Đập Xayaburi: Bắt đầu cho kết thúc của dòng Mê Kông?

Bạch Dương

clip_image001  

Nằm ở cuối nguồn, Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng sâu sắc từ các dự án thủy điện trên dòng Mê Kông

 

ThienNhien.Net – Theo Quy chế Thông báo - Tham vấn và Đồng thuận trước (PNPCA) của Ủy hội sông Mê Kông (MRC), kế hoạch xây đập Xayaburi đã được Lào đệ trình lên MRC vào tháng 9/2010. Động thái này thể hiện quyết tâm xúc tiến kế hoạch thủy điện của Lào, đi ngược lại với khuyến nghị hoãn xây đập ít nhất 10 năm trên dòng Mê Kông của Báo cáo Đánh giá Môi trường Chiến lược về phát triển thủy điện trên dòng chính Mê Kông (SEA). Và cũng như các kế hoạch xây đập thủy điện khác trên dòng Mê Kông, dự án Xayaburi đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng trong khu vực, mà mới đây nhất là những tiếng nói xuất phát từ các tổ chức phi chính phủ Thái Lan.

Trước thềm cuộc họp thường niên của MRC vào cuối tháng này, ngày 25/01/2011, Liên minh Cứu sông Mê Kông (Save the Mekong - StM) đã gửi tới MRC, các Ủy ban Sông Mê Kông quốc gia và các cơ quan, tổ chức liên quan một bức thư yêu cầu MRC ngừng quá trình PNPCA cho dự án đập Xayaburi, thông qua Báo cáo SEA,  đồng thời cân nhắc các lựa chọn thay thế đáp ứng nhu cầu về năng lượng và nguồn nước cho khu vực trên cơ sở tham vấn cộng đồng một cách khách quan, minh bạch. 

Bức thư nhấn mạnh đề nghị MRC đưa ra quyết định về đập Xayaburi và các con đập trên dòng chính khác một cách phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo trách nhiệm và sự minh bạch đối với cộng đồng, lấy lợi ích và quan điểm của các cộng đồng ven sông làm trung tâm. Riêng đối với con đập Xayaburi, bức thư của StM bày tỏ mối quan ngại về những lỗ hổng, những thiếu sót trong quá trình PNPCA của dự án.

Thứ nhất, quá trình PNPCA của đập Xayaburi mâu thuẫn với báo cáo SEA ở khuyến cáo không đưa ra bất cứ quyết định về dự án phát triển nào ít nhất trong 10 năm tới.

Thêm nữa, các tài liệu quan trọng của dự án như Đánh giá tác động môi trường hiện vẫn chưa được công bố, chưa được tham vấn công chúng.

Đặc biệt, lộ trình PNPCA mà MRC công bố hồi tháng 12 không yêu cầu các tham vấn phải được tổ chức ở mỗi quốc gia và cũng không đảm bảo rằng quá trình tham vấn sẽ diễn ra một cách rộng rãi với đầy đủ các bên liên quan - một yếu tố mà chính Báo cáo SEA đã khuyến cáo. Cả hai hội thảo tham vấn được tổ chức theo quy chế PNPCA trong tháng 1/2011 tại Cần Thơ (Việt Nam) và Chiang Rai (Thái Lan) đều cho rằng quá trình tham vấn đã bị hạn chế và các cộng đồng chịu ảnh hưởng nhiều nhất lại không được cung cấp thông tin và không có cơ hội cất lên tiếng nói của mình. Cả hai phiên tham vấn này cũng đồng thời kiến nghị hủy bỏ kế hoạch Xayaburi và tiến hành những nghiên cứu sâu hơn.

Cuối cùng, MRC đã không cho thấy cách thức mà tổ chức này đảm bảo rằng các khuyến nghị của Báo cáo SEA và các tác động tích lũy của các đập thủy điện trên dòng chính sẽ được đưa vào xem xét trong quá trình PNPCA. Đặc biệt, đến nay Báo cáo SEA cuối cùng vẫn chưa được dịch ra tiếng địa phương và các tham vấn ở cấp quốc gia và khu vực chưa được cung cấp bản báo cáo này.

 

Cuối năm 2009, StM cũng đã đệ trình lên MRC bản kiến nghị gồm 23.110 chữ ký yêu cầu Ủy hội duy trì dòng chảy tự do của Mê Kông và cân nhắc các giải pháp bền vững hơn nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng của khu vực, đảm bảo sự tham gia của người dân vào quá trình quyết định bất cứ dự án nào, đồng thời thúc đẩy các hoạt động tham vấn cả ở cấp quốc gia và địa phương trong các dự án phát triển trên dòng sông.

Chính vì những thiếu sót nghiêm trọng này, tháng 10/2010, StM đã gửi thư đến ông Jeremy Bird, Giám đốc điều hành MRC để kêu gọi dừng quá trình PNPCA của đập Xayaburi. Bởi lẽ, theo Liên minh này, việc cân nhắc các quyết định chỉ có ý nghĩa sau khi tất cả các lựa chọn thay thế tiềm năng và các tác động tiềm ẩn được công bố rộng rãi và chi tiết tới công chúng.

Trong bức thư lần này, xuất phát từ những cảnh báo và khuyến cáo từ rất nhiều nghiên cứu, bao gồm cả báo cáo SEA về những tác động sâu sắc từ các đập trên dòng chính hạ nguồn Mê Kông, cả nội địa và xuyên biên giới, với quy mô ảnh hưởng tới hàng triệu người, StM đã gửi tới MRC 4 đề xuất:

Thứ nhất, dừng quá trình PNPCA của con đập Xayaburi theo khuyến nghị của báo cáo SEA và đánh giá tất cả các lựa chọn để đáp ứng nhu cầu về nguồn nước và năng lượng của khu vực Mê Kông thông qua quá trình tham vấn cộng đồng minh bạch và khách quan, có cân nhắc các công nghệ thay thế bền vững và nâng cao hiệu suất năng lượng.

Thứ hai, đề nghị MRC thông qua và áp dụng báo cáo SEA, đồng thời cùng với các chính phủ công bố đầy đủ các thông tin hiện có về từng dự án đập trên dòng chính Mê Kông.

Thứ ba, đảm bảo sự tham gia của cộng đồng trong quá trình điều trần, tham vấn bất cứ dự án nào, bao gồm cả dự án Xayburi.

Và cuối cùng, đề nghị MRC khẳng định lại cam kết bảo vệ môi trường và năng suất kinh tế của dòng sông Mê Kông, giữ gìn dòng chảy tự nhiên và khỏe mạnh vì sinh kế của các thế hệ hiện tại và tương lai.

Trong một diễn biến liên quan khác, ngày 21/01/2011, Mạng lưới Nhân dân Thái Lan về sông Mê Kông (Thai People's Network on Mekong) đã gửi một bức thư tới MRC và các cơ quan Thái Lan tham gia vào kế hoạch xây dựng đập Xayaburi bày tỏ quan ngại về các phiên điều trần của dự án do Cục Tài nguyên Nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường Thái Lan tổ chức.

Nguyên do khiến Mạng lưới này quan ngại là vì quá trình điều trần diễn ra quá vội vã, chỉ trong 3 ngày cuối tháng 1, trong khi đó, cơ quan duy nhất tổ chức buổi điều trần là Cục Tài nguyên nước lại không tiết lộ bất cứ chi tiết nào về chương trình nghị sự, không công bố bất cứ tài liệu nào liên quan, đặc biệt là Đánh giá tác động môi trường của dự án và bản dịch tiếng Thái của Báo cáo SEA tới các cộng đồng có nguy cơ ảnh hưởng từ các dự án đập dọc sông Mê Kông ở Thái Lan.

Hơn nữa, việc xem xét dự án Xayabouri được cho là không có ý nghĩa khi đánh giá đầy đủ các tác động tiềm ẩn chưa được công bố để công chúng nghiên cứu kỹ lưỡng. Nhất là khi SEA do MRC thực hiện đã khẳng định rằng các đề xuất dự án thủy điện sẽ có tác động lớn về kinh tế, xã hội và sinh thái đối với cả Lào và các nước khác trong lưu vực.

Đồng thời, tính hiệu quả của dự án này đối với việc cung cấp nguồn điện năng của Thái Lan bị nghi ngờ trong bối cảnh dự báo về nhu cầu điện của Thái Lan được cho là luôn vượt quá nhu cầu. Trong khi đó, nhiều phương án thay thế hiệu quả lại chưa được tính đến.

Bức thư cũng đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của chính phủ Thái Lan và các bên liên quan khác như Cơ quan Điện lực Thái Lan (EGAT), nhà phát triển dự án Ch.Karnchang và 4 ngân hàng thương mại hàng đầu của Thái đối với dự án có tác động môi trường, xã hội, kinh tế nghiêm trọng này.

Tóm lại, cho dù khác nhau về cách thức thể hiện, song các tổ chức phi chính phủ và các cộng đồng trên lưu vực Mê Kông đã và đang cất lên tiếng nói chung phản đối các kế hoạch thủy điện trên dòng Mê Kông. Bởi lẽ, họ nhận thức rất rõ rằng, các giải pháp năng lượng thay thế bền vững hơn thủy điện có thể giải quyết nhu cầu năng lượng của khu vực mà không nhất thiết phải phá hủy nguồn tài nguyên đã và đang tạo ra những lợi ích kinh tế, văn hóa và xã hội quan trọng như dòng Mê Kông. Và bởi vì, một dòng sông Mê Kông khỏe mạnh là yếu tố trung tâm để đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế bền vững, đảm bảo an ninh lương thực, thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng của khu vực.

Báo cáo Đánh giá Môi trường Chiến lược về phát triển thủy điện trên dòng chính Mê Kông (SEA) do MRC thực hiện công bố tháng 10/2010 đã khẳng định rằng việc xây dựng các con đập hạ nguồn Mê Kông sẽ gây ra những tác động không thể vãn hồi đối với hệ sinh thái và năng xuất kinh tế của con sông, ảnh hưởng đến sinh kế và an ninh lương thực của hàng triệu người phụ thuộc vào nguồn tài nguyên của con sông. Đi xa hơn, Báo cáo SEA còn cho rằng các dự án phát triển được đề xuất trên dòng sông này còn có nguy cơ tạo ra những căng thẳng quốc tế giữa các nước hạ nguồn. Và vì vậy khuyến nghị cuối cùng của SEA là hoãn lại tất cả các quyết định xây đập trên dòng chính Mê Kông, bao gồm cả đập Xayaburi, ít nhất là 10 năm nữa và cần hơn 50 nghiên cứu quan trọng nữa để đảm bảo rằng các nhà hoạch định có được đầy đủ thông tin về các rủi ro này.

B. D.

Nguồn: Thiennhien.net

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn