Luật sư Nguyễn Trường Thành, người thụ lý vụ án bà Ba Sương kiến nghị các cơ quan luật pháp

BVN nhận được bản kiến nghị dưới đây cúa Luật sư Nguyễn Trường Thành, người được chấp nhận bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bà Trần Thị Ngọc Sương trong vụ án Nông trường Sông Hậu, phản bác lại kết luận của các cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ tiếp tục đề nghị truy tố những người ở Nông trường Sông Hậu tội lập quỹ trái phép, bất chấp nhiều sự thật chứng tỏ bà Sương là một trường hợp bị oan sai.

Xin trân trọng đăng lên để công luận rộng rãi xem xét.

Bauxite Việt Nam

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

-------o0o--------

ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ VẠN LÝ

58C Hùng Vương – Phường Thới Bình.

Quận Ninh Kiều – TP Cần Thơ.

ĐT: (0710) 3822490 – DĐ: 0913.870099

Website: www. vanly.com.vn

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

     Số: 04/ĐNLS                                                                                                                                  Cần Thơ, ngày 25 tháng 02 năm 2011.

ĐỀ NGHỊ XEM XÉT LẠI KẾT LUẬN ĐIỀU TRA VỤ ÁN

SỐ 08/KLĐT (PC46) NGÀY 21/02/2011 CỦA CƠ QUAN CẢNH SÁT ĐIỀU TRA CÔNG AN TP CẦN THƠ ĐỐI VỚI VỤ ÁN “LẬP QUỸ TRÁI PHÉP TẠI NÔNG TRƯỜNG SÔNG HẬU”

Kính gửi: - VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO.

- CHÁNH ÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO.

- VỤ TRƯỞNG VỤ 1 VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO.

- TÒA HÌNH SỰ TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO.

- VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TP.CẦN THƠ.

- CHÁNH ÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TP CẦN THƠ.

- TRƯỞNG PHÒNG 1 VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TP CẦN THƠ.

Đồng kính gửi: - LÃNH ĐẠO ĐẢNG - QUỐC HỘI - NHÀ NƯỚC - CHÍNH PHỦ -

MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM.

- LÃNH ĐẠO ĐẢNG - HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN - ỦY BAN NHÂN DÂN-

ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC TP CẦN THƠ.

Tôi Luật sư Nguyễn Trường Thành – Trưởng Văn phòng luật sư Vạn Lý thuộc Đoàn Luật sư TP Cần Thơ. Là người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bà Trần Ngọc Sương - Nguyên Anh hùng Lao động - Giám đốc Nông trường Sông Hậu TP Cần Thơ, là bị can trong vụ án “Lập quỹ trái phép” theo kết luận điều tra số 08/KLĐT(PC46) ngày 21/02/2011. Theo đó cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Cần Thơ đề nghị VKSND thành phố truy tố bà Trần Ngọc Sương về tội “Lập quỹ trái phép gây thiệt hại 5.053.585.445đ.

- Sau khi nghiên cứu tài liệu hồ sơ vụ án;

- Sau khi trao đổi với bà Trần Ngọc Sương;

- Căn cứ Điều 58 Bộ luật tố tụng hình sự về quyền hạn Luật sư, tôi có bản kiến nghị này đề nghị xem xét lại bản kết luận điều tra của cơ quan cảnh sát điều tra. Trên cơ sở các vấn đề sau đây:

I. VỀ TỐ TỤNG:

1/ Việc cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Cần Thơ không cho trưng cầu giám định tài chính lại là không khách quan, không bảo đảm sự công bằng. Bởi lý do:

Thứ nhất: Sau khi có kết quả giám định tài chính, bà Trần Ngọc Sương đã có đơn yêu cầu giám định lại đơn đề ngày 19/02/2009 và 11/07/2009.

Thứ 2: Sau khi bản án sơ thẩm và phúc thẩm của Tòa án 2 cấp bị Hội đồng xét xử giám đốc thẩm hủy để điều tra lại, bà Trần Ngọc Sương tiếp tục đề nghị giám định tài chính lại tại biên bản đối chất do cơ quan cảnh sát điều tra tiến hành có trong hồ sơ vụ án.

Thứ 3: Tại bản Kiến nghị số 01 ngày 22/12/2010 của Luật sư Phan Trung Hoài tiếp tục đề nghị xem xét vấn đề giám định tài chính lại.

Thứ 4: Có căn cứ pháp lý vững chắc để xác định giám định viên có khả năng không vô tư trong khi làm nhiệm vụ. Cụ thể, giám định viên chính mà cơ quan cảnh sát điều tra trưng cầu cũng chính là Tổ trưởng Tổ Thanh tra tài chính tại Nông trường Sông Hậu trước khi vụ án bị khởi tố (Giám định viên Nguyễn Kim Oanh - Chánh Thanh tra Sở tài chính).

Thứ 5: Có giám định viên tài chính trong vụ Nông trường Sông Hậu cũng là người đã từng giám định một số vụ lập quỹ trái phép tại TP Cần Thơ, sau đó bị khiếu nại tiến hành giám định lại thì kết quả hoàn toàn khác nhau dẫn đến phải đình chỉ vụ án (như vụ lập quỹ trái phép tại Phòng quản lý đô thị quận Ninh Kiều). Hoặc không xét xử được vụ án “Tại nhà máy nước ngọt Hậu Giang”, hoặc số liệu thay đổi nhiều mà sau khi giám định lại đều có lợi cho bị can bị cáo (Vụ án Trường nghiệp vụ Thể dục thể thao TPCần Thơ). Tại sao tất cả các vụ việc nêu trên liên quan đến giám định tài chính khi có khiếu nại đều được cơ quan điều tra, VKS chấp thuận cho giám định lại, riêng vụ án Nông trường Sông Hậu thì không? Phải chăng có gì khuất tất đằng sau kết luận giám định tài chính đối với Nông trường Sông Hậu.

Từ các lý do trên, Luật sư tiếp tục đề nghị cho giám định tài chính lại với một Hội đồng giám định tài chính ở cấp cao hơn.

2/ Tại kết luận điều tra số 08/KLĐT vụ án (PC46) ngày 21/02/2011 của cơ quan cảnh sát điều tra có ghi nhận một trong những căn cứ pháp lý để cơ quan cảnh sát điều tra ban hành kết luận điều tra. Đó là :

- Căn cứ quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự số 01/QĐ KSĐT ngày20/07/2010 của VKSND TP Cần Thơ, tuy nhiên cho đến nay bà Trần Ngọc Sương chưa bao giờ nhận được quyết định nói trên của VKSND thành phố. Điều này vi phạm quy định của Bộ luật tố tụng hình sự được ghi ở Điều 49 điểm g, đó là quyền lợi của bị can được nhận tất cả các quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng. Hồ sơ vụ án khi điều tra lại cũng không có tài liệu chứng minh bị can Trần Ngọc Sương đã nhận các quyết định trưng cầu giám định của cơ quan cảnh sát điều tra. Bà cũng không nhận được thông báo về kết quả giám định, mặc dù bà đã nhiều lần yêu cầu.

3/ Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, ở Điều 325, 326, 327, 328, 329 khiếu nại tố cáo trong tố tụng hình sự, cơ quan cảnh sát điều tra hoàn toàn không tuân thủ. Cụ thể trường hợp bà Trần Ngọc Sương khiếu nại giám định viên chính trong vụ án có thể không khách quan trong khi làm nhiệm vụ, đã không được cơ quan cảnh sát điều tra trả lời theo quy định ở các Điều luật nêu trên.

4/ Cho đến khi ban hành kết luận điều tra số 08/KLĐT(PC46) thì việc điều tra vẫn không đầy đủ, vẫn chưa chứng minh được hành vi phạm tội “Lập quỹ trái phép của bà Trần ngọc Sương”. Cụ thể, chính bản kết luận điều tra đã ghi nhận “Đối với số tiền 2.277.713.216 đồng chi từ quỹ trái phép theo lời khai của Nguyễn Văn Sơn …” vì bị can không chứng minh được đã sử dụng số tiền này vào việc gì. Do đó cơ quan điều tra không tiến hành xác minh làm rõ được số tiền 2.277.713.216 đồng do bị can có chi hay chiếm đoạt cá nhân. Thực tế số tiền này đã được chi từ quỹ trái phép, các bảng kê tổng hợp đều có chữ ký của Trần Ngọc Sương vì vậy bị can Trần Ngọc Sương phải chịu trách nhiệm.

Có thể nói rằng kết luận trên của cơ quan cảnh sát điều tra đã đi ngược lại quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng bị can có quyền nhưng không bắt buộc phải chứng minh mình là người vô tội. Khoản tiền nói trên chính cơ quan cảnh sát điều tra đã xác định “Không tiến hành xác minh làm rõ được” thì phải kết luận bị can không có hành vi phạm tội đối với số tiền đó.

II. VỀ NỘI DUNG CỦA BẢN KẾT LUẬN ĐIỀU TRA QUY BUỘC BÀ TRẦN NGỌC SƯƠNG PHẠM TỘI LẬP QUỸ ĐỐI VỚI NHIỀU KHOẢN TIỀN KHÔNG THẬT SỰ ĐÚNG VÀ CHÍNH XÁC. CỤ THỂ LÀ CÁC KHOẢN SAU:

Thứ nhất: Vay tiền cá nhân bên ngoài, theo kết luận điều tra thì tổng số vay bên ngoài là 3.188.500.000đ để lập quỹ trái phép. Nhưng cơ quan cảnh sát điều tra chỉ tính riêng khoản tiền vay 1.500.000.000đ của Trương Anh Dũng, trong đó có 950.000.000đ (Chín trăm năm mươi triệu đồng) không coi là lập quỹ trái phép. Còn lại 2.238.500.000đ quy buộc lập quỹ trái phép là hoàn toàn không đúng. Bởi lẽ:

1/ Quan hệ vay mượn giữa Nông trường với các cá nhân trong và ngoài Nông trường là quan hệ dân sự mà pháp luật không cấm, nếu quan hệ này có tranh chấp sẽ được xử lý bằng thủ tục tố tụng dân sự.

2/ Nguyên tắc có vay - có trả thực tế đến thời điểm khởi tố vụ án, các khoản vay cá nhân đã được thanh toán xong, vốn vay của cá nhân trả lại cho cá nhân, không thể kết luận là thiệt hại của Nông trường.

Thứ 2: Khoản tiền 3.820.944.548đ và khoản tiền 587.843.100 đ là khoản chi phí tiếp khách, giao dịch, đám tiệc, trị bệnh, thăm nuôi, sinh nhật, hoa hồng môi giới, quà tết, lương kiêm nhiệm v.v. buộc bị can chịu trách nhiệm là không phù hợp với pháp luật và đạo lý. Bởi lẽ: Đối với Nông trường 2 lần được tuyên dương Anh hùng Lao động, mỗi năm hàng chục đoàn thậm chí cả trăm đoàn đến tham quan học hỏi kinh nghiệm. Nếu chỉ chi phí theo quy định của Bộ Tài chính chắc chắn không thể đáp ứng được, không phải ngẫu nhiên bản án giám đốc thẩm của TAND tối cao đề cập “Đối với các khoản chi có tính hỗ trợ liên quan đến cương vị công tác như khoản chi hàng tháng không lớn kéo dài nhiều năm một số người nhận tiền đã chết nên cần xem xét để xử lý phù hợp, thấu tình đạt lý”. Thực tiễn đã cho thấy đối với quà tặng, thù lao, bồi dưỡng không một ai viết lại biên nhận nhưng là một thực tế có thật không ai có thể phủ nhận. Do vậy truy tố bị can khoản tiền này là không thực sự thuyết phục có phần trái đạo lý.

Như vậy, chỉ tính riêng 4 khoản tiền gồm 2.277.713.216 đồng tiền chi phí công tác, 2.238.500 tiền vay nợ cá nhân và 3.820.944.548đ tiền giao dịch môi giới hoa hồng, quà tặng, đám tiệc, trị bệnh và và khoản tiền 587.843.100đ tiền lương kiêm nhiệm và quà tết, hỗ trợ khó khăn cho cán bộ nhân viên v.v. thì tổng số tiền không thể coi là lập quỹ trái phép gây thiệt hại đã là 8.900.0000.000đ (Tính số tròn)/10.135.000.000 (Tính số tròn). Điều đáng cân nhắc là toàn bộ số tiền bị coi là lập quỹ trái phép đều không có nguồn gốc từ ngân sách, mà từ tiền vay, tiền thu nhập từ sản xuất phụ (Trồng bạch đàn trên bờ bao, ao cá Bác Hồ, phế liệu trong sản xuất .v.v.). Nếu so sánh đối với các vụ lập quỹ trái phép khác trên địa bàn TP Cần Thơ như vụ Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận ở Văn phòng UBND thành phố (Khoảng 5,2 tỷ tính số tròn), ở Phòng quản lý đô thị quận Ninh Kiều 7 tỷ (Tính số tròn) theo kết luận điều tra của cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố, thì thiệt hại trong vụ án Nông trường Sông Hậu không đáng kể, nhưng điều lạ là 2 vụ việc sau chỉ xử lý hành chính, riêng vụ Nông trường Sông Hậu lại bị đề nghị truy tố. Liệu có bảo đảm nguyên tắc công bằng của pháp luật Nhà nước ta hay không?.

Bà Trần Ngọc Sương, người phụ nữ không chồng, không con, không tài sản đã hiến dâng trọn vẹn cuộc đời mình cho tam nông (Nông nghiệp, nông thôn và nông dân) đồng bằng sông Cửu Long từ những ngày bao cấp khốn khó trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động của việc chuyển đổi cơ chế trong quản lý kinh tế từ bao cấp sang kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Không thể không có những thiếu sót vi phạm nhưng không có mục đích vụ lợi tư túi cho cá nhân, đó là một sự thật nên không phải ngẫu nhiên Lãnh đạo Đảng – Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, công luận, quần chúng nhân dân trong và ngoài nước đã và đang quan tâm đến số phận của bà.

Năm nay bà 62 tuổi, trên mình mang nhiều bệnh tật, không có chỗ ở, đang phải thuê mướn hoặc ở nhờ để chờ đợi phán quyết của công lý. Do vậy, Luật sư trân trọng đề nghị đến VKSND TP Cần Thơ, VKSND tối cao, TAND TP Cần Thơ, TAND tối cao, Lãnh đạo Trung ương và địa phương xem xét cân nhắc để không xử lý hình sự đối với bà Trần Ngọc Sương.

Trân trọng.

Nơi nhận:

- Như trên.

- Bà Ba Sương.

- Lưu HS.

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ VẠN LÝ

Trưởng Văn phòng

LS: Nguyễn Trường Thành

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn