Về hai cuốn sách mới xuất bản ở Trung Quốc trong thời gian gần đây: Việt Nam thông sử và Việt Nam văn học sử

Trần Nghĩa

Tạp chí Hán Nôm số 2 (63) năm 2004, trang 63-68.

clip_image001

GS. Trần Nghĩa (trái) và Nguyễn Xuân Diện

Trong năm 2001, nhằm giúp bạn đọc Trung Quốc hiểu thêm về Việt Nam, đồng thời cũng là để góp phần đẩy mạnh giao lưu văn hóa Trung - Việt, ở Trung Quốc đã xuất bản hai cuốn sách: cuốn Việt Nam thông sử do Quách Chấn Đạc - Trương Tiếu Mai đồng chủ biên (1) và cuốn Việt Nam văn học sử do Vu Tại Chiếu biên soạn (2). Đây là những việc làm rất đáng hoan nghênh. Về phương diện khoa học kỹ thuật, các tác giả đã kế thừa những thành tựu của người đi trước, đồng thời trên nhiều vấn đề, cũng đã có những kiến giải riêng.

Tuy vậy, bên cạnh mặt mạnh dễ thấy của hai công trình biên soạn, vẫn còn một số điểm cần thảo luận thêm. Trong phạm vi bài viết này, tôi muốn trao đổi một vài ý kiến về phần lịch sử và văn học Việt Nam thời Bắc thuộc được trình bày trong 2 cuốn sách.

Ở cuốn đầu, Việt Nam thông sử, các tác giả đã dành trọn 4 chương để giới thiệu về lịch sử Việt Nam thời Bắc thuộc:

Chương 4: Nước Nam Việt vào thời Tần Hán và việc đặt quận Tượng, quận Giao Chỉ.

Chương 5: Mối quan hệ giữa Giao Châu dưới sự cai trị của các vương triều Trung Quốc vào các đời Tam quốc, Lưỡng Tấn, Nam Bắc triều với nước Lâm ấp.

Chương 6: Mối quan hệ giữa xã hội phong kiến An Nam bước đầu phát triển thời Tùy Đường với nước Lâm ấp.

Chương 7: Sự khởi đầu thiết lập chính quyền cát cứ phong kiến mang tính chất địa phương của các thổ hào An Nam nhân cuộc biến loạn Ngũ đại thập quốc.

Những luận điểm hoặc nhận định đáng bàn ở các chương này là:

1. Cho rằng quận “Tượng” do nhà Tần thiết lập bao gồm vùng đất thuộc miền Bắc và miền Trung Việt Nam hiện nay, như thế có nghĩa là từ thời Tần Thủy Hoàng, Việt Nam đã sáp nhập vào bản đồ Trung Quốc (3).

2. Trước khi bị quân Tần xâm chiếm, cả vùng Lĩnh Nam, trong đó có Việt Nam, chưa phát triển đến trình độ xã hội có giai cấp, còn đang trong tình trạng lạc hậu về kinh tế, chính trị, văn hóa so với Hoa Hạ (4). Do vậy, công cuộc mở rộng lãnh thổ của Tần Thủy Hoàng và tiếp sau đấy là Hán Vũ Đế có thể xem như những công lao to lớn, vì nó đã thúc đẩy xã hội Lĩnh Nam từ chế độ thị tộc, bộ lạc tiến nhanh hơn sang chế độ phong kiến (5).

3. Vì Việt Nam đã trở thành đất đai của các vương triều Trung Quốc dưới thời Bắc thuộc, nên những cuộc nổi dậy của Trưng Trắc, Lý Bí, Khúc Thừa Dụ… đều là bất hợp pháp, là hành động phản loạn nhằm thiết lập chính quyền phong kiến cát cứ, tách khỏi đại gia đình đa dân tộc thống nhất Hoa Hạ (6).

Ở cuốn sách thứ hai, Việt Nam văn học sử, tác giả cũng chia sẻ các cách nhìn trên của những người biên soạn Việt Nam thông sử, cho rằng dưới thời Bắc thuộc, các quan lại Trung Quốc đã có công không nhỏ trong việc đem chữ Hán và văn hóa Hán truyền vào Giao Chỉ (7), khiến người bản địa từ tình trạng “ngu muội” đi đến chỗ “dần quen lễ nhạc”, “hiểu Thi, Thư” (8). Trong một bản báo cáo trình bày tại Hội thảo khoa học quốc tế tổ chức tại Thâm Quyến (Quảng Châu, Trung Quốc) mới đây, tác giả Việt Nam văn học sử còn đi xa hơn khi nói về ý nghĩa và tác dụng của chữ Hán, văn hóa Hán đối với người Giao Chỉ: “Khi chữ Hán bắt đầu truyền vào Giao Chỉ, cả vùng này còn đang trong tình trạng xã hội nguyên thủy ngu muội, đêm trước của xã hội văn minh nhân loại. Mô thức truyền nhập của chữ Hán đối với Việt Nam là bá chủng (gieo hạt) chứ không phải di thực (đem từ nơi này đến trồng ở nơi khác). Có thể nói chữ Hán và ngôn ngữ Hán do chúng cấu thành cũng như văn hóa Hán do chúng truyền tải là cốt lõi (để uẩn) của ngôn ngữ, văn hóa và sự phát triển văn học Việt Nam. Chính lớp đất văn hoá Hán dày dặn và đầy màu mỡ này đã nuôi dưỡng cho cây đại thụ văn hóa Hán và văn học chữ Hán Việt Nam trở nên rễ sâu lá rậm, bụ bẫm phát triển, thôi thúc nền văn hóa bản địa Việt Nam ra đời, không ngừng đẩy mạnh toàn bộ bánh xe lịch sử văn hóa Việt Nam đi lên phía trước” (9).

Sự thật là thế nào?

1. Trước hết, có phải quận “Tượng” do nhà Tần thiết đặt bao gồm vùng đất Văn Lang, sau đó là Âu Lạc, địa bàn sinh tụ của người việt Nam thời cổ, như các tác giả Việt Nam thông sử quan niệm không ? Điều này từ lâu đã được nhà Đông phương học người Pháp Maspéro bàn tới trong một công trình nghiên cứu nhan đề Khảo cứu về quận Tượng đời Tần Hán đăng trên Tập san trường Viễn đông Bác cổ Pháp (BEFEO) số XV, Hà Nội, 1916. Dựa vào câu sau đây trong sách Hán thư: [Mùa thu năm Nguyên Phượng thứ năm (76 TCN), nhà Hán] bãi bỏ quận Tượng, chia gộp vào quận Uất Lâm và quận Tường Kha” (bãi Tượng quận, phân thuộc Uất Lâm, Tường Kha) (10), Maspéro khẳng định rằng quận “Tượng” đời Tần không phải ở Việt Nam, mà nằm chính ngay trên lãnh thổ Trung Quốc, vì “Uất Lâm” và “Tường Kha” nay đều thuộc vùng đất phía nam tỉnh Quý Châu và phía tây tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc. Có thể thấy Tần Thủy Hoàng hồi bấy giờ chưa với tới đất Văn Lang - Âu Lạc, xứ sở của liên tộc Âu Việt - Lạc Việt.

2. Nước Văn Lang - Âu Lạc chỉ bắt đầu bị các vương triều phương Bắc thôn tính và chia thành quận huyện kể từ thời Triệu Đà, và tiếp đó là thời Hán Vũ Đế trở đi. Nhưng phải chăng lúc này, người bản địa còn đang sống trong tình trạng “xã hội nguyên thủy ngu muội”, “chưa phát triển đến trình độ xã hội có giai cấp”, “lạc hậu về kinh tế, chính trị, văn hoá so với Hoa Hạ”? Từ kết quả nghiên cứu gần đây của các ngành khảo cổ học, dân tộc học, ngôn ngữ học… kết hợp với các truyền thuyết, huyền thoại cùng sử sách do người xưa để lại, ta thấy một sự thật hoàn toàn khác: trước khi bị ngoại bang đô hộ, người Văn Lang - Âu Lạc đã trải qua một lịch sử mở nước trên dưới 2000 năm. Trên địa bàn miền Bắc Việt Nam ngày nay đã liên tiếp phát hiện những di chỉ thuộc thời đại đồng thau phát triển tại chỗ, nối tiếp nhau ở miền trung du, đồng bằng Bắc Bộ và bắc Trung bộ qua các giai đoạn Phùng Nguyên (buổi đầu thời đại đồng thau), Đồng Đậu (khoảng giữa thời đại đồng thau), Gò Mun (thời đại đồng thau phát đạt), Đông Sơn (cuối thời đại đồng thau - đầu thời đại đồng sắt) (11). Từ thời đại đồng thau phát triển này, chế độ cộng đồng nguyên thủy Việt Nam bắt đầu tan rã, dẫn tới sự ra đời của nước Văn Lang - Âu Lạc, với một địa bàn sinh tụ xác định, trên đó đã xây dựng được một nền sản xuất nông nghiệp quy củ, một tổ chức xã hội dần đi vào nề nếp và một đời sống văn hóa tương đối phong phú, đa dạng (12). Thực tế vừa nêu chứng tỏ khi đối mặt với các thế lực thống trị phương Bắc, người Văn Lang - Âu Lạc đã vượt qua đêm dài nguyên thủy lâu rồi. Về các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, họ có thấp thua hơn “Hoa Hạ” hay không không biết, nhưng dẫu thế nào chăng nữa thì cũng không thể vin vào đó để biện hộ cho hành động xâm lược một đất nước có chủ quyền, thậm chí xem đây như một ân huệ đối với người bản xứ, một công lao to lớn của đế chế phương Bắc, “vì nó đã thúc đẩy xã hội Lĩnh Nam từ chế độ thị tộc, bộ lạc tiến nhanh hơn sang chế độ phong kiến” (?!).

3. Liệu có thể gọi các cuộc nổi dậy của Trưng Trắc, Lý Bí, v.v. chống lại vương quyền phương Bắc là bất hợp pháp, là hành động phản loạn được không ?

Như mọi người đều biết, vào năm 40 sau Công nguyên, Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị, con gái quan Lạc tướng Mê Linh đã nổi lên đánh đuổi Thái thú Tô Định chạy về Trung Quốc. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà được nhân dân các quận Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố rầm rộ hưởng ứng, giải phóng 65 thành trên cõi Lĩnh Nam. Từ đó Trưng Trắc lên làm vua, sử gọi là Trưng Nữ Vương, đóng đô ở Mê Linh, nay thuộc huyện Yên Lãng, tỉnh Vĩnh Phúc, kết thúc giai đoạn Bắc thuộc lần thứ nhất (207 TCN - 40 SCN).

Năm 541, lại có người Việt Nam tên là Lý Bí liên kết với hào kiệt mấy châu đánh đuổi Tiêu Tư chạy về Trung Quốc, chiếm giữ thành Long Biên, chẳng bao lâu giải phóng được cả nước. Năm 544, Lý Bí tự xưng là Nam Việt Đế, sử gọi là Lý Nam Đế (544 - 548), đặt tên nước là Vạn Xuân, đóng đô tại Long Biên, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh, kết thúc giai đoạn Bắc thuộc lần thứ hai (43 - 544). Tiếp sau Lý Nam Đế là Triệu Việt Vương (549 - 570), rồi Hậu Lý Nam Đế (571 - 603).

Đến năm 939, Ngô Quyền dấy binh đánh bại quân Nam Hán, tự lập làm vua, đóng đô ở Cổ Loa, nay thuộc huyện Đông Anh, Tp. Hà Nội, kết thúc nghìn năm Bắc thuộc.

Nếu triều Trưng Nữ Vương chóng vánh đi qua như một thử thách (từ năm 40 đến năm 43), thì các triều nhà Tiền Lý - Triệu - Hậu Lý lại tồn tại lâu hơn (từ năm 544 đến năm 603), chứng tỏ có sự thay đổi trong cán cân lực lượng giữa phương Nam và phương Bắc, để rồi khi Ngô Quyền khởi sự, cuộc đấu tranh giải phóng đất nước của người Việt Nam giành được thắng lợi vững bền.

Vậy không thể nói các cuộc nổi dậy của Trưng Trắc, Lý Bí, v.v. là bất hợp pháp, là hành động phản loạn. Trái lại, phải quan niệm đây như những việc làm đương nhiên, chính nghĩa, nhằm mục tiêu “phục quốc, tồn chủng” mà bất cứ một dân tộc nào bị ngoại bang đô hộ, không sớm thì muộn cũng sẽ tiến hành.

4. Về vai trò, tác dụng của chữ Hán và văn hóa Hán đối Việt Nam thời Bắc thuộc cũng không thể nhận định, đánh giá như tác giả Việt Nam văn học sử.

Trong giai đoạn Bắc thuộc lần thứ nhất (207 TCN - 40 SCN), Triệu Đà, Hán Vũ Đế đều dùng chính sách “đại trị” (cai trị gián tiếp qua đại diện) thay vì “trực trị” (cai trị trực tiếp) đối với Việt Nam: “[Triệu Đà] ra lệnh cho hai viên sứ giả làm chủ dân hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân (…), các Lạc tướng [bản xứ] vẫn để trông coi dân như cũ” (Lệnh nhị sứ giả điển chủ Giao Chỉ, Cửu Chân (…), chư Lạc tướng chủ dân như cố) (13). Hán Vũ Đế cũng dùng lại chính sách của Triệu Đà, “theo lệ cũ mà cai trị” (dĩ kỳ cố tục trị) (14). Trong tình hình như vậy, chữ Hán không dễ dàng truyền bá trên vùng đất do các thế lực phong kiến phương bắc chiếm giữ. Mặt khác, như sách Thủy kinh chú chép: “[Trưng] Trắc là người dũng cảm, gan dạ (…), việc làm phần nhiều không hợp pháp” (Trắc vi nhân hữu dũng đảm…, sở vi đa bất pháp) (15). Sách Hậu Hán thư cũng chép: “[Mã] Viện (…) chia thành từng điều khoản tâu lên rằng luật người Việt và luật người Hán trái khoáy nhau hơn mười việc, xin được nêu rõ chế độ cũ, [của nhà Hán] để ràng buộc họ” (Viện… điều tấu Việt luật dữ Hán luật giả thập sự, dữ thân minh cựu chế dĩ ước thúc chi) (16). Cái gọi là “sở vi đa bất pháp” ở đây có thể hiểu là về mặt hành động, người Việt mà Trưng Trắc là đại diện, không chịu nghe theo sự điều khiển của ngoại bang; và cái gọi là “Việt luật dữ Hán luật bác giả thập dư sự” có thể hiểu là về mặt phong tục tập quán, người Việt và người Hán chưa hòa hợp với nhau được. Rõ ràng lúc này chữ Hán, tiếng Hán còn bị người bản địa coi như công cụ nô dịch và đồng hóa, không thể không tẩy chay, xa lánh.

Chỉ từ giai đoạn Bắc thuộc lần thứ hai (43 - 544) trở về sau, cách nhìn của người Lĩnh Nam đối với chữ Hán mới có sự thay đổi. Sau cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng thất bại, mục tiêu phấn đấu của người Việt, chuyển sang hướng tự cường tự lập, nuôi chí đợi thời. Họ dần dần ý thức được rằng chữ Hán chẳng qua là một thứ công cụ ghi chép, không nên đánh đồng nó với kẻ đô hộ. Chẳng những vậy, còn có thể lợi dụng chữ Hán, tiếng Hán để học tập văn hóa, phát triển nhân tài, xây dựng nên văn hóa thành văn của dân tộc, phục vụ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước. Hàng loạt tác phẩm chữ Hán của người Việt Nam ra đời trong giai đoạn Bắc thuộc lần thứ hai và thứ ba đã chứng minh cho điều đó. Nhưng cũng không thể vì vậy mà đề cao một cách quá đáng vai trò, tác dụng của Hán tự, Hán ngữ đối với văn hóa Việt Nam, cho rằng chính chúng đã “thôi thúc nền văn hóa bản địa Việt Nam ra đời, không ngừng đẩy mạnh toàn bộ bánh xe lịch sử văn hóa Việt Nam đi lên phía trước”. Nói như thế tức là phủ nhận vốn văn hóa Văn Lang - Âu Lạc đã có từ trước thời Bắc thuộc; chưa nhìn thấy vai trò, tác dụng cực kỳ quan trọng của dòng văn hóa dân gian bản địa đối với dòng văn hoá thành văn trong và sau thời Bắc thuộc. Với người Việt Nam, Hán tự cũng như Hán ngữ rốt cục vẫn là những thứ ngoại lai, ngày càng tỏ ra bất lực trước nguyện vọng trực tiếp ghi chép, diễn đạt lời ăn tiếng nói cùng tâm tư tình cảm của bản thân người Việt. Chữ Nôm và văn Nôm vì vậy đã ra đời để bù đắp vào chỗ mà Hán tự, Hán ngữ không thể đảm nhận nổi. Đây cũng là một sự thực không thể làm ngơ.

Các cách nhìn trên đây của những người biên soạn Việt Nam thông sửViệt Nam văn học sử thật ra không mới. Sáu mươi năm về trước, trong cuốn Quan huyện thời đại chi An Nam (17), Lê Chính Phủ đã có những quan điểm như thế rồi. Điều này có nguồn gốc sâu xa từ trong lịch sử nước Trung Hoa cổ đại. Thời Tiên Tần - Lưỡng Hán, đất Trung Nguyên được coi là trung tâm của thiên hạ. Các quốc gia, các dân tộc sống ở ngoại vi Trung Nguyên được gọi là Đông Di, Tây Nhung, Nam Man, Bắc Địch. Về mặt quyền lực, vua của người Hoa Hạ sống trên đất Trung Nguyên được coi là “Thiên tử” thay trời trị vì muôn nước, như Kinh Thi đã chép: “Khắp dưới gầm trời, không nơi nào không phải là đất của nhà vua; trong cả bốn biển, không người nào không phải là bề tôi của vua” (Phổ thiên chi hạ, mạc phi vương thổ; suất thổ chi tân, mạc phi vương thần) (18). Trong tinh thần ấy, các vương triều Tần, Hán… tha hồ mang quân đi đánh chiếm các nước láng giềng để mở rộng lãnh thổ, vơ vét của cải một cách vô tội vạ. Về mặt văn hóa, người Hoa Hạ được xem như hơn hẳn đám “hóa ngoại chi dân”, tức Đông Di, Tây Nhung, Nam Man, Bắc Địch, như Khổng Tử từng nhận xét: “Bọn Di, Địch dẫu có vua, cũng chẳng bằng người Hoa Hạ không vua” (Di, Địch chi hữu quân, bất như Chư Hạ chi vô dã) (19). Mạnh Tử cũng có câu: “Ta nghe nói dùng [văn hóa] của người Hoa Hạ để biến đổi [văn hóa] bọn Di, chứ chưa nghe nói [người Hoa Hạ để cho văn hóa mình] bị bọn Di làm cho biến đổi” (Ngô văn dụng Hạ biến Di giả, vị văn biến ư Di giả dã) (20). Các vương triều phương Bắc dựa vào đấy để “xuất khẩu” văn hóa Hán nhằm nô dịch, đồng hóa các dân tộc khác, dưới danh nghĩa “mở mang, khai hóa”…

Nhưng không phải người Trung Quốc nào hồi này cũng nghĩ như thế. Huệ Thi là một thí dụ. Ông cho rằng “Phương nam vừa không có giới hạn, lại vừa có giới hạn” (Nam phương vô cùng nhi hữu cùng); “Ta biết ở giữa thiên hạ, vì Yên phía bắc, Việt phía nam vậy” (Ngã tri thiên hạ chi trung ương, Yên chi bắc, Việt chi nam thị dã) (21). Vào thời Chiến quốc, Yên là một nước lớn ở phía bắc, Việt là một nước lớn ở phía nam, đất Trung Nguyên đương nhiên là ở giữa. Nhưng với người có đi đây đó, biết vũ trụ là bao la, thì vị trí “trung ương” đâu phải cố định, bất biến. Ngoài trời còn có trời. Phương vị địa lý hoàn toàn mang tính tương đối. Từ đó mà suy, quyền lực của thiên tử Trung Quốc cũng như trình độ văn minh của người Hoa Hạ đều có điểm dừng của nó.

Chúng tôi cho rằng ngày nay, khi bình giá về quan hệ lịch sử giữa nước này đối với nước khác, cần tôn trọng đúng mức vấn đề lãnh thổ và độc lập, chủ quyền; khi khảo sát về giao lưu văn hóa, dùng phương pháp nghiên cứu “văn học so sánh” thay cho cách nghiên cứu theo “vòng văn hóa” (văn hóa khuyên), như vậy may chi có thể tiếp cận với chân lý hơn chăng?(*)

T.N.

Nguồn: Nguyenxuandien Blog

CHÚ THÍCH:

(1) Việt Nam thông sử. Quách Chấn Đạc - Trương Tiếu Mai chủ biên, Trung Quốc Nhân dân Đại học xuất bản xã, 2001, 678 tr. Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hb.728.

(2) Việt Nam văn học sử. Vu Tại Chiếu biên soạn, Quân sự Nghị văn xuất bản xã, 2001, 360 tr.

(3) Việt Nam thông sử. Sđd, tr.136-137.

(4) Hoa Hạ, còn gọi là Chư Hạ, chỉ dân tộc Hán hoặc Trung Quốc (Trung Nguyên) thời cổ.

(5) Việt Nam thông sử. Sđd, tr.137.

(6) Sđd, tr.156 và 192.

(7) Giao Chỉ: tên một trong 13 bộ được đặt ra vào thời Hán Vũ Đế, tương đương với vùng đất phần lớn thuộc các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc và miền Bắc, miền Trung của Việt Nam ngày nay. Về sau, Giao Chỉ riêng dành để chỉ Việt Nam.

(8) Việt Nam văn học sử, Sđd, tr.14

(9) Xem bài Hán tự dữ Việt Nam đích Hán ngữ văn học in trong tập Hán tự truyền bá ký Trung Việt văn hóa giao lưu quốc tế học thuật nghiên thảo hội luận văn trích yếu / toàn văn, Thâm Quyến 19~21/12/2003, tr.76.

(10) Tiền Hán thư. Q.7, Chiêu Đế kỷ.

(11) Lịch sử Việt Nam. T.1. Nxb. KHXH, H. 1971, tr.38.

(12) Xem Trần Nghĩa: Sưu tầm và khảo luận tác phẩm chữ Hán của người Việt Nam trước thế kỷ X. Nxb. Thế giới, H. 2000, tr.19, tr.47.

(13) Sử ký sách ẩn dẫn Quảng Châu ký; Thủy Kinh chú, Q.37 dẫn Giao Châu ngoại vực ký.

(14) Hán thu, Q.6, Vũ Đế bản kỷ

(15) Thủy Kinh chú, Q.37.

(16) Hậu Hán thư, Mã Viện truyện.

(17) Quận huyện thời đại chi An Nam, Lê Chính Phủ biên soạn, Thương vụ ấn thư quán ấn hành, Trung Hoa dân quốc năm thứ 34 (1944) xuất bản tại Trùng Khánh và Thượng Hải.

(18) Thi kinh. Tiểu nhã. Bắc sơn.

(19) Luận ngữ. Bát dật. Khổng Tử (551 - 479 TCN) người nước Lỗ, sống vào cuối đời Xuân thu, sáng lập ra học phái Nho gia.

(20) Mạnh Tử. Đằng Văn Công. Mạnh Tử (372 - 289 TCN) người đất Trâu, sống vào thời Chiến quốc, là vị “á thánh” của đạo Nho, được xếp sau Khổng Tử.

(21) Trang Tử. Thiên Hạ. Huệ Thi (370 - 318 TCN) người nước Tống, kiến thức rộng, nhiều tài năng, từng làm Tướng quốc cho Ngụy Huệ Vương trong nhiều năm.

* Khi viết bài này, chúng tôi được Thạc sĩ Chu Tuyết Lan và Thạc sĩ Nguyễn Xuân Diện cung cấp cho một số tư liệu quý; nhân đây, xin chân thành cảm ơn! - Trần Nghĩa.

*Tác giả Trần Nghĩa là PGS, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Hán Nôm.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn