Kinh tế VN 2011 có khả quan?

Việt Hà, phóng viên RFA

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng vừa đưa ra thông điệp về phát triển kinh tế năm 2011.

VIETNAM-ECONOMY-POLITICS  

AFP photo

Một người đang nai lưng kéo vật liệu xây dựng gần một khu công nghiệp ở ngoại thành Hà Nội hôm 03/12/2010.

 

Trong đó nhấn mạnh đến việc ổn định kinh tế vĩ mô, và kiềm chế lạm phát. Bài phát biểu đầu năm này được đưa ra sau khi Tổng cục thống kê Việt Nam công bố những con số đáng ngại về lạm phạt và chỉ số giá cả tăng cao tại Việt Nam. Tình hình kinh tế của Việt Nam năm 2011 có gì sáng sủa.

Kiềm chế lạm phát

Trong bài phát biểu đầu năm 2011, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra thông điệp quan trọng cho năm 2011 là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mà và kiểm soát lạm phát, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm.

Những thông điệp mà ông thủ tướng đưa ra phần nào cho thấy một trong các chính sách ưu tiên hàng đầu mà Việt nam sẽ áp dụng trong năm 2011 đó là tìm cách kiềm chế lạm phát. Ngay trong phiên họp báo chính phủ cuối năm 2010, PHó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng đã khẳng định quyết tâm cao của chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát hiện đang ở mức 11,75% theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê.

Nói về quyết tâm này của chính phủ, ông Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát Tài chính quốc gia cho biết:

"Mục tiêu chủ yếu là ổn định tỷ giá hối đoái đầu năm, sau đó kéo lạm phát xuống. Biện pháp trước mắt là chúng tôi đang duy trì lãi suất tương đối cao.
Vấn đề thứ hai là giảm chi tiêu công vì một khối lượng lớn của chi tiêu công là từ ngân hàng nhà nước sang các ngân hàng thương mại mua trái phiếu của chính phủ, rồi các ngân hàng thương mại cho vay vào khu vực công tức là các doanh nghiệp nhà nước, mà khu vực này có hiệu quả rất thấp, cho nên dẫn đến tình trạng là chỉ cần nhích 1% của GDP lên thì đòi hỏi tiền lớn, và khi cung tiền lớn thì lạm phát tăng.

Vì thế nên phải phối hợp cả chính sách tiền tệ thắt chặt một chút và giảm thâm hụt ngân sách, giảm vay từ khu vực công từ hệ thống ngân hàng."

Ngay từ cuối năm ngoái, Quỹ tiến tệ quốc tế cũng khuyến nghị Việt Nam nên duy trì mức lạm phát từ 3 đến 4% tương ứng với các nước khác trong khu vực ASEAN.

Chính vì để kiềm chế lạm phát, hồi tháng 11 vừa qua Việt Nam đã nâng lãi suất tiền đồng lên 9%.

Tuy nhiên trước đó Việt Nam đã 3 lần hạ giá đồng bạc Việt Nam, mà theo IMF thì là tác nhân quan trọng dẫn đến lạm phát gia tăng.

Trong khi đó, bên lề cuộc họp báo Chính phủ tổ chức vào chiều 31 tháng 12, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Giàu khẳng định lạm phát cao không phải do nguyên nhân tiền tệ không. Theo Tổng cục thống kê, yếu tố tiền tệ chỉ đóng góp 4,65%, còn lại là các yếu tố khác. Các yếu tố khác mà ông đưa ra có xuất phát từ nhân tố khách quan như sự bất ổn kinh tế, giá cả thế giới và một số yếu tố chủ quan nội tại của nền kinh tế.

Chính sách tiền tệ

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành thì cho rằng mặc dù chỉ số giá tiêu dùng CPI của Việt Nam tăng cao trong năm 2010 nhưng không có nghĩa là lạm phát quá cao và phải thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt như chính phủ đang làm và dự định tiếp tục thực hiện trong năm tới. Theo ông nền kinh tế Việt Nam không quá nóng, và doanh nghiệp đang thiếu vốn do việc tăng lãi suất ngân hàng.

VIETNAM-ECONOMY-INFLATION

Một người gánh hàng rong đi ngang một showroom xe hơi ở Hà Nội hôm 28/12/2010. AFP photo

Ông cho rằng trong năm 2011, Việt Nam thay vì thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt thì cần phải hạ lãi suất tiền đồng xuống để doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn, duy trì hoạt động. Ông nói:

"Doanh nghiệp hiện hoạt động cầm chừng hay phải ngưng hoạt động vì lãi suất quá cao, không dùng thêm lao động mà phải sa thải lao động. Cho nên vấn đề chính sách tiền tệ là phải hạ lãi suất xuống để doanh nghiệp có thể hoạt động được, đấy là chính sách mà năm 2011 nhà nước sẽ phải làm sao thực hiện cho được. Nếu không hạ được lãi suất thì sẽ gây ra biến động không phải là nhỏ đối với nền kinh tế."

Ông Lê Xuân Nghĩa đồng ý rằng mức lãi suất mà Việt Nam đang áp dụng là có hơi cao nhưng lại cho rằng với việc điều chỉnh nguồn tài chính từ khu vực công sang khu vực tư thì các doanh nghiệp tư nhân sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận với nguồn vốn hơn:

"Đúng là mức đó hơi cao nhưng muốn giảm nó xuống thì phải điều chỉnh phân bố nguồn lực tài chính chuyển từ khu vực công sang khu vực tư vì khu vực tư làm ăn hiệu quả hơn thì nó sẽ làm tăng sản lượng và tạo công ăn việc làm nhanh hơn."

Ngoài ra trong năm 2010, Việt Nam cũng đạt mức tăng trưởng tín dụng 25%. Việt Nam dự định sẽ hạ mức tăng trưởng tín dụng này xuống 23% để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên các chuyên gia kinh tế lo ngại nguồn vốn này có thể đi vào thị trường bất động sản thay vì sản xuất. Do đó Việt nam có thể phải đối mặt với bong bóng nhà đất năm 2011. Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhận định:

"Bây giờ đã có hiện tượng bong bóng bất động sản rồi. Ở thành phố Hồ Chí Minh, dọc theo xa lộ đông tây hiện bây giờ không biết bao nhiêu dự án xây căn hộ, theo ước tính là 70 80 ngàn căn nhà xây lên trong năm 2011, với giá rất cao, cao ngất ngưởng là mấy chục triệu, có khi cả trăm triệu đồng một mét vuông thì bán cho ai.

Trong năm 2011 nó sẽ là một vấn đề đối với kinh tế Việt Nam, và nếu bất động sản bị xì, bị nổ thì ảnh hưởng thế nào đối với nền kinh tế vì như ngân hàng nhà nước báo cáo vừa rồi là 280 nghìn tỷ đồng vào bất động sản thì không nhỏ."

Ngoài việc đặt ra nhiệm vụ quan trọng là kiềm chế lạm phát trong năm 2011, chính phủ Việt Nam cũng đặt ra nhiệm vụ trong năm năm tới là duy trì mức tăng trưởng GDP ở mức 7 đến 7,5%. Tuy nhiên vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra đối với Việt Nam. Đó là làm thế nào để có thể duy trì được mức tăng trưởng cao như vậy trong khi phải kiềm chế lạm phát ở mức 3 đến 4%, và có thể phải tiếp tục hạ giá đồng Việt Nam theo như dự đoán của nhiều chuyên gia kinh tế.

V. H.

Nguồn: RFA

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn