Con tàu khổng lồ Vinashin đang bị ngập nước

Mai Vân

clip_image001

Nhìn lại những sự kiện đánh dấu 2010, nhật báo Pháp Le Monde chú ý đến một sự kiện ở Việt Nam, trên bình diện kinh tế: "Tập đoàn Vinashin, con tàu khổng lồ đang bị ngập nước", tít bài báo dài gần cả trang báo bên trong. Bên trên dòng tựa, Le Monde giải thích ngắn gọn nguyên nhân khiến Vinashin bị nạn: tham ô, thâm lạm công quỹ, quản lý kém cỏi đã tác hại đến tập đoàn đóng tàu nhà nước, một biểu tượng phát triển kinh tế của Việt Nam.

Mở đầu bài báo, đặc phái viên Le Monde, Bruno Philip, cho là Vinashin, là 3 âm tiết mà có lẽ là giới lãnh đạo Việt Nam đọc lên một cách chua chát, trong khi mà tình trạng phá sản của tập đoàn làm giới tài chính quốc tế và giới đầu tư lo ngại hậu quả đối với kinh tế của một trong những ‘con rồng’ năng động nhất Đông Nam Á.

Theo Le Monde, gọi Vinashin là một trong những "soái hạm" của Việt Nam, thì không có từ ngữ nào thích hợp hơn đối với tập đoàn đã từng là hiện thân của mô hình phát triển mà ban lãnh đạo đảng Cộng sản hiện nay đã chọn lựa.

Bài báo nhắc lại những khoản nợ của Vinashin: 4,4 tỷ đô la, bằng 4,5% GDP Việt Nam năm 2009. Tập đoàn đã phải khất nợ, nhà nưóc phải tài trợ để Vinashin trả lương cho công nhân viên. Tóm lại thì khó khăn Vinashin nhiều đến nỗi mà nó đe doạ sức khoẻ của cả nền kinh tế Việt Nam, cho dù tăng trưởng năm 2010 vẫn cao.

Le Monde trở lại những nguyên nhân đã đưa Vinashin xuống ‘điạ ngục‘: Quản lý công quỹ kém cỏi, thiếu kiểm tra, không minh bạch, cán bộ cấp cao thiếu năng lực, nạn bè phái, tham nhũng. Việt Nam đã đi theo mô hình phát triển của Hàn Quốc, mà mục tiêu là thành lập những đại tập đoàn ‘chaebol’, để thúc đẩy phát triển, và nhà nước vẫn giữ được các công ty lớn.

Bài báo trích dẫn những số liệu, từ năm 1989 đến nay số lượng công ty nhà nước có giảm: từ 12.000 nay còn 4.000. Thế nhưng tuy chỉ còn chiếm hơn 1/3 kinh tế Việt Nam, các đại tập đoàn này đã phình to ra rất nhiều trong những năm gần đây, vì đã được khuyến cáo nên đa dạng hoá hoạt động. Cũng như các tập đoàn khác như Điện lực Việt Nam đã đầu tư vào điện thoại di động, hay Petro Việt Nam vào ngành du lịch, Vinashin đã đầu tư vào ngành khách sạn, bảo hiểm, v.v.

Có điều, Le Monde trích dẫn bà Phạm Chi Lan, đã đánh giá là "sai lầm của Vinashin là đã phát triển quá nhanh quá nhiều hoạt động khác nhau. Mô hình chaebol của Hàn Quốc có hấp dẫn, nhưng lãnh đạo Vinashin đã không hiểu là hoạt động như thế nào".

Hậu quả chính trị của vụ Vinashin: Thủ tướng Việt Nam bị suy yếu ?

Ngoài hậu quả kinh tế, hiển nhiên hồ sơ Vinashin còn có hậu quả chính trị, và người gánh chiụ hậu quả là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nhiều nhà quan sát nước ngoài đã nhận thấy ông và giới thân cận đã bị suy yếu do vụ Vinashin.

Theo Bruno Philip, tác giả bài báo, ông Nguyễn Tấn Dũng là gương mặt thể hiện sự trẻ hoá của guồng máy lãnh đạo từ khi ông được đề cử vào năm 2006. Phong cách của ông khác hẳn với các người tiền nhiệm, ông Dũng không ngần ngại đứng ra phiá trước, nhanh chóng chiếm vị trí trọng tâm để khẳng định với lãnh đạo quốc tế và giới đầu tư ông là người lãnh đạo chính phủ.

Dù bị ảnh hưởng trong vụ Vinashin, nhưng theo bài báo trên Le Monde, trong một hệ thống như ở Việt Nam, với tổ chức cơ cấu theo phe nhóm, thì hồ sơ Vinashin sẽ có nhũng hệ quả trước mắt khó lường. Tuy nhiên, Bruno Philip cho là theo nhiều nguồn tin, ông Nguyễn Tấn Dũng chưa thua trận. Ông đã công khai công nhận trách nhiệm của mình trong vụ Vinashin và có thể sẽ tiếp tục giữ chiếc ghế hoặc cũng có thể được cử làm tổng bí thư, với quyền hạn chính trị lớn hơn, nhưng không trực tiếp nắm kinh tế.

Quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam bị xiết chặt

Ngoài cái gai kinh tế Vinashin, Le Monde còn chú ý đến vấn đề nhân quyền, tự do ngôn luận ở Việt Nam trong năm qua. Dưới tựa đề không "lạm dụng quyền tự do dân chủ", bài báo liệt kê những vụ bắt giam nhà báo, luật sư, nhà hoạt động nhân quyền... Le Monde ước tính là có ít nhất 25 người đã bị bắt.

Việc kiểm soát Internet ngày càng gắt gao hơn. Le Monde nêu bật trường hợp Vietnamnet, bị phạt vì đã phạm một lỗi lớn là đã chạy một tựa về nạn tham nhũng, dựa theo kết quả nghiên cứu mà tổ chức Minh bạch Quốc Transparency International cho thực hiện. Bản nghiên cứu nêu bật nạn tham nhũng trong ngành công an: 82% người được hỏi xem công an là những người tham nhũng nhất trong giới viên chức nhà nước.

Bài báo trích dẫn nhận định của một chuyên gia Pháp về Việt Nam, Benoit de Tréglodé, là chế độ không cảm thấy bị đe doạ. Nhưng đó là những dấu hiệu đãu tranh nội bộ giữa các phe phái khác nhau, để giữ vị trí của một phe nhóm.

Pháp và thế giới năm 2010 nhiều khó khăn hơn niềm vui

Trong ngày cuối năm này, báo giới Pháp dành những tít lớn trang nhất vừa nhìn lại những sự kiện đánh dấu năm sắp kết thúc vừa ghi nhận những gì chờ đợi chúng ta trong năm sắp đến.

Le Figaro nhìn sang năm mới ghi nhận: 2011, tổng thống Pháp Sarkozy chuẩn bị một năm cải tổ. Trong lúc báo Libération dành tựa cho 2010, thông báo dành 24 trang điểm qua những từ những sự kiện, hình ảnh, con người cho đến nhũng câu nói đánh dấu năm 2010. Le Monde thì chú ý đến sức thu hút của Facebook: có đến gần một nửa: 49,3 % những người sử dụng Internet đến với mạng xã hội này.

Nhìn lại năm 2010, Libération ghi nhận nhiều khó khăn hơn là niềm vui, từ các vụ cháy rừng ở Nga, bùn đỏ ở Hungary, tự tử hàng loạt ở Trung Quốc, khủng hoảng kinh tế ở Châu Âu, từ Hy Lạp cho đến Bồ Đào Nha. Còn ở Pháp là các vụ tai tiếng Bettancourt, biểu tình chống cải tổ hưu bổng, cho đến bão tố, thời tiết vào những ngày cuối năm này...

Năm 2011: Châu Âu cũng không tươi sáng lắm

Nhìn năm tới thì tình hình có vẻ cũng không tốt gì hơn. Đối với Châu Âu, báo giới hôm nay trước tiên nêu bật sự kiện vùng đồng Euro có thêm một thành viên mới, đó là Estonia, thành viên thứ 17, trong lúc mà đồng euro đang nằm trong bão tố. Cho nên tờ l’Humanité nhìn thấy Estonia 'can đảm bước vào một euroland bị khủng hoảng', trong lúc La Croix nêu câu hỏi về tương lai của đồng Euro.

Về mặt chính trị Liberation tỏ vẻ không vui trước sự kiện Hungary sẽ làm chủ tịch luân phiên Châu Âu trong sáu tháng đầu năm tới, cho là Châu Âu bị chủ nghiã dân túy đe doạ. Trong mắt Libération, nước Hung của chính quyền thủ tướng Viktor Orban là biểu tượng của nhũng phong trào mị dân đi ngược lại với những giá trị của Châu Âu.

Riêng về Pháp, nếu Le Figaro nhìn thấy 2011, là năm mà tổng thống Pháp đặt quốc gia dưới dấu ấn cải tổ, thì các báo l’Humanité, cũng như Les Echos nêu bật đây sẽ là một năm mà đời sống sẽ đắt đỏ hơn, do hệ quả thuế tăng lên và công cuộc cải cách.

Kể từ ngày đầu năm: tỷ lệ đóng góp những người làm việc sẽ tăng lên, các chi phí sinh hoạt từ tiền điện , tiền thuê bao Internet… cho đến tiền khám bệnh cũng sẽ tăng. L’Humanité châm biếm: Cái gì cũng tăng ngoại trừ đồng lương!

M. V.

Nguồn: RFI

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn