Nghe Bộ trưởng khai ngôn năm mới, luận về tâm lý “e ngại”

Hoài Ngọc

image image

Nhớ hôm Mùng 5 Tết Tân Mão 2011, tôi theo dõi cuộc Trả lời phỏng vấn của VTV thời sự, ông Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Phạm Khôi Nguyên nói rằng năm qua xử lý được một số vụ nổi cộm như Vedan... Những vụ còn lại Bộ đã thanh tra xong với kết luận cụ thể và giao cho các tỉnh thành xử lý. Nhưng họ chỉ xử nhẹ hoặc bỏ qua, vì họ ngại... họ ngại ảnh hưởng đến đầu tư và sản xuất ở địa phương.

Lại nhớ đến những câu nói nổi tiếng khác, như của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trên diễn đàn Quốc hội "trong những năm qua tôi chưa từng kỷ luật ai", hay như ông Phó Nguyễn Sinh Hùng thanh minh "cứ sai mà chặt chém hết thì bầu cử làm sao kịp".v.v...

Quá tam ba bận, tôi thử xâu chuỗi ít nhất ba ý kiến trên, đã thấy ra bao điều.

Ba ông đều nói lên sự thật phũ phàng, trong một lúc tinh thần tự do lãng mạn trỗi dậy. Các ông nói theo ý mình nghĩ, không biên sẵn ra tờ giấy, không nói theo tinh thần "nghị quyết" nào cả.

Tôi thích nhất câu nói của ông Phạm Khôi Nguyên.

Trong câu nói ấy tôi tâm đắc nhất một tiếng "ngại".

Một tiếng “ngại” khái quát cao, đều khắp mọi quan hệ.

Quan hệ giữa Bộ chủ quản và lãnh đạo tỉnh thành vướng mắc ở một chữ "ngại".

Quan hệ đồng chí trong Đảng cũng vướng một chữ "ngại".

Quan hệ cấp trên- cấp dưới cũng một chữ "ngại" (Buồn cười nhất là cấp trên cũng “ngại” cả cấp dưới).

Quan hệ đồng nghệp cũng xoay quanh một chữ "ngại".

Các ông chánh án, công tố viên cũng khó xử vì một chữ "ngại".

Nhà báo khi tác nghiệp cũng vướng một chữ ấy.

Các nhà tâm lý học hiểu rất rõ nguyên nhân một chữ "ngại" nhưng cũng "e ngại" phân tích luận bàn.

Người trí thức gặp nhau bàn chuyện thời cuộc cũng khổ tâm chẳng kém khi thấy chuyện bất bình, bất mãn và cũng "ngại" tỏ ý kiến, nhìn nhau chưa nói đã ngại, và lảng qua chuyện khác, và đành chịu cảnh "ghê mặt" nhau và tự “ghê mặt” mình...

Một tiếng "ngại" nói lên bao điều yếu kém trên đất nước ta !

Các ông đều "ngại" một điều gì đó, không nói ra mặc dù "ai cũng hiểu, chẳng người nào không hiểu" !

Xin các nhà chính trị, các nhà khoa học hãy chú ý một tiếng ấy thôi, ắt đủ để tìm hiểu thực trạng và đề ra giải pháp vãn hồi tình trạng u ám của xã hội ta.

Nếu có một chế độ pháp quyền đàng hoàng và dân chủ thực sự thì trong việc điều hành đất nước không thể có chữ "ngại" phát ra từ một Bộ trưởng, Ủy viên trung ương Đảng và trên nữa (nói thay bao cán bộ lãnh đạo khác).

Các ông còn ngại thế thì người dân thường không quyền lực còn "ngại" đến đâu...

Một tiếng “ngại” nghe thực hiền hậu, khiêm tốn nhưng đã và sẽ gây ra những hậu quả khủng khiếp thế nào? Các nhà phân tích có lẽ cũng “ngại” khi nêu ra các sự thật này.

Tôi thử không ngại một lần mà nói rằng "Chúng ta thiếu một điểm tựa cực kỳ quan trọng - thiếu Dân chủ và thiếu Pháp quyền".

Tôi mong rằng sẽ chỉ còn một chữ ngại được tồn tại trong tương lai.

“Ngại vi phạm pháp quyền, ngại chà đạp dân chủ”.

Ngoài ra chẳng có gì đáng ngại!

Đó thực là lương tri và đạo đức của tương lai.

HN

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn