Bên lề phải, tản mạn về các vua

Nghịch Nhĩ

Lâu nay, vì sợ theo đuôi quần chúng nên thường chỉ xem các báo lề phải. Vẫn thấy không ít tờ báo lề phải hôm trước nói ngược, hôm sau lại nói xuôi, làm người đọc chẳng biết đâu mà lần nhưng gần đất xa trời rồi, đành lấy an toàn là bạn, tai nạn là thù kẻo nhỡ ra lại "được" phân thêm 4 mét vuông đất như Người Buôn Gió hay Cù Huy Hà Vũ…

Nói gì thì nói, đọc báo lề phải cũng thấy khối cái hay, cái mới. Nào đâu xa, mới đầu tháng 12 năm ngoái tuanvietnam.net có đăng bài "Bàn về phương thức cầm quyền của Đảng", tác giả là ông Nguyễn Văn An, nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Trưởng ban Tổ chức trung ương, nguyên Chủ tịch Quốc hội. Vào mạng, thấy tên tác giả là rề rề kích chuột đọc ngay vì trước đó đã được đọc liền mấy bài của ông An, thấy tâm đắc lắm, chứ "bàn về phương thức cầm quyền của Đảng" trên các báo lề phải lâu nay thì biết rồi, khổ lắm, nói mãi.

Càng đọc, càng thấy được lời như cởi tấm lòng vì ông An đã nói ra, viết ra một cách công khai, hợp pháp những thực tế, chân lí, đòi hỏi lớn mà hơn 80 triệu dân Việt Nam mình, có thể nhiều, thậm chí rất nhiều người biết nhưng mấy ai dám nói ra, viết ra như thế. Nào là tính dân chủ của Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam còn rất yếu so với tính dân tộc, nào là "dân quyết" là thực chất của tính dân chủ, nào là quyền lực Nhà nước thống nhất ở nơi dân là bản chất của nhà nước dân chủ, nào là phải có luật về Đảng, phải xem lại phương thức cầm quyền, phương thức lãnh đạo của Đảng để khắc phục tình trạng Đảng bao biện, làm thay và buông lỏng lãnh đạo, nào là vi hiến mà coi là bình thường thì rất đáng phải báo động, nào là Mặt trận phải có tiếng nói tới nơi, tới chốn để bảo đảm tính dân chủ của mình. Cuối bài, ông An nêu thẳng câu hỏi: "Để bảo đảm cho Mặt trận và các đoàn thể, cho Nhà nước và cho nhân dân phát huy dân chủ, Đảng có nên tự coi mình là lực lượng lãnh đạo đương nhiên không?".

Đọc xong, qua vui liền đến ngay buồn vì bài của ông An chỉ là một cánh én nhỏ, mà cánh én nhỏ thì chẳng làm nên mùa xuân. Theo dõi nhân tình thế thái sau đó còn thấy buồn hơn nữa, tết nhất cũng chẳng thiết đào, mai. Bởi thế, rất cám ơn các báo lề phải đã đưa nhiều tin, bài về các diễn biến ở Tunisia, Ai Cập, Libya, Yemen… Nhờ có hoa nhài mà lòng mới thấy chút xuân.

Ngày 9-2-2011, tuoitre.vn có bài "Những tổng thống - vua" của Nguyễn Ngọc Hùng. Sau khi nhận định "thế giới Ả Rập nổi tiếng với những chế độ và những "nhà cách mạng" cầm quyền suốt đời", tác giả chỉ rõ: "Không chỉ gồm các vương quốc như Saudi Arabia, Jordan, Morocco hay Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, thế giới khá khác biệt này còn có nhiều quốc gia theo chế độ cộng hòa ra đời từ các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc được cả thế giới biết đến. Nhưng sau khi giành được độc lập, hầu hết các lãnh tụ cách mạng Ả Rập hiện đại này đều dần trở thành những ông vua thật sự của những nền cộng hòa hình thức. Saddam Hussein làm Tổng thống Iraq từ năm 1979 đến 2003 thì bị Mỹ lật đổ. Cố Tổng thống Syria Hafei al-Assad cầm quyền suốt từ năm 1970 đến khi qua đời năm 2000. Lãnh tụ Libya Muammar Gaddafi lãnh đạo nước này từ ngày cách mạng thành công năm 1969 cho đến tận hôm nay, được coi là nhà cầm quyền có thâm niên nhất của cả lục địa châu Phi và thế giới Ả Rập. Còn Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak ngồi ở vị trí này suốt từ năm 1981, sau khi Tổng thống Anwar Sadat bị ám sát, đến tận nay. Tổng thống Yemen Ali Saleh cũng tại vị liên tục từ năm 1978 đến nay. Sudan cũng có ông Omar al-Bashir làm Tổng thống đã được 1/4 thế kỉ. Tại Tunisia, ông Ben Ali mới bỏ chạy khỏi nước ngày 14-1-2011 sau khi đã cai trị nước này suốt từ năm 1987. Nếu xét về thời gian tại vị, các Tổng thống trên còn cầm quyền lâu hơn cả các ông vua trong các vương quốc Ả Rập còn lại, bởi các vị vua này đều qua đời sau thời gian tương đối ngắn ngự trị trên ngai vàng. Chẳng những thế, các Tổng thống cũng lại chẳng thua kém các vương triều ở "truyền thống" cha truyền con nối. Tổng thống Syria hiện nay Bashir al-Assad lên cầm quyền từ năm 2000 khi mới 37 tuổi, để kế vị Tổng thống - cha vừa qua đời. Cố Tổng thống Iraq từng chuẩn bị mọi mặt để con trai thứ hai Qusay Saddam lên thay thế nếu chế độ của ông không bị lật đổ năm 2003. Giới truyền thông Ả Rập và thế giới nhiều năm nay từng tốn bao giấy mực khi bàn tán sôi nổi về những "thái tử của nền cộng hòa" sắp lên "nối ngôi cha", mà nổi bật nhất là trường hợp Gamal Mubarak - con trai trưởng của Tổng thống Mubarak tại Ai Cập và Seif Islam - con trai của lãnh tụ Gaddafi ở Libya".

Ngày 19-2-2011, chungta.com có bài "Saparmurat Atayevich Niyazov - nhà độc tài Trung Á mang dấu ấn kì lạ", trong đó gọi nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, chủ tịch Xô-viết tối cao, Bí thư thứ nhất Ủy ban trung ương Đảng Cộng sản của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết Turkmenistan, nguyên Tổng thống Turkmenistan, người đồng chí cũ khi còn sống mang danh "Tổng thống suốt đời", "người cha đáng kính của mọi người dân Turkmenistan" là "kẻ có đầu óc điên dại hoàn toàn", "nhà độc tài đàn áp mạnh nhất". Bài báo cho biết Niyazov đã đổi tên Đảng Cộng sản thành Đảng Dân chủ, và đây là đảng duy nhất được hoạt động ở Turkmenistan (y hệt ở ta), cho bắt bỏ tù những người có tư tưởng đối lập, kiểm soát chặt chẽ các hệ thống báo chí và Internet…

Ngày 21-2-2011, thanhnien.com có bài "Tổng thống tập sự Gamal Mubarak: Các vương triều cộng hòa Ả Rập" của Nguyễn Ngọc Lan Chi, trong đó điểm lại việc năm 1999 Tổng thống Syria Hafez al-Assad qua đời, được "kế vị" bởi con trai Bashar al-Assad khiến dư luận quốc tế bàn tán không ngớt về cái gọi là "quân chủ cộng hòa" và gọi Hosni Mubarak của Ai Cập là "phụ hoàng", Gamal Mubarak, con trai ông ta là "thái tử".

Ngày 22-2-2001, tuanvietnam.net có bài "Một người làm quan cả họ được nhờ" của Alan Phan. Bài này có những đoạn: "Hiện tượng "một người làm quan, cả họ được nhờ" đã tồn tại suốt 10 ngàn năm trong lịch sử nhân loại… Khởi đầu là các chế độ phong kiến với tập tục "cha truyền con nối", "trung thành với vua quan", rồi biến thành "chiến sĩ của các đại lãnh tụ". Dù mọi lý thuyết và thực tế đã chứng minh sự lỗi thời lạc hậu của định kiến này, nó vẫn được tiếp tục trấn đặt trên người dân khắp nơi để bảo vệ quyền hành của các chính trị gia. Từ vị vua chúa ở đỉnh cao đến ông trưởng thôn ở một quận hẻo lánh, lợi dụng quyền lực của mình để gia đình cùng hưởng lợi, nhất là vợ con, đã trở thành một thói quen như ăn uống hay giải trí… Mubarak không phải là vị lãnh tụ Ả Rập đầu tiên muốn đưa con trai mình lên nối ngôi Tổng thống. Trước đó, Tổng thống Assad ở Syria đã thành công đưa con là Bashar al-Assad lên vị trí "number one". Saddam Hussein chuẩn bị đầy đủ cho con trai Qusay lên kế vị trước khi ổng bị giết. Các lãnh tụ từ Muammar Gadafy của Libya, Ali Abdullah Salih của Yemen, đến các vị vua ở Kuwait, Bahrain, UAE, Saudi Arabia... luôn tìm đủ cách để con cái được nối ngôi, dù phải trả giá cao đến bao nhiêu, từ giá hạnh phúc cho gia đình mình đến giá xã hội cho nhân dân đang đói nghèo ngoài dinh thự. Nhìn tới châu Á, tập tục cha truyền con nối còn phổ thông hơn các nơi khác vì triết lí Khổng Mạnh đi theo các chế độ phong kiến vẫn còn tồn tại mạnh mẽ trong xã hội. Gần nhất thì có chủ tịch Kim Jong Il của Bắc Triều Tiên vừa phong chức Đại tướng cho cậu con trai 25 tuổi (Kim Jong Un). Kim Jong Il đã thừa hưởng chức vụ lãnh tụ này suốt 30 năm qua sau khi nhận lại quyền hành từ thân phụ, ngài Kim Il Sung… Tại Trung Quốc, thống kê của Chính phủ khi loan báo đã làm sôi nổi mạng lưới Net là sự kiện 90 % các tỉ phú (US dollars) mới của Trung Quốc theo danh sách Forbes 2009 là "con ông cháu cha" của các cựu lãnh tụ trung ương hay còn gọi là các Hoàng tử đỏ (princelings). Tuy vậy, các lãnh tụ Trung Quốc khôn ngoan hơn các xứ khác: họ cho con cái thay đổi tên họ để tránh sự nhận biết quá rõ ràng về những liên hệ gia đình".

Trông người lại ngẫm đến ta, một mười một mấy nhỉ? Đọc những từ vua, hoàng đế, vương triều, phụ hoàng, thái tử, ngai vàng, nối ngôi… trong các bài báo trên, sực nhớ trong bài viết đầu tháng 12 năm ngoái, ông An khẳng định Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lí, dân làm chủ là cơ chế gồm ba chủ thể có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn riêng, không ai làm thay ai, không ai quyết thay ai; nếu Đảng làm thay, quyết thay thì Nhà nước và dân sẽ trở thành hình thức, hữu danh vô thực, người ta sẽ có cảm giác Đảng là vua, không phải là một ông vua như thời phong kiến mà là vua tập thể thời cộng hòa xã hội chủ nghĩa.

Sực nhớ ra, lập tức chột dạ.

Dân Tunisia đã lật đổ "vua" Ben Ali, dân Ai Cập đã lật đổ "vua" Mubarak, dân Libya đang quyết tâm lật đổ "vua" Gaddafi, vậy người dân Việt sẽ nghĩ sao khi biết ông An ví von "Đảng ta" là vua, một vua tập thể thời cộng hòa xã hội chủ nghĩa?

Ông An đã nói thế, viết thế, tình hình Tunisia, Ai Cập, Libya, Yemen… thì đã và đang diễn ra thế mà các báo lề phải lại giật tít, đăng bài có nội dung như thế là hàm ý gì? Định vẽ đường cho hươu chạy ư? Nguy hiểm quá!

Lập cập tìm lại thì không thấy bài của ông An trên tuanvietnam.net nữa. Chắc là nó đã bị dỡ bỏ. Tài thật, tài đến thế là cùng, tiên sư anh Tào Tháo!

Nhưng các bài báo kia thì vẫn còn nguyên.

Bịt thì miệng chĩnh, miệng vò, sao mà bịt được miệng o, miệng dì…

NN

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn