“Tôi có một giấc mơ”

 Quỳnh Chi, Phóng viên RFA

VIETNAM-ASEAN-SUMMIT  

Một phụ nữ gánh hàng rong trong khu phố cổ ở Hà Nội hôm 27/10/2010. AFP photo

 

Ngày 17 tháng Giêng vừa qua là ngày Martin Luther King Jr. của năm nay. Ông Martin Luther King Jr. chính là người đã nói rằng “Tôi có một giấc mơ” và biến nó thành sự thật.

Nhân dịp này, nhiều người trong nước tâm sự với Quỳnh Chi về giấc mơ của mình.

Ngày 28 tháng 8 năm 1963, ông Martin Luther King Jr. đã đọc diễn văn tại Đài tưởng niệm Lincoln ở Washington DC. Ngày đó, ông đã nói cho thế giới biết giấc mơ của mình. Một trong những giấc mơ của ông là được nhìn thấy con mình đến trường mà không bị phân biệt vì màu da. Và ông mơ ước rằng nô lệ và chủ nô sẽ cùng ăn chung bữa trong tình huynh đệ.

“Tôi có một giấc mơ, rồi có một ngày trên những ngọn đồi đất đỏ của Georgia, con của nô lệ và con của chủ nô sẽ ngồi lại cùng nhau bên bàn ăn của tình huynh đệ. Tôi có một giấc mơ, rồi có một ngày bốn con nhỏ của tôi sẽ sống trong một đất nước mà chúng không còn bị đánh giá bằng màu da, mà bằng tính cách của chúng”.

Nhà tranh đấu nhân quyền bị ám sát chết sau đó không lâu, nhưng giấc mơ rất giản dị của ông đã dần dà thành sự thực cho mọi con người da màu trên xứ sở của ông.

Những giấc mơ bình dị

Khi người ta thiếu một thứ gì đó, người ta hay ước mơ để đạt được nó. Có đôi khi những giấc mơ ấy thật bình dị.

Anh Tốt, xuất thân từ một gia đình ba đời là nông dân ở miền Tây và thấu hiểu cái cơ cực của việc đồng áng, anh cho biết giấc mơ của mình:

“Mình ước mơ làm sao mà làm lúa có giá cho những người nông dân ở quê em được sống thoải mái hơn, chứ cảnh này hoài thì dân càng đi xuống”.

Tôi không dám ước mơ tiền nhiều nhưng mà tôi ước muốn nông dân đừng bị thiếu nợ nữa bởi vì hiện giờ nông dân thiếu nợ rất nhiều.

Anh Tốt, TP. HCM

Cuộc sống thoải mái mà anh Tốt đang nói tới không phải là một cuộc sống dư thừa mà chỉ là ước mơ được nhìn thấy mỗi năm giống lúa được nẩy mầm và bông vàng trĩu hạt. Lúc đó, cả gia đình có thể ăn đủ no và mua sắm được những vật dụng cần thiết. Anh cho biết thêm:

“Nghĩa là cơm thì ăn ngày 2 bữa. Trong nhà đồ ăn thức uống, xà bông, bột ngọt... cũng phải đầy đủ. Và tôi không dám ước mơ tiền nhiều nhưng mà tôi ước muốn nông dân đừng bị thiếu nợ nữa bởi vì hiện giờ nông dân thiếu nợ rất nhiều”.

Theo anh Tốt, nhà nông thường mượn tiền ngân hàng để mua lúa giống, phân bón hay các vật liệu cần thiết cho mùa vụ với hy vọng cuối năm sẽ trả nợ từ tiền bán lúa. Nhưng nếu năm nào gặp thiên tai, giống lúa không tốt hay giá lúa thấp là họ trở thành trắng tay. Lúc đó, nợ cũ chưa kịp trả, đã phải mượn thêm nợ mới để chi tiêu.

Những nhu cầu cần thiết cho cuộc sống luôn là khó khăn của nhiều người. Khi mà họ không có một nghề nghiệp vững chắc, phải buôn gánh bán bưng đắp đổi qua ngày thì khó khăn ấy càng tăng lên gấp bội. Lúc đó, họ chỉ mơ ước sao cuộc đời của mình đỡ bấp bênh. Chị Măng, một người buôn bán nhỏ ở An Giang là một trong những người ấy. Chị tâm sự:

VIETNAM-ECONOMY-INFLATION

Một gánh hàng rong đi qua một phòng trưng bày xe hơi ở Hà Nội tháng 2/2009. AFP photo

“Mình muốn ước mơ có công việc ổn định để cho cuộc sống thuận lợi và bền lâu chứ mình đi mua bán thì mai lời mốt lỗ. Tôi cũng muốn cho chỗ ăn ở yên ổn để sau này cho con cháu đi học và có công việc ổn định, chứ buôn bán như tôi cũng vất vả lắm”.

Hàng ngày, chị Măng quảy gánh bày những món hàng nho nhỏ tại khu vực Châu Đốc trông chờ vào sự đông đúc của người qua lại. Có lúc chồng chị phải giúp chạy xe mướn để mong sao vợ chồng có một nơi ăn ở thoải mái hơn. Mong muốn có một chỗ ở ổn định và lo cho con cái đi học không chỉ là ước mơ của một vài người. Đó cũng chính là ước mơ của hàng vạn công nhân đến lập nghiệp ở các thành phố lớn.

Anh Nam, một công nhân nhập cư tại TP. HCM nói rằng:

“Ước mơ có chỗ ở, có đủ tiền ăn uống. Nếu mà có con thì phải cho con đi học vậy là hết rồi, không dám mơ gì nữa đâu”.

Theo anh Nam, hiện nay một cặp vợ chồng phải làm ra ít nhất 7 triệu đồng 1 tháng thì mới mong trang trải được cuộc sống và trả tiền thuê nhà mà không phải mượn nợ. Cũng theo anh Nam, nếu 2 vợ chồng làm 10 triệu 1 tháng thì cũng phải ở nhà trả góp. Dựa trên số liệu vừa được Tổng cục Thống kê đưa ra năm ngoái thì thu nhập bình quân đầu người cho đến thời điểm ra báo cáo là chưa đến 100 đô la một tháng. Xem ra, mong muốn có được một ngôi nhà riêng cho mình thực sự là một giấc mơ đối với công nhân như anh Nam, ít ra trong thời gian hiện tại.

Ước mơ cho đất nước

Chia sẻ về ước mơ của mình, anh Elbi, một nhân viên chứng khoán, cũng mong ước cho tương lai đất nước được giàu mạnh và cuộc sống người dân đỡ vất vả hơn. Anh nói:

“Nói về giấc mơ cho đất nước thì mình mong sao mà người dân thực sự thực hiện được cái quyền cơ bản của mình. Đó là quyền được bầu ra người lãnh đạo xứng đáng. Muốn có được sự giàu mạnh hay một hình thái đất nước vững mạnh thì mọi thứ đều phụ thuộc vào cái gốc của nó. Nếu người dân được bầu ra người lãnh đạo xứng đáng và hợp lý thì từ đó hướng đi sẽ khác và các vị lãnh đạo có trách nhiệm hơn. Như thế thì Việt Nam mình sẽ mạnh từ trong gốc và mọi thứ sẽ được thay đổi”.

Nói về giấc mơ cho đất nước thì mình mong sao mà người dân thực sự thực hiện được cái quyền cơ bản của mình. Đó là quyền được bầu ra người lãnh đạo xứng đáng.

Anh Elbi, nhân viên chứng khoán

Cho đến bây giờ, có thể có người quên bài diễn văn của ông Martin Luther King Jr. đã nói chính xác điều gì, nhưng có một câu nói mà nhiều người luôn nhớ: đó là “Giấc mơ của tôi sẽ phải trở thành hiện thực”. Và dĩ nhiên, những người dân Việt Nam này luôn mong muốn biến ước mơ của họ thành hiện thực.

Bốn ước mơ thuộc 4 nhóm người trong xã hội. Khó có thể nói rằng ước mơ của họ đại diện cho tất cả các ước mơ của cả xã hội. Nhưng một khi các giấc mơ của họ quá cơ bản và bình  thường thì cũng đáng để nhiều người suy nghĩ.

Q.C

Nguồn: RFA

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn