Hai bài viết về điều chỉnh tỷ giá

Bài thứ nhất là một đề nghị cụ thể của TS Vũ Quang Việt, chuyên gia tài chính thống kê của LHQ. Còn bài thứ hai là của một vị TS trong nước hiện đang giữ chức Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế của QH Việt Nam, ông Vũ Viết Ngoạn, mà vừa đọc đến một câu trong bài của ông: “Hiện có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng một bộ phận người dân sẽ mất lòng tin vào giá trị của VND và vào sự ổn định của kinh tế vĩ mô. Nhưng suy nghĩ như vậy là nặng về cảm tính chứ các nhà chuyên môn thì nghĩ khác, theo hướng tích cực hơn", GS kinh tế học Trần Hữu Dũng ở Mỹ đã phải hỏi ngay: “Nhà chuyên môn nào vậy?  Xin ông kể tên ra”. Xin bạn đọc tự mình lượng định ý nghĩa và tác dụng thực tế của mỗi bài.

Bauxite Việt Nam

1. Sau điều chỉnh tỷ giá cần có giải pháp toàn diện

Vũ Quang Việt

(VEF.VN) - Điều chỉnh tỷ giá sẽ tăng lạm phát trong ngắn hạn, và nếu Việt Nam không giữ được giá không tăng thêm bằng các chính sách tín dụng, tiền tệ, tài chính công phù hợp sẽ biến nó thành lạm phát dài hạn và đòi hỏi điều chỉnh tiếp, tạo thành một vòng xoáy lạm phát - TS. Vũ Quang Việt cảnh báo.

1. Quyết định điều chỉnh tỷ giá là điều không thể không làm. Vì hai lý do. Thứ nhất, có sự cách biệt lớn giữa giá Ngân hàng Nhà nước quyết định và giá trên thị trường do đó không ai dại gì, kể cả doanh nghiệp nhà nước có đô la do xuất khẩu, lại đem tiền vào ngân hàng đổi.

Vì vậy, đưa đến lý do thứ hai là dự trữ ngoại tệ đang giảm xuống thấp tới mức báo động, có thể làm mất khả năng nhập khẩu và trả nợ, làm đình đốn sản xuất. Như thế, không điều chỉnh tỷ giá thì không được, mà điều chỉnh thì phải có biện pháp đối phó ngay với lạm phát. Biện pháp đòi hỏi hy sinh, kể cả làm giảm sút tốc độ tăng GDP.

2. Đúng là khi đồng tiền Việt bị định giá thấp, hàng nhập theo giá đồng Việt tăng lên ngay, nhưng hàng xuất (tính theo giá đồng đô) cũng tăng lên khi chuyển thành tiền Việt. Người xuất khẩu không thiệt gì, mà còn có lợi, nếu như việc làm hàng xuất tạo ra giá trị gia tăng. Và việc tăng giá này là điều "có thể" chỉ xảy ra một lần.

Nó "có thể" như thế nếu như Chính phủ có các biện pháp khác để lạm phát không tiếp tục và do đó không đòi hỏi tiếp tục phá giá tiếp. Nếu Chính phủ vẫn làm như đã từng làm cho đến ngày hôm nay thì lạm phát sẽ trở nên ngày càng khó kiểm soát. Đó là tình trạng từ năm 2007 đến nay.

3. Khi điều chỉnh tỷ giá tăng lên, người nhập khẩu để làm hàng tiêu dùng trong nước, phải trả bằng đồng Việt Nam nhiều hơn trước, do đó phải tìm cách giảm chi phí sản xuất như dùng vật tư hàng nội thay thế vật tư phải nhập hoặc phải phá sản, chuyển đổi sản xuất. Người tiêu dùng phải trả giá hàng nhập cao hơn do đó phải giảm chi tiêu cho hàng nhập, mua hàng làm ở trong nước.

Không phải nhập khẩu chủ yếu là phục vụ sản xuất trong nước khi nhìn thấy chỉ có 10% hàng là trực tiếp được vào tiêu dùng ngay không qua chế biến. Cần thấy rằng nhập vật tư làm xe hơi, xe máy và sắt thép, cũng như các vật liệu xây nhà ở cao cấp là nhằm phục vụ tiêu dùng chứ đâu nhằm làm hàng xuất khẩu. Do đó nhập khẩu để làm những hàng này là để phục vụ tiêu dùng trong nước. Tăng giá là nhằm giảm chi tiêu, chuyển đổi sản xuất, kể cả đóng cửa các hoạt động không cần thiết nhằm làm lành mạnh hóa nền kinh tế. Các nhà kinh tế Việt Nam có thể dễ dàng tính xem nhập khẩu nhằm phục vụ tiêu dùng trong nhiều năm qua như thế nào. Nhưng chưa thấy ai làm.

4. Cũng thế, giá điện và xăng quá thấp cho nên Việt Nam dùng điện và xăng để sản xuất 1 giá trị sản phẩm nhiều hơn Trung Quốc (hơn 50%), còn Trung Quốc thì dùng gấp 2 lần Mỹ. Trung Quốc cũng dùng gấp 3 lần hơn Mỹ các nguyên liệu nói chung, tức là họ đào thiên nhiên ra để phục vụ xuất khẩu. Nhưng Trung Quốc làm ra tiền có ngoại tệ để dành, còn Việt Nam thì dựa vào kiều hối và vay mượn nước ngoài. Đây cũng là lý do có nhiều công ty muốn sang Việt Nam sản xuất thép vì giá điện, xăng rẻ, và khá tự do trong việc thải các chất ô nhiễm. Cho nên việc tăng giá điện, xăng là điều phải làm.

clip_image001

5. Tuy nhiên, với những câu hô "quyết liệt" trong việc nâng giá vừa qua, tôi hy vọng là việc điều chỉnh tỷ giá lần này được làm một cách tổng thể bài bản, đặc biệt là đã có kế hoạch sẵn sàng ngăn chặn, cắt bỏ chi tiêu đầu tư mạnh tay của Nhà nước và doanh nghiệp quốc doanh. Nếu không, lạm phát sẽ nhanh chóng bùng nổ và nền kinh tế sẽ có nguy cơ rơi vào khủng hoảng.

Lãi suất tất phải cao, điều này tất nhiên ảnh hưởng ngay đến hoạt động của doanh nghiệp tư nhân, sản xuất nhỏ, khu vực tạo ra công ăn việc làm. Để làm giảm ảnh hưởng đến họ thì tín dụng cấp cho quốc doanh phải giảm mạnh, như vậy mới có nguồn tín dụng cung cấp cho doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa. Muốn giảm mạnh tín dụng cho quốc doanh thì chỉ có cách cắt bỏ các kế hoạch đầu tư chưa cần thiết, với mục đích chính là đạt tốc độ tăng GDP cao.

Đối với quốc doanh thì lãi suất cao cũng chẳng có tác dụng đáng kể đến quyết định đầu tư của họ, ngân hàng quốc doanh và ngân sách vẫn nhận được lệnh cung cấp, họ cũng không sợ mất vốn hay lỗ vì có Nhà nước "chống lưng". Lạm phát có ở mức cao hơn 20% mà tỷ lệ lãi 2% vẫn được coi là làm ăn có lãi.

Lãi suất cao là biện pháp hữu hiệu nhằm chống lạm phát và điều hành việc phân phối tín dụng. Khi nào lạm phát xuống, lãi suất sẽ giảm. Điều này đã được thực hiện trong giải pháp chống lạm phát đầu những năm 90.

Để điều chỉnh lãi suất xảy ra nhanh chóng và chống việc ngân hàng lạm dụng tình thế để làm lời, Ngân hàng Nhà nước có thể ra lệnh cho ngân hàng quốc doanh tính lãi suất cho vay cao hơn lãi suất ký gửi, là 2% chẳng hạn. Ngân hàng quốc doanh thuộc nhà nước, do đó nhà nước hoàn toàn có thể điều hành theo ý muốn. Không cần ra lệnh cho ngân hàng tư doanh, nhưng ngân hàng tư doanh sẽ phải chạy theo vì phải cạnh tranh nhằm bảo vệ thị phần. Tín dụng từ ngân hàng quốc doanh chiếm tuyệt đại số lượng tín dụng cho nên việc điều hành như thế là khả thi. Chỉ sợ qui định không được tuân thủ.

6. Dựa vào những phát biểu như hiện nay của nhà quản lý, tôi nghi ngờ việc Việt Nam đã có trong tay một kế hoạch bài bản nhằm đối phó với tình hình hiện nay. Tôi nghĩ các nhà chức trách nên trình bày rõ ràng trước dư luận bài bản sẽ được thực hiện.

7. Điều chỉnh tỷ giá sẽ tăng lạm phát trong ngắn hạn và lạm phát trong ngắn hạn này nếu không được điều chỉnh nhằm giữ cho giá không tăng thêm bằng các chính sách tín dụng, tiền tệ, và tài chính công phù hợp sẽ biến nó thành lạm phát dài hạn và đòi hỏi phá giá tiếp, tạo thành một vòng xoáy lạm phát. Lúc đó tốc độ tăng GDP có thể giảm hoặc âm mà lạm phát lại ở mức phi mã.

VQV

* TS. Vũ Quang Việt từng là chuyên viên cao cấp, Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia Cục Thống kê Liên Hợp Quốc (United Nations Statistics Division).

Nguồn: Vietnamnet.vn

2. Điều chỉnh tỷ giá: “Nhà chuyên môn nghĩ khác”

Nguyên Thảo Phỏng vấn ông Vũ Viết Ngoạn

clip_image002

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, TS. Vũ Viết Ngoạn.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, TS. Vũ Viết Ngoạn nhìn nhận về tác động điều chỉnh tỷ giá

Điều chỉnh tỷ giá sẽ có tác động tích cực đến thị trường chứng khoán và là biện pháp cần thiết để ổn định vĩ mô, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, TS. Vũ Viết Ngoạn, khẳng định khi trao đổi với VnEconomy.

Tuy nhiên, ông Ngoạn cũng cho rằng cần có các biện pháp đi kèm để hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực của sự điều chỉnh.

Tích cực nhiều hơn

Thưa ông, tỷ giá tăng mạnh cuối tuần qua có nằm trong dự liệu của Ủy ban Kinh tế hay không?

Chính sách tỷ giá là công cụ điều hành của Chính phủ để điều chỉnh nền kinh tế, nhưng mặt khác tỷ giá cũng là hệ quả của nhiều yếu tố cân đối của nền kinh tế. Trong đó quan trọng nhất là cân đối ngoại tệ của quốc gia và cán cân thanh toán. Trong điều kiện nhập siêu diễn ra liên tục nhiều năm qua, thì điều chỉnh tỷ giá chính là để góp phần điều chỉnh nhập siêu, điều chỉnh cán cân thương mại và qua đó cải thiện cán cân thanh toán tích cực hơn.

Cũng cần nói rằng trong năm 2010 chỉ có hai lần điều chỉnh tỷ giá, trước đó vào cuối năm 2009 cũng có một lần điều chỉnh vào tháng 11. Như vậy cũng khá lâu tỷ giá mới được điều chỉnh.

Chỉ có một điểm khác là lần điều chỉnh này khá lớn (9,3%), trước đây chỉ dao động quanh 2% đến 3%. Đây là mức điều chỉnh rất mạnh từ nhiều năm nay.

Bởi vậy cũng có những ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng nên tăng ít một, ít một, theo phương pháp tỷ giá “trườn bò”. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng nhiều tháng nay thị trường đã kỳ vọng tỷ giá sẽ điều chỉnh. Thời gian qua trên thị trường tự do tỷ giá có những lúc chênh lệch đến 10% so với tỷ giá chính thức.

Chính vì vậy, lần điều chỉnh này là để đưa tỷ giá chính thức sát với giá được xác định bởi quan hệ cung cầu trên thị trường. Với phân tích như vậy tôi cho rằng mức điều chỉnh vừa rồi là hợp lý.

Tuy nhiên, phương pháp nào thì [cũng] có hai mặt tích cực và tiêu cực. Quan trọng là làm thế nào để phát huy mặt tích cực và có biện pháp đi kèm để giảm thiểu tác động không tích cực của nó.

Ý của ông là mặt tích cực nhiều hơn?

Tích cực nhiều hơn. Bởi lẽ điều chỉnh tỷ giá sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu và hạn chế nhập siêu, ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên có một bộ phận người dân và doanh nghiệp thấy rằng điều chỉnh quá lớn, nên có phần hoang mang. Vì thế Nhà nước vẫn cần có biện pháp kinh tế và tuyên truyền để hạn chế những ứng xử có phần thái quá, gây bất lợi cho nền kinh tế.

Biện pháp đi kèm như thế nào thì thích hợp, thưa ông?

Quan trọng nhất là biện pháp kinh tế, trước tiên là quản lý thị trường, giá cả để tránh tăng giá một cách bất hợp lý nhân điều chỉnh tỷ giá, nhưng quan trọng vẫn là đẩy mạnh tuyên truyền.

Theo sơ bộ đánh giá những ngày qua thì đa phần các nhà đầu tư, doanh nghiệp… là không ngạc nhiên lắm, bởi sự chênh lệch giữa tỷ giá thị trường và ngân hàng đã đến gần 10% rồi.

Cần làm rõ việc điều chỉnh tỷ giá nhằm mang lại lợi ích chung của quốc gia, ổn định vĩ mô tốt thì kinh doanh tốt hơn trong dài hạn.

Như ở trên ông có nói, đã tồn tại sự chênh lệch quá lâu giữa tỷ giá chính thức và thị trường, vậy phải chăng vì “nín” lâu quá, nên nay “thả” có phần quá mạnh?

Phải nhìn nhận trong năm 2010, sức ép lạm phát hết sức là lớn, nhất là vào những tháng cuối năm. Vẫn biết rằng mặt tích cực của tăng tỷ giá là khuyến khích xuất khẩu và hạn chế nhập siêu, qua đó điều chỉnh cán cân thương mại, cải thiện cán cân thanh toán. Nhưng mặt trái là hàng hóa nhập khẩu thì sẽ bị ảnh hưởng, giá thành tăng cao, gây sức ép lên lạm phát.

Trong khi đó, mục tiêu năm 2010 là tập trung cao cho ổn định vĩ mô, ưu tiên kiềm chế lạm phát. Hơn nửa năm tỷ giá không điều chỉnh mà CPI đã lên đến 11,75% rồi, nếu mà điều chỉnh thì chắc chắn con số này còn cao hơn.

Việc quá lâu không điều chỉnh tỷ giá cũng có tác động không tốt, nhưng đó là sự không thể khác được.

Nhưng sang năm 2011, Ủy ban Kinh tế vẫn nhấn mạnh ưu tiên ổn vĩ mô và Quốc hội đã quyết mức lạm phát không quá 7%. Vậy thì áp lực lạm phát vẫn đang rất lớn?

Kiềm chế lạm phát không có nghĩa là mãi mãi không tăng tỷ giá, mà chỉ có thể giãn trong một thời gian nhất định, vì còn phụ thuộc vào khả năng chịu đựng của nền kinh tế nữa.

Năm 2011 mục tiêu vẫn là ổn định vĩ mô, nhưng vẫn phải hài hòa giữa hai yêu cầu điều chỉnh tỷ giá và kiềm chế lạm phát.

Nhớ lại trước kỳ họp Quốc hội thứ tám (cuối năm 2010), khi xây dựng kế hoạch cho năm 2011 thì dự báo lạm phát năm qua chỉ khoảng 8% thôi, nên mới đặt chỉ tiêu cho năm nay là 7%. Và nếu thực sự năm 2010 kiểm soát được như thế thì năm 2011 có thể phấn đấu đạt được mục tiêu không quá khó khăn.

Nhưng thực tế, con số lạm phát lên đến 11,75% của năm qua đã làm cho khả năng kiềm chế lạm phát như chỉ tiêu Quốc hội đã thông qua của năm nay trở nên mong manh.

Liệu khả năng kiềm chế lạm phát có càng thêm mong manh trước sự điều chỉnh tỷ giá như vừa qua không, thưa ông?

Hiện nay mới là tháng 2 nên vẫn có thể có hy vọng. Năm 2011, giá hàng hóa trên thị trường quốc tế có thể không tăng cao như năm 2010. Nếu như biết rút kinh nghiệm từ những năm trước về điều hành giá cả, giữ được thị trường tài chính, tiền tệ ổn định hơn, đặc biệt là các giải pháp vĩ mô giảm tổng cầu của nền kinh tế, thì hy vọng sẽ đạt được mức lạm phát 7% như mong muốn, mặc dù không đơn giản.

Ở trên ông đã nói, chính sách luôn có hai mặt. Tỷ giá tăng thì các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ thuận, nhưng các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng rất lớn?

Tất nhiên là khi chính sách đưa ra tất yếu là phải tính đến tác động tích cực và tiêu cực. Từ đó tính toán phương án cho phù hợp.

Theo tôi, việc lựa chọn thời điểm, tính toán bước đi và đưa ra quyết định cuối cùng như thế là hợp lý, chấp nhận  được.

Điều chỉnh để mang lại lòng tin

Thưa ông, mục tiêu hàng đầu được ưu tiên trong năm nay là ổn định vĩ mô. Theo ông, nên nhìn nhận thế nào việc điều chỉnh mạnh tỷ giá khi đặt trong yêu cầu thực hiện mục tiêu đó?

Hiện có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng một bộ phận người dân sẽ mất lòng tin vào giá trị của VND và vào sự ổn định của kinh tế vĩ mô. Nhưng suy nghĩ như vậy là nặng về cảm tính chứ các nhà chuyên môn thì nghĩ khác, theo hướng tích cực hơn.

Họ sẽ nhìn vào thực tế là chính sách này sẽ tác động thế nào đến nền kinh tế. Như đã nói, việc điều chỉnh tỷ giá được thực hiện khi cán cân thanh toán thâm hụt, cần hạn chế nhập siêu và thị trường thì kỳ vọng quá lớn. Và điều chỉnh tỷ giá chính là để góp phần cân đối vĩ mô.

Điều chỉnh tỷ giá chính là để mang lại lòng tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, họ hiểu rằng đó là việc làm đúng hướng, rằng chúng ta đang hướng tới mục tiêu hàng đầu là tiến tới cân bằng cán cân thương mại.

Như vậy đây là giải pháp cần thiết để ổn định vĩ mô?

Chính xác là như vậy.

Cá nhân ông dự báo như thế nào  về phản ứng của thị trường chứng khoán trước điều chỉnh tỷ giá?

Tôi cho rằng hiện nay thị trường chứng khoán có hai nhóm nhà đầu tư. Nhóm nhà đầu tư chuyên nghiệp là các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, họ có chuyên môn phân tích và không ngạc nhiên vì động thái này nằm trong dự báo của họ. Điều chỉnh tỷ giá có tác động tích cực đến kinh tế vĩ mô, đó là dấu hiệu tích cực nên họ sẽ có động thái ứng xử trên thị trường theo chiều hướng tích cực trong lĩnh vực đầu tư.

Tuy nhiên các nhà đầu tư không chuyên nghiệp khi thấy bước điều chỉnh quá lớn cũng có thể có thể ít nhiều hoang mang làm cho thị trường xao động đôi chút. Song nếu có thái độ đó chỉ là trong ngắn hạn còn sau đó sẽ bị dẫn dắt bởi các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Cho nên tôi cho rằng về lâu dài chính sách này có tác động tích cực hơn tiêu cực và tăng lòng tin với nhà đầu tư, đặc biệt là với các nhà đầu tư nước ngoài.

Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng lãi suất hiện đang quá cao, song tỷ giá tăng khiến cơ hội giảm lãi suất trong ngắn hạn sẽ giảm đi?

Lãi suất cần có bài giải theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên vẫn có nhiều quan điểm hết sức khác nhau giữa các nhà kinh tế về vấn đề này.

Quan điểm thứ nhất là không thể giảm lãi suất vì sức ép lạm phát, cần thắt chặt chính sách tiền tệ bằng cách áp dụng lãi suất cao.

Quan điểm thứ hai cho rằng lãi suất cao sẽ gây khó khăn cho cho các doanh nghiệp, ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Tôi thì theo quan điểm nhìn nhận dung hòa. Về lý thuyết tôi nhất trí là lạm phát cao cần thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ hơn chút nữa. Tuy nhiên trong điều kiện hiện nay tôi vẫn ủng hộ quan điểm xem xét giảm dần lãi suất.

Việc chính sách tiền tệ thắt chặt với lãi suất giảm bớt nghe chừng có vẻ mâu thuẫn, nhưng nếu đi sâu phân tích thì nó cũng có cái lý của nó. Hiện nay ngoài nguyên nhân do lạm phát cao phải đảm bảo lãi suất thực dương còn có yếu tố mang tính kỹ thuật làm cho lãi suất cao một cách không cần thiết.

Lịch sử mấy chục năm hoạt động của ngân hàng dường như chưa bao giờ có tình trạng người dân và doanh nghiệp áp đặt lãi suất tiền gửi với ngân hàng, mặc cả với ngân hàng, gây sức ép với ngân hàng như hiện nay. Bên cạnh tác động của chính sách thì bản thân các ngân hàng cũng cần cân nhắc về thái độ ứng xử và tôn trọng quy luật của thị trường.

Chúng ta biết số lượng ngân hàng hiện nay là rất lớn, cạnh tranh khá cao nhưng lại chưa hội tụ được theo hướng tích cực nên dẫn đến tình trạng như đã nói trên và đẩy lãi suất lên cao không cần thiết. Nếu có sự phối hợp từ chính sách và từ nhận thức cũng như biện pháp từ chính các ngân hàng thì vẫn có thể giảm lãi suất ở mức hợp lý hơn.

Tôi xin nói rõ thêm là cứ cho bây giờ mục tiêu kiềm chế 7% lạm phát là khó đi, song khả năng dưới 10% thì không phải là quá khó. Nhưng lãi suất tiền gửi đã đến 14% thì quá xa thực tế.

Tại sao lại như vậy? Từng ngân hàng đều nói thanh khoản tốt, vốn khả dụng đảm bảo mà vẫn cứ đua nhau tăng lãi suất tiền gửi để đến mức phải áp dụng trần lãi suất. Thực tế này khiến người không có chuyên môn cũng phải đặt câu hỏi tại sao.

Có gì đó bất hợp lý trên thị trường tiền tệ? Phải chăng hiện nay dòng chảy tiền tệ đang chậm lại, đọng lại, ngân hàng nào cũng giữ tiền nhiều, sự tin tưởng của từng ngân hàng vào thị trường giảm sút, vì thế mà lãi suất tăng lên chăng, phải đặt ra những câu hỏi đó để có biện pháp giải quyết.

Tôi không đi sâu vào chi tiết nhưng rõ ràng phải xác định là có “bệnh” nào đó về mặt kỹ thuật và phải xử lý bằng kỹ thuật, chứ không đơn thuần bằng chính sách vĩ mô.

Thưa ông, việc tăng tỷ giá chắc hẳn cũng sẽ tác động không nhỏ đến khả năng trả nợ nước ngoài của Việt  Nam và nhất là của các doanh nghiệp?

Đương nhiên điều chỉnh tỷ giá thì nợ ngoại tệ khi tính ra VND đều bị tăng lên, đó là điều cần phải tính tới khi lựa chọn điều chỉnh tỷ giá. Bên cạnh đó các doanh nghiệp vay ngoại tệ vẫn chịu rủi ro hối đoái vì Việt Nam chưa áp dụng các công cụ phân tán rủi ro.

Ở nước ngoài thì tỷ giá thậm chí có tăng, giảm đến 30%/năm cũng không có vấn đề gì cho doanh nghiệp, vì đã áp dụng công cụ chống rủi ro hối đoái và tính toán hết các chi phí đưa vào giá thành rồi. Như vậy thì có thể phân tán rủi ro cho toàn xã hội, như một hình thức bảo hiểm vậy.

Ở nước ta thì công cụ chống rủi ro hối đoái trên thị trường hối đoái chưa phát triển nên cũng có hạn chế phần nào với các doanh nghiệp đồng thời gây khó khăn cho các nhà hoạch định chính sách.

Vì thế thời gian tới đây tới đây thị trường tài chính cũng đặt ra yêu cầu phải phát triển mạnh và sâu hơn nữa để có các công cụ chống rủi ro hối đoái.

Nguồn: Vneconomy.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn