Phản biện chính sách ở Trung Quốc

Vũ Thành Tự Anh (*)

(TBKTSG) - Kể từ khi bắt đầu cải cách năm 1978 cho đến nay, Trung Quốc đã có 32 năm tăng trưởng liên tục với tốc độ trung bình 10%/năm. Nhờ đó, GDP của Trung Quốc năm 2010 gấp hơn 20 lần so với năm 1978.

Nhờ tốc độ tăng trưởng cao và sự tăng giá của nhân dân tệ, nhiều khả năng là chỉ đến cuối thập niên này, Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, vị trí mà nước Mỹ nắm giữ từ năm 1890 cho đến nay. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng là nước xuất khẩu lớn nhất, là chủ nợ lớn nhất, đồng thời có lượng dự trữ ngoại hối lớn nhất lên tới hơn 2.600 tỉ đô la Mỹ, vượt xa nước đứng thứ nhì là Nhật Bản với khoảng 1.100 tỉ đô la.

Thực lực mạnh mẽ cùng với vị thế đang lên rất dễ khiến người ta trở nên tự tin thái quá, thậm chí tự mãn. Thế mà, trong bối cảnh đó, ở Trung Quốc đang nổi lên một luồng quan điểm yêu cầu phải có một làn sóng cải cách mới, toàn diện và triệt để hơn. Đáng lưu ý là yêu cầu này đến từ những người hiện đang đóng vai trò quan trọng nhất về mặt chính trị và khoa học, hơn nữa lại đang đương chức chứ không phải đã về hưu.

Đầu tiên phải kể đến bài phát biểu của Thủ tướng Ôn Gia Bảo vào tháng 8-2010 tại lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập đặc khu kinh tế Thâm Quyến, trong đó nhấn mạnh rằng để duy trì đà phát triển kinh tế hiện nay, Trung Quốc cần tiến hành cải cách chính trị và mở rộng dân chủ. Cần nhớ rằng cũng chính tại nơi này cách đây gần 20 năm, Đặng Tiểu Bình trong chuyến “tuần du phương Nam” phát động làn sóng cải cách và mở cửa kinh tế sau sự kiện Thiên An Môn, nhờ đó Trung Quốc có được diện mạo như ngày hôm nay.

Cũng trong năm 2010, ông Ôn Gia Bảo đã phát biểu trước các nhà quan sát quốc tế rằng “tăng trưởng của Trung Quốc không ổn định, mất cân đối, thiếu điều phối, và trên hết không bền vững.”

Luận điểm này mới đây được nhấn mạnh lại trong một bài báo đăng trên China Daily, tờ báo đối ngoại chính thức của Đảng và Nhà nước Trung Quốc. Tác giả của bài báo là Dư Vĩnh Định (Yu Yongding), hiện là Chủ tịch Hội Kinh tế Thế giới Trung Quốc, nguyên là Viện trưởng Viện Kinh tế - Chính trị Thế giới và thành viên Ủy ban Chính sách Tiền tệ của Trung Quốc. Bằng những ngôn từ hết sức mạnh mẽ và có tính phê bình sâu sắc, Dư Vĩnh Định cho rằng Trung Quốc đã phải trả một cái giá vô cùng đắt cho tăng trưởng kinh tế, cái giá mà chỉ những thế hệ tương lai mới biết nó cao đến mức độ nào.

Vậy những vấn đề nan giải nhất trong nền kinh tế Trung Quốc là gì? Thứ nhất, đó là tỷ lệ đầu tư quá lớn, lên tới trên 50% GDP chứng tỏ một sự đầu tư kém hiệu quả. Nguyên nhân là do các chính quyền địa phương đang đầu tư quá mức, và đầu tư bất động sản chiếm tới một phần tư tổng đầu tư toàn xã hội.

Thứ hai, tình trạng ô nhiễm môi trường ở Trung Quốc đã vượt quá sức chịu đựng của nền kinh tế. Theo Bộ Y tế Trung Quốc, ô nhiễm môi trường đã biến ung thư trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho người dân Trung Quốc. Ở Trung Quốc hiện nay, việc người dân nhiều thành phố công nghiệp ít khi nhìn thấy ánh mặt trời hay trẻ em bị tử vong do ngộ độc thực phẩm đã trở thành phổ biến. Theo Cục Bảo vệ môi trường và Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, nếu tính đủ những chi phí này thì tốc độ tăng trưởng “GDP xanh” của nhiều địa phương chỉ xấp xỉ mức 0%.

Thứ ba, tình trạng bất bình đẳng ngày một nới rộng về thu nhập giữa các tầng lớp dân cư, giữa thành thị và nông thôn, và giữa các vùng miền của Trung Quốc đã và đang làm gia tăng xung đột và căng thẳng trong xã hội. Nếu những xung đột và căng thẳng này không được hóa giải một cách thấu đáo, chắc chắn nền kinh tế Trung Quốc không thể duy trì được động năng tăng trưởng hiện tại.

Thứ tư, Dư Vĩnh Định cho rằng điều làm người dân phẫn nộ nhất là sự cấu kết giữa quan chức chính phủ và giới doanh nghiệp, tình trạng mà một nhà kinh tế học nổi tiếng khác của Trung Quốc tên là Ngô Kính Liễn (Wu Jinglian) gọi là “chủ nghĩa tư bản của những người giàu có và quyền thế”. Ông cũng cho rằng bẻ gẫy “mối liên kết ma quỷ này” sẽ là một phép thử lớn cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong tương lai.

Thứ năm, chế độ trọng dụng nhân tài là điều kiện tiên quyết cho chất lượng quản trị quốc gia. Thế nhưng theo quan sát của Dư Vĩnh Định, chế độ trọng dụng nhân tài ở Trung Quốc đã bị xói mòn do văn hóa chính trị nịnh bợ và khuyển nho. Từ nhận xét này, ông đi đến kết luận “biện chứng của phát triển kinh tế, một lần nữa, đã đưa cải cách chính trị trở lại thành vấn đề trung tâm.

Thứ sáu, sau ba thập niên tăng trưởng nhanh, Trung Quốc ngày nay đã trở thành công xưởng của thế giới. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ Trung Quốc vẫn chỉ là một công xưởng thuần túy. Dư Vĩnh Định chỉ ra rằng, trong kỷ nguyên sáng tạo và đổi mới công nghệ không ngừng ngày nay, “tình trạng thiếu đổi mới và sáng tạo chính là gót chân Achilles của nền kinh tế Trung Quốc… Không có khả năng sáng tạo và đổi mới mạnh mẽ, ngay cả người khổng lồ cũng chỉ có đôi bàn chân nặn bằng đất sét”.

Là một quốc gia có nhiều điểm tương đồng, kinh nghiệm của Trung Quốc, cả thành công và thất bại, có thể là những nguồn tham khảo hữu ích cho việc hoạch định chiến lược và chính sách phát triển cho Việt Nam. Những quan điểm của Ôn Gia Bảo, Dư Vĩnh Định, và Ngô Kính Liễn vì vậy rất đáng được các nhà làm chính sách Việt Nam suy ngẫm.

V. T. T. A.

Nguồn: Thesaigontimes

_________________

(* ) Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn