Kinh tế Việt Nam - Một năm nhìn lại

Nguyễn Hà

Năm 2010 đã kết thúc, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đang phải vượt qua khó khăn của dư âm khủng hoảng kinh tế; Việt Nam được đánh giá là một trong những nước sớm phục hồi và duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn năm trước. Năm 2009, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,32%, đến năm 2010 đạt 6,78%, vượt mục tiêu tăng trưởng 6,5% của Quốc hội đề ra. Cả 3 khu vực kinh tế: khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản, khu vực Công nghiệp và Xây dựng, khu vực Dịch vụ đều đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng của năm 2009. Đây là kết quả của sự cố gắng vượt bậc trong việc thực hiện các biện pháp và giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế của nước ta. Giá trị sản xuất Công nghiệp năm 2010 tăng 14% so với năm 2009 (trong đó công nghiệp Nhà nước tăng 7,4%, công nghiệp ngoài Nhà nước tăng 14,7%, công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,2%); giá trị sản xuất Nông nghiệp tăng 4,7%, giá trị sản xuất Lâm nghiệp tăng 4,6%; giá trị sản xuất Thủy sản tăng 6,1%; tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng (giá thực tế) tăng 24,5%; kim ngạch xuất khẩu đạt 71,6 tỷ USD, tăng 25,5%, kim ngạch nhập khẩu đạt 84 tỷ USD, tăng 20,1%; nhập siêu giảm 5,2% so với nhập siêu năm 2009; số lượt khách du lích đến Việt Nam tăng 34,8%.

Mặc dù đạt được những thành tích như vậy, nhưng những khó khăn, vướng mắc của nền kinh tế nước ta trong năm qua cũng ngày càng bộc lộ rõ, làm hạn chế sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế-xã hội và đang là những thách thức to lớn cho năm 2011 và các năm sau.

  1. Tăng trưởng nhưng chưa ổn định

Vào đầu năm 2008, nhiều nước bắt đầu lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - tài chính; Riêng Việt Nam chỉ có thể được coi là bị suy giảm do tác động ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế-tài chính của các nước này (còn nguyên nhân nội tại chỉ là thứ yếu, vì những năm trước đấy kinh tế nước ta liên tục tăng trưởng cao và tương đối ổn định vĩ mô; điều này cũng chứng tỏ rằng quy mô kinh tế Việt nam nhỏ bé, nội lực kinh tế yếu, khi hội nhập với thế giới dễ bị tổn thương). Chỉ từ nửa năm cuối của năm 2008 các dấu hiệu suy giảm kinh tế của Việt Nam mới bộc lộ (muộn hơn các nước khoảng nửa năm); tuy nhiên, suy giảm kinh tế của Việt Nam không quá nặng nề bởi tăng trưởng vẫn đạt mức 5-6% và đến năm 2010 đã đạt 6,78% (trong khi các nước bị khủng hoảng tài chính, mấy năm vừa qua tăng trưởng rất thấp và có nhiều nước còn tăng trưởng âm). Một khác biệt nữa giữa suy giảm kinh tế của Việt Nam so với khủng hoảng kinh tế của các các nước là: Trong khủng hoảng các nước đều lạm phát thấp hoặc thiểu phát thì Việt Nam lại lạm phát cao: Năm 2008, lạm phát Việt Nam trên 20%, năm 2009 gần 7% và năm 2010 lại vọt lên xấp xỉ 12%. Lẽ ra, về lý thuyết để thoát khỏi suy giảm kinh tế do tác động của khủng hoảng tài chính thế giới thì phải ổn định trước rồi mới tăng trưởng sau. Nhưng Việt Nam đã làm ngược lại: Các chính sách ngắn hạn về kinh tế năm 2009 vẫn lấy mục tiêu tăng trưởng cao để ổn định vĩ mô và đến năm 2010 tiếp tục duy trì mục tiêu tăng trưởng bằng mọi giá, làm cho lạm phát cao tái phát trở lại, càng gần cuối năm mức độ lạm phát càng cao. Lạm phát cao đã làm cho nền kinh tế mất ổn định, làm mất giá đồng nội tệ, tăng lãi suất, tăng tỷ giá; khi lãi suất cho vay quá cao, các doanh nghiệp không dám vay dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn, sản xuất sẽ đình trệ và những khó khăn sẽ đến với nền kinh tế trong năm 2011 chưa thể lường hết khi mà các cam kết bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu chỉ hết quý I/2010. Nền kinh tế Việt Nam năm 2009 và năm 2010 ví như một người bệnh, khi đang bệnh phải tập trung chữa bệnh đã rồi sau mới bồi bổ chứ không thể bồi bổ mà mong khỏi được bệnh. Mầm bệnh lạm phát của nền kinh tế Việt Nam âm ỉ từ lâu, khi chưa điều trị dứt điểm thì chỉ một tác động nhỏ là làm cho bệnh tái phát, càng đầu tư để tăng trưởng cao càng dễ bị rơi vào bẫy lạm phát cao; lạm phát cao làm mất ổn định kinh tế thì tăng trưởng cao phỏng có ích gì?

Có nhiều nguyên nhân làm cho lạm phát tăng cao. Có ý kiến phân tích do giá nguyên liệu đầu vào, nguyên, nhiên liệu nhập khẩu tăng làm đội giá thành. Đây là ý kiến không sai nhưng chưa thật đầy đủ, chưa phải là lý do chủ yếu, bằng chứng là cũng có nhiều nước phải nhập nguyên, nhiên liệu nhưng mấy năm vừa qua họ đâu có bị lạm phát cao như Việt Nam?

Để tìm nguyên nhân của lạm phát cao, sẽ dựa vào phân tích các cân đối chủ yếu trong nền kinh tế: Cân đối Cung - Cầu và Cân đối Tiền - Hàng.

Về cân đối Cung - Cầu: Đây là mối quan hệ giữa một bên là sản xuất trong nước cộng với nhập khẩu và một bên là tiêu dùng trong nước cộng với xuất khẩu. Nhìn lai mối quan hệ này trong mấy năm qua và đặc biệt là năm 2010, không thấy có sự mất cân đối, thậm chí bên cung dường như còn lớn hơn bên cầu thể hiện qua tốc độ tăng trưởng năm thấp nhất vẫn đạt 5,32%, nhập khẩu cao hơn xuất khẩu, thay đổi về tồn kho hàng hoá các năm 2008-2010 vào khoảng 4-5% GDP (cao hơn gần gấp đôi mức tồn kho hàng hoá các năm trước). Lẽ ra, trong điều kiện cung lớn hơn cầu thì giá hàng hoá phải ổn định và phải kích thích tiêu dùng mới đúng. Thế nhưng tại sao giá cả hàng hoá, dịch vụ vẫn tăng và tiêu dùng bị hạn chế? Ở đây có thể thấy chính sách kinh tế năm 2009 và 2010 của Chính phủ vẫn trọng cung hơn trọng cầu, gói kích thích kinh tế 1 tỷ USD từ ngân sách nhà nước năm 2009 hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp để tăng trưởng kinh tế thực chất là kích cung chứ không phải để kích cầu (mà đáng ra vào thời điểm ấy phải kích cầu); mặt khác tỷ lệ đầu tư cho toàn nền kinh tế trong hai năm 2009-2010 vẫn duy trì ở mức cao (42% GDP), trong đó đầu tư công của Chính phủ và Chính phủ đầu tư gián tiếp cho các doanh nghiệp Nhà nước bằng cấp vốn, vay nợ thay doanh nghiệp tiếp tục gia tăng. Đầu tư vào khu vực kinh tế Nhà nước năm 2010 tăng 10% so với năm 2009 và chiếm tỷ trọng gần 40% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, nhưng hiệu quả đầu tư của khu vực này vẫn tiếp tục giảm. Có thể nói Việc tăng đầu tư công của Chính phủ và gia tăng đầu tư của các doanh nghiệp Nhà nước nhưng hiệu quả đầu tư của khu vực này ngày càng thấp là nguyên nhân chính đẩy giá thành sản phẩm, dịch vụ tăng khi xem xét mối quan hệ Cung-Cầu. Mặt khác, giữa Xuất khẩu và Nhập khẩu lại liên tục trong tình trạng nhập siêu, quan hệ ngoại thương của Việt Nam với các nước vừa bất cập vừa thái quá: Bất cập ở chỗ những mặt hàng xuất khẩu chính, có kim ngạch cao vẫn chỉ là những mặt hàng nông, lâm, thủy sản sơ chế, khoáng sản thô, hàng gia công, lắp ráp từ linh kiện, nguyên liệu nhập của nước ngoài, hàm lượng giá trị gia tăng thấp (năm 2010, danh mục các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD tăng lên 18 mặt hàng, nhiều hơn năm trước 6 mặt hàng nhưng vẫn chỉ là những mặt hàng thuộc các nhóm hàng này). Thái quá ở chỗ: Quan hệ ngoại thương của Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc mà chủ yếu là nhập khẩu, nhập siêu từ Trung quốc năm 2010 cao hơn toàn bộ nhập siêu của cả nền kinh tế mà những mặt hàng nhập khẩu của Trung quốc thì lạc hâu về công nghệ, chất lượng kém nhưng vì giá cả phù hợp với đa số người Việt Nam (nhất là hàng tiêu dùng) nên hàng Trung Quốc ồ ạt chảy vào Việt Nam, làm cho hàng hoá Việt Nam không cạnh tranh nổi. Sự phụ thuộc thái quá vào hàng nhập khẩu nước ngoài (kể cả hàng tiêu dùng trong nước sản xuất được) tạo ra tình trạng khan hiếm ngoại tệ, đẩy tỷ giá giữa VND/USD tăng trên 10% trong năm vừa qua, làm cho đồng tiền Việt Nam càng bị suy yếu.

Đồng thời, trong mối quan hệ Cung-Cầu, vấn đề quản lý thị trường, quản lý giá rất yếu kém. Trong khi Cung lớn hơn Cầu, nhưng các doanh nghiệp (nhất là các doanh nghiệp thương mại, tư thương) không chịu giảm giá và luôn lợi dụng tình trạng độc quyền, tình trạng lộn xộn của thị trường, “đục nước béo cò” để thu lợi nhuận cao. Có những lúc giá cả thị trường thế giới giảm nhưng ở Việt Nam không giảm, khi giá thế giới tăng 1 thì ở Việt Nam tăng 2 hoặc khi vào mùa vụ thu hoạch thực phẩm, rau quả giá bán lẻ các mặt hàng này đến tay người tiêu dùng cao hơn giá bán tại chợ đầu mối tới 2 lần Trong sản xuất, các doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp Nhà nước) không quan tâm đến cải tiến quản lý, cải tiến công nghệ để hạ giá thành, kể cả những yếu kém trong quản lý làm thất thoát, hao phí lớn về chi phí sản xuất, hao phí nguyên, nhiên liệu quá mức đều được doanh nghiệp tính vào giá thành sản phẩm nhưng thị trường không có phản ứng quyết liệt. Đối với các doanh nghiệp thương mại, tư thương luôn ép giá mua của người sản xuất trong khi giá xuất khẩu hoặc giá bán lẻ ở mức cao, làm cho cả người sản xuất và người tiêu dùng đều bị thiệt, còn doanh nghiệp thương mại, tư thương lúc nào cũng lãi lớn. Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, độc quyền trong sản xuất, kinh doanh thể hiện rõ trên thị trường nhưng vai trò quản lý của nhà nước chưa được phát huy để ngăn chặn; mặt bằng giá cả thường xuyên biến động theo chiều hướng tăng với hiệu ứng dây chuyền “té nước theo mưa”, không tuân theo sự vận hành của quy luật Cung - Cầu cũng góp phần không nhỏ vào lạm phát.

Về cân đối Tiền - Hàng: Mối quan hệ Tiền - Hàng là mối quan hệ tổng hợp của mối quan hệ Cung - Cầu với các chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ của Chính phủ. Một khi các chính sách đầu tư cho tăng trưởng (để đảm bảo cân đối Cung - Cầu) và các chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ không đồng bộ, không phù hợp, không hài hoà lẫn nhau tất sẽ dẫn đến mất cân đối Tiền - Hàng. Hệ quả của sự mất cân đối này có thể là lạm phát hay thiểu phát, nhưng ở Việt Nam chỉ có lạm phát.

Trong hai năm 2009-2010, Việt Nam chống suy giảm kinh tế bằng cách theo đuổi duy trì tăng trưởng cao, tăng vốn đầu tư nhưng không chú trọng nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, đầu tư công của Chính phủ dàn trải; không chỉ đầu tư công mà chi tiêu thường xuyên của Chính phủ cũng luôn vượt khả năng chịu đựng của nền kinh tế dẫn đến thâm hụt Ngân sách lớn (mặc dù thu Ngân sách đã ở mức cao), nợ nước ngoài và nợ trong nước tăng cao, dự trữ ngoại tệ giảm. Trong điều kiện như vậy, Chính phủ không có biện pháp mạnh để cắt giảm chi tiêu Ngân sách, thậm chí còn chi tiêu lãng phí. Bên cạnh đó chính sách tiền tệ không phù hợp với chính sách kinh tế. Để tăng tổng phương tiện thanh toán, đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư của xã hội có thể tiến hành bằng hai cách: một là tăng phát hành lượng tiền mặt lưu thông trong nền kinh tế, hai là tăng hệ số tạo tiền, tức là tăng hệ số quay vòng tiền thông qua tín dụng. Nếu làm tốt cách thứ hai và hạn chế cách làm thứ nhất sẽ đảm bảo nền kinh tế vẫn có tiền đủ để lưu thông và không gây ra lạm phát; nhưng để thực hiện cách này Chính phủ phải thực thi chính sách thắt chặt tài khoá và nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, dường như cách làm của Chính phủ (thông qua Ngân hàng Nhà nước) lại không làm được như vậy. Còn nhớ, năm 2008 do phát hành thêm lượng tiền lưu thông quá nhiều dẫn đến Tổng phương tiện thanh toán toàn xã hội ở mức cao và năm đó mức lạm phát vượt trên 20%; đến năm 2009 Chính phủ lại hỗ trợ từ Ngân sách 1 tỷ USD để bù lãi suất vay của các doanh nghiệp, tính ra gói hỗ trợ kích thích kinh tế đó lên đến 8 tỷ USD đưa vào lưu thông trong nền kinh tế. Như vậy hậu quả của các động thái trên đã làm tăng đáng kể lượng tiền M2 trong lưu thông năm 2010. Mặt khác, năm 2010 Ngân hàng Nhà nước không thể hạ lãi suất cơ bản như kỳ vọng từ đầu năm mà còn tăng lên vào cuối năm nên làm tăng đồng vốn “chết”, hạn chế sức luân chuyển tiền. Các nhân tố đó đã thúc đẩy lạm phát cao hơn mục tiêu đã điều chỉnh của Quốc hội lên 1,5 lần khi kết thúc năm 2010.

  1. Chưa có chuyển biến về cấu trúc lại nền kinh tế

Vấn đề cấu trúc lại nền kinh tế đã được các nhà quản lý, các nhà kinh tế đặt ra từ lâu trên cơ sở nhận thức: với cấu trúc hiện tại nền kinh tế nước ta vận hành kém hiệu quả, sử dụng nguồn lực lãng phí. Mục tiêu của cấu trúc lại nền kinh tế nhằm đạt đến sự phát triển mạnh mẽ, bền vững cả về kinh tế và xã hội chứ không phải chỉ để đạt mục tiêu tăng trưởng cao. Cấu trúc lại nền kinh tế bao gồm cấu trúc lại các thành phần kinh tế và cơ cấu lại các ngành nghề kinh tế để sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực của đất nước, tiết kiệm tối đa nguồn tài nguyên không thể tái tạo, phát huy tối đa tiềm năng sáng tạo của lực lượng lao động và tận dụng lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, tài nguyên của Việt Nam so với các nước khi đã hội nhập với thế giới.

Về nhận thức thì như vậy nhưng thực tế mấy năm qua thực sự chưa có sự chuyển biến nào đáng kể. Thành phần kinh tế nhà nước vẫn được coi là thành phần chủ đạo của cả nền kinh tế nhưng làm ăn kém hiệu quả, tiếp tục được nâng đỡ, ưu ái về nhiều mặt; thành phần kinh tế ngoài nhà nước làm ăn hiệu quả, được coi là động lực của nền kinh tế nhưng luôn bị thua thiệt trong tiếp cận vốn, trong cạnh tranh ngành nghề, trong đấu thầu các dự án của Nhà nước,... Đến năm 2010, kinh tế Nhà nước vẫn duy trì mức đầu tư cao (chiếm tỷ trọng xấp xỉ 40% vốn đầu tư toàn xã hội) nhưng chỉ tạo ra 35% GDP, trong khi kinh tế ngoài quốc doanh có tỷ trọng đầu tư trên 30% nhưng tạo ra khoảng 45% GDP; Hệ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của kinh tế Nhà nước vài năm gần đây chỉ bằng non nửa so với kinh tế ngoài Nhà nước. Như vậy, liệu có cần mở rộng kinh tế Nhà nước hay là phải thu hẹp lại? Câu trả lời chắc chắn là: Kinh tế Nhà nước chỉ giữ lại những doanh nghiệp nào thật sự cần thiết cho một vài lĩnh vực ngành nghề mà các doanh nghiệp ngoài nhà nước không đảm đương được. Nguồn lực chủ yếu của quốc gia phải tập trung cho kinh tế ngoài nhà nước để nó thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, lành mạnh, nâng cao hiệu quả của toàn nền kinh tế.

Đối với cơ cấu các ngành kinh tế: Cho đến nay, chưa thấy một ngành kinh tế nào của Việt Nam được coi là (hay trở thành) ngành kinh tế “mũi nhọn” hoặc “chủ lực”. Năm trước có thể là ngành này, năm sau lại là ngành khác. Các Tập đoàn, các doanh nghiệp lớn đua nhau sản xuất, kinh doanh đa lĩnh vực, đa ngành nghề kể cả tham gia vào hoạt động Ngân hàng, kinh doanh bất động sản; các doanh nghiệp nhỏ thì kinh doanh manh mún, kiểu “ăn xối”. Dự thảo Chiến lược kinh tế đến năm 2020 mới chỉ là những định hướng, những con số chung chung nhất, chưa có một chiến lược phát triển, bước đi cụ thể cho một ngành, nghề nào. Mục tiêu đến năm 2020 “nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, nhưng ngay cả quan niệm “thế nào là một nước công nghiệp theo hướng hiện đại” đến nay cũng chưa rõ về mặt lý luận. Chắc chắn không phải là quan niệm “công nghiệp hoá, hiện đại hoá” của những năm trước đây trong nền kinh tế kế hoạch tập trung; Nếu nói rõ ra thì phải là “nước công nghiệp theo hướng hiện đại của nền kinh tế thị trường”. Nhưng cụ thể nó là thế nào, mô hình của nó ra sao, chưa thấy ai đề cập ? Vậy làm sao có thể thực hiện được mục tiêu đó ! Mặt khác cơ cấu lại các ngành kinh tế không hẳn chỉ tập trung vào tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ mà còn phải chú trọng vào nâng cao năng suất, tăng thêm nhiều sản phẩm của các ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản bằng cách tạo điều kiện tập trung ruộng đất để có thể công nghiệp hoá các ngành này; chuyển dịch mạnh mẽ lao động nông nghiệp sang các ngành nghề khác. Để tập trung ruộng đất, Nhà nước phải giao quyền sở hữu ruộng đất cho nông dân; khi đó các hộ nông dân nào không cần ruộng đất canh tác (do có điều kiện chuyển sang ngành nghề khác) sẽ sang nhượng cho những hộ khác; còn như hiện nay nông dân chỉ có quyền sử dụng ruộng đất thì không thể tập trung ruộng đất thành quy mô lớn cho một chủ được.

Một vấn đề nữa về cơ cấu lại ngành nghề là phải tạo ra tiền đề nhằm lành mạnh quan hệ ngoại thương nhưng hiếm có một chính sách nào, một doanh nghiệp nào dám mạnh dạn từ bỏ mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu truyền thống (mang lại lợi nhuận trước mắt nhưng thiệt hại cho đất nước về lâu dài) để chuyển sang sản xuất, kinh doanh những mặt hàng mới phục vụ cho xuất khẩu và thay thế hàng nhập khẩu, tuy lợi nhuận thấp nhưng đảm bảo lợi ích của cả nền kinh tế.

Tóm lại, một năm qua kinh tế Việt Nam có những nỗi mừng nhưng cũng không khỏi có nhiều nỗi âu lo, nhiều khó khăn cho những năm tới. Để hoá giải những nỗi lo đó, cần giải quyết các vấn đề sau:

- Cải cách thể chế kinh tế: Các chính sách đổi mới kinh tế của Việt Nam từ sau năm 1986 đã giải phóng sự kìm nén lực lượng sản xuất nhiều năm trong cơ chế kinh tế kế hoạch tập trung, tạo sự chuyển biến to lớn cho nền kinh tế, đưa Việt Nam thoát khỏi một nước nghèo. Tuy nhiên, các chính sách đó chưa đề cập triệt để về mặt lý luận cho một thể chế kinh tế lâu dài của Việt Nam. Muốn nước ta thoát khỏi bẫy của một nước thu nhập trung bình thấp cần phải có một thể chế kinh tế rõ ràng, phù hợp với các quy luật của nền kinh tế thị trường, phù hợp với thời đại, đặng làm nguyên lý vận hành cho cả nền kinh tế, làm cơ sở để cấu trúc lại nền kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Tư duy cải cách thể chế kinh tế phải khách quan, sáng tạo, không bảo thủ, có căn cứ khoa học, thực tế, có sức thuyết phục tạo ra sự đồng thuận từ Chính phủ cho đến người dân. Từ đó mới có được sự chuyển biến mạnh mẽ, phát huy được tiềm năng sáng tạo của người Việt Nam trong công cuộc xây dựng phát triển đất nước.

- Về chính sách ngắn hạn năm 2011: Tập trung vào các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, cụ thể là quyết liệt thực hiện thắt chặt chính sách tài chính, cắt giảm mạnh chi tiêu thường xuyên và đầu tư công của Chính phủ, từng bước nới lỏng chính sách tiền tệ, tăng tín dụng để các doanh nghiệp ngoài nhà nước, các hộ sản xuất, kinh doanh cá thể (bao gồm cả các hộ sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản) tiếp cận, thoả mãn nhu cầu vốn đầu tư. Tiếp tục cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước, giảm đầu tư, không bảo lãnh vay đối với các doanh nghiệp Nhà nước không phải là doanh nghiệp thiết yếu, chủ chốt của nền kinh tế. Thực hiện tốt kiểm toán đối với các Tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp Nhà nước. Thực hiện các chính sách kích cầu tiêu dùng của dân cư, có chính sách khuyến mại tiêu dùng các mặt hàng trong nước sản xuất, đánh thuế cao đối với các mặt hàng nhập khẩu không phải là những mặt hàng thiết yếu với đời sống.

N. H.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn