Giảm lãi suất: Tạm gác sang một bên

Minh Sơn

Đứng trên boong một chiếc tàu đang bốc cháy, sắp nổ, nhìn xuống biển lạnh lẽo đông giá, bão tố rần rần.  Phải làm gì đây? Làm gì đây? (Bắt chước lời Tổng giám đốc Nokia than với nhân viên).

GS Trần Hữu Dũng

clip_image001(VEF.VN) - Yêu cầu ổn định và tiến tới giảm lãi suất của Chính phủ dường như rất khó thực hiện trong bối cảnh mới. Hơn thế, với những động thái về thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát, giảm lãi suất có thể tạm thời để qua một bên.

Không giảm mà tăng

Những yếu tố để hỗ trợ giảm lãi suất đang hẹp dần, thay vào đó là tín hiệu mới về việc siết chặt tiền tệ để chống lạm phát. Khả năng giảm lãi suất đang ít dần hơn. Thậm chí, người ta còn lo ngại về khả năng lãi suất tăng lên và có những biến động mạnh đối với ngành ngân hàng.

Trước Tết, Ngân hàng Nhà nước cho biết, nếu CPI tháng 2/2011 tăng khoảng 1,4% thì lãi suất cơ bản sẽ được điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, dự báo CPI tháng này có thể lên đến 2% và như thế, hy vọng giảm lãi suất sớm trong quý I đã gần như tan biến.

Một trong những yếu tố tiên quyết để giảm lãi suất là lạm phát. Nếu lạm phát cao như hiện nay, giảm lãi suất đã rất khó. Trong khi đó, những biến động mới càng làm cho vấn đề lạm phát trở nên căng thẳng hơn. Đây không phải là điều khó lý giải nếu nhớ lại tháng 11/2010, sau một chặng đường dài với rất nhiều nỗ lực để giảm lãi suất xuống mức gần 11% (so với yêu cầu 10% của Chính phủ), trước sức ép lạm phát tăng cao, Chính phủ đã buộc phải đổi chiều, thắt chặt chính sách tiền tệ với thông điệp chấp nhận lãi suất thỏa thuận theo thị trường mà thực chất là lãi suất tăng lên. Ngay sau đó, lãi suất đã bùng lên rất cao và kéo dài tới tận hôm nay.

Thời điểm này, sau quyết định điều chỉnh tỷ giá, giá điện tăng và sắp tới có thể sẽ là giá xăng dầu... chắc chắn sẽ tác động đến lạm phát. Ông Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, thừa nhận, năm 2011 việc kiềm chế lạm phát sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với 2010 và thậm chí có thể khó hơn cả năm 2008. Trong hoàn cảnh đó, khả năng giữ lạm phát 7% như đề ra sẽ rất khó.

TS Vũ Đình Ánh - Viện Khoa học Thị trường giá cả, cũng cho rằng, sau tỷ giá sẽ đến giá điện và than tăng... khiến lạm phát 2011 rất khó lường... Với tình thế lạm phát như hiện nay thì giảm lãi suất sẽ gần như không thể.

Không những thế, trước tình thế lạm phát lên cao, để thực hiện mục tiêu ổn định vĩ mô, Chính phủ tiếp tục phát đi thông điệp về chống lạm phát. Chính phủ sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt và thận trọng, kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, tín dụng và bảo đảm lãi suất ở mức hợp lý.

Ngay sau đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay đã đề xuất với Chính phủ là phải dùng tác động giảm tổng cầu làm giải pháp chủ lực bằng cách phối hợp cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Cụ thể, phía ngân hàng cần kiểm soát giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý. Theo đề xuất của Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ đồng ý cho phép kiểm soát tín dụng trong năm 2011 tăng dưới 20%, thậm chí ở mức 18-19% để tác động giảm tổng cầu. Ngân hàng Nhà nước sẽ  áp dụng các biện pháp kinh tế, thậm chí cả biện pháp hành chính, để thực hiện mục tiêu này. Và có thể, đây là mức tăng tín dụng thấp nhất trong 5 năm lại đây.

Cụ thể hơn, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh, để giảm tổng cầu phải tăng dự trữ bắt buộc nhằm giảm thanh khoản của các ngân hàng thương mại xuống. Từ đó, giảm cho vay và tăng lãi suất hút tiền vào hệ thống, đồng thời sàng lọc các dự án cho vay hiệu quả.

Thậm chí, Thống đốc còn cho biết, căn cứ trên tình hình năm nay, thì việc tăng dự trữ bắt buộc sẽ không được áp dụng nhiều vì lo ngại những vấn đề thanh khoản, thay vào đó sẽ dùng lãi suất để tác động.

Điều đó được thể hiện dường như ngay lập tức khi ngày 17/2, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định tăng lãi suất tái cấp vốn lên 11%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng là 11%/năm (so với mức 9% trước đây). Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ giảm cung tiền khoảng 100.000 tỷ đồng.

clip_image002

Ảnh: Dân trí

Câu chuyện hiện nay gợi nhớ lại tình huống cũ năm 2008, khi lạm phát cao xuất hiện, Ngân hàng Nhà nước lập tức tăng các lãi suất chủ chốt và hút một lượng tiền lớn về. Và thực tế từ năm 2008 đã khiến người ta liên tưởng đến những biến động của tiền tệ và sự ổn định của ngân hàng khi lãi suất lên cao, khủng hoảng thanh khoản, chạy đua lãi suất... Và đây cũng là nguy cơ khiến nhiều người lo ngại cho năm nay.

Chính vì thế, ông Giàu đã từng thừa nhận, khi có lạm phát cao, động thái của chính sách tiền tệ đầu tiên là phải tác động làm sao giảm tổng cầu, bằng cách nâng lãi suất để hút tiền về, hạn chế tăng trưởng tín dụng. Điều này sẽ tổn thương đến tăng trưởng.

Doanh nghiệp đi về đâu?

Cuối năm 2008, đi qua một năm khủng hoảng tài chính tác động mạnh mẽ khiến cho nền kinh tế bị thiệt hại nặng nề, DN gặp nhiều khó khăn và tinh thần kinh doanh của DN đang rất xáo trộn khi đầu ra cho sản xuất, nhất là xuất khẩu bị bế tắc do kinh tế thế giới khủng hoảng; vĩ mô bất ổn vì lạm phát lên đến hơn 20%; trong khi đó đầu vào nhất là lãi suất vẫn tiếp tục ở mức cao.

Để hỗ trợ DN và tạo một niềm tin kinh doanh mới, ngay trước Tết 2009, Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất. Đây không chỉ là sự hỗ trợ về tiền vốn mà cao hơn, nó tạo ra một niềm tin và hứng khởi kinh doanh cho DN vào năm mới. Tình thế hiện nay, có những khó khăn không kém và DN cũng đang đối đầu với những thách thức và đang cần những động lực kinh doanh tiếp thêm sức mạnh.

Chính vì thế, ông Bùi Kiến Thành lo ngại, không có nền kinh tế nào phát triển được khi lãi suất cao tới 19-20%, làm sao cho đủ tiền để trả lãi như vậy? Trên thực tế, dù Ngân hàng Nhà nước quy định lãi suất huy động không được quá 14% nhưng các ngân hàng thương mại đều tìm cách lách để đẩy lãi suất lên cao. Hiện nay, đã có ngân hàng huy động với lãi suất thực tế sau khi cộng các khoản thưởng lên đến gần 17%. Lãi suất đầu vào cao nên lãi suất cho vay hiện nay đều ở mức khoảng 20%. Thậm chí, vừa qua, có doanh nghiệp phải vay với lãi suất tới 23-25%/năm.

Chính vì thế, không chỉ các DN nhỏ mà cả những DN lớn như các tập đoàn và tổng công ty cũng kêu ca:  vay được đã khó, vay với lãi suất 18%/năm thì còn khó hơn, bởi khó làm ra trên 20% lợi nhuận vốn để có lãi.

Tuy nhiên, lo ngại nhất là nếu DN không thể vay và nếu vay được vốn mà lại đối mặt với rủi ro và thua lỗ thì cách được nhiều DN lựa chọn là nằm im, chờ thời... điều đó là không có lợi cho nền kinh tế.

Ông Cao Sỹ Kiêm e ngại: "Nếu lãi suất năm 2011 cứ ở mức 20%/năm, tôi e rằng sản xuất của Việt Nam sẽ co lại rất nhanh, kéo theo là giảm việc làm, giảm xuất khẩu. Đây là điều rất nguy hiểm. Phải giảm lãi suất nhưng để giảm lãi suất thì phải kéo lạm phát xuống, sau đó mới giảm lãi suất tương ứng".

Chính vì thế, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cũng cho rằng: năm 2011, CPI cao sẽ tác động đến việc sử dụng các công cụ lãi suất của ngân hàng. Lãi suất cao sẽ ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, mà sản xuất kinh doanh bị thu hẹp sẽ ảnh hưởng đến việc làm và đời sống của nhân dân, người lao động".

Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, tỷ giá tăng, tăng giá điện, than, xăng dầu... chắc chắn tác động ngay đến hai yếu tố, đó là làm tăng CPI và giảm tăng trưởng, tức là tác động đến cả hai mục tiêu của năm 2010 nhưng đến mức độ nào thì phụ thuộc vào mức độ tăng giá cụ thể của từng mặt hàng. Gắn liền với sự gia tăng giá của các mặt hàng tiêu dùng... Tất cả những yếu tố này sẽ kéo theo mức sống của người dân bị giảm xuống.

Hơn thế nữa, theo tính toán của các chuyên gia, mức lãi suất hợp lý để kích thích doanh nghiệp sản xuất kinh doanh theo là khoảng 10-12%/năm. Với lãi suất hiện nay, DN sẽ không vay để sản xuất, nếu có vay thì điều đó sẽ khiến chi phí đầu vào tăng, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm... Hàng hóa tăng giá tạo thêm sức ép lên lạm phát. Đó chính là những tác động tiêu cực của siết tiền tệ - cần có biện pháp đối phó để không phải đánh đổi mà phải đạt mục tiêu cao nhất ổn định để tăng trưởng.

MS

Nguồn: vef.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn