Người Trung Quốc ở Lào

Thiên Triều

clip_image001

Những thay đổi nhân sự cấp cao gần đây ở Lào có thể là những điều chỉnh cho những chính sách đã qua, có thể thấy như dưới đây.

Tân Hoa xã 22/12/2010 loan báo: “Đầu tư của Trung Quốc vào Lào đã gia tăng đáng kể trong hai năm qua, từ 247 triệu USD năm 2009 lên 556 triệu USD năm 2010”. Các số liệu này do Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Lào – Sinlavong Khouthphaythoune – công bố tại một hội thảo hôm thứ ba tuần trước do chính phủ Lào và sứ quán Trung Quốc cùng tổ chức ở thủ đô Vientiane. Tân Hoa xã cho biết chính phủ Lào thực hiện chính sách mở cửa tiếp nhận đầu tư trong hai thập niên qua vào 13 lĩnh vực đã thu hút 39 quốc gia,

Thật ra, cách đưa số liệu trên của Tân Hoa Xã không phản ánh chính xác tình hình là đang có một cuộc đua tay ba giữa Việt Nam, tạm đứng thứ nhất với 2,77 tỷ USD qua 252 dự án, sát sau đó là Trung Quốc với 2,71 tỷ USD qua 397 dự án, Thái Lan với 2,6 tỷ USD qua 269 dự án. Từ đó, có thể hiểu tại sao Tân Hoa Xã chua thêm rằng cuộc hội thảo này là “để tìm kiếm cùng với giới doanh nhân Trung Quốc các giải pháp cho môi trường đầu tư ở Lào”. Bộ trưởng Sinlavong cho biết chính phủ Lào sẽ quan tâm cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư hơn nữa, cải thiện công cụ pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi”. Có thể thấy rõ vấn đề đặt ra ở hội thảo Lào-Trung này là: tạo điều kiện thuận lợi đến đâu hơn nữa cho nhà đầu tư Trung Quốc chứ không phải tạo điều kiện thuận lợi “chung chung cho mọi người”?

Tiết lộ từ người trong cuộc

Đây không phải là một giả đoán mà là một thực tế mà Lu Guangsheng của Đại học Vân Nam trong báo cáo tựa đề “Economic Relations between China and Laos” (Quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Lào) ở một hội thảo khác trước đó đã mô tả không giấu giếm như sau: “Trong thực tế, có một số biện pháp biệt đãi không chính thức về thương mại và đầu tư, đặc biệt ở những vùng phía Bắc nước Lào. Tỉ như, nay thật khó cho một công ty nước ngoài nộp đơn xin giấy phép mới khai thác mỏ, song các công ty Trung Quốc thì có các kênh riêng của mình” [1].

Nhà nghiên cứu này còn cho thấy một qui luật khác: “Thương mại, đầu tư và viện trợ tăng mạnh. Thương mại năm 2008 là 420 triệu USD, năm 2009 có thể đạt 530 triệu USD. Một yếu tố then chốt đối với khối lượng trao đổi thương mại là tùy thuộc nơi lượng đầu tư và viện trợ của Trung Quốc ở Lào”. Có thể diễn dịch “qui luật” trên của Lu Guangsheng như sau: càng viện trợ nhiều, càng đầu tư nhiều, càng buôn bán nhiều.

Lu Guangsheng cho biết nhu cầu cụ thể: “Các chính phủ Lào trông đợi nhiều đầu tư của Trung Quốc hơn nữa vào lĩnh vực “chế biến nông sản, lắp ráp máy, xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết bị kỹ thuật cao”. Tuy nhiên, Lu Gaungsheng thừa nhận rằng “một số quan chức Lào cho rằng các công ty Trung Quốc không bán các kỹ thuật cập nhật mới cho Lào!”. Lu Guangsheng hạ quyết tâm: “Trung Quốc sẽ đóng một vai trò chủ động hơn nữa trong phát triển kinh tế của Lào, đặc biệt ở khu vực phía Bắc. Một ngày nào đó, Trung Quốc sẽ là đối tác kinh tế quan trọng nhất đối với Lào”.

Di dân dông đảo và nỗi sợ về một quốc gia song hành

Ngày mai tươi đẹp ấy không xa. John Walsh nêu vấn đề sau trong bài viết mang tựa đề như trên (nguyên văn: “The Chinese in Laos: Thousands Migrate, Fears of a Parallel State”) cho rằng hiện tượng ‘đất lành chim đậu” như là hậu quả của các chính sách ưu tiên, đã và đang thu hút “vô vàn người di dân Trung Quốc đến những khu thưa thớt dân cư ở Bắc Lào. Tại sao điều này lại xảy ra và điều đó có ý nghĩa gì?”.

Đầu tiên John Wash cho rằng đây là một thói quen nghìn đời: “Người di dân Trung Quốc đã từng đi xuống Đông Nam Á từ hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm qua…”. Sau đó là những vận hội đến từ sự phát triển của Lào theo một xu hướng như đã từng thấy: “Không chỉ một dúm tiên phong đến kinh doanh hay làm dịch vụ trong các thành phố… Các nhóm người Trung Quốc đông đảo hơn nhiều đã vào đất nước này như là những công nhân xây dựng được thuê mướn…, qua một chương trình xây dựng đường sá mở rộng nối liền Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc) đến tận Singapore ở phía Nam, đến miền Trung Việt Nam ở phía Đông, và có thể một ngày nào đó, đến Ấn Độ ở phía Tây. Hàng ngàn người lao động Trung Quốc đã vào Lào giúp xây dựng các con đường này và đến khi hết hợp đồng thì nhiều người thích ở lại. Hàng chục ngàn người Trung Quốc nay đang sống rải rác ở miền Bắc Lào, con số chính xác không biết được, và chính phủ Lào đang rất quan ngại rằng do dân số của Lào thì ít và tỉ lệ dân số ở đấy càng ít, nên bày tỏ nỗi lo sợ rằng một quốc gia song hành sẽ được dựng nên ở biên giới phía Bắc. Điều này dường như mới xảy ra ở Myanmar”.

Tờ Courrier international số 992 đề ngày 5/11/2009, tóm tắt tình hình: “Năm ngoái chính quyền Vân Nam đưa ra dự án “Kế hoạch khu vực phía Bắc” mà mục tiêu là phát triển các khu vực công nghiệp ở Bắc Lào từ nay đến 2020. Dự án này sẽ phải được Đại hội 9 Đảng Cộng sản Lào thông qua vào năm 2010. Các chiếc xe hai cầu sang trọng trông thấy ở biên giới Trung-Lào, là bằng chứng không chối cãi cho thấy ảnh hưởng của Bắc Kinh đã đem lại lợi ích cho một số người nào đó. Tuy nhiên, nhiều người Lào và các quan sát viên quốc tế đặc biệt lo ngại đường “xa lộ số 3”, bằng vốn Trung Quốc và Thái, nối liền Côn Minh với Bangkok chạy qua miền Bắc Lào. Thành phố Boten của Lào nằm ở biên giới Trung Quốc ngay sát đường số 3 này, từ năm 2002 hưởng qui chế “đặc khu kinh tế”, trong thực tế đã hội nhập vào Trung Quốc sau khi giấy phép nhượng cho các nhà đầu tư Trung Quốc một thời gian là 30 năm, có thể gia hạn đến 60 năm. Thành phố được giới thiệu là hiện đại và quốc tế nhất Lào này đã theo múi giờ của Bắc Kinh, sử dụng đồng tệ và tiếng Quan thoại, điện và điện thoại câu vào hệ thống của TQ… Thậm chí các cô gái điếm cũng người TQ![2]”.

Thủy điện như là mũi nhọn

Nhật báo Vientiane Times 8/9/2010 cho biết: “Có đến 18 dự án phát triển thủy điện do Trung Quốc tài trợ vốn đã được cấp phép ở Lào. Các công ty Trung Quốc cũng đã thực hiện các dự án khai mỏ và trong các lĩnh vực khác. Các công ty Trung Quốc được cấp hàng chục ngàn ha đất dành cho các hoạt động nông nghiệp và lâm nghiệp.”

Mới nhất hôm 23/12, Vietiane Times loan tin: “Một công ty Trung Quốc đã bắt đầu công trình xây dựng một tuyến truyền dẫn diện dài 160km cung cấp điện cho cố đô Luang Prabang vào năm 2014 từ đập thủy điện Hinheup trong tỉnh Vientiane. Công trình này, trị giá khoảng 129 triệu USD, trong đó 120 triệu sẽ được EXIM Bank của Trung Quốc cho vay với lãi suất thấp là 2%/ năm”. Tin trên cho thấy nguồn điện là đập Hinheup trên song Nam Ngum, nơi đang là chỗ dựa cho hàng loạt đập thủy điện khác.

********

Mỗi nước có mỗi nhu cầu phát triển. Có khi phát triển “trên đầu, trên cổ” người khác! Người Pháp có câu “Nỗi bất hạnh của người này lại là phúc cho người khác”.\

T. T.

01/01/2011

Nguồn: Thientrieu2010 Blog

------------------------------------------------------------------

[1] http://www.sea-user.org/download_pubdoc.php?doc=4713

[2]“ Renforcement spectaculaire de la présence chinoise”, Courrier International, Jeudi 5 novembre 2009.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn