Ngẫm nghĩ Chủ Nhật: Thử bàn về thành ngữ “Lấy phương tiện thay cứu cánh”

Bình Tâm

a/ Năng lực xác định phương tiện để thực hiện cứu cánh là điều kiện tiên quyết của năng lực hành động

Để đạt được mục đích khi tiến hành công việc, điều kiện đầu tiên là phải xác định được và xác định đúng đối tượng bị hành vi tác động – gọi tắt là đối tượng bị tác động – và phương pháp tác động vào đối tượng.

(Đối tượng bị tác động có khi còn được gọi là khách thể mà hành vi tác động vào).

Cứu cánh (theo từ cổ) là mục đích của hành vi.

Phương tiện là đối tượng bị tác động của hành vi được dùng làm công cụ để đạt được mục đích (để thực hiện cứu cánh).

Một công cụ (phưong tiện) bao giờ cũng có công năng và tác dụng của nó; công năng và tác dụng đó chỉ được được phát huy qua hành vi, tức tùy cách tác động vào đối tượng mà phương tiện được nói ở đây sẽ có ảnh hưởng đến cứu cánh một cách tương ứng (được trình bày ở các phần tiếp theo qua các ví dụ cụ thể).

Như vậy:

Để thực hiện cứu cánh, phương tiện phụ thuộc hai yếu tố là đối tượng bị tác động và cách tác động vào đối tượng của hành vi. Mỗi sự thay đổi của đối tượng bị tác động hay của cách tác động, hoặc cả hai yếu tố đó cùng thay đổi đều sẽ cho một phương tiện khác nhau và sẽ có ảnh hưởng khác nhau đến cứu cánh tương ứng với sự thay đổi đó.

Từ những nhận định trên cho thấy:

- Xác định một phương tiện là xác định đồng thời đối tượng bị tác động cùng với cách tác động vào đối tượng đó.

- Việc xác định được phương tiện để thực hiện cứu cánh là điều kiện tiên quyết cần phải có của năng lực hành động (để có thể xác lập qui trình hành động sau này).

b/ Đối tượng bị tác động là yếu tố tạo nên nội dung và ý nghĩa của công việc:

Một công việc được tiến hành mà không có đối tượng bị tác động thì đó chỉ là những hành vi không có nội dung, không có chủ đích, thường là hành vi mang tính bản năng.

- Con chim bay - Con cá lội - Tôi ăn - Tôi ngủ… là những ví dụ về những hành vi mang tính bản năng mà không có chủ đích.

Một công việc không có nội dung, không có chủ đích thì chưa phải là một công việc đúng nghĩa thuộc nội dung được bàn ở đây.

Như vậy:

- Đối tượng bị tác động là một yếu tố không thể thiếu được để tạo nên nội dung của một công việc có chủ đích.

c/ Đối tượng tác động bị thay đổi sẽ làm thay đổi nội dung lẫn mục đích của công việc.

Ví dụ 1: - Tôi cắt vải để may quần áo - Tôi cắt giấy để dán tường.

Ví dụ cho thấy: Khi thay đổi đối tượng bị tác động thì hai công việc nói trên sẽ có hai nội dung và hai mục đích (cứu cánh) khác nhau, dù có cùng một động tác, tức cùng một cách thức tác động.

d/ Phương pháp tác động vào đối tượng bị thay đổi thì không những nội dung mà mục đích của công việc cũng bị thay đổi – nói cách khác, mỗi mục đích khác nhau đòi hỏi một phương pháp tác động khác nhau.

Ví dụ 2 : Tôi cuốc đất để trồng khoai – Tôi xúc đất để đắp bờ.

Cuốc và xúc là hai phương pháp tác động khác nhau, khiến cho cùng một phương tiện là đất, nhưng phương pháp tác động khác nhau sẽ đem đến những mục đích khác nhau (hay nói cách khác, mỗi mục đích khác nhau đòi hỏi một cách tác động khác nhau; để trồng khoai phải cuốc đất, để đắp bờ phải xúc đất).

d/ Mỗi đối tượng bị tác động đòi hỏi một phương pháp tác động khác nhau để đạt mục đích.

Với mục đích tiến về phía trước, nhưng khi gặp suối thì phải lội, gặp núi thì phải trèo, gặp cây thì phải đẵn, gặp hố thì phải lấp, hoặc đi vòng, gặp giặc thì phải đánh, hoặc phải tránh, v.v…; nếu không tuân thủ nguyên tắc trên thì mục đích đã định sẽ bị thay đổi.

e/ Có hai cách để làm sai lệch cứu cánh

- Thay đổi đối tượng bị tác động mà không thay đổi phương pháp tác động (xem ví dụ 1 ở trên);

- Thay đổi phương pháp tác động mà không thay đổi đối tượng bị tác động (xem ví dụ 2 ở trên).

Hai cách trên đều được diễn đạt là:

- Lấy thay đổi phương tiện để thay đổi cứu cánh; hay cũng được gọi tắt:

- Lấy phương tiện để thay cứu cánh;

Đồng thời cũng có hai cách hiểu về câu “Lấy phương tiện để thay cứu cánh”:

- Lấy thay đổi phương tiện để thay đổi cứu cánh (xem ví dụ 1 & 2) ; hay

- Lấy phương tiện làm cứu cánh

(Ví dụ 3:

- Phạm Ngọc Thuần là điệp viên thượng thặng của cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ ở Việt Nam thời 1954-1975. Ông được chính quyền Sài gòn thân Mỹ giao cho nhiệm vụ “dồn dân lập ấp chiến lược”. Gọi là “ấp chiến lược” vì đây là những khu định cư tập trung xa với làng mạc cũ, nhằm thực hiện chủ trương chiến lược “tách cá ra khỏi nước”, tức tách cách mạng ra khỏi dân. Ông biết rất rõ rằng, thay vì gây thiện cảm và tín nhiệm đối với dân thông qua các biện pháp an sinh xã hội hữu hiệu mà lôi kéo dân chúng về với chính quyền, qua đó để tách dân ra khỏi ảnh hưởng của cách mạng, thì chủ trương này lại dùng biện pháp bắt dân xa rời nơi sinh sống quen thuộc và thuận lợi cũ, xâm phạm nghiêm trọng đến tập quán sinh hoạt và điều kiện sinh sống đã trở thành truyền thống của người dân. Ông đã áp dụng những biện pháp cực đoan nhất để thực hiện chủ trương này. Điều này đã khiến dân chúng phẫn uất cao độ và đã vùng lên phá tan ấp chiến lược sau đó. Nếu đứng từ góc độ của điệp viên này thì đây là một cách “Lấy thay đổi phương tiện để thay đổi cứu cánh”. Nếu đứng trên góc độ của chính quyền Sài Gòn thì đây là cách chọn sai phương tiện để thực hiện mục đích, khiến cho ý đồ ban đầu của họ đã bị tan vỡ.

Ví dụ 4:

Các cầu thủ bóng đá rê bóng trên sân cỏ là nhằm tìm cơ hội sút thủng lưới đối phương để ghi bàn thắng.

- Hành vi rê bóng chỉ là phương tiện, còn mục tiêu thực sự của động tác rê bóng là để sút thủng lưới đối phương.

- Nếu các cầu thủ chỉ ham rê bóng để phô diễn kỹ thuật cá nhân mà quên mục đích sút thủng lưới đối phương thì đó là hiện tượng “lấy phương tiện làm cứu cánh”, tức lấy phô diễn kỹ thuật cá nhân làm mục đích thay cho việc sút thủng lưới đối phương để ghi bàn thắng.)

Một điều đáng chú ý, trong thực tế cho thấy, rất dễ lẫn lộn giữa mục tiêu, hay mục đích là đối tượng bị tác động của hành vi và mục tiêu, hay mục đích là ý đồ mà hành vi cần đạt được khi tác động vào đối tượng.

Lầm lẫn này cũng là một trong những nguyên nhân thường dẫn đến sai lầm được gọi là “lấy phương tiện thay cho cứu cánh”.

Cần lưu ý:

- Một nội dung công việc (phương tiện) đích thực là một nội dung mà chỉ khi thực hiện nó thì mục đích (cứu cánh) của công việc mới được thực hiện.

Đối tượng bị tác động tạo nên nội dung công việc, đồng thời cũng là phương tiện để thực hiện cứu cánh. Chọn đối tượng tác động có vai trò quyết định đầu tiên đến việc thành bại của công việc, tức quyết định đến việc mục đích của công việc có đạt được hay không.

Đối tượng tác bị động có thể là một hay nhiều thành phần cùng một lúc, khiến cho nội dung công việc trở nên đơn giản hay phức tạp.

Việc tác động sai đối tượng cũng có nghĩa là hành động sai nội dung và tác động bỏ sót đối tượng cũng có nghĩa là bỏ sót nội dung công việc; cả hai trường hợp đều làm cho mục đích công việc bị chệch đi, hoặc không được thực hiện.

Ví dụ: Chống tham nhũng bao gồm cả chống những nguyên nhân đẻ ra tham nhũng lẫn những biểu hiện cụ thể của tham nhũng. Thế nhưng chỉ chống những biểu hiện tham nhũng cụ thể mà không chống những nguyên nhân đẻ ra tham nhũng là bỏ sót đối tượng bị tác động, tức cũng là một cách “lấy phương tiện thay cho cứu cánh”.

Nhổ cỏ phải nhổ tận gốc chứ không phải nhổ từ ngọn; nhổ từ ngọn người ta gọi là “lặt cỏ”.

- Một “phương tiện” được cho là phù hợp khi nó hội đủ các yếu tố đảm bảo cho cứu cánh mà nó phục vụ được thực hiện.

Cách thức thực hiện một công việc bao gồm 7 bước cơ bản như sau:

1/- Xác định mục đích (cứu cánh) công việc;

2/- Lựa chọn chủ thể tiến hành công việc (một hay nhiều người cùng tiến hành);

3/- Xác định đối tượng tác động (một hay nhiều đối tượng);

4/- Lựa chọn phương thức tiến hành công việc (chọn công cụ - chọn hình thức thực hiện: hiệp tác, hiệp đồng, hay tự thực hiện);

5/- Lựa chọn không gian tiến hành công việc (địa điểm, môi trường, hoàn cảnh, bối cảnh);

6/- Lựa chọn trình tự tiến hành công việc (chọn thao tác và công đoạn, thời điểm bắt đầu, thời lượng diễn tiến và thời điểm kết thúc, thông qua đó tạo nên liều lượng hay cường độ tác động);

7/ - Dự kiến thuận lợi, khó khăn – dự đoán hiệu quả, hệ quả và giải pháp xử lý, khắc phục.

Để làm sai lệch kết quả cuối cùng của công việc người ta chỉ cần bỏ sót, hoặc làm sai lệch một trong các bước cơ bản trong trình tự thực hiện một công việc nói trên; dẫn đến “phương tiện” để phục vụ cứu cánh không còn là phương tiện nữa, vì nó không đảm bảo cho cứu cánh mà nó phục vụ được thực hiện.

Ví dụ: Chống tham nhũng bao gồm cả chống những nguyên nhân đẻ ra tham nhũng lẫn những biểu hiện cụ thể của tham nhũng với những biện pháp đúng mức và đúng liều lượng lẫn đúng người và đúng tội. Thế nhưng khi phát giác được các hiện tượng tham nhũng cụ thể thì các biện pháp xử lý được áp dụng thường là không nghiêm minh, không đủ sức răn đe và ngăn chặn; đồng thời đối tượng bị xử lý thường chỉ là cấp thừa hành và thực thi mà cấp đề ra chủ trương và cấp quản lý thì vô can, không ai chịu trách nhiệm về hành vi phạm tội đã xảy ra. Việc áp dụng biện pháp không đủ liều lượng và bỏ sót đối tượng, khiến cho “phương tiện để phục vụ cứu cánh không còn là phượng tiện nữa, vì nó không đảm bảo cho cứu cánh mà nó phục vụ được thực hiện”.

Như vậy:

Làm hỏng một công việc có ba nguyên nhân:

- Do sơ suất

- Do trình độ có hạn

- Do cố tình làm hỏng việc.

f/ Có vô số cơ hội để chọn sai phương tiện thực hiện cứu cánh

Lôgic học giải thích:

Khái niệm nào cũng có nội hàm và ngoại diên.

Nội hàm là những thuộc tính chung, bản chất, đặc trưng cho các sự vật, hiện tượng, quá trình mà khái niệm phản ánh. “Nội hàm của khái niệm "xe" là: phương tiện vận chuyển trên bộ, thường chạy bằng bánh; nội hàm của khái niệm "ô-tô" là nội hàm của khái niệm "xe" cộng thêm nội hàm: chạy bằng xăng cháy trong động cơ nổ trên bốn bánh hoặc nhiều hơn”.

Ngoại diên là toàn bộ những sự vật hay hiện tượng có chung cái thuộc tính bản chất làm thành nội hàm của khái niệm. “Ngoại diên của khái niệm "xe" là xe đạp, xe bò, ô-tô; khái niệm "xe" có ngoại diên rộng hơn khái niệm "ô-tô" nhưng có nội hàm hẹp hơn”.

Như vậy:

Có vô vàn ngoại diên để đánh tráo nội hàm của khái niệm xe, tức có vô vàn đối tượng có chung hình thức tương tự để đánh tráo đối tượng bị tác động.

Ví dụ: Để tránh tiếng ồn trong khu vực có nhiều trường học và để bảo vệ các con đường có kết cấu mặt đường yếu chạy qua khu vực này, thay vì phải cấm xe vận tải là xe có trọng tải nặng và gây nhiều tiếng ồn, người ta lại cấm xe bò, xe ô tô du lịch và xe ba gác chạy qua các tuyến đường này.

Thực chất vì các chủ xe tải đã đút lót cho chính quyền để họ “quên” đi việc cấm xe tải mà thôi. Nếu bị phê bình là thiếu bảo vệ các tuyến đường nói trên thì chính quyền sở tại sẽ bảo, chúng tôi đã cấm nhiều loại xe lưu hành trên các tuyến ấy đấy chứ; chỉ vì thiếu sâu sát nên đã “quên” cấm xe vận tải mà thôi. Chính quyền sở tại đã dùng phương pháp lấy ngoại diên của khái niệm xe để đánh tráo nội hàm của khái niệm xe vận tải.

Sai lầm phổ biến về phương pháp trong các chủ trương có tầm bao quát lớn, liên quan đến nhiều đối tượng có động cơ lợi ích khác nhau, trình độ nhận thức khác nhau thường là sai lầm trong nhận thức và trong hành vi về cách xác định “phương tiện và cứu cánh”.

”Lấy phương tiện thay cho cứu cánh” là nguy cơ thường trực, dễ bị vướng phải một cách vô tình do hạn chế của nhận thức, do vậy khi vấp phải sai lầm người ta thường đổ lỗi cho “trình độ nhận thức”; đồng thời đó còn là sai lầm kín đáo và ít tốn kém nhất cho những ai cố tình tạo ra nó, nhưng có tác hại vào bậc nhất trong các sai lầm đối với người bị hại; bởi vì đó là cách làm mà người bị hại thường không nhận thấy ngay được.

Ví dụ: Ai cũng biết rằng chỉ có những người có chức, có quyền trong xã hội và trong bộ máy công quyền mới có cơ hội để trở thành kẻ tham nhũng. Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng các cấp được coi là công cụ, hay phương tiện để chống tham nhũng ở nước ta hiện nay. Việc phân cho Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch chính quyền cấp tỉnh là người đứng đầu điều hành tổ chức này ở Trung ương & địa phương là cách chọn sai chủ thể để tiến hành công việc (cũng có nghĩa là đánh tráo nội hàm bằng ngoại diên của khái niệm phương tiện – phương tiện chống tham nhũng của người bị hại bỗng chốc biến thành phương tiện của những phần tử có nhiều khả năng tiềm ẩn để trở thành tham nhũng), dẫn đến “phương tiện” để phục vụ cứu cánh không còn là phương tiện nữa, vì không có gì đảm bảo cho cứu cánh mà nó phục vụ được thực hiện; hiện tình của công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam trong hơn hai thập kỷ qua là minh chứng không gì chối cãi được.

Chủ thể chống tham nhũng ở đây đúng ra phải là nhân dân và đại diện của họ là Quốc hội và các đoàn thể quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng; vai trò của nhà nước ở đây chỉ đối tượng bị giám sát chứ không thể là vai trò chủ thể trong công cuộc chống tham nhũng ấy.

Việc dùng chủ thể chống tham nhũng là những người có khả năng tiềm ẩn để trở thành kẻ tham nhũng là hiện tượng vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Thế nhưng ai cũng ngỡ đó là Nhà nước đang tích cực chống tham nhũng.

Lấy chiến thuật thay cho chiến lược, lấy mục tiêu trước mắt thay cho lợi ích lâu dài thường là những biểu hiện của việc ”lấy phương tiện thay cho cứu cánh”.

Ví dụ: Chủ trương bán khoáng sản từ nguyên liệu thô hiện nay của Chính phủ như một giải pháp để giải quyết cái nghèo trước mắt cho đất nước là “Lấy chiến thuật thay cho chiến lược, lấy mục tiêu trước mắt thay cho lợi ích lâu dài của con cháu mai sau”.

Một điệp viên mà lung lạc và xúi bẩy được người lãnh đạo của đối phương ”lấy phương tiện thay cho cứu cánh” trong quá trình thực hiện công việc thì điệp viên đó còn lợi hại hơn nhiều đạo quân cầm súng hùng hậu gộp lại; điệp viên đó đã mang thắng lợi gần như chắc chắn về cho phía quân mình trong trận chiến cụ thể ấy.

Ví dụ: Thành công của điệp viên Phạm Ngọc Thuần đã kể trên là do đã thuyết phục được cấp lãnh đạo của chính quyền Sài Gòn chấp thuận phương pháp sai lầm (so với mục tiêu) mà ông đã được giao cho để thực hiện. Qua đó ông đã đem lạithắng lợi gần như chắc chắn về cho phía quân mình trong trận chiến cụ thể ấy mà những đạo quân cầm súng hùng hậu gộp lại cũng khó lòng làm được.

Làm cho đối phương lâm vào bị động và lúng túng đến mức không làm được việc cần làm, không áp dụng được các phương pháp cần áp dụng cũng là cách buộc đối phương sa lầy trong phương tiện để không đạt được cứu cánh.

Ví dụ: Thành công của điệp viên Phạm Ngọc Thuần đã kể trên còn do đã làm cho dân chúng phẫn nộ nổi lên chống đối mãnh liệt và liên tục, khiến chính quyền Sài Gòn lúc ấy lâm vào thế bị động và lúng túng mà càng ra sức o ép, kềm kẹp, kiểm soát và ngăn cấm một cách cực đoan hơn. Đó là cách buộc đối phương sa lầy trong phương tiện để không đạt được cứu cánh.

Một phương tiện chỉ được biện minh là đúng khi nó phục vụ cho một cứu cánh đúng, tức một cứu cánh không đi ngược đạo lý phổ quát của xã hội và không làm phương hại lợi ích chính đáng của những thành viên khác của xã hội.

Một việc làm (phương tiện) tàn ác, bạo ngược, phi đạo lý không thể được lấp liếm bằng mục tiêu tốt đẹp mà người thực hiện định đạt đến (cứu cánh).

Ví dụ: Việc thu hồi đất của nông dân theo giá rất thấp so với giá thực tế của thị trường lúc thu hồi và lại còn thấp hơn một cách không thể nào ngờ so với giá thực tế sau khi thu hồi để giao cho các nhà đầu tư xây dựng các đề án, phương án. Mức chênh lệch giá một cách phi lý của đất lúc bị thu hồi và ngay sau khi bị thu hồi, khi mà đề án và phương án đó chưa kịp triển khai là nguồn thu khổng lồ và béo bở của những nhà đầu tư và các quan tham qua nhiều lần sang nhượng dự án cho đến khi tìm được chủ đầu tư đích thực. Việc thu hồi đất với cung cách như trên là một phương tiện phi lý và phi nhân bản nên không thể nào biện minh cho mục đích tốt đẹp đã được dự kiến. Đó là việc làm dã man của chủ nghĩa tư bản ở thời kỳ được gọi là chủ nghĩa tư bản man rợ.

Đã có một đề xuất: áp dụng mức giá đất thực tế của thị trường để trả cho người bị thu hồi đất và lấy giá trị đó làm mệnh giá cổ phiếu, biến người bị hại trở thành cổ đông góp vốn cho dự án tương lai và được hưởng cổ tức bình quân của chênh lệch giá (đã trừ chi phí đầu tư thực tế cho dự án) giữa giá góp vốn và giá thực tế sau khi dự án hoàn thành.Tại sao đến nay đề xuất này vẫn chìm trong yên lặng?

Câu trả lời cũng sẽ là câu giải đáp cho sự phi lý và phi nhân bản của phương tiện cụ thể nói trên.

Một lãnh đạo mà luôn lấy cứu cánh để biện minh cho phương tiện là một lãnh đạo mị dân, lừa bịp và ngụy biện. Một tổ chức, một chính đảng, một nhà nước thuộc loại mị dân sẽ không ngần ngại đề ra những mục tiêu hấp dẫn nhất, cao đẹp nhất, hợp lòng người nhất để tranh thủ lá phiếu cử tri, cho dù những mục tiêu ấy nằm ngoài khả năng và thực lòng của họ (tức kẻ đương quyền), thậm chí có thể đi ngược lại lợi ích của chính họ; song khi thực hiện họ chỉ cần dùng phương pháp “lấy phương tiện thay cho cứu cánh” để tránh phải thực hiện những điều họ không mong muốn, nhưng quần chúng vẫn nhầm tưởng rằng họ đang thực hiện những điều đã cam kết (bằng cách lấy ngoại diên thay cho nội hàm của khái niệm; hoặc ứng dụng một phương pháp không phù hợp bằng cách thay đổi trình tự, hoặc thay đổi liều lượng tác động cần phải có như thời lượng, cường độ, v.v. trò bịp bợm chính trị này được dân gian gọi là trò “treo đầu dê, bán thịt chó”, hoặc “nói một đường làm một nẻo”); trong khi đó họ sẽ ung dung thực hiện mục tiêu lợi ích riêng tư của mình.

Nếu ngụy biện là sự nói dối qua việc “cố ý dùng những lý lẽ bề ngoài có vẻ đúng nhưng sự thật là sai, để rút ra những kết luận xuyên tạc sự thật” thì trò bịp “treo đầu dê, bán thịt chó”, hoặc “nói một đường làm một nẻo” nói trên sẽ được ngụy biện rằng: Chúng tôi đã cố gắng hết sức để thực hiện lời hứa với đồng bào, với toàn dân, nhưng vì trình độ có hạn, do “lực bất tòng tâm”, hoặc do điều kiện khách quan mang lại, v.v. nên đã có nhầm lẫn và có thiếu sót trong cách làm, dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Chỉ thanh minh, không một lời xin lỗi. Thế là “huề”. Hậu quả toàn dân gánh chịu.

Sự thật này đã xảy ra liên tục trong thực tế.

Những nhà lãnh đạo thiếu trách nhiệm và thiếu tự trọng thường là những nhà lãnh đạo không có “văn hóa xin lỗi”, “văn hóa từ chức” và “văn hóa chịu trách nhiệm cá nhân”.

Những lãnh đạo bất tài nhưng lại nghĩ mình là “thiên tài” thường rất thích cách lập luận “ngụy biện” nói trên.

Những chuyên viên tham mưu dưới cấp có cách lập luận “ngụy biện” nói trên thường được các thiên tài loại này trọng dụng.

Việc một con người, một tổ chức có luôn ý thức chọn phương pháp phù hợp nhất để phục vụ cho cứu cánh hay không, hay thường xuyên “lấy phương tiện thay cho cứu cánh” và “lấy phương tiện biện minh cho cứu cánh” là tiêu chí để xác định con người và tổ chức đó là “Chân” hay “Ngụy”.

Thái độ dung thứ hay nghiêm khắc, chú trọng hay thờ ơ của xã hội đối với trò bịp chính trị kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”, hay “nói một đường làm một nẻo” theo cách “lấy phương tiện thay cho cứu cánh” và “lấy phương tiện biện minh cho cứu cánh” như đã nói trên thể hiện nhận thức và trách nhiệm chính trị của dân chúng nói chung và của giới trí thức nói riêng của xã hội đó.

Độ dài của thời lượng diễn xuất trò bịp chính trị này nói lên độ tê liệt về nhận thức chính trị của xã hội cụ thể đó./.

B. T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn