúng tôi cũng không mong đợi tất cả mọi người sẽ phải trải qua những nỗ lực phi thường mà chúng tôi phải thực hiện”.

Mặc dù có tiếng tăm, trang mạng này đã phải đối diện với những vấn đề về tài chính. Vào tháng 2/2010, họ ngừng các hoạt động vì không thể trang trải chi phí.

Đóng góp từ các cá nhân và tổ chức đã giúp cứu Wikileaks.

Ông Assange nói với đài BBC rằng trang Wikileaks đã tăng trưởng mạnh mẽ và đã nhận được “rất nhiều tài liệu đặc biệt”.

Nguồn: BBC

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn