Thái Lan – “góc tối” trên đường công nghiệp hóa

Hồng Vân

clip_image001

 

Chị Maliwan với hơn 300 giấy chứng tử của người dân Mae Moh trong kỳ họp lần 40 của ADB tại Nhật - Ảnh: Greenpeace

 

TT – Những khu công nghiệp mọc vội, những đập thủy điện ồ ạt dựng lên, chất thải giết chết các dòng sông, gây ô nhiễm bầu trời, bệnh tật xuất hiện, nguồn sống thu hẹp dần... đó là những “sự cố” mà đất nước láng giềng Thái Lan đang gánh chịu.

Tuổi trẻ tường trình những câu chuyện từ những làng quê trên đất Thái.

Kỳ 1: Hồ sơ của 300 cái chết

Tháng 5-2007, hội nghị hằng năm lần 40 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Nhật Bản xuất hiện một phụ nữ Thái Lan. “Món quà” mà chị Maliwan Najwirot mang đến trình hội nghị là hơn 300 giấy xác nhận tử vong của người dân Mae Moh nằm trong vùng bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm từ Nhà máy điện than ở Mae Moh. Chị hỏi Chủ tịch ADB một câu hỏi khó: “Ông cảm thấy thế nào khi tiền đóng thuế của mình và người dân Nhật Bản đem cho vay đã giết chết 300 người dân Mae Moh?”. ADB sau đó đã ngưng hoàn toàn các khoản cho vay với dự án Mae Moh.

Tiếng vọng đến ADB

Cho đến năm 2008, Nhà máy điện than Mae Moh vẫn là nhà máy quy mô lớn nhất Đông Nam Á với sản lượng đến 2.625MW, mỗi ngày đốt cháy 40.000 tấn than lignite.

Nhưng mãi đến năm 1992, 11 tổ hợp của nhà máy vẫn không có hệ thống lọc và xử lý khí SO2. 16 cộng đồng dân cư sống quanh nhà máy phải hứng chịu một thảm họa ô nhiễm khí SO2 lớn nhất Đông Nam Á. Mái tôn bị thủng vì mưa axit, cây cối, hoa màu chết, sức khỏe người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bác sĩ Chaianan Tayawiwat làm việc ở bệnh viện địa phương đã bị sa thải vì nỗ lực cảnh báo về mối liên hệ giữa bệnh hô hấp và khí thải từ Nhà máy điện Mae Moh.

Sau một cuộc biểu tình lớn, chủ đầu tư của nhà máy là Tổng công ty Điện lực Thái Lan (EGAT) cam kết sẽ di dời dân, mua xe chở họ đi bệnh viện, gắn hệ thống lọc để xử lý khí thải SO2. Nhưng chỉ hai năm sau đó, những máy lọc khí SO2 bị hư hỏng hoàn toàn.

Maliwan bức xúc: “Hãy tưởng tượng ai đó lấy xe hơi tông vào bạn. Khi bạn lành, người ta lại dùng chiếc xe đó tông bạn lần nữa. Những khiếu nại thống thiết không được lắng nghe, ngược lại EGAT còn được khen ngợi, nhận được nhiều khoản vay hơn”.

Con trai chị, Wisanu Nakwiroj, kiếm sống bằng nghề bảo trì máy tính. Vì công khai chỉ trích việc gây ô nhiễm lâu dài của Nhà máy Mae Moh, cậu đã bị mất việc. Chồng chị, công nhân lái xe chở than cho chính Nhà máy điện than Mae Moh, cũng bị sa thải.

Người dân Mae Moh cuối cùng cũng được dời đến nơi ở mới sau khi có gần 400 người chết, 80% của 7.000 gia đình mắc các bệnh mãn tính về hô hấp. Khiếu kiện giằng co suốt 25 năm. Tòa án Thái Lan phán quyết EGAT phải chịu trách nhiệm toàn bộ với những ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe người dân và phá hủy sân golf đã được xây bằng tiền lẽ ra dùng để kiểm soát ô nhiễm.Từ đây, Chính phủ Thái Lan thông qua điều luật cho phép người dân khởi kiện các tập đoàn mà không phải đóng án phí.

Những người khách từ bốn phương

Khi tiếp xúc với chúng tôi, chị Maliwan cũng đang có một đoàn khách từ thị trấn Mae Sot, tỉnh Tak, biên giới của Thái và Myanmar, đến thăm. Người dân Mae Sot muốn học kinh nghiệm ở Mae Moh vì có tới ba làng ở Mae Sot bị nhiễm chất cadmium do hai công ty khai thác kẽm (Zn), từ Công nghiệp Padaeng và Công ty khoáng sản Tak, cũng là nhà máy kẽm lớn nhất Đông Nam Á, gây ra từ những năm 1977.

Chất độc cadmium ngấm vào đất, chảy vào nước, đi vào chuỗi thức ăn. Cá, tôm bị nhiễm độc. Hoa màu như lúa, sắn, bắp, đậu nành, tỏi... cũng bị nhiễm độc. Khoảng 10% dân cư sống gần khu nhà có chất độc cadmium trong máu và gặp các vấn đề sức khỏe, đặc biệt là gây suy thoái thận, sỏi thận. Họ được trả một số tiền để ngưng trồng các loại thực phẩm.

Laofang, một Luật sư, trăn trở: “Có lần đến Mae Sot, tôi rùng mình khi được biết họ trồng lúa nhưng chỉ để bán và mua gạo từ nơi khác về ăn. Không biết chất độc cadmium sẽ lan đi bao xa”.

Ở vùng cực Nam của Thái Lan, người dân tỉnh Prachuap Khiri Khan cũng đến tận Mae Moh ở miền Bắc xa xôi để mục sở thị. Sau khi tận mắt chứng kiến những cái chết từ từ, họ đã thẳng thừng từ chối sự có mặt của hai nhà máy điện than ở địa phương.

Tác giả Hồng Vân

Tác giả Phạm Thị Hồng Vân tốt nghiệp Thạc sĩ báo chí ở Đại học West Virginia, bang West Virginia, Mỹ vào tháng 5-2010. Cô được học bổng đào tạo về môi trường và phát triển ở Thái Lan.

Về lý do viết loạt bài này, cô cho hay: “Một người bạn ở Thái Lan nói: Nếu nền kinh tế Việt Nam hiện đang đi sau chúng tôi thì có lẽ người Việt cần đến nhiều thời gian nữa mới hiểu những hậu quả từ công nghiệp hóa của Thái Lan. Câu nói đó đóng vào tim tôi!”.

_______________

Nguồn: Tuoitre

Kỳ 2: Cái giá của “GDP cao nhất”

TT - Khi tôi ghé nhà ông Lung Noi, có khoảng 15 người dân, phần lớn đã đứng tuổi ngồi đợi. Họ đều là những cư dân sống quanh Khu công nghiệp Map Ta Phut, ít nhiều bị ảnh hưởng và có người thân chết vì ô nhiễm từ Khu công nghiệp Map Ta Phut.

Ông Lung Noi (phải) trò chuyện với Tiến sĩ Penchom về mối họa mà gia đình ông gặp phải. Ảnh: Hồng Vân

“Đặc sản” Map Ta Phut

Ông Lung Noi là một trong những cư dân sinh sống lâu năm nhất ở Ban Chang, tỉnh Rayong. Năm người thân gồm mẹ ruột, con dâu, con rể, cháu gái và gần đây nhất là vợ ông đã chết vì bệnh ung thư do các chất ô nhiễm trong nước và không khí thải ra từ các nhà máy ở Map Ta Phut. Yêu thương của ông dồn vào đứa cháu trai mà ông luôn xoa đầu, đùa giỡn. Ở tuổi 78, ông Lung Noi đã mắc bệnh phổi nhiều năm nay.

Những chùm lá xoài queo quắt đầy bụi bặm trên mảnh vườn khô khát. Mỗi một cây từng cho thu nhập 2.000 baht/năm, cả vườn là 100.000 baht/năm. Nay thì chưa đến 500 baht/cây/năm. Mùa nắng đã vậy, mùa mưa những vườn cây được tưới bằng mưa acid.

Trước khi công nghiệp hóa, ở Map Ta Phut 35% cư dân sống bằng nông nghiệp, 35% cư dân sống bằng hoạt động du lịch, số còn lại là chủ các cơ sở sản xuất gia đình: làm nước mắm, mắm ruốc, cá khô... Nay thì có đến hơn 80% ngành công nghiệp nặng, 16% dịch vụ du lịch và chỉ còn khoảng 3% làm nông nghiệp.

Những bãi biển xinh đẹp được san lấp để xây cảng và nhà máy. Nông dân không còn nước tưới cây vì nguồn nước được ưu tiên cho nhà máy. Bất bình, người dân liên kết thành lập Mạng lưới cư dân miền Đông và gửi thư khiếu nại khắp nơi. “Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ biểu tình chống lại cái gì. Tất cả những gì chúng tôi biết là trồng cây” – Lung Noi tâm sự, ánh mắt nhìn xuống đôi chân đen sạm một đời lão nông.

Đôi chân này đã miệt mài cất bước trong những cuộc đi bộ phản đối. Khi Lung Noi đi bơm nước, từ lòng đất một luồng nước đục vàng trào ra. Mọi người đưa tay bịt mũi. Đã 10 năm nay người dân phải bịt mũi như vậy. Có lần một đại diện Khu công nghiệp Map Ta Phut đến nhà Lung Noi đối thoại, người dân đã mời ông ta một ly nước giếng “đặc sản Map Ta Phut”.

GDP và những con sò

Những công ty, xí nghiệp đã biến Map Ta Phut thành nơi có GDP cao nhất của Thái Lan. Cộng đồng ở Map Ta Phut chia rẽ thành hai nhóm: nhóm ủng hộ công nghiệp hóa và nhóm đòi hỏi “công lý phát triển” với ý nghĩa phát triển gắn liền chất lượng sống và an ninh môi trường, tài nguyên nước và mọi thứ phải chia đều cho mọi thành phần dân cư.

Một nghiên cứu do Ranee Hassarungsee và Suntaree Kiatiprajuk thuộc Viện Nghiên cứu xã hội Đại học Chulalongkorn thực hiện đã chỉ ra bốn mối nguy từ Map Ta Phut, gồm ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, lén xả chất thải nguy hại – xói lở bờ biển và tổn hại sức khỏe.

Mức độ các chất có khả năng gây ung thư trong không khí ở Map Ta Phut vượt tiêu chuẩn từ 60-3.000 lần. 1.000 học sinh và thầy cô Trường Map Ta Phut Panphittayakarn bị ảnh hưởng, phải nhập viện vì hít phải khí độc. Năm 2005, trường buộc phải di dời khỏi vị trí ban đầu 5km.

Tiến sĩ Penchom Saetang, Tổ chức Cảnh báo và Tái tạo sinh thái Thái Lan, cho biết nạn đổ lén chất thải công nghiệp và xói lở bờ biển liên tục diễn ra. Người dân thỉnh cầu nhiều lần để chấm dứt việc mở rộng diện tích của khu công nghiệp, nhưng không được sự quan tâm từ Ban điều hành Khu công nghiệp Thái Lan (Industrial Estate Authority of Thailand – IEAT).

Từ năm 1999, Văn phòng Tài nguyên thiên nhiên và Chính sách môi trường được báo động rằng tình trạng ô nhiễm không khí ở Map Ta Phut đã vượt ngưỡng chịu đựng của vùng và mọi hoạt động đầu tư mới phải chấm dứt. Cảnh báo này không được IEAT thừa nhận, các hãng xưởng tiếp tục mở rộng hoạt động.

Người dân ở Map Ta Phut chỉ ra mối nguy hại thứ năm: các loại thủy sản như nghêu, sò, cá, cua bị nhiễm độc kim loại nặng. Họ phát hiện những con cua có vỏ mềm oặt, những con cá bị dị tật và những con nghêu, sò to lớn khác thường bằng bàn chân em bé. Dân địa phương không dám ăn. Một nghiên cứu của Pensupa Sripromtong và Renu Vejaratpimol, cán bộ môn sinh học, ngành khoa học thuộc Trường đại học Silpakorn, cũng xác định thịt sò ở khu vực Map Ta Phut có hàm lượng chất độc cao. Hai nhà khoa học này khuyến cáo chất độc tác động đến chức năng di truyền của sò.

Cuộc đấu tranh đòi công lý cho phát triển của người dân Map Ta Phut đã vĩnh viễn thay đổi pháp luật Thái Lan. Vương quốc đã sửa luật hiện hành, theo đó đánh giá tác động sức khỏe (HIA) trở thành một yêu cầu bắt buộc trong luật, cùng với đánh giá tác động môi trường (EIA). Cái tên Map Ta Phut trở thành bài học cho cách nhìn mới về phát triển.

Anh Jareon Dejkum, một người dân Map Ta Phut, nhắc đi nhắc lại với tôi: “Hãy nói với Chính phủ của nước bạn đừng để chuyện tương tự xảy ra!”.

Nguồn: Tuoitre

Kỳ 3: Nước mắt trên đập thủy điện

TT - Đập thủy điện Pak Moon sản xuất lượng điện chưa đủ cung cấp cho ba trung tâm mua sắm Siam Paragon, MBK và Central World tại thủ đô Bangkok, nhưng đã làm 1.700 gia đình phải di dời, hơn 6.200 gia đình mất sinh kế, hơn 20.000 người bị tổn thất thu nhập và thiệt hại, 116 loài cá, 40 loài thực vật ăn được, 10 loài măng tre, 45 giống nấm bị biến mất, sản lượng cá giảm đến 80%.

Lối thoát để giúp cá vượt qua bức tường đập Pak Moon đã không thành công - Ảnh: Hồng Vân

Con đập này là một trong tám bài học thất bại của thủy điện toàn cầu được Hội đồng Đập thủy điện thế giới nêu tên.

Tan tác làng chài

Mặt trời chưa tỏ, chúng tôi ngồi trên xe tải với một người dân ở Pak Moon, tỉnh Ubon Ratchathani, miền Đông Bắc Thái Lan, đi chợ mua cá về bán, đó là sự thật trớ trêu ở một làng chài. Tháng 7 là mùa cá đang về và cửa đập phải được mở theo cam kết của Chính phủ nhưng không hiểu sao vẫn đóng chặt, bất chấp sự nóng ruột của ngư dân.

Người dân cho biết đã quá kiệt quệ về tài chính và mệt mỏi vì phải đi kiện suốt nhiều năm qua về con đập “bất nhơn” đã làm họ tha phương cầu thực, làm thuê mướn khắp nơi trên đất nước.

 

Con đập Pak Moon được giới học thuật cho rằng hội đủ các yếu tố của một công trình “khuyết tật”. Đó là: (1) không có sự tham gia của người dân bị ảnh hưởng vào quá trình quyết định dự án, (2) thiếu sót trong đánh giá tác động môi trường, (3) thông tin sai của Chính phủ, (4) có tính “chính trị” và sự tham gia của quân đội vào quá trình xây dựng, (5) thiếu sự giám sát của Ngân hàng Thế giới, (6) phương án giảm thiểu tác hại không hiệu quả, và (7) sự suy giảm toàn bộ hệ sinh thái của con sông nuôi sống hàng ngàn người dân diễn ra quá trầm trọng.

Năm 1994 sau khi đập Pak Moon hoàn tất, ngư dân làng chài kinh ngạc khi phát hiện cá như đã biến mất khỏi dòng sông. Con đập đã chặn đứng đường di cư của luồng cá từ sông Mekong vào sông Pak Moon và làm ngập những vị trí sinh sản đắc địa của chúng. Một lối thoát cho cá được xây dựng với mục đích giúp luồng cá vượt qua bức tường của đập thủy điện hoàn toàn bị phá sản.

Giai đoạn năm 1990-1997 là thời điểm đập thủy điện Pak Moon bị phản đối quyết liệt. Hơn 2.500 hộ dân làng chài nhiều lần tụ tập đòi được giải quyết sinh kế. Biểu tình chống lại đập Pak Moon là một trong những cuộc biểu tình tái đi tái lại thuộc dạng lâu nhất trên thế giới.

Các nghiên cứu đã kết luận một sự thật khó chịu với Chính phủ Thái Lan: “Đập Pak Moon lẽ ra không nên được xây dựng” và khuyến cáo dòng sông phải được chảy tự do. Tuy nhiên, bất chấp sự giận dữ của người dân, tại thời điểm bài viết hoàn thành đập Pak Moon vẫn còn trơ trơ.

Người dân Pak Moon đã dựng một ngôi nhà đơn sơ gọi là Hợp tác xã Pak Moon, trưng bày hình ảnh về một cuộc sống giàu có trước đây để tố cáo với mọi người về sự mất mát.

Từng có thời điểm vào tháng 6-2001, trước áp lực của người dân, Chính phủ Thái đồng ý xả cửa thủy điện Pak Moon và cho tiến hành các cuộc điều tra về tác động xã hội của con đập, số lượng đàn cá và sự phục hồi của hệ sinh thái. Nhóm nghiên cứu của Trường đại học Ubon Ratchathani đã đề nghị Chính phủ mở cửa đập thủy điện Pak Moon trong năm năm liên tục nhưng đề nghị này bị từ chối. Nhà chức trách quyết định đóng cửa đập tám tháng mỗi năm. Tháng 11-2002 đập Pak Moon đóng cửa trở lại, châm ngòi một cuộc biểu tình chỉ một tháng sau đó.

Nước mắt người dân

Ở tỉnh Phrae, miền Bắc Thái Lan, dân địa phương đã thành công trong việc cản trở việc triển khai dự án đập thủy điện, sau chuyển thành đập thủy lợi Kang Sua Teng suốt 20 năm qua. Giới chức trung ương và địa phương vẫn luôn khẳng định cần phải xây dựng đập này, lần gần đây nhất là vào tháng 9-2010 bởi Phó thủ tướng Sanan Kachornprasart.

Một người dân địa phương cho biết: “20 năm trước chúng tôi chỉ biết thủy điện là tốt đẹp. Những người bán dạo đến làng mua gạo, mua cá đã làm chúng tôi sáng mắt. Họ nói mình là người bị di dời bởi đập thủy điện Sirikit (xây dựng năm 1973), con đập mang tên Hoàng hậu Thái Lan ở tỉnh Uttaradit, một vùng đất giàu có, sản vật, cá tôm dồi dào. Từ khi đập thủy điện Sirikit được xây dựng, nhiều người dân phải tha hương”.

Trong thời gian ở Thái Lan, tôi nghe kể đập Pa Sak, tỉnh Lopburi, một đập thủy điện có ý nghĩa chiến lược trong việc điều tiết nước, giải quyết tình trạng thiếu nước ở vùng Bangkok là con đập có số tiền đền bù cao kỷ lục trong lịch sử Thái Lan. Vào những năm 1980, người dân trong vùng bị ảnh hưởng đã không đồng tình, thậm chí đã biểu tình phản đối dự án. Hơn 10 năm liền dự án bị trì trệ và không thể triển khai.

Ngày nay, khi tìm kiếm cụm từ “Pa Sak Dam” trên Internet, người ta sẽ đọc được những thông tin màu hồng tươi đẹp. Nhiều bài báo còn giới thiệu hồ chứa Pa Sak là một điểm tham quan điển hình của tỉnh Saraburi. Nhưng phải ở Thái Lan mới hiểu những điều không nói nên lời của những người phải ra đi.

Do người Thái phản đối rất mạnh mẽ các dự án thủy điện xây dựng trong nước, Tổng công ty Điện lực Thái Lan đã tìm đến các nước láng giềng.

Mâu thuẫn và quan ngại quốc tế đã nảy sinh từ đây khi Lào trở thành cục pin được các nước khát điện như Trung Quốc và Thái Lan nhắm vào. Ít nhất bốn dự án thủy điện khác đang được triển khai tại Lào bởi các nhà đầu tư Thái Lan. Ngoài ra, Thái Lan còn quan tâm xây dựng nhiều dự án thủy điện trên các nhánh của sông Mekong và phát triển điện than ở Lào, với ít nhất một nhà máy điện than ở tỉnh Hong Sa, láng giềng của tỉnh Nan ở miền Bắc Thái Lan. Họ cũng ngỏ ý muốn xây đập thủy điện ở Myanmar trên các con sông Salween và sông Mekong. Người dân Thái đang lo ngại một khi các dự án được triển khai ở ngoài Thái Lan với các chuẩn mực thấp hơn, người dân nước sở tại sẽ phải hứng chịu những gì người Thái trải qua cách đây 20 năm...

Nguồn: Tuoitre

Kỳ 4: Quyền lực nhân dân

TT - Klong Dan thuộc tỉnh Samut Prakarn, Thái Lan. Mặc dù chỉ cách Bangkok 20km về phía Đông, từ lâu cuộc sống 60.000 cư dân phụ thuộc vào nghề cá và nuôi nghêu sò.

clip_image006

Ảnh: Katherin

Cuộc đấu không cân sức

 

Trên con thuyền đưa chúng tôi đến hiện trường nơi xây dựng nhà máy, chị Dawan Chantarahassadi  (ảnh) tâm sự: “Mỗi khi thấy rã rời, tôi nhờ một người bạn chở tôi ra rừng mắm. Khi nhìn muôn vàn sự sống được hồi sinh ở đây, tôi lại thấy mình có sức sống để tiếp tục đi theo những gì trái tim mình tin tưởng”.

Tháng 11-1995, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chấp thuận khoản vay 150 triệu USD để giúp Cơ quan Kiểm soát ô nhiễm của Chính phủ Thái Lan xây dựng hệ thống quản lý nước thải công nghiệp từ

đô Bangkok và tỉnh Samut Prakarn.

Theo đó, hai nhà máy xử lý nước thải riêng biệt sẽ được xây dựng ở nơi tập trung khoảng 5.000 nhà máy, xí nghiệp. Tuy nhiên, vào thời điểm ADB chấp thuận khoản vay bổ sung trị giá 80 triệu USD, địa điểm thực hiện dự án được dời đến Klong Dan, cách vị trí ban đầu 20km. Tại đây, họ có kế hoạch mới là xây dựng một nhà máy xử lý nước thải quy mô lớn nhất Đông Nam Á, xử lý 525.000m3 nước thải mỗi ngày, bao gồm cả kim loại nặng và chất thải độc hại.

Quỹ Hợp tác kinh tế hải ngoại Nhật Bản (sau này là Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA) cũng xuất một khoản vay 50 triệu USD cho dự án này. Sau khi thay đổi địa bàn xây dựng, tổng ngân sách của dự án nhà máy xử lý nước thải tăng đến 687 triệu USD (59% vốn do Chính phủ Thái Lan đầu tư).

Cư dân Klong Dan chỉ biết đến sự có mặt của dự án khổng lồ này vào cuối năm 1998. Lập tức họ chỉ ra ngay những thiếu sót nghiêm trọng của siêu dự án. Từ việc nó không được trang bị để xử lý kim loại nặng và chất thải độc hại, được xây dựng trên một nền đất không an toàn, không có báo cáo đánh giá tác động môi trường... cho tới những nhập nhằng thu lợi từ việc bán khoảng 3.040.000m2 đất cho nhà máy với giá cao ngất so với giá thực...

Bức xúc, cư dân Klong Dan bắt đầu tập dùng Internet để tìm tài liệu, đọc về luật môi trường, liên hệ với nhà tài trợ là ADB để kêu gọi cơ quan này ngừng tài trợ cho dự án. Thậm chí họ phải tập chơi chứng khoán để có được thông tin về những công ty tham gia dự án này và những ai đứng sau nó.

Nông dân, ngư dân, tiểu thương ở Klong Dan phân công nhau dốc tiền túi đi khắp trong và ngoài nước vận động các nhà tài trợ cho dự án cũng như những người yêu môi trường lắng nghe lý lẽ của họ. Năm 2001, chị Dawan Chantarahassadi lần đầu tiên đi Honolulu, Hawaii, Mỹ nhân cuộc họp hằng năm lần thứ 34 của ADB. Khi trình bày nguyện vọng của người dân Klong Dan với ông Tadao Chino, chủ tịch ADB, chị siết rất chặt tay ông để mong những lời nói từ trái tim mình đến được trái tim người đối diện.

Chị Dawan, nữ thủ lĩnh cộng đồng ở Klong Dan, cho biết: “Đó là cuộc đối đầu không cân sức giữa một bên là người dân không có sức mạnh tài chính, không địa vị, không có thông tin và một bên là các nhà chính trị hàng đầu, các công ty nhiều tiền, và những cố vấn viên là Tiến sĩ. Nhiều lúc chúng tôi không tin mình có thể thuyết phục họ”.

Hành trình chiến thắng

Tháng 5-2000, chị Dawan là một trong 200 người dân Klong Dan đến gặp các chuyên gia kỳ cựu của ADB ở Chiang Mai tại hội nghị hằng năm lần thứ 33 của ADB để thuyết phục ngân hàng này ngưng tài trợ cho dự án.

Tháng 6-2000 có cuộc họp giữa một nhóm chuyên trách của ADB và người dân ở Klong Dan. Cuối năm 2000, người dân Klong Dan gõ cửa cơ quan chống tham nhũng của ADB để cảnh báo về dự án “có vấn đề” này. Tháng 3-2001, ADB quyết định cử một nhóm chuyên gia độc lập xem xét lại dự án nhà máy xử lý nước thải.

Tháng 4-2001, người dân Klong Dan điền vào thư khiếu nại chính thức gửi đến cơ quan thanh tra của ADB. Theo thủ tục, cơ quan thanh tra phải điều tra thực tế tại Klong Dan, tuy nhiên Chính phủ Thái Lan đã không cho phép các thành viên Ban thanh tra vào Thái Lan. Do đó, Ban thanh tra đã hoàn tất báo cáo vào tháng 12-2001 mà không gặp trực tiếp người dân Klong Dan. Báo cáo này thừa nhận ADB đã vi phạm nhiều điều khoản và thủ tục của chính mình. Tin xấu: lãnh đạo ADB đã phủ quyết các kết luận của Ủy ban thanh tra!

Ngày 25-3-2002, Ban giám đốc ADB thảo luận về trường hợp của Klong Dan nhưng tránh không có quyết định rõ ràng nào về chuyện vi phạm các chính sách và thủ tục.

Sự thay đổi cuối cùng lại đến từ phía Thái Lan. Cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người lên nắm quyền năm 2001, đã đến Klong Dan vào tháng 5-2002 và nói trước người dân Klong Dan rằng “dự án này không minh bạch”. Chính quyền Thaksin sau đó đã thành lập nhiều ủy ban, tiến hành nhiều nghiên cứu đánh giá. Ngày 24-2-2003, ông Prapat Panyachartrak, người sau này là bộ trưởng Bộ Tài nguyên thiên nhiên và Môi trường, yêu cầu đình chỉ thi công nhà máy với lý do có sai sót trong bản hợp đồng dự án. Người ta phát hiện nhiều quan chức đã lập nhiều “công ty con” để trục lợi trong “siêu dự án” này.

Sau đó, ngày 13-1-2004, cơ quan kiểm soát ô nhiễm đã xét xử 19 công ty tư nhân và cá nhân tại Tòa án hình sự Vương quốc Thái Lan, trong đó có ông Vattana Asavahame, cựu Phó Bộ trưởng Bộ Nội Vụ, vì đã dùng giấy chứng nhận đất đai bất hợp pháp cho mảnh đất xây dựng dự án và bán nó cho cơ quan kiểm soát ô nhiễm với giá “trên trời”. Vào tháng 3-2004, Bộ Địa chính công bố giấy tờ về mảnh đất 3.040.000m2. Văn bản này vô hiệu hóa hợp đồng của chính quyền với bên thi công.

Ngày 14-6-2007, Ủy ban Quốc gia chống tham nhũng Thái Lan (NCCC) kết luận chín quan chức cao cấp, trong đó có ông Vattana, có liên quan đến việc sử dụng giấy tờ đất đai bất hợp pháp và quyết định chuyển sự vụ đến tòa án hình sự tối cao. Ông Vattana đã trốn khỏi Thái Lan và không xuất hiện tại tòa. Ông bị tuyên phạt vắng mặt 10 năm tù giam.

Tháng 10-2009, Tòa án quận Dusit cũng có phán quyết về trường hợp Klong Dan nhưng cuối cùng bản án được hoãn đến tháng 11 cùng năm, do ông Vattana không xuất hiện tại tòa. Tòa công bố lệnh bắt ông Vattana.

Dự án Nhà máy xử lý nước thải Samut Prakarn bị bãi bỏ hoàn toàn.

Giờ đây, đi dọc các con kênh (Klong có nghĩa là kênh trong tiếng Thái) ở Klong Dan, rừng mắm, đước, vốn một thời được chặt trắng để phục vụ việc xây dựng nhà máy và lắp đặt đường ống dẫn nước thải đã hồi sinh. Phía sau cánh rừng bạt ngàn này là một nhà máy xử lý nước thải khổng lồ đã hoàn tất 95%, 23.000 tỉ baht được chi ra giờ bị bỏ hoang.

Riêng chị Dawan đã xài đến đồng tiền cuối cùng trong nhà cho cuộc vận động sống còn của cư dân xứ chị. Khi câu chuyện thành công cũng là lúc chị khánh kiệt, phải sang New Zealand làm thuê để lo cho cuộc sống riêng của mình... Sau hai năm, chị trở về để tiếp tục cống hiến cho cộng đồng. Hiện chị đang cộng tác với Tổ chức EARTH (Ecological Alert and Recovery Thailand – Tổ chức Cảnh báo – tái tạo sinh thái Thái Lan).

Nguồn: Tuoitre

Kỳ cuối: Thủ lĩnh môi trường

TT - Khoảng 15 năm trở lại đây ở Thái Lan, những khu công nghiệp, nhà máy nhiệt điện, đập thủy điện được lên kế hoạch xây dựng ở đâu thì ở đó người dân yêu cầu được góp ý và đối thoại về tương lai của địa phương họ.

clip_image007

Thủ lĩnh cộng đồng Jintana (bìa phải) nói chuyện với báo giới và những nhóm nghiên cứu môi trường - Ảnh: Hồng Vân

Những thủ lĩnh môi trường xuất thân từ cộng đồng dần xuất hiện. Họ đòi hỏi các tập đoàn phải có trách nhiệm xã hội, có lương tâm với môi trường chứ không chỉ nhắm mắt kiếm tiền. Hoàn cảnh và lịch sử đã chọn những tiểu thương, nông dân, thầy cô giáo làm người anh hùng của đời thường.

Giá của một thủ lĩnh

Ông Narong Klomglom, chủ tịch thị xã Klong Dan, một trong số ít thủ lĩnh làm cho chính quyền, đã đứng về phía người dân phản đối sự có mặt của nhà máy xử lý nước thải ở Klong Dan cho biết: “Trong giai đoạn căng thẳng, chúng tôi phải mặc áo chống đạn và luôn cảnh giác sự an toàn của mình”.

 

Ở tỉnh Prachuap Khiri Khan, một dự án điện than được dự kiến xây ở Bo Nok. Anh Charoen Wat-Aksorn, một thủ lĩnh cộng đồng, đã bị bắn chết vào ngày 22-6-2004. Sự việc xảy ra sau khi anh trở về nhà từ cuộc gặp với Ủy ban quốc gia điều tra về chống tham nhũng đề nghị họ điều tra các viên chức địa phương.

Từ năm 2001 đến thời điểm Charoen bị ám sát, có 16 nhà hoạt động vì môi trường và nhân quyền ở Thái Lan bị ám sát hoặc mất tích. Vợ góa của Charoen, chị Korn-uma Pongnoi đã tiếp tục vai trò thủ lĩnh của chồng.

Đang nói chuyện với chúng tôi, chị Dawan – nữ thủ lĩnh cộng đồng ở Klong Dan – nhận được điện thoại từ một cơ quan chống tham nhũng thuộc nhà nước ở Chiang Mai mời đến chia sẻ kinh nghiệm.

Dawan cho biết chị sẵn sàng tham gia nếu ban tổ chức mua thêm một vé máy bay cho người bảo vệ chị. “Tôi không thể đi đâu một mình. Hãy dùng tiền các vị định trả thù lao cho tôi để mua vé máy bay cho người đó”.

Từ sau năm 2003, khi nhà máy xử lý nước thải ở Klong Dan bị đình chỉ, các hoạt động phản đối của người dân lắng xuống, nhưng sự an toàn của những thủ lĩnh môi trường vẫn là một dấu hỏi.

Nhiều lần chị Dawan nhận được những cuộc điện thoại gợi ý những điều tốt đẹp từ phía dự án. “Tôi ghi âm mọi cuộc điện thoại và phát lại cho anh chị em trong cộng đồng được biết”.

Trong khi đó, Jintana Kaewkao, người mạnh mẽ chỉ trích dự án xây dựng nhà máy điện than công suất 1.400 MW ở Ban Krut, tỉnh Prachuap Khiri Khan, thuộc miền Nam Thái Lan, được hỏi “mua” với giá 15 triệu rồi tăng lên 30 triệu baht Thái.

“30 triệu baht không đủ để tôi mua bạn bè và một cộng đồng mới”, Jintana đã từ chối như vậy. Không mua chị được bằng tiền, người ta gửi đến nhiều thư hăm dọa viết bằng máu, chửi bảy đời dòng họ nhà chị rồi dọa giết.

Sáng 14-1-2001, một tay súng bí ẩn đã đến xả súng vào cửa hàng tạp hóa của Jintana, đạn xuyên thủng cửa tiệm và làm đổ vỡ nhiều đồ đạc. Rất may Jintana và chồng thoát nạn.

Người dân Ban Krut ngay sau đó đã thay phiên nhau ở bên cạnh bảo vệ Jintana. Đến hôm chị gặp chúng tôi vẫn có một cảnh sát viên bảo vệ chị 24/7 dù dự án này đã chấm dứt. “Các nhà đầu tư đâu để yên khi tôi đã làm họ đánh mất hàng triệu baht”, chị Jintana nói.

Trong thời gian thương lượng với chính quyền, phản đối sự có mặt của nhà máy điện than ở Ban Krut, Pi Jintana và người dân đã có thể chỉ ra những “lời nói dối trắng trợn” trong bản đánh giá tác động môi trường (EIA) của dự án. Theo đó, khoảng 500 ngư dân sẽ bị mất sinh kế chứ không phải chỉ có chín người, giá các loài hải sản trên thực tế cao hơn nhiều so với giá trong báo cáo, rạn san hô biển nơi đàn cá sinh sôi sẽ bị ảnh hưởng và suy thoái.

Chị kể với sự chua chát và châm biếm: “Lúc đó vào năm 2000 dự án được công khai để lấy ý kiến công chúng, nhưng khi chúng tôi yêu cầu được đọc đánh giá tác động môi trường, nhà chức trách nói rằng báo cáo đó được viết bằng tiếng Anh, chúng tôi không thể đọc và hiểu được”.

Chướng ngại ngôn ngữ đã không cản được cộng đồng người dân ở Ban Krut chỉ rõ các ẩn họa mà dự án mang lại. Họ được báo chí và nhiều cộng đồng ở Thái Lan đồng cảm và cuối cùng công lý đã chiến thắng.

Những hi sinh của Jintana để bảo vệ cuộc sống bình yên của cá, tôm, mực, san hô và con người ở Prachuap Khiri Khan chỉ các con chị thấm thía hơn ai hết. Ba người con chị không được sống gần mẹ (vì lý do an toàn) vẫn thường hỏi: “Chừng nào con được về với mẹ, mẹ ơi”.

Còn chị, giải thích về con đường đi của mình: “Tôi đã đến Mae Moh, nhìn thấy bằng mắt của mình người dân ở đó đã sống với ô nhiễm và chết vì bệnh tật do ảnh hưởng của khí SO2 từ nhà máy điện than Mae Moh. Tôi không thể để hiểm họa tương tự tái diễn ở làng xóm mình”.

Phát triển phải “có hậu”

Người dân Thái Lan giờ đây đã nhận ra một chính sách không chỉ ảnh hưởng đến riêng một làng xóm, riêng một tỉnh mà là một vùng. Một nhà máy điện than mọc lên là để theo sau một khu công nghiệp lớn xuất hiện. Bộ mặt xã hội sẽ đổi thay. Nông nghiệp, ngư nghiệp và du lịch bị xóa sổ. Làng xóm bị xé nát và chia rẽ sâu sắc. Những giá trị văn hóa, nền tảng gia đình bị lu mờ. Rất nhiều hệ lụy về xã hội xuất hiện.

GDP cho cả nước nhưng dân địa phương lãnh đủ tai họa ô nhiễm trước hết. Lợi ích từ nhà máy, xí nghiệp không đến với họ, tài nguyên không được chia sẻ công bằng. Hứa hẹn về công việc ở các nhà máy không hấp dẫn bà con. Phải phụ thuộc vào công việc hối hả ở nhà máy để có lương tháng thay vì được tự trồng lúa gạo, nuôi heo gà, không cần quá nhiều tiền là một sự mất tự do. Đâu là mục tiêu của phát triển? Để con người hạnh phúc hơn hay để họ bị lệ thuộc nhiều hơn?

Người dân ở Thái Lan muốn được quyền tham gia soạn thảo quy hoạch phát triển vùng cùng với chính phủ. Họ muốn có quyền nói không với những dự án có nguy cơ cao với môi trường.

Thứ công nghiệp người dân Thái Lan mong muốn phải ôn hòa với thiên nhiên và ưu tiên lợi ích của dân địa phương, chứ không phải là bắt người dân phải hi sinh cho GDP cả nước. Vì nếu chỉ chạy theo lợi ích kinh tế bằng con số, lâu nay người ta đã quên, không trừ từ GDP những thiệt hại đối với nông nghiệp, ngư nghiệp, môi trường và cả số tiền người dân phải chi trả cho bệnh viện để chăm sóc các vấn đề sức khỏe nảy sinh.

Đặc biệt, người ta bỏ quên những mất mát không tính được bằng tiền từ “việc bóc lột đến tận cùng khả năng chịu đựng của không khí, nước và môi trường” – theo ý kiến của tiến sĩ Penchom Saetang, Tổ chức Cảnh báo và tái tạo sinh thái Thái Lan.

Ở bất kỳ đâu khi thực hiện loạt bài này, người dân Thái luôn nhắc đi nhắc lại: “Hãy kể câu chuyện của chúng tôi với người Việt Nam. Các bạn hãy thận trọng với công nghiệp hóa”.

H. V.

Nguồn: Tuoitre

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn