Ai sẽ là người cứu dân Việt Nam?

Blogger Người Buôn Gió

clip_image001
Tại trụ sở Bộ Ngoại giao Việt Nam số 1 Tôn Thất Đảm - Hà Nội, sáng ngày 16-3-2011

clip_image002
Thân nhân của 24 thuyền viên tàu Hoàng Sơn Sun bị cướp biển Somali bắt giữ, đang trông chờ vào những hành động của nhà nước Việt Nam

clip_image003clip_image004

clip_image005clip_image006clip_image007

Lá đơn kêu cứu của thân nhân 24 thuyền viên

Sáng hôm nay, ngày 16-3-2011, những thân nhân của 24 thủy thủ của tàu Hoàng Sơn Sun bị cướp biển Somali bắt giữ từ trước Tết đã đứng dưới trời mưa và gió rét, trước cổng Bộ Ngoại giao Việt Nam để chờ được tiếp xúc với ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người VN ở nước ngoài.

Các nhân viên gác cổng của Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng ông Sơn đi vắng.

Ông Phạm Văn Khang, bố đẻ của thuyền viên Phạm Văn Vũ cho biết: Anh Vũ năm nay 28 tuổi, có một vợ và hai con nhỏ, nhà đi thuê. Cùng với 23 gia đình có cùng hoàn cảnh, ông Khang và mọi người đã đi kêu gọi giúp đỡ từ nhiều nơi, từ Thành ủy, Sở Nội vụ, Văn phòng Chính phủ, Nhà nước, Đảng ủy các cấp, các bộ ngành liên quan... nhưng chỉ được câu trả lời chung chung là sẽ xem xét, đang tìm hiểu, đang theo dõi...

Từ đó đến nay, từ phía các cơ quan chức năng của Việt Nam chưa có câu trả lời nào rõ ràng cho gia đình các nạn nhân bị cướp biển Somali bắt giữ.

Hải tặc Somali đã cho phép các thuyền viên gọi điện về nhà để đòi số tiền chuộc là 3,5 triệu USD. Các thuyền viên cho biết họ đang bị giam giữ trong điều kiện cực kỳ tồi tệ, khẩu phần thức ăn ít ỏi, mất vệ sinh, khiến sức khỏe của họ sa sút, nhiều người đã mắc bệnh, nếu không được chữa trị có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Ông Khang nói thêm rằng: Ông hy vọng nhà nước Việt Nam có chủ quyền, là một nhà nước có vị thế trên thế giới như báo chí đã nói, lại từng là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thì sẽ có những biện pháp cấp thiết để cứu những công dân của mình. Ông một lòng tin tưởng vào sự sáng suốt của Đảng và Nhà nước trong suốt thời gian qua.

Nhưng khi được hỏi, nếu ông và các gia đình một lòng tin như vậy, thì khăn gói từ xa đến đây, trong cơn mưa lạnh giá này đứng đợi chờ điều gì?

Ông nói rằng sau bao nhiêu lần đi các nơi, đến nay chúng tôi đã gần tuyệt vọng, chúng tôi sẽ đứng ở đây đến bao giờ gặp được ông Nguyễn Thanh Sơn tìm câu trả lời mới thôi, con em chúng tôi làm việc cho công ty Hoàng Sơn, mà công ty này đóng thuế cho nhà nước; trong số thuế đó có công sức con em chúng tôi, đương nhiên nhà nước Việt Nam dù ở lý do nào đi nữa thì cũng có trách nhiệm với con em chúng tôi. Đạo lý của Đảng và nhà nước ta là lấy dân làm gốc, cho nên chúng tôi đứng đây đòi hỏi đạo lý đó phải được thực hiện. Tình cảnh của những người đang bị giam cầm thực sự rất nguy hiểm, tính mạng của họ chỉ tính từng ngày, không thể chần chừ, nấn ná được. Các gia đình đã đề nghị nhà nước cho vay khoản tiền chuộc và họ cam kết sẽ trả, nhưng đề nghị này dĩ nhiên chỉ là một phương án có tính tham khảo đối với cơ quan chức năng Việt Nam.

Một nguồn tin khác cho biết, trong một cuộc họp giữa các ban ngành có liên quan, Thứ trưởng Lê Thanh Sơn [Nguyễn Thanh Sơn. Về ông Thứ trưởng Sơn, xin xem http://boxitvn.blogspot.com/2011/03/chay-chuc-chay-quyen.htmlBVN] đã kiên quyết bác bỏ chuyện chuộc tiền. Ông Sơn nói rằng bọn cướp biển Somali rất “nể Việt Nam”,  chúng sẽ thả người. Trả lời ý kiến thắc mắc nếu để lâu nếu có chuyện gì thân nhân gia đình kéo lên Hà Nội phản ánh thì sao, ông Sơn ung dung đáp, nếu làm thế là định làm loạn, kéo lên Hà Nội thì sẽ bị xử lý theo pháp luật, chả có gì phải lo.

clip_image008

Ông Phạm Văn Khang (bên trái)

Có lẽ ông Sơn rành rẽ và tự tin một cách chuyên nghiệp khi đối phó với những người dân Việt Nam kêu cứu hơn là đối phó với những vấn đề ngoại giao chuyên môn mà ở cương vị ông cần phải có.

Lại nguồn tin khác cho biết, đã có một lệnh cho các cơ quan báo chí, truyền thông hạn chế đưa tin về vấn đề này, vấn đề của các thuyền viên bị Somali bắt giữ và đương nhiên cả vấn đề những thân nhân của họ đang chạy vạy khắp nơi cầu cứu.

Lúc này là 10 giờ 45 phút, người của Bộ Ngoại giao đã vận động các gia đình nạn nhân đi về 40 Trần Phú để yêu cầu Cục Lãnh sự xem xét.

clip_image009clip_image010

Thư của các thủy thủ (đang bị cướp biển bắt giữ) gửi về gia đình

Chiều hôm qua, đoàn thân nhân của 24 thủy thủ tàu Hoàng Sơn Sun (đang bị cướp biển Somali giam giữ) đã trở về nhà. Họ đến Hà Nội từ nhiều vùng miền, có người từ Thanh Hóa, Nghệ An...

Cán bộ của Bộ Ngoại giao Việt Nam trong khi chỉ dẫn đoàn sang bên Cục Lãnh sự đã có khuyến cáo với các thân nhân rằng:

- Công an sẽ làm rõ chuyện ai tổ chức để mọi người kéo lên đây.

Câu nói đó đã khiến nhiều người hoang mang, sợ hãi. Sau khi gặp cán bộ Cục Lãnh sự, nhận được lời hứa như bao nhiêu lời trước đó, đoàn thân nhân vội vã mỗi người đi một ngả về quê hương.

Lời của cán bộ Bộ Ngoại giao Việt Nam cho thấy, Việt Nam quan tâm đến chuyện đám đông kéo nhau đi do ai tổ chức và làm thế nào để ngăn cản các người dân đi với nhau. Còn chuyện nguyên nhân, mục đích họ đi vì đâu thì chưa cần phải xem xét giải quyết vội.

Tàu Hoàng Sơn Sun bị cướp biển Somali  bắt giữ trên đường vận chuyển quặng từ Iran về Trung Quốc.

Hy vọng đại bá Trung Hoa và tiểu côn đồ Iran sẽ có chút trách nhiệm trong việc giải cứu những người làm thuê của mình, để họ tiếp tục phục vụ những thương vụ mua bán, vận chuyển hàng hóa "quý hiếm'' giữa hai bên.

Phần những thân nhân của các thủy thủ bị bắt, tinh thần họ hiện nay rất hoang mang, một mặt muốn làm mọi cách để cứu người thân của mình, một mặt lại rất sợ bị quy chụp là bị lợi dụng, bị kích động gây ảnh hưởng đến uy tín quốc gia.

Bởi vậy họ đã về ngay sau khi được khuyến cáo bởi cán bộ Bộ Ngoại giao Việt Nam. Một số người trong số họ thì cho rằng, Đảng ta tài giỏi, đến thực dân, đế quốc lớn thế mà còn trị được, mấy thằng cướp Somali thì là cái gì, có điều Đảng và Nhà Nước ta đang cân nhắc sao mà thôi.

Mà giữ uy tín quốc gia có hai cách trong vấn đề này, một là nỗ lực xử lý để kết quả tốt đẹp rồi cho báo chí ca ngợi tràn lan. Hai là kệ cho bọn Somali làm gì thì làm, cứ làm lơ đi không nói đến, không cho ai biết mình kém năng lực cũng là cách giữ thể diện quốc gia.

Có lẽ cách lờ đi, mặc kệ, giấu nhẹm những yếu kém, rồi để mọi việc vào quên lãng là cách đỡ tốn công sức nhất trong việc giữ thể diện, uy tín quốc gia.

Giá như Bộ Ngoại giao Việt Nam mà có điều kiện tiếp xúc với bọn cướp biển Somali, để cho bọn này xem những thước phim quân Trung Quốc thản nhiên tàn sát các chiến sĩ Việt Nam tại quần đảo Gạc Ma của Việt Nam năm 1988, cả những con số, tấm hình, lời kể của những ngư dân Việt Nam, người thân ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ, giết hại, đòi tiền chuộc trong những năm qua; và cả những phát ngôn lấy lệ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, thì có lẽ bọn cướp biển Somali xem xong ''nể quá'' mà thả các thủy thủ. Bởi tính mạng ngư dân và thủy thủ, lính hải quân Việt Nam ở ngay tại nước nhà còn bi thảm như thế, thì hai mấy ông Việt Nam ở tít tận Somali giá trị gì?

Mong đại bá Trung Hoa có hành động can thiệp, chứ để thế này thì tàu thuyền Việt Nam đâu dám mạo hiểm chở những quặng hiếm từ Iran về phục vụ Thiên Triều!

N. B. G.

Nguồn: Nguoibuongio1972.multiply.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn