Biên giới Việt - Trung và sức ép công tội người đàm phán

Phương Loan

Cho đến nay vấn đề đàm phán và phân giới Việt – Trung chưa bao giờ được chính thức báo cáo trước Quốc hội, chưa bao giờ người dân Việt Nam được biết cụ thể biên giới xê dịch như thế nào so với trước. Người ta cứ kêu gọi đồng thuận, nhưng có gì làm mất đồng thuận hơn là không minh bạch thông tin về một vấn đề hệ trọng và thiêng liêng như vậy đối với mọi người dân Việt Nam, trong cũng như ngoài nước. Đến nỗi một trọng thần như tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, trong một bài báo gần đây đăng trên Bauxite Việt Nam, cũng công khai nhận định: “Trong đàm phán biên giới, họ ép ta làm ta mất một nửa thác Bản Giốc, dân ta cũng không được đặt chân đến Ải Nam quan nữa, tất cả ta mất hàng trăm km2 đất.”

Có cần nhắc ở đây không chỉ dụ của vua Lê Thánh Tông nhắn nhủ sứ thần Việt Nam đàm phán với Trung Quốc: "Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại có thể vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì phải tội tru di." (Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ thực lục, Kỷ Nhà Lê).

Giải trình chuyện biên giới là một viên chức cấp thấp cỡ PGS. TS Nguyễn Hồng Thao, lại lồng vào một cuộc phỏng vấn trên báo, liệu có thể làm cho dư luận yên lòng hay không?

Ngày nào Chính phủ chưa chính thức báo cáo Quốc hội về vấn đề biên giới Việt – Trung, ngày nào bản đồ phân giới Việt – Trung chưa chính thức công bố, ngày ấy người dân Việt Nam còn ngờ vực Chính phủ.

Bauxite Việt Nam

Gặp gỡ và Đối thoại tuần này là cuộc trò chuyện với PGS - TS Nguyễn Hồng Thao, Phó Chủ nhiệm UB Biên giới về cuộc đàm phán và phân giới cắm mốc Việt - Trung kéo dài 19 năm, với những đồn đoán về công tội, và bài học tạo dựng thế bình đẳng trong cuộc chơi với đối tác nước lớn.

Một tấc đất của đất nước không để mất

Trải qua 19 năm đàm phán, phân giới cắm mốc biên giới, năm 2010, Việt Nam và Trung Quốc chính thức có được đường biên giới hòa bình, hữu nghị, với việc các hiệp định về phân giới cắm mốc Việt-Trung chính thức có hiệu lực.

Nỗ lực để đi đến đàm phán thành công, thế nhưng, ngay khi kết thúc đàm phán biên giới Việt - Trung, những nhà đàm phán Việt Nam lại phải đối mặt với những đồn đoán trong dư luận rằng hình như Việt Nam đã nhượng bộ cho Trung Quốc khá nhiều. Thay vì ghi công, có người đòi "hỏi tội" những người đàm phán. Là người trong cuộc, ông có thể chia sẻ điều gì?

PGS.TS Nguyễn Hồng Thao: Vấn đề biên giới Việt-Trung đã được hai nước quan tâm đặt vấn đề giải quyết ngay từ năm 1957. Đàm phán trực tiếp qua bốn giai đoạn, 1974, 1977, 1978 và 1991-2010 khi các văn kiện biên giới chính thức có hiệu lực. Giai đoạn 1991-2010 là giai đoạn đàm phán dài nhất 19 năm liên tục. Ngày 31/12/1999 ký Hiệp định hoạch định biên giới, ngày 31/12/2008 tuyên bố hoàn thành phân giới cắm mốc, ngày 18/11/2009 ký Nghị định thư phân giới cắm mốc, Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới, Hiệp định về Quy chế quản lý cửa khẩu, ngày 14/7/2010 các văn kiện chính thức có hiệu lực.

Nói thế để thấy rằng hai bên đều đã rất nỗ lực, rất thận trọng, kiên trì, phấn đấu để có kết quả công bằng, chính xác nhất.

 

Một nhà ngoại giao giấu tên nhận xét, trong 14 đối tác đàm phán về biên giới với Trung Quốc, Việt Nam là đối tác "khó nhằn" nhất. Các nhà đàm phán Việt Nam đã thể hiện kĩ năng xuất sắc.

Chúng tôi hiểu rằng biên giới là vấn đề thiêng liêng của mọi quốc gia, dân tộc. Đối với dân tộc Việt Nam thì vấn đề chủ quyền lãnh thổ lại càng thiêng liêng cao cả. Dân tộc ta từ nghìn xưa đã chiến đấu, hy sinh để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và khát khao mong muốn được sống trong hòa bình, hợp tác và phát triển với các nước láng giềng.

Sự chỉ đạo của lãnh đạo: một tấc đất của đất nước không để mất và một tấc đất của nước bạn cũng không vi phạm. Không phải với Trung Quốc, mà với cả Lào và Campuchia, chúng ta đều có lập trường nhất quán, thủy chung như vậy.

Tôi rất tâm đắc lời dạy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Lịch sử chỉ xảy ra có một lần, nhưng viết về lịch sử thì nhiều lần, bởi nhiều người để đi đến có cái hiểu thống nhất về lịch sử. Khi đứng trước vấn đề phân chia lãnh thổ, động chạm đến quyền lợi dân tộc, rất nhiều người quan tâm, bày tỏ ý kiến, đó là điều đáng mừng khi người dân thực hiện quyền công dân của mình. Nhưng cũng không thể không tránh khỏi có những ý kiến khác nhau nhất là khi thông tin chưa đầy đủ hay xem xét vấn đề từ những góc nhìn khác nhau. Đã làm biên giới, thì không còn cách nào khác là chấp nhận khó khăn thách thức, phải dám chịu trách nhiệm, đàm phán giải quyết trên cơ sở pháp lý-chính trị, phù hợp luật pháp quốc tế.

clip_image001Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Lịch sử chỉ xảy ra có một lần, nhưng viết về lịch sử thì nhiều lần, bởi nhiều người để đi đến có cái hiểu thống nhất về lịch sử. TS Nguyễn Hồng Thao đứng ngoài cùng, bên trái.

Trong công tác biên giới, chúng tôi nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo, sự đồng thuận, đoàn kết cao, ủng hộ của các Bộ, ngành, địa phương, nhân dân biên giới. Phó Thủ tướng Bộ trưởng Phạm Gia Khiêm ra tận mốc 44 ở Chi Ma, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đi thị sát ở cửa sông Bắc Luân. Các lão thành cách mạng cũng quan tâm, đóng góp nhiều ý kiến quý báu như đồng chí Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Nguyễn Văn An, Trần Đức Lương.

Chỉ xin nhắc lại một kỷ niệm. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 98 tuổi còn tham gia với chúng tôi, hỏi rất kỹ những địa danh mà Đại tướng đã đi qua trong những ngày chỉ đạo chiến dịch biên giới, đóng góp vào phương án cuối cùng, dặn dò chúng tôi: "Các cháu đã làm rất tốt, phải biết nắm thời cơ, phải giữ vững chủ quyền lãnh thổ nhưng cũng không làm gì tổn hại đến tình hữu nghị".

Kết quả cuối cùng đã được đa số đồng tình ủng hộ. Làm đúng cơ sở pháp lý, phù hợp với luật pháp quốc tế, lợi ích của nhân dân, được sự đồng tình ủng hộ của đa số dư luận trong và ngoài nước thì sao lại phải ngại. Quyết tâm của lãnh đạo hoàn thành phân giới cắm mốc vào cuối năm 2008 là một quyết định sáng suốt, để tập trung vào vấn đề trên biển.

Thời gian sẽ cho câu trả lời chính xác nhất, sẽ có sự đánh giá khách quan nhất.

Đã vì đất nước thì phải dấn thân

- Còn nhớ, ngay khi hai nước kết thúc đàm phán, trên nhiều trang mạng, đã có những thông tin (không rõ cơ sở) nói rằng Việt Nam đã mất hàng ngàn cây số vuông đất cho Trung Quốc. Thậm chí, Việt Nam đã "cắt đất" cho Trung Quốc...

Đúng là có những thông tin như vậy. Và thực tế chính là câu trả lời rõ ràng nhất cho những đồn đoán ấy.

Không có chuyện "Việt Nam mất đất", "cắt đất" như họ nói. Chỉ có thể giải thích rằng những mạng này hoặc do thiếu thông tin hoặc cố tình làm sai lệch thông tin vì những ý đồ khác nhau.

Là người trực tiếp đàm phán, chúng tôi biết rõ, toàn bộ khu vực tranh chấp Việt Nam - Trung Quốc có trên 200 km2, Hiệp ước hoạch định biên giới 1999 đã quy thuộc về Trung Quốc 117,2 km2, quy thuộc về Việt Nam là 114,9 km2. Như vậy các khu vực tranh chấp đã được quy thuộc một cách tương đối công bằng, có thể chấp nhận được. Quá trình Phân giới cắm mốc chỉ là đưa đường biên giới trên bản đồ Hiệp ước 1999 ra thực địa.

Sau 1 năm phân giới cắm mốc và 6 tháng Nghị định thư về phân giới cắm mốc, Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới, Hiệp định về Quy chế quản lý cửa khẩu biên giới Việt-Trung có hiệu lực (từ ngày 14/7/2010), số vụ vi phạm về biên giới đã giảm đi rất nhiều, giao lưu phát triển, công tác quản lý đi vào chiều sâu, hợp tác hiệu quả.

Nếu có dịp lên thăm các làng bản biên giới, bạn cũng sẽ thấy bà con hết sức phấn khởi.

Như vậy, thực tế đã chứng minh việc làm của chúng ta là đúng đắn, được người dân ủng hộ. Nếu dân không ủng hộ, thì hẳn nhiên là quyết sách có vấn đề; trường hợp ngược lại tức là hợp với lợi ích của nhân dân.

clip_image002

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đi thị sát ở cửa sông Bắc Luân. Ảnh: Hiền Anh

Là người đàm phán, chúng tôi hiểu áp lực rất lớn. Chúng tôi cũng hiểu rằng, phải dám chịu trách nhiệm trước lịch sử, trước dân tộc.

Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác Hồ đã đi tìm hình của nước, thế hệ chúng ta lãnh trách nhiệm trước lịch sử "dựng hình" của nước đánh dấu bằng các cột mốc hiện đại. Đã vì đất nước thì phải dấn thân.

Đến lúc này, chúng tôi có quyền tự hào được báo cáo với đất nước, với Nhân dân đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Đất nước, tạo môi trường thuận lợi cho đất nước phát triển và hội nhập, xây dựng tình đoàn kết hữu nghị và hợp tác với các nước láng giềng. Không có chuyện để xảy ra sơ sẩy, mất đất, bán nước ở đây.

- Ngay cả khi đang đàm phán, những thông tin trái chiều, không thuận đâu phải ít?

Có những vấn đề khi đang đàm phán thì chưa thể công bố ra ngoài; lúc đó, với dư luận trong nước, cũng chỉ còn cách thuyết phục miệng, mà nếu không được thì đành để thời gian và lịch sử trả lời.

Ví dụ, khi kí xong 1 Hiệp định, rất nhiều người sẽ nói phải công bố ngay số liệu, không công bố tức là có dấu hiệu mờ ám, mất đất. Thực tế có phải như vậy không?

Trên thực tế, như đường biên giới với Trung Quốc có đến 1971 cột mốc, mỗi mốc 1 bộ hồ sơ riêng. Sau khi phân giới cắm mốc xong, lực lượng kĩ thuật còn phải kiểm tra, rà soát từng li từng tí, đối chiếu, khi tất cả đã chuẩn, đã khớp mới có thể ra Nghị định thư. Riêng việc in bản đồ kèm theo cũng phải hàng trăm lần. Chỉ một sai sót về mầu sắc, về độ nét to nhỏ là phải bỏ hết in lại.

Như vậy, với những số liệu chưa được kiểm định, liệu có thể công bố được chưa? Thành quả của quá trình đàm phán nằm trong hơn 2.500 trang tài liệu, bao gồm cả bản đồ và những lời văn mô tả, chứ không đơn giản như một số người nghĩ cứ tuyên bố hoàn thành Phân giới cắm mốc là xong, là đã có đường biên giới mới.

Đến nay, khi các văn kiện về đường biên giới mới đã được phê chuẩn và có hiệu lực theo đúng thủ tục giữa hai nước, chúng đều đã được công bố chính thức trên các mạng của Chính phủ, mọi người có thể tham khảo (www.biengioilanhtho.gov.vn - PV).

Điều chỉnh trên cơ sở cân bằng nhưng không nhân nhượng

Tuy nhiên, không ít người vẫn băn khoăn, trong đàm phán luôn phải có những thỏa hiệp, nhượng bộ lẫn nhau. Trong suốt 19 năm đàm phán, phân giới cắm mốc biên giới Việt - Trung ấy, việc thỏa thuận, nhân nhượng và thỏa hiệp như thế nào, thưa ông?

Phải nói rằng, biên giới lãnh thổ là thiêng liêng và người làm công tác đàm phán không bao giờ hi sinh lợi ích thiêng liêng ấy. Đàm phán về biên giới, vì thế, chưa bao giờ là việc dễ dàng, đơn giản, thường mất nhiều năm. Như biên giới Brazil - Chile đã phải trải qua 45 năm đàm phán, hay biên giới Nga - Trung cũng mới hoàn thành năm 2007.

Nghĩa vụ của các quốc gia thành viên Liên hợp quốc là phải đàm phán hòa bình giải quyết các tranh chấp quốc tế. Đàm phán chỉ có kết quả khi hai bên đều có thiện chí.

clip_image003Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn cùng ông Nguyễn Hồng Thao và anh em trong Vụ Việt Trung chụp ảnh kỉ niệm bên cột mốc biên giới số 1116 cửa khẩu Hữu ngh. Ảnh do TS Nguyễn Hồng  Thao cung cấp.

Đàm phán giải quyết vấn đề biên giới phải trên cơ sở pháp lý - chính trị, không thể chỉ dựa vào lý trí tình cảm hay suy đoán mà phải có hồ sơ, chứng cứ pháp lý rõ ràng, đủ sức thuyết phục. Những gì thuộc về nguyên tắc thì không thể nhân nhượng. Với những khu vực cơ sở pháp lý - quản lý của cả hai bên chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, chưa đủ sức thuyết phục, tạo thành tranh chấp thì phải kiên trì đàm phán, tìm giải pháp giải quyết công bằng hợp lý, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế và hai bên có thể chấp nhận. Thông qua đàm phán, tranh luận các bên hiểu rõ thêm lập trường của nhau, và hiểu rõ thêm cả chính mình. Điều cốt yếu là phải tìm ra những điểm chung nhất.

Để đạt tới mục tiêu có được một đường biên giới hòa bình hữu nghị, ổn định, hợp tác, rõ ràng, đánh dấu bằng những Hiệp định, những cột mốc, thì cần có thiện chí, hợp tác với nhau. Trong đàm phán cũng có những sự điều chỉnh trên cơ sở cân bằng về diện tích và lợi ích. Điều chỉnh chứ không phải nhân nhượng.

Nói thì dễ, nhưng làm không dễ. Trong điều kiện chịu áp lực trong và ngoài nước, trên bàn đàm phán và trên thực địa, đòi hỏi phải có bản lĩnh dám chịu trách nhiệm, nắm vững cơ sở pháp lý - kĩ thuật, hiểu biết sâu sắc thực địa, đào sâu nghiên cứu mới có thể có bước đi đúng.

- Trong đàm phán, việc có cách hiểu, cách giải thích khác nhau là khó tránh khỏi. Có khi nào không khí đàm phán căng tới mức có nguy cơ đổ vỡ?

Chuyện đàm phán đông cứng, căng thẳng là có, nhất là khi các bên đều kiên quyết giữ lập trường, không chịu lắng nghe. Không phải là không có những trường hợp có bên có thể hiểu quá đi do lợi ích của mình. Phải kiên trì, đấu tranh, thuyết phục đối tác.

Lần đàm phán cuối cùng, hai bên đã tiến hành 13 vòng đàm phán chính thức cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ, rất nhiều cuộc gặp hai Trưởng đoàn, 31 vòng đàm phán cấp Chủ tịch Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc. Càng về cuối đàm phán càng khó khăn, phức tạp. Riêng năm 2008, hai bên đã tiến hành 11 vòng đàm phán cấp Chủ tịch, vòng ngắn nhất kéo dài 9 ngày, vòng dài nhất 23 ngày. Có những lần, chúng tôi đã ngồi đàm phán liên tục đến 32 tiếng đồng hồ không nghỉ. Thậm chí, có lúc, vài chục tiếng ngồi trong phòng không phải để thảo luận, mà để "cân não".

Ngày 31/12/2008, 19g Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam, trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ, thay mặt hai đoàn Việt Nam, Trung Quốc đã ra tuyên bố chung về việc hoàn thành phân giới cắm mốc, thế nhưng, cuộc đàm phán vẫn chưa đi đến hồi kết. Hai bên đã thống nhất về văn bản đường biên giới đi qua thác Bản Giốc và cửa sông Bắc Luân nhưng lại phát hiện ra việc thể hiện trên bản đồ đính kèm của hai bên có sự khác biệt. Chúng tôi tiếp tục thảo luận.

Để khích lệ anh em chuyên viên chúng tôi, trưởng đoàn ta úy lạo anh em một chai Nếp Mới. Đại sứ Trung Quốc Tôn Quốc Tường góp chai Mao Đài. Nhân đó trưởng đoàn ta vịnh bốn câu thơ:

"Phân giới xong rồi nhẹ đôi vai

Đêm nay Nếp Mới với Mao Đài

Việt - Trung hữu nghị tình thắm mãi

Giữ trọn niềm tin hướng tương lai".

Chúng tôi hiểu Trưởng đoàn muốn mượn thơ để nhắn nhủ: gần đến thắng lợi không thể tránh khỏi gian nan, Mao đài và Nếp mới là tượng trưng cho sự bình đẳng giữa hai nước, cũng có nghĩa là đêm nay còn có khác biệt, còn có hai phương án, nhưng hai bên đều có thiện chí, đều mong muốn vun đắp tình hữu nghị thì nhất định phải đi đến thống nhất. Tới 2h5 phút sáng 1/1/2009, hai bên mới đặt bút kí vào biên bản và tới 4h sáng cùng ngày, những thủ tục cuối cùng mới hoàn tất, thể hiện kết quả đúng như những gì mà chúng ta dự kiến.

Không riêng gì đàm phán, mà ngay cả khi phân giới cắm mốc cũng có lúc gặp khó. Năm 2007, tốc độ phân giới cắm mốc chậm hẳn lại do các khu vực tồn đọng đều là các khu vực nhạy cảm, có lịch sử tranh chấp lâu đời, khó giải quyết. Có tháng, có nhóm phân giới cắm mốc không cắm được cột mốc nào. ...

Nhưng nhờ thiện chí và nỗ lực của hai bên, Việt Nam - Trung Quốc đã giải quyết hợp tình hợp lý những khu vực tranh chấp biên giới, kết thúc việc hoạch định, phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới Việt - Trung dài 1450 km.

Lấy dân làm gốc

- Như ông đã nói, không có chuyện nhân nhượng trong đàm phán biên giới Việt - Trung, chỉ có những sự điều chỉnh trên cơ sở cân bằng về diện tích và lợi ích. Ông có thể làm rõ hơn ý này?

Ví dụ, qua hàng trăm năm lịch sử, có những làng bản của Việt Nam nằm sang phía Trung Quốc, làng bản Trung Quốc nằm sang Việt Nam; nếu cứ áp dụng đúng pháp lý sẽ tạo ra sự xáo trộn đời sống của người dân. Người dân khi nhà cửa, mồ mả, ruộng vườn bị ảnh hưởng do đường biên giới pháp lý đi qua, tình cảm đầu tiên nghĩ đến là một sự xáo trộn cuộc sống của họ rồi mới nghĩ đến đó là đường biên giới quốc gia.

Biên giới xây dựng lên cũng là nhằm mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ đời sống yên bình của người dân. Mọi quyết định đều không thể không tính đến yếu tố lấy dân làm gốc, dựa trên tình hình thực địa.

Trên cơ sở đó, ví dụ bản Ma Lỳ Sán (xã Pà Vày Xủ, huyện Sín Mần, tỉnh Hà Giang) của Việt Nam nằm quá đường biên giới được hoạch định và Phân giới cắm mốc chính thức về phía Trung Quốc  trong khi 13 nóc nhà của nhân dân Trung Quốc gần biên giới Hang Dơi (Lạng Sơn) lại nằm quá sang đường biên giới được hoạch định và Phân giới cắm mốc chính thức về phía Việt Nam, hai bên đã thống nhất điều chỉnh cho nhau trên cơ sở giữ nguyên diện tích để bảo đảm đời sống dân cư. Nhân dân hai khu vực này rất đồng tình. Đây cũng là việc thường xảy ra trong thực tiễn quốc tế khi giải quyết các vấn đề biên giới.

clip_image004Trong đàm phán cũng có những sự điều chỉnh trên cơ sở cân bằng về diện tích và lợi ích. Điều chỉnh chứ không phải nhân nhượng. Ảnh tư liệu từ trang Biengioilanhtho.gov.vn

Đi được đến Hiệp định là thắng lợi của cả 2 bên, cho ra đời một đường biên giới ổn định. Về mặt số học cũng hết sức rõ ràng.

Thế còn Thác Bản Giốc, và Hữu nghị quan vốn được dư luận quan tâm nhiều nhất?

Thác Bản Giốc gồm 2 phần: phần thác phụ và phần thác chính. Theo hồ sơ lưu trữ của Việt Nam và Pháp, khi Công ước Pháp - Thanh 1887/1895 được kí kết cũng đã không giải quyết trọn vẹn vấn đề thác Bản Giốc; nhưng đã ghi rõ đường biên giới sẽ đi theo trung tuyến sông Quây Sơn.

Theo Hiệp ước 1999, đường biên giới được xác định theo nguyên tắc trung tuyến dòng chảy chính nhưng chưa thể hiện đường biên giới chính thức (chỉ ghi nhận hai đường nét đứt thể hiện quan điểm hai bên).

Với một thác nằm ở đường biên giới, theo luật quốc tế sẽ được 2 bên sử dụng như nhau, biên giới đi theo đường trung tuyến dòng chảy ở những nơi tàu thuyền không qua lại được hoặc theo đường trung tuyến luồng ở những nơi tàu thuyền qua lại được. Đó là nguyên tắc cũng từng được chúng ta áp dụng để giải quyết vấn đề biên giới với các bạn Lào, Campuchia.

Giải pháp Việt Nam và Trung Quốc đã thoả thuận là đường biên giới đi từ mốc 53 cũ, qua cồn Pò Thoong, đến điểm giữa của mặt thác chính, theo trung tuyến dòng chảy chính trên sông Quây Sơn.  Như vậy, Phần thác phụ hoàn toàn thuộc phía Việt Nam, còn phần thác chính đổ thẳng xuống sông Quây Sơn là sông chung biên giới, được phân chia theo trung tuyến dòng chảy chính.

Hiện nay 2 nước đang đàm phán để phát triển toàn bộ khu vực thác Bản Giốc thành khu vực tự do du lịch, để nhân dân 2 nước đều được ngắm cảnh đẹp, thúc đẩy giao lưu phát triển du lịch.

Về khu vực Hữu nghị quan: Theo các tài liệu lịch sử đang được lưu giữ, Trấn Nam Quan hay còn gọi là Ải Nam Quan đều nằm bên phía Trung Quốc, đường biên giới nằm phía nam Trấn Nam Quan. Theo "Đại Nam Nhất thống chí" của Viện Khoa học xã hội Việt Nam dịch Hán Nôm, giới thiệu năm 1962, Trấn Nam Quan được xây dựng từ thời nhà Minh; sau đó, đời Nhà Thanh cho tu bổ lại. Dấu tích lịch sử quan trọng của khu vực cửa khẩu Hữu nghị còn lại là mốc 19 cũ do Pháp Thanh cắm năm 1894.

Vừa qua Việt Nam và Trung Quốc đã tiến hành cắm mốc 1117 trùng với vị trí mốc 19 cũ, đường biên giới đi qua Km số 0, mốc 19 cũ đến điểm cách điểm nối ray hiện tại 148m về phía Bắc.

Như vậy có thể khẳng định đường biên giới tại cửa khẩu Hữu nghị vừa được phân giới cắm mốc là phù hợp với lịch sử, với Hiệp ước 1999 và thực tiễn quản lý ở khu vực này.

- Thế còn các điểm cao biên giới dọc đường biên giới Việt - Trung thì sao, thưa ông?

Theo Hiệp định, các khu vực hai bên quản lý quá sang nhau, sau khi có đường biên giới chính thức, sẽ trao trả cho nhau. Hiện 38 chốt quân sự ở các điểm cao dọc biên giới Việt - Trung đã được dỡ bỏ.

Đàm phán trên tư cách bình đẳng, ngang hàng

- Là một nước nhỏ đàm phán với một đối tác lớn như Trung Quốc, có khi nào Việt Nam bị lép vế?

Đúng là bên cạnh một Trung Quốc lớn đang trỗi dậy mạnh mẽ, có vị thế lớn trên trường quốc tế là một khó khăn, thách thức; nhưng đó cũng là cơ hội để ta triển khai đàm phán hòa bình, trên cơ sở hoà bình giải quyết các tranh chấp quốc tế.

Trong thời đại phát triển luật pháp như hiện nay, tất cả các nước đều bình đẳng, dù lớn hay nhỏ, số dân nhiều hay ít. Nắm vững nguyên tắc đó, tâm thế đó, ta bước vào đàm phán một cách sòng phẳng, ngang hàng với đối tác.

Hơn nữa, Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm trong đàm phán với các đối tác lớn rồi. Chúng ta đã từng cùng các cường quốc như Pháp, Mỹ ngồi lại, bàn về nền hòa bình cho Việt Nam. Lúc đó, có ai nghĩ ta có thể bước ra khỏi đàm phán với tư thế của người ngang hàng? Nhờ chính nghĩa, biết phát huy thế mạnh, dựa vào luật pháp quốc tế, Việt Nam đã thành công.

clip_image005TS Nguyễn Hồng Thao tại ĐH Thi đua Yêu nước năm 2010 vừa diễn ra tại Hà Nội.

Cũng cần nói thêm, Việt Nam là quốc gia duy nhất mà đối tác Trung Quốc đồng ý áp dụng Công ước Pháp - Thanh 1887 và 1895, các Công ước ký trong thời thực dân-phong kiến, làm cơ sở giải quyết biên giới . Còn với 13 nước khác có chung đường biên với Trung Quốc, nước này đều yêu cầu phải đàm phán lại từ đầu, vì cho rằng những Hiệp ước kí kết dưới chế độ thực dân trước đây nhà Thanh đều bị lép vế, không bình đẳng dẫn đến bất lợi cho họ.

Không vì thắng lợi nhỏ, trước mắt mà quên đi mục tiêu lâu dài

- Qua thời gian dài đàm phán với Trung Quốc, ông đúc rút được điều gì trong cuộc chơi bình đẳng, công bằng với một nước lớn như vậy? Theo ông, điều gì để Việt Nam tạo dựng và giữ được thế bình đẳng, ngang hàng với đối tác lớn?

Vừa qua tôi thấy Vietnamnet có một chuyên mục cho bạn đọc trao đổi ý kiến Việt Nam cần làm gì bên cạnh một Trung Quốc hùng mạnh đang phát triển. Có ý kiến lo lắng, có ý kiến cho rằng đó là thời cơ.

Tôi nghĩ chúng ta cần phải xuất phát từ thực tế chúng ta là một nước láng giềng với Trung Quốc và là một nước láng giềng có vị trí tương đối đặc biệt với Trung Quốc. Hai nước có biên giới tương đối dài, gắn bó. Có cả biên giới đất liền và biên giới biển. Có mối liên hệ văn hóa sâu sắc. Gần đây cũng có ý kiến Kinh Dịch và tiếng Hán xuất phát từ tộc Bách Việt, mà một nhánh là Lạc Việt  (Việt Nam). Lịch sử hai nước gắn bó chặt chẽ với nhau, không chỉ ngàn năm lịch sử mà cả trong thời kỳ hiện đại. Cách mạng hai nước cũng gắn bó và hỗ trợ cho nhau. Hai nước cùng có những trăn trở vươn lên, Trung Quốc với 4 hiện đại hóa, Việt Nam với Đổi mới và đều đã có những thành công.

Chúng ta không thể sống tách biệt với Trung Quốc, cũng như Trung Quốc không thể sống tách biệt với Việt Nam. Tự nhiên và lịch sử đã đặt hai nước, hai dân tộc sống cùng nhau.

Một Trung Quốc phát triển, có trách nhiệm hơn với thế giới là điều đáng mừng, là cơ hội cho Việt Nam học hỏi vươn lên. Nhiều nước trên thế giới, ở xa  mong muốn hợp tác làm ăn với Trung Quốc, tại sao chúng ta ở gần hơn lại không nắm bắt cơ hội.

Một Trung Quốc mạnh cũng là thách thức không nhỏ nếu như chúng ta không chủ động vươn lên, không cải cách hành chính, kinh tế. Phải coi vị trí láng giềng của "người khổng lồ" là động lực để phấn đấu vươn lên. Nguyễn Trãi đã từng dạy: Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau nhưng hào kiệt đời nào cũng có.

Có lãnh đạo (hào kiệt) sáng suốt , đường lối độc lập tự chủ, dám chịu trách nhiệm, dám chịu trách nhiệm, dám sáng tạo, thu phục nhân tài, đoàn kết nhất trí trên dưới, bình tĩnh giải quyết các vấn đề nảy sinh trên cơ sở luật pháp quốc tế, có chiến lược không vì thắng lợi nhỏ, thắng lợi trước mắt mà quên đi mục tiêu lâu dài, thủy chung. làm bạn với tất cả bạn bè quốc tế. Những bài học đó của ông cha không bao giờ cũ cả.

Bạn hãy nhìn lại lịch sử, vào những thời điểm quyết định, đứng trước những thử thách gay go nhất, trước những "đối thủ, đối tác" tiềm lực mạnh hơn nhiều, dân tộc ta vẫn đi lên, vẫn tồn tại vì chúng ta biết lấy nhu thắng cương, lấy chính nghĩa khắc sức mạnh, dĩ bất biến ứng vạn biến.

- Từ kết quả đàm phán hiệp định và phân giới cắm mốc biên giới trên bộ, chúng ta rút ra kinh nghiệm gì cho việc đàm phán biên giới, cả trên bộ và  trên biển trong thời gian tới?

Chắc sẽ có nhiều bài học kinh nghiệm. Cái chính vẫn là kiên trì nguyên tắc, tin tưởng lãnh đạo, những gì về nguyên tắc không thể nhân nhượng, đồng thuận, đoàn kết, nắm vững thời cơ, dám chịu trách nhiệm, nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng hồ sơ pháp lý, hiểu người hiểu ta, giải quyết phù hợp luật pháp quốc tế và lòng dân, phải biết giữ bí mật và kỷ luật đàm phán đến cùng thì mới thành công. Đúng như lời Bác Hồ đã dạy ngành Ngoại giao: "Dĩ bất biến ứng vạn biến".

Đồng thời, phải hiểu được văn hóa của nhau. Mỗi nước đều có lòng tự hào của riêng mình. Đối tác luôn tự hào về thể diện nước lớn còn chúng ta luôn tự hào về ý chí kiên cường của dân tộc không bao giờ chịu khuất phục trước sức mạnh.

Công lý không bao giờ đo bằng sức mạnh

- Đã có những thỏa thuận pháp lý, đã hoàn thành phân giới cắm mốc, nhưng việc tuân thủ pháp lý ở đường biên vẫn là một thách thức. Theo ông, chúng ta phải làm gì để đường biên giới hai nước thực sự hòa bình, hữu nghị, không có chuyện gặm nhấm từng bước theo nhiều cách khác nhau?

Hai bên cần tăng cường công tác giáo dục tuyên truyền để mọi người đều hiểu, tôn trọng và tuân thủ các văn bản pháp lý về đường biên giới đã có hiệu lực. Các lực lượng quản lý biên giới cần tăng cường hợp tác. Biên giới để phân định chủ quyền quốc gia nhưng biên giới còn có chức năng thứ hai là biên giới hợp tác, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển vì tình hữu nghị và lợi ích chung của hai dân tộc.

clip_image006TS Nguyễn Hồng Thao cùng đại biểu quốc tế người Hy Lạp đồng thời là cựu chiến binh trung úy quân đội nhân dân Việt Nam Nguyễn Văn Lập tại ĐH Thi đua yêu nước 2010.

- Một trong những bí quyết thành công của đàm phán biên giới trên bộ Việt - Trung là sự chuẩn bị kĩ lưỡng về hồ sơ, tài liệu, về nghiên cứu thực địa. Trong khi đó, với vấn đề Biển Đông vốn nhiều phức tạp và cũng rất nhạy cảm, dường như việc nghiên cứu của ta có vẻ "lép vế" so với bạn. Làm thế nào để ta khắc phục được, giành thắng lợi trong "cuộc chiến không cân sức" ấy?

Tôi không đồng ý với bạn về những từ "lép vế", "cuộc chiến không cân sức". Một nước Nicaragoa bé nhỏ kiện Mỹ ra Tòa năm 1995 và đã được Tòa án Công lý xử thắng. Công lý không bao giờ đo bằng sức mạnh cả. Chúng ta không đe dọa ai, không đánh ai, không gây hấn với ai, nhưng chúng ta bảo vệ lãnh thổ của mình, chúng ta mong muốn được sống trong hòa bình, ổn định để phát triển.

Trong thế giới hiện đại, ở đâu cũng có đấu tranh và hợp tác. Vấn đề Biển Đông phức tạp và nhạy cảm, là một trong những vấn đề khó do lịch sử để lại.

Để giải quyết tốt vấn đề chúng ta đã chú trọng cho công tác nghiên cứu. Vừa qua ngay ở Lý Sơn, ở Huế, người dân cũng hưởng ứng đóng góp nhiều văn bản có giá trị. Chúng ta có nhiều nghiên cứu của nhiều thế hệ...

Có thể so sánh về số lượng các Viện nghiên cứu, các công trình nghiên cứu thì chúng ta có thể ít, nhưng chất lượng nghiên cứu ngày càng được nâng cao. Cuốn sách Việt Nam và các tranh chấp trong Biển Đông của tôi viết bằng tiếng Pháp đã được tặng giải thưởng luật biển quốc tế INDEMER năm 2000 và được Nhà xuất bản dannh tiếng Pedone xuất bản năm 2004.

Nói như vậy không phải đề cao cá nhân, sự đóng góp của cá nhân rất nhỏ bé nhưng lập luận của mình về chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, về giải pháp cho vấn đề Biển Đông được  giới khoa học luật quốc tế ghi nhận trong khi chưa có tác phẩm nào của học giả Trung Quốc về Biển Đông được giải thưởng cả.

Mình có lập luận có căn cứ, có chính nghĩa, phải tự tin, dám đấu tranh mới thành công.

Đây là cuộc đấu tranh còn lâu dài, gian khổ, cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ, đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình giảng dạy, nghiên cứu, động viên các em phấn đấu, nghiên cứu. Cần đầu tư hơn nữa cho việc xây dựng, sưu tầm hồ sơ pháp lý, đào tạo cán bộ pháp lý luật quốc tế, luật biển.

Hy vọng trong thời gian không xa, chúng ta có những thẩm phán người Việt tham gia vào Tòa án quốc tế La Hay, Tòa án quốc tế Luật biển.

Trong lĩnh vực Toán học chúng ta đã có Ngô Bảo Châu, nhưng để có những người Việt tham gia vào các tổ chức tài phán quốc tế hay trở thành lãnh đạo của các Tổ chức quốc tế phục vụ cho hòa bình và công lý quốc tế thì chúng ta còn phải phấn đấu, phải đầu tư nhiều hơn nữa. Người Myanma, người Hàn Quốc đã từng và đang giữ vị trí Tổng Thư ký Liên hợp quốc, người Thái Lan đã từng lãnh đạo WTO. Chúng ta phải phấn đấu, phải có chiến lược bài bản, không tự ti, sánh vai cùng các cường quốc năm châu trong tiến trình hội nhập và phát triển.

P. L.

Nguồn: Tuanvietnam

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn