Hừng đông Tunisie

(Những bức xúc của thế giới Á-rập đang trở nên sôi sục)

Micheloe Penner Angrist

clip_image001Thứ sáu vừa qua [ngày 14-1-2011], Zine el-Abidine Ali trốn khỏi Tunisie sau 23 năm làm tổng thống. Ông bị đuổi ra khỏi nước do sức ép tích lũy của những cuộc biểu tình kéo dài cả tháng, một sự phản kháng được châm ngòi từ ngọn lửa tự thiêu vì tuyệt vọng kinh tế của một thanh niên. Phần lớn báo giới đưa tin về những cuộc biểu tình chỉ nhấn mạnh những bất bình kinh tế của người dân Tunisie: nạn thất nghiệp, lạm phát, và vật giá leo thang.

Nhưng những khó khăn vật chất không phải là động lực chủ yếu đã đẩy Ben Ali ra khỏi chính quyền. Dẫu sao, những cuộc bạo loạn có động lực kinh tế đã từng nổ ra tại Tunisie vào đầu thập niên 1980 nhưng không làm sụp đổ chính phủ lúc bấy giờ của Tổng thống Habib Bourguiba. Và những hứa hẹn mà Ben Ali đưa ra giữa lúc dầu sôi lửa bỏng của cuộc rối loạn vừa qua, nhằm cải thiện công ăn việc làm và làm giảm giá các nhu yếu phẩm, đã không cưỡng lại được đà xốc tới của các cuộc biểu tình chống đối.

Ở một mức độ cơ bản hơn, người dân Tunisie đang chống độc tài. Họ mới chỉ kinh qua hai đời tổng thống kể từ khi Tunisie được độc lập với Pháp năm 1956. Tổng thống đầu tiên là Bourguiba, người đã lãnh đạo cuộc tranh đấu giành độc lập chống lại người Pháp rồi sau đó dựng lên một chế độ thế tục độc tài độc đảng.

Tổng thống thứ hai là Ben Ali, người đã mưu mô lật đổ Bourguiba năm 1987, khi ông này tỏ ra quá già nua và không còn thiết tha cai trị đất nước hữu hiệu nữa.

Mặc dù các tuyên bố ban đầu của Ben Ali nhấn mạnh chủ nghĩa đa nguyên chính trị, nhưng ông đã thẳng tay đàn áp tự do ngôn luận và bất cứ tiềm năng bất đồng chính kiến nào. Ben Ali lấy lý do là có mối đe dọa đến từ các nhà chính trị Hồi giáo, những người đã khiến ông lo sợ chỉ vì ở một mức độ nào đó họ đã hứa rằng, nếu được đắc cử, họ sẽ tôn trọng dân chủ và những quyền tương đối bình đẳng mà phụ nữ Tunisie đã được hưởng sau ngày đất nước độc lập. Trong thập niên 1990, ông đã loại bỏ được phong trào Hồi giáo và củng cố một chế độ độc tài thậm chí còn áp bức và hắc ám hơn cả chế độ Bourguiba. Ben Ali giữ lại đảng cầm quyền của Bourguiba, đổi tên thành Tập hợp Dân chủ Hiến định. Việc chọn danh xưng này là cả một sự mỉa mai cay độc, vì Tunisie dưới sự cai trị của Ben Ali không hề có tự do báo chí, Internet thì bị kiểm duyệt, trao đổi bằng email và điện thoại thì bị theo dõi, chỉ có đối lập chiếu lệ trong một quốc hội chẳng có quyền hành gì cả.

Tuy nhiên, không nhất thiết đây là những đặc điểm chính của chế độ này, một chế độ mà hằng nghìn người đã biểu tình chống đối tuần trước. Chế độ Ben Ali là một chế độ độc tài cực kỳ khinh miệt dân chúng. Các phương tiện truyền thông nhà nước đã trắng trợn thần thánh hóa Ben Ali, tạo ra một sự sùng bái cá nhân chung quanh vị tổng thống, với hình ảnh ông được chưng bày khắp nơi. Báo đài của chế độ đã ca ngợi những nỗ lực của ông là hành động đẩy mạnh lợi ích của mọi người Tunisie một cách dứt khoát và vẻ vang, dưới sự cai trị anh minh của một ông bác trong gia đình, đó là Ben Ali.

Thực tế còn đen tối hơn nhiều: trong khi các nhà bất đồng chính kiến bị tra tấn và người dân Tunisie phải vật lộn để kiếm sống từng ngày, thì thân nhân của vị tổng thống và những người chung quanh ông đã vơ vét làm giầu và khoe khoang của cải. Chế độ Ben Ali rất khinh thị người dân, coi họ là quá ấu trỉ không đáng được hưởng các quyền tự do – và chế độ này tin chắc nịch rằng người dân còn quá rụt rè không dám đòi chính quyền chịu trách nhiệm về những hành vi lạm quyền.

Sự tính toán này, dù bấp bênh thế nào đi nữa, cũng tạm ổn trên hai thập kỷ. Ít ai tiên đoán được những diễn biến trong tuần qua. Dưới góc nhìn này, sự sụp đổ của Ben Ali có nhiều điểm tương đồng với những cuộc phản đối trên đường phố đã từng quét sạch giới lãnh đạo cộng sản Đông Âu khỏi vị trí quyền lực vào cuối thập niên 1980. Trước đó cũng không ai thấy trước được những chính phủ Đông Âu sẽ sụp đổ -- nhưng vào năm 1989, thế giới đã chứng kiến điều mà Timur Kuran, giáo sư và kinh tế gia tại Đại học Duke, về sau đã gọi “bây giờ đã ra khỏi cái không bao giờ” (now out of never). Kuran lý giải rằng dưới các chế độ độc tài như thế, người dân bị bắt buộc phải hành xử công khai như thể họ đang bằng lòng với hiện trạng xã hội (the status quo). Nếu họ không làm như thế, cơn thịnh nộ của bộ máy công an sẽ ập xuống đầu họ.

Nhưng với lương tri độc lập và liêm khiết trong mỗi cá nhân, người dân chịu đựng một thương tổn nội tâm chỉ vì phải giả dối cho rằng hiện trạng xã hội là đáng hoan nghênh. Và khi cái giá của sự giả vờ trở thành quá cao khiến cho một số công dân không còn chịu đựng được nữa, thì những cuộc phản kháng đột xuất và gây nhiều kinh ngạc từ phía quần chúng có thể nổ ra. Hành động của thiểu số này có thể kích động thêm nhiều người khác; những kẻ này, khi thấy nhiều người khác có tình tự như mình và đã bộc lộ công khai, sẽ tham gia vào cuộc chống đối. Số người biểu tình càng đông lên bao nhiêu thì những người khác càng sẵn sàng tham gia bấy nhiêu.

Khi Mohamed Bouazizi, [một thanh niên tốt nghiệp đại học], vô cùng tuyệt vọng sau khi giới chức chính quyền đóng quầy bán rau của anh vì hoạt động không giấp phép, tự thiêu tại thành phố Sidi Bouzid ngày 17-12-2010, hành động này của anh là quá bi thảm -- vượt ra ngoài giới hạn của kinh nghiệm thông thường – đến nỗi đối với một số người Tunisie, những tổn thương do việc họ tiếp tục giả vờ chấp nhận chế độ Ben Ai đã trở nên hết chịu đựng được nữa. Đây là những người biểu tình đầu tiên, những người nổi loạn trên đường phố của thị xã Sidi Bouzid. Hành động của họ đã nhanh chóng lôi cuốn thêm hàng ngàn người tham gia các cuộc biểu tình, những người này đã trở nên mạnh dạn hơn chỉ vì thấy đồng bào mình dám đối đầu với chế độ.

Khi Ben Ali lên máy bay lưu vong sang Á-rập Xê-út, Thủ tướng Mohamed Ghannouchi tạm thời lãnh đạo quốc gia, nhưng ông đã nhanh chóng bước xuống và nhường quyền lại cho Fouad Mebazaa, chủ tịch quốc hội Tunisie. Mebazza đã triệu tập một chính phủ liên hiệp lâm thời và tuyên bố sẽ tổ chức tuyển cử trong vài tháng tới. Tuy nhiên, tình trạng bất ổn định vẫn còn tiếp tục, trong khi quân đội gia tăng tiến hành nỗ lực đối đầu và dẹp bỏ các tổ chức cảnh sát, công an trung thành với Ben Ali.

Chưa ai biết được là cơn gió bụi chính trị này sẽ lắng xuống như thế nào, mà thậm chí có lắng xuống được chăng. Các viên chức thuộc đảng cầm quyền, ngành hành pháp, và các lực lượng công an có nhiều quyền lợi to lớn gắn liền với chế độ và họ sẽ cố gắng duy trì nguyên trạng (the status quo). Có dấu hiệu cho thấy một số thành phần trong quân đội đã làm áp lực khiến Ben Ali phải rời khỏi nước, có lẽ với hi vọng việc hi sinh ông và làm một số nhượng bộ khiêm nhường với phe xuống đường – như tổ chức tuyển cử lại, nới rộng tự do báo chí, khoan nhượng hơn đối với phía đối lập – sẽ đủ để tái lập trật tự và gần như giữ nguyên hiện trạng.

Nhưng lá bài này sẽ khó được chấp nhận. Năm 1987, sự lãnh đạo của Ben Ali được dân chúng đón chào chỉ vì hầu hết mọi người Tunisie cho rằng Bourguiba, vừa già nua vừa bất bình thường, đang trên đà tiến tới một cuộc đối đầu nguy hiểm với phe Hồi giáo chống đối. Ben Ali giữ được sự hậu thuẫn miễn cưỡng trong suốt thập niên 1990 nhờ cuộc nội chiến đẩm máu tại nước láng giềng Algeria giữa chế độ độc đảng thế tục và lực lượng Hồi giáo xứ này. Đối với nhiều người Tunisie, chấp nhận Ben Ali vào thời điểm đó có vẻ là một giá khá rẻ cần phải trả để tránh một số phận như Algerie. Nhưng cuộc nội chiến Algerie đi vào dĩ vãng đã lâu rồi; nó không còn cung ứng lá chắn chính trị cho những kẻ kế vị Ben Ali và những thành phần trung tín của ông đang cố gắng bám víu quyền lực. Mặc dù những người biểu tình không nêu ra những đòi hỏi rõ ràng ngoài việc Ben Ali phải ra đi, nhưng những thay đổi có tính điểm trang bộ máy nhà nước là không đủ để thoả mãn nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân Tunisie ngày nay.

Nhưng không ai tiên đoán được cá nhân nào hay thế lực nào sẽ là giải pháp bền vững cho tình hình này. Qua một thế hệ, Ben Ali đã bóp nghẹp diễn đài chính trị đến mức độ không có một lực lượng nào có đủ khả năng cai trị đất nước Tunisie hơn là đảng đang cầm quyền và quân đội. Nhóm đảng phái đối lập trong nước không được phép phát triển các khối cử tri có thực lực và cơ cấu tổ chức trên diện rộng cả nước. Và các thành viên của phong trào Hồi giáo Tunisie – một phong trào, dù tốt dù xấu, đã tạo được một thực lực chính trị trong thập niên 1980 và đầu thập niên 1990 – hiện nay không có tư thế lãnh đạo. Nhiều nhân vật trong nhóm Hồi giáo này đã chấp nhận các quan điểm ôn hòa hơn để có thể trở thành một lực lượng hấp dẫn quần chúng, nhưng lại sống lưu vong đã quá lâu năm. Khó mà tưởng tượng ra một tương lai ngắn hạn cho Tunisie mà không có bất ổn dai dẳng khi những thành phần cố bảo vệ chế độ vẫn chống lại những kẻ biểu tình trên đường phố, hay một cuộc đảo chánh của quân đội để chặn đứng tình trạng vô chính phủ đang đe dọa quốc gia này.

Những nhà cai trị các quốc gia Á-rập có hệ thống chính trị gần giống Tunise – các nước cộng hòa độc tài độc đảng thế tục Ai Cập và Syrie -- chắc hẳn là đang theo dõi sự sụp đổ của Ben Ali với nhiều bồn chồn lo lắng. Người sử dụng Internet và blogger khắp vùng này đã hồ hỡi vì những gì mà người biểu tình ở Tunisie đã đạt được, họ kêu gọi các nơi khác phải có hành động tương tự. Chế độ quân chủ ở Jordan, Maroc, và các quốc gia Vùng Vịnh cũng có lý do để lo lắng.

Tuy nhiên, có thể các con bài domino sẽ không ngả quá nhanh chóng. Quân đội Tunisie nhỏ hơn, chuyên nghiệp hơn, và ít bị chính trị hóa hơn quân đội của Ai Cập và Syrie. Các bản tin cho biết quân đội Tunisie không chịu nổ súng vào các công dân đi biểu tình; tuy nhiên, quân đội của Ai Cập và Syrie lại thân cận hơn với chế độ thống trị và có lẽ sẽ không ngần ngại nổ súng. Mà biết đâu, có thể quân đội của các nước này khỏi cần nổ súng – nếu Tunisie rơi vào tình trạng vô chính phủ, dân chúng của các nước lân cận có thể sẽ ngần ngại gây bất ổn cho các chế độ đang cai trị họ.

Các nhà độc tài Á-rập đã tỏ ra có sức bật khá mạnh khi đối phó những thách thức đáng sợ tương tự. Vào thập niên 1980 và thập niên 1990, khi tiến trình dân chủ hóa lan rộng khắp thế giới, các nhà cai trị Maroc, Tusinie, Ai-Cập, Jordan, và Syrie đã giữ được quyền hành nhờ kết hợp những hành động gồm có tự do hóa một cách khiêm nhường, kết nạp một số phần tử chống đối, và đàn áp. Đồng thời, nhiều chế độ Á-rập hưởng được sự hậu thuẫn của phương Tây nhờ lập trường ôn hòa với Israel, nhờ tài nguyên dầu lửa, nhờ tiếp tay với cuộc chiến chống khủng bố, và nhờ sự kiện các chế độ này cũng đối đầu với các phần tử Hồi giáo đối lập mạnh mẽ trong nước, những phần tử mà các chính phủ phương Tây không muốn thấy nắm quyền.

Đúng là, những quốc gia phương Tây từng ủng hộ Ben Ali đã xa lánh ông vào giờ phút ông ta cần đến họ: Pháp không chịu nhận ông vào sống lưu vong, còn Tổng thống Mỹ Barack Obama thì lên tiếng ca ngợi phẩm giá và sự can trường của những người biểu tình. Nhưng Tunisie chỉ là một lợi ích ngoại biên (a peripheral interest) đối với Mỹ và đồng minh của Mỹ. Nước này không có nhiều dầu lửa và cũng không có một phong trào Hồi giáo nào chờ đợi nắm chính quyền. Nếu các chế độ tại Ai Cập hay Jordan lâm nguy, hậu thuẫn của phương Tây nhằm duy trì nguyên trạng (the status quo) có thể là mạnh hơn nhiều.

Đối với Washington, sự sụp đổ nhanh chóng của Ben Ali là một nhắc nhở cho thấy rằng sự ổn định có thể chỉ là cái bề ngoài lừa bịp mà thôi. Mặc dù cần phải cộng tác với các chế độ hiện hữu, dù đáng tởm, để nhắm tới những mục đích trong vùng, nhưng không ai có thể tiên đoán được những chế độ này sẽ tuột mất quyền lực vào lúc nào. Và một khi chúng không bám được quyền lực, sự thiếu vắng những định chế chính trị vững mạnh (strong political institutions) đủ sức quản lý thời kỳ quá độ có thể dẫn đến một môi trường bất ổn nguy hiểm. Những nhóm đối lập vốn bị tê liệt và thiếu tổ chức [sau một thời gian bị đàn áp lâu dài] sẽ làm cho việc thực hiện ổn định chính trị thậm chí trở nên khó khăn hơn. Như vậy, mặc dù đây có thể là một nhiệm vụ khó khăn và tế nhị, nhưng Hoa Kỳ cần phải khuyến khích sự phát triển những định chế chính trị độc lập hơn và vững mạnh hơn, cũng như những trung tâm quyền lực có uy tín có thể thay thế chính quyền hiện hữu ngay bên trong các nước đồng minh độc tài của mình.

M. P. A.

MICHELE PENNER ANGRIST là Phó giáo sư Khoa chính trị tại Union College. Bà phụ trách biên tập cuốn Chính trị và Xã hội tại Trung Đông Đương đại (Politics and Society in the Contemporary Middle East) và là đồng biên tập cuốn Chủ nghĩa độc tài tại Trung Đông: Các chế độ và Sự phản kháng (Authoritarianism in the Middle East: Regimes and Resistance).

Trần Ngọc Cư dịch từ Foreign Affairs Snap Shot, Jan 16, 2011

Nguồn: Khoahoc.net

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn