Nhà báo Úc nói về vụ quan chức Việt Nam nhận hối lộ

Việt Hà, phóng viên RFA
clip_image001  

Tiền đồng Polymer của Việt Nam. RFA PHOTO

 

RFA hỏi chuyện nhà báo Nick McKenzie của tở The Age về những tình tiết mới trong vụ án ngân hàng Securency bị cáo buộc đưa hối lộ cho cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê ĐứcThúy.

Thứ hai tuần này, hai ký giả Nick McKenzie và Richard Baker thuộc tờ The Age của Úc tiếp tục đưa ra một bài báo khác về vụ hối lộ từ ngân hàng Securency của Úc.

Bài báo trực tiếp cáo buộc cựu thống đốc ngân hàng nhà nước Việt Nam đã nhận hối lộ từ ngân hàng Securency của Úc để trao cho công ty này hợp đồng in tiền polymer tại Việt Nam hồi năm 2002. Đây là một trong loạt bài điều tra do hai ký giả này thực hiện liên quan đến vụ hối lộ này kể từ tháng 5 năm 2009.

Đáng nghi ngờ

Việt Hà có cuộc nói chuyện với nhà báo Nick McKenzie về những tình tiết mới của vụ án. Trước hết nhà báo McKenzie cho biết về những tình tiết mới mà hai nhà báo vừa tìm ra như sau:

Việc làm ăn này của Securency là rất đáng nghi ngờ. Điều mà thính giả đài RFA cũng nên biết đó là Securency thuộc sở hữu của ngân hàng dự trữ trung ương Úc.

Nick McKenzie

Nick McKenzie: “Hôm thứ hai vừa rồi chúng tôi có viết một bài báo điều tra về một công ty của Úc tên là Securency thuộc Ngân hàng dự trữ trung ương Úc, cung cấp tiền polymer cho Việt Nam. Nhưng để thắng được hợp đồng này, ngân hàng Securency đã hối lộ cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Đức Thúy, trả tiền cho con trai của ông ta được học ở một trường đại học có tên là Durham ở Anh. Chúng tôi tin là để có hợp đồng này Securency đã hối lộ ông Lê Đức Thúy, người hiện vẫn giữ một ví trí rất cao ở Việt Nam.

Thông tin mà chúng tôi có được cho chúng tôi thấy là việc làm ăn này của Securency là rất đáng nghi ngờ. Điều mà thính giả đài RFA cũng nên biết đó là Securency thuộc sở hữu của Ngân hàng Dự trữ Trung ương Úc. Vào khoảng thời gian từ 2000 đến 2002, Securency nhìn đến Việt Nam như một nơi để bán tiền polymer. Để làm việc được việc này Securency thuê Lương Ngọc Anh thuộc công ty CFTD, ông ta là người trung gian trong thương vụ này, ông ta được cho là mối quan hệ khăng khít với nhiều quan chức cao cấp trong chính phủ, đặc biệt là Bộ Nội vụ lúc đó.”

Việt Hà: Thông tin mà ông đưa ra trong bài báo thì khoản tiền này là 15 triệu đô la, vậy ông có biết chính xác ông Lương Ngọc Anh được bao nhiêu, ông Lê Đức Thúy được bao nhiêu và luồng tiền đi như thế nào đến tay người nhận?

Nick McKenzie: “Lương Ngọc Anh được trả cực cao, khoảng 15 triệu đô la ÚC tương đương 15 triệu đô la Mỹ bây giờ để giúp Securency có được hợp đồng này ở Việt Nam. Các nguồn tin mà chúng tôi có được cho thấy khoản tiền này được dùng để bôi trơn để lấy được hợp đồng, khoản tiền này được trả cho những người có quyền ở Việt Nam. Khoản tiền này được chuyển đến nhiều tài khoản khác nhau trên thế giới, trong đó có một tài khoản ở Thụy sĩ và Hồng Kông. Câu hỏi cần phải đưa lúc này, mà theo tôi chính là câu hỏi mà giới chức Việt Nam điều tra tham nhũng phải hỏi là tại sao tiền được trả vào tài khoản của Thụy Sĩ, và tại sao tiền hoa hồng trị giá đến 15 triệu đô la để lấy được hợp đồng, thương vụ này là rất đáng nghi ngờ. Người dân Việt Nam xứng đáng được nghe câu trả lời hợp lý.

VIETNAM-AUSTRALIA-BANK-CRIME-SECURENCY

Cựu thống đốc ngân hàng nhà nước Việt Nam Lê Đức Thúy. AFP PHOTO.

15 triệu đô la này bao gồm cả tiền trả cho Lương Ngọc Anh và trả cho công CFTD như là tiền hoa hồng. Có một người nữa cũng làm cho công ty tên là Nguyễn Quang Nam, mà theo tôi đang là Phó Tổng Giám đốc của CFTD cũng được trả một khoản khá lớn trong số 15 triệu đô la đó. Cho nên 15 triệu đó được trả bao gồm tiền hoa hồng và với một số người thì là tiền hối lộ. Chúng tôi tin là khoản tiền này cũng được trả cho Lê Đức Minh, lúc đó ông ta làm việc cho Banktech cũng thuộc CFTD. Có nghĩa là 15 triệu đô la được trả cho học phí tại đại học của con trai ông Lê Đức Thúy, mà tôi tin là hàng chục nghìn đô la, và tôi tin là Lê Đức Minh cũng nhận một phần trong khoản tiền này.”

Nên điều tra ngay

Việt Hà: Trong bài báo mới nhất ông cũng nói là khoản tiền này được chi trả cho một số quan chức chính phủ, vậy ngoài những tên được nêu, còn những ai nữa trong chính phủ Việt Nam cũng có khả năng được chia khoản tiền này?

Nick McKenzie: “Chúng tôi chưa có tên để có thể công bố trước mọi người bây giờ, chúng tôi vẫn trong giai đoạn tìm hiểu, điều tra vụ bê bối này, nhưng cần phải tập trung sự chú ý vào họ hàng của Lương Ngọc Anh, họ là ai? Hồ sơ từ chính phủ Úc cho biết Lương Ngọc Anh cũng chính là một quan chức chính phủ, nhưng bố của ông ta và bố vợ ông ta cũng từng hoặc đang nắm giữ các chức vụ quan trọng trong chính phủ, chúng tôi tin là họ hàng của Lương Ngọc Anh cũng nằm ở nhiều bộ ngành khác nhau trong chính phủ, như Bộ Công an chẳng hạn.”

Việt Hà: Theo thông tin mà các ông có được thì cảnh sát liên bang Úc đã điều tra vụ này được đến đâu, và chúng ta có thể hy vọng những tiến triển mới trong thời gian gần đây không thưa ông?

Việt Nam nếu thực sự nghiêm túc điều tra vụ này thì họ phải nhìn vào những vấn đề tôi vừa nói, và vụ này nếu được điều tra tại Việt Nam sẽ có kết quả.

Nick McKenzie

Nick McKenzie: “Đã có một phần điều tra đã được hoàn tất ở Úc thuộc Cảnh sát điều tra liên bang, kết quả của cuộc điều tra đã được trình bày tại Hạ viện tức là cho phép phía Hạ viện tham gia điều tra. Nhưng thính giả Việt Nam phải hiểu là chưa có bất cứ một quan chức nào của Việt Nam bị điều tra tại Úc liên quan đến vụ bê bối này. Úc chỉ điều tra những người Úc  thôi. Việc điều tra quan chức Việt Nam thì hoàn toàn tùy thuộc vào phía giới chức Việt Nam. Và cho đến lúc này tôi không thấy họ  sẵn sàng muốn làm việc này. Vấn đề chung liên quan đến các vụ tham nhũng tại nhiều nước trên thế giới là việc điều tra thường kéo dài quá lâu hoặc bế tắc. Vào lúc này phía Việt Nam nên điều tra vụ này một cách nghiêm túc vì có liên quan đến các quan chức cao cấp của chính phủ.

Cho đến giờ tôi vẫn không thấy phía Việt Nam điều tra vụ này một cách nghiêm túc, không thấy bất cứ một báo cáo nào cho thấy những quan chức có dính líu đến vụ này bị thẩm vấn điều tra, không có giới chức nào hỏi về các tài khoản đáng nghi ngờ ở nước ngoài. Cơ quan điều tra chống tham nhũng của Việt Nam nếu thực sự nghiêm túc điều tra vụ này thì họ phải nhìn vào những vấn đề tôi vừa nói, và vụ này nếu được điều tra tại Việt Nam sẽ có kết quả. Và theo tôi họ nên điều tra ngay lập tức.”

Việt Hà: Các ông bắt đầu điều tra vụ án này từ bao giờ, và các ông có gặp khó khăn gì từ phía Việt Nam khi điều tra?

Nick McKenzie: “Chúng tôi bắt đầu điều tra vào cuối năm 2008. Mất 6 tháng để điều tra để chúng tôi đưa ra bài báo đầu tiên. Việc lấy được các câu trả lời và phản hồi từ Việt Nam hết sức khó khăn, chúng tôi cố gắng liên hệ với CFTD, với Lương Ngọc Anh và các quan chức chính phủ, đại sứ Việt Nam thậm chí cả Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhưng câu trả lời mà chúng tôi có từ họ là hoàn toàn số 0. Không một ai trả lời gì chúng tôi cả. Những vụ án liên quan đến tham nhũng ở Việt Nam luôn luôn khó điều tra nếu so với các nước khác mà chúng tôi đã điều tra. Tại các nước khác chúng tôi  có được các phản hồi và thông tin từ các quan chức chính phủ khá dễ dàng hơn so với Việt Nam. Ngoài ra việc thiếu tự do báo chí ở Việt Nam cũng làm cho cuộc điều tra trở nên khó khăn hơn.”

Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho đài chúng tôi buổi phỏng vấn này.

Nguồn: RFA

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn