Văn hóa Chủ nhật - Mấy hiểu lầm về Nho giáo

Tam Cương và Ngũ Luân

Đỗ Quý Toàn

image Nhiều người mang thành kiến coi Nho giáo là nền tảng của chế độ quân chủ tập quyền ở các nước Á Đông trước thế kỷ XX; do đó các xã hội này quen sống với giáo lý Khổng Mạnh thì không thích hợp với thể chế dân chủ.

Nhưng nếu xét kỹ chúng ta sẽ thấy trong Nho giáo có sẵn tinh thần coi trọng vai trò của người dân, nhưng trải qua hơn 2000 năm các ý kiến trọng dân đã bị vua quan, giới cầm quyền bỏ quên hoặc cố ý che đậy, xóa lấp đi. Khi tìm hiểu kỹ hơn, chúng ta sẽ thấy rằng tự nguồn gốc Khổng Tử, Mạnh Tử không ủng hộ quyền hành tuyệt đối của những người nắm chính quyền, mà vào thời đại của họ từ thế kỷ thứ VI tới thứ III trước Công Nguyên, đó là các ông vua.

Trong bài này chúng tôi trình bày một số điều hiểu lầm về Nho giáo, không phải với mục đích phục hồi lại các tư tưởng chính trị của Khổng Tử, Mạnh Tử, nhưng để tránh các thiên kiến đưa tới hệ quả sai lầm khác. Vì nhiều chính quyền ở các nước Á Đông, như Singapore, và bây giờ thêm Trung Quốc, có ý đề cao Khổng giáo để biện minh cho tình trạng thiếu dân chủ trong nước họ.

Người ta thường nói rằng văn hóa Đông phương coi trọng tập thể hơn là cá nhân, điều này đúng. Nhưng đề cao tập thể, cộng đồng, không có nghĩa là đề cao chính quyền và những người cầm quyền. Chế độ tự do dân chủ không hạ thấp giá trị của quyền tập thể mà chỉ xác định các giới hạn trên quyền hành của những người nhân danh tập thể. Các phong trào dân chủ không tìm cách tiêu diệt tập thể mà chỉ muốn những người mạo xưng là đại diện cho tập thể không được đàn áp cá nhân. Một điều ai cũng thấy là các nước chịu ảnh hưởng Nho giáo rất mạnh như Nhật Bản, Nam Hàn và Đài Loan đều đã xây dựng các định chế tự do dân chủ vững chắc, trong khi vẫn coi Khổng Mạnh là những bậc thánh hiền. Người ta không thấy có xung khắc giữa Nho giáo và các quyền tự do căn bản của con người.

Tam Cương

Khi nói tới quyền hành của ông vua trong xã hội cổ truyền ở Á Đông, người ta thường nhắc đến quan niệm Tam Cương để bài xích rằng Khổng giáo phản dân chủ. Học về Nho giáo, ai cũng nghe nói đến Tam Cương và Ngũ Thường.

Cương, theo nghĩa đen, là sợi dây chính, tức sợi dọc, trong tấm vải hay tấm lưới; tam cương tức là là ba giềng mối chính tạo ra xã hội loài người. Tam Cương gồm có Quân Thần (Vua và Bề tôi), Phụ Tử (Cha và Con), Phu Phụ (Chồng và Vợ). Người ta thường giải thích rằng khi đề cao Tam Cương (cùng với Ngũ Thường), Nho giáo đã chủ trương người làm Vua, làm Cha và làm Chồng có quyền hành tuyệt đối.

Một điều mọi người hay quên đi là Khổng Tử, Mạnh Tử (và Tuân Tử sau đó) không ai nói đến khái niệm Tam Cương cả. Vì vậy, ngay cả Chu Hi, người giải thích Tứ thư và Ngũ kinh vào thế kỷ thứ XII để sau đó tạo thành kinh điển căn bản trong nền giáo dục và chế độ cai trị của các nước Á Đông cho tới thế kỷ XX, Chu Hi cũng không bàn đến quan niệm Tam Cương một cách kỹ lưỡng như ông bàn về các đề tài khác.

Theo các học giả nghiên cứu Nho giáo thì quan niệm Tam Cương đã được gán cho Khổng Tử ở trong Hiếu kinh, một cuốn sách với nguồn gốc không được coi là chính xác. Khái niệm Tam Cương chỉ bắt đầu xuất hiện từ thời Tiền Hán, hơn 300 trăm năm sau khi Khổng Tử qua đời. Đổng Trọng Thư (thế kỷ thứ II trước Công Nguyên) đã nói đến “ba giềng mối” này trong khung cảnh những lý giải về thuyết âm dương, ngũ hành trong sách Phồn Lộ.

Theo sử gia Ban Cố (32 – 92) người viết bộ Hán Thư thì vào thế kỷ I có những cuộc thảo luận về các lời dạy của Khổng Tử, trong giới quan lại triều đình vua nhà Hán, ghi chép lại trong bộ sách Bạch hổ thông đức luận (白虎通德論). Trong sách này, khi viết về “Tam Cương Lục Kỷ,” Ban Cố nhấn mạnh đến tính chất hòa hợp và cộng tác của hai vế, vua tôi, cha con, chồng vợ, giống như âm với dương, phân biệt và bổ túc cho nhau. Theo đúng lối giải thích truyền thống thì Nho giáo không bao giờ chủ trương âm phải tùy thuộc vào dương; không thể căn cứ vào thuyết âm dương để biện minh cho tình trạng bề tôi nhất thiết phải phục tùng ông vua, cho tới vợ phải sợ chồng.

Ban Cố viết: “Quân thần, phụ tử, phu phụ, tức có sáu người, tại sao gọi là tam cương? (Bởi vì) nhất âm nhất dương gọi là đạo; dương được âm mà thành tựu, âm được dương mà có trật tự; cương nhu tương phối, cho nên sáu người trở thành tam cương” (Bạch hổ thông, Quyển 7, chương 3, câu 2, 君臣,父子,夫婦,六人也,所以稱三綱何?

一陰一陽謂之道。陽得陰而成,陰得陽而序,剛柔相配,故六人為三綱)

Từ đời Hán, các triều đại ở Trung Quốc duy trì guồng máy hành chánh thư lại do Tần Thủy Hoàng đặt ra để củng cố quyền ông vua và các quan lại, tức là họ sử dụng kỹ thuật cai trị của Pháp gia. Tuy nhiên, đối với bên ngoài, họ lại muốn dùng Nho giáo để biện minh cho chế độ trung ương tập quyền đó; cho nên người ta đã diễn tả thuyết Tam Cương theo nghĩa tùy thuộc, giống như đề cao quyền uy tuyệt đối của dương trên âm. Vì thế thuyết Tam Cương được đưa lên địa vị quan trọng tương đương với Ngũ Thường (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín) trong nền giáo dục Nho giáo. Đó là một thủ đoạn hiểu Khổng Mạnh một cách thiên lệch, với ý đồ củng cố quyền hành tuyệt đối của ông vua.

Nhưng không hề có những chữ Tam Cương trong Luận ngữ, là cuốn sách đáng tin cậy nhất thuật lại các lời nói và một số việc làm của Khổng Tử vào thế kỷ thứ VI và V trước Công nguyên. Sau đó hơn một trăm năm, Mạnh Tử cũng không hề viết về Tam Cương trong khi phần lớn trong sách này ông bàn các vấn đề cai trị một nước. Từ thế kỷ thứ XIII, đời nhà Tống, Nho giáo được các học giả như Trình Hiệu, Trình Di tới Chu Hi hệ thống hóa và được các triều vua sau này dùng làm sách giáo khoa chính thức mà ai cũng phải học nếu muốn dự thi để làm quan.

Nhưng chính Chu Hi cũng không coi Tam Cương là quan trọng; trái lại, ông chỉ chú ý bàn luận về khái niệm Ngũ Luân của Mạnh Tử. Giống như Tam Cương, Ngũ Luân mô tả các quan hệ xã hội tiêu biểu. Ngũ Luân gồm có Quân Thần, Phụ Tử, Phu Phụ, Huynh Đệ và Bằng Hữu; tức là ngoài “ba giềng mối” đầu giống như Tam Cương còn thêm hai quan hệ xã hội quan trọng nữa là anh em và bè bạn.

Khái niệm Ngũ Luân mà Chu Hi bàn xuất phát từ sách Mạnh Tử, thế kỷ III trước Công nguyên. Sách do Mạnh Tử viết, gồm bảy quyển, mỗi quyển hai phần. Trong quyển 3, Đằng Văn Công (Thượng), câu thứ tư, Mạnh Tử nói, “Làm người ai cũng có đạo … Thánh nhân sai ông Tiết làm tư đồ dạy Nhân Luân: Cha con có tình thân (Phụ tử hữu thân), Vua tôi có nghĩa (Quân thần hữu nghĩa), Chồng vợ có sự phân biệt (Phu phụ hữu biệt), người lớn người nhỏ (anh em) có thứ tự (Trưởng ấu hữu tự), bằng hữu có lòng tin (Bằng hữu hữu tín)”.

(Mạnh Tử, 3A: 4: 父子有親,君臣有義,夫婦有別,長幼有序,朋友有信)

Ngũ Luân

Đọc lại quan niệm Ngũ Luân này từ gốc trong sách Mạnh Tử, chúng ta có thể thấy những điều khác hẳn lối học thiên lệch sau này đề cao quyền của vua, của cha hay chồng khi nói đến Tam Cương, đặc biệt là từ thế kỷ thứ XII đời Tống bên Trung Quốc.

Nhận xét đầu tiên là trong năm mối quan hệ gọi là “nhân luân” này, Mạnh Tử đặt tương quan giữa Cha và Con trước, giữa Vua và Tôi sau. Hoàn toàn khác với lối xếp đặt trong Tam Cương, đặt Vua trước Cha sau. Thứ tự này rất quan trọng, vì đời xưa người ta rất chú ý tới thứ bậc ưu tiên khi phát biểu.

Tại sao Mạnh Tử đặt Cha trước Vua sau? Chúng ta biết tư tưởng luân lý và chính trị của Mạnh Tử thường được đặt ra dựa trên căn bản những quan sát của ông về tình cảm tự nhiên và trực giác của con người. Khác với bên Tây phương, Mạnh Tử, giống như Khổng Tử, không trình bày các ý kiến về đạo đức và xã hội giống như các lời chỉ dạy của thần thánh mà con người chỉ việc tuân theo. Họ cũng không đưa ra các nguyên tắc sống như là hệ luận của các lý thuyết, tư tưởng tổng quát và trừu tượng. Với xu hướng gọi là “cận nhân tình” đó, trong 5 mối quan hệ xã hội mà Mạnh Tử nêu ra, ba điều đã thuộc về gia đình: Cha con, vợ chồng, và anh em; hai điều khác thuộc về xã hội bên ngoài là quan hệ giữa quốc gia (vua) với người dân (tôi), và quan hệ bạn bè. Vì chú trọng đến tình cảm tự nhiên cho nên Mạnh Tử đặt quan hệ Cha Con trước quan hệ Vua Tôi, tức là từ gần tới xa. Nhưng thứ tự này cũng phù hợp với một ý tưởng khác mà ông đã nói, là dân quý hơn vua. Cũng vậy, quan hệ vợ chồng được đặt trước anh em, mà anh em thì gần gũi hơn bạn bè cho nên cũng được đặt trước.

Khi nói đến 5 quan hệ Nhân Luân theo thứ tự từ gần đến xa, rõ ràng là Mạnh Tử không có ý nhấn mạnh đến nghĩa vụ xã hội của mỗi người đối với tập thể trong đó có cha, có vua, vân vân. Vì nếu nói đến nghĩa vụ xã hội thì quốc gia có tầm quan trọng hơn gia đình, phải đặt vua trước, cha sau mới đúng.

Nhận xét thứ hai là khi nói đến 5 mối quan hệ Nhân Luân, Mạnh Tử không hề nói trong mỗi quan hệ đó ai là người quyết định, ai là kẻ dưới phải vâng lời. Chúng ta biết Mạnh Tử nói về năm mối Nhân Luân này nhân khi bàn về sự phân công trong xã hội. Trong Đằng Văn Công (phần thượng), nhân khi Trần Tương đến nói về một nhà hiền triết là Hứa Hành, tự cho theo tư tưởng Thần Nông, dạy vua nước Đằng tự làm ruộng lấy lúa gạo, tự nấu cơm lấy mà ăn, Mạnh Tử đã giải thích rất dài về sự phân công và trao đổi trong xã hội (hơn 2.000 năm sau, Adam Smith mới phân tích ích lợi kinh tế của sự phân công và trao đổi một cách duy lý). Mạnh Tử đã đặt nhiều câu hỏi với Trần Tương về Hứa Hành để nhấn mạnh là trong xã hội thế nào cũng có sự phân công: Mỗi người không thể tự mình vừa làm ruộng, vừa dệt vải, tự làm lấy mũ đội, cũng không thể tự mình làm các dụng cụ bằng kim loại và đất nung mà dùng được. Ông nói tiếp đến sự phân công giữa người “lao tâm” và “lao lực”, rồi từ đó dẫn tới sự phân công giữa người làm công việc cai trị và giáo hóa, so với người dân bị trị. Cho nên vua Nghiêu đi tìm ông Thuấn giao cho việc cai trị dân giúp mình, rồi nhường ngôi vua cho Thuấn; ông Thuấn lại giao cho ông Ích trách nhiệm điều khiển dân đốt rừng trồng rẫy, giao việc khai sông tránh lụt lội cho ông Vũ, rồi sau đó nhường ngôi cho Vũ.

Khi chúng ta hiểu quan niệm Ngũ Luân được trình bày trong khung cảnh bàn về sự phân công trong xã hội, thì cũng sẽ hiểu được cả quan niệm của Mạnh Tử về nguồn gốc chính quyền, cái gì biện minh cho quyền hành của ông vua. Vấn đề chính trị từ cổ tới kim chỉ nằm trong câu hỏi: Tại sao người này nói khiến người khác phải nghe theo? Đọc Mạnh Tử thì thấy ông quan niệm đó là do sự phân công trong xã hội.

Cho nên năm điều Nhân Luân mà Mạnh Tử nêu lên có tính cách những hiện tượng khách quan như các nhà xã hội học tìm hiểu và mô tả chứ không phải mang tính chất quy phạm, nói đến thứ bậc cao hay thấp, ai trên ai dưới, ai có quyền trên ai. Điều chính yếu trong năm mối quan hệ Nhân Luân là gì? Đó là Thân, Nghĩa, Biệt, Tự, và Tín. Mạnh Tử không hề nói người làm bề tôi phải vâng lệnh người làm vua, mà chỉ nói giữa hai bên Vua và Tôi có “Nghĩa”. Nghĩa, tức là những bổn phận, dựa trên lẽ phải chứ không dựa trên uy quyền. Theo mạch văn của câu “Quân thần hữu Nghĩa” thì cả vua và bề tôi đều liên hệ với nhau trên căn bản Nghĩa. Bổn phận của mỗi người đối với người kia có tính cách hỗ tương chứ không là quan hệ trên dưới, một chiều. Bề tôi có nghĩa thì vua cũng phải có nghĩa, cũng giống như giữa bằng hữu thì hai bên đều phải giữ chữ tín. Sau này người ta hay bày ra thuyết Tam Cương đề cao quyền của vua, hoặc vì thiện chí muốn giữ trật tự xã hội, hoặc chỉ vì muốn xiểm nịnh các ông vua. Cũng vậy, Mạnh Tử không nói con lúc nào cũng phải vâng lời cha, mà chỉ nhấn mạnh giữa cha và con có tình thân yêu. Giữa anh và em có thứ tự trước sau; giữa bạn bè có lòng tín nhiệm; trong đạo vợ chồng có sự phân biệt (nam nữ) để phân chia công việc gia đình, giữ trật tự xã hội qua định chế hôn nhân. Nhưng ngay câu “Phu thê hữu biệt” không hề nói là người chồng có quyền tuyệt đối trên người vợ.

Cắn cứ vào những lời Mạnh Tử nói về Hứa Hành và vua Văn Công nước Đằng thì chúng ta không thấy ông nhấn mạnh tới bổn phận của con đối với cha, hay bề tôi đối với vua, qua một mối liên hệ dựa trên uy quyền tuyệt đối như người ta thường áp dụng để củng cố chế độ chuyên chế.

Đây không phải là vì Mạnh Từ đã bỏ sót không nói đến uy quyền trong câu nói trên. Chúng ta có thể tìm trong những lời của Khổng Tử và Mạnh Tử để thấy quan điểm Nho giáo không chủ trương những bổn phận của bề tôi hay của con là tuyệt đối, vô điều kiện. Có thể thấy những bổn phận xã hội, đặc biệt là đối với ông vua, đều có tính cách hỗ tương và có điều kiện cả.

Thí dụ trong Luận ngữ, thiên 12 (Nhan Uyên), câu thứ 11, Tề Cảnh Công hỏi Khổng Tử về chính trị (Tề Cảnh Công vấn chính ư Khổng Tử); Khổng Tử nói: “Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử”.

(Luận Ngữ, 12, 11 齊景公問政於孔子。孔子對曰:“君君,臣臣,父父,子子”). Nghĩa là vua làm hết đạo của vua, bề tôi làm hết đạo bề tôi, cha và con cũng như vậy. Trong câu nói này chúng ta thấy hàm ý những trách nhiệm hỗ tương: Trong quan hệ giữa vua với bề tôi, giữa cha với con, mỗi bên phải làm hết bổn phận của mình, chứ không phải chỉ có một bên dưới có bổn phận còn bên trên thì không. Ngoài ra, còn ý nghĩa các bổn phận đều có điều kiện: Một bên sẽ làm hết bổn phận nếu bên kia làm đủ bổn phận của mình. Chúng tôi sẽ bàn về điều này trong một bài khác.

ĐQT

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

HT biên tập.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn