Đập thủy điện có lỗi trong việc sông Hồng biến sắc

Đức Dương

clip_image003

 

Bọt trắng, mang theo mùi hôi thối xả ra sông

 

Trong nhiều ngày qua, phóng viên KH&ĐS tiếp tục ngược dòng sông Hồng đi tìm nguyên nhân dẫn đến dòng sông này biến sắc, ô nhiễm. Được sự giúp đỡ của người dân Bảo Hà (Lào Cai), thủ phạm đầu tiên dần dần lộ  diện…

Ông Phạm Đức Thuận, giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lào Cai cho biết thêm: Một trong những nguyên nhân khiến sông Hồng biến sắc là do việc xây dựng các nhà máy thủy điện ở khu vực đầu nguồn đã làm cho lượng nước suối cung cấp cho sông Hồng giảm.

Xả thải trực tiếp

Kể từ  năm 2005, khi nhà  máy chế biến tinh bột sắn thuộc Công ty Chế biến nông sản, thực phẩm Hiếu Hưng đi vào hoạt  động, thì cũng là lúc những người dân thuộc xã Tân An, huyện Bảo Hà phải chịu sự tra tấn của ô nhiễm do nhà máy này gây ra.

clip_image004

Chất thải của nhà máy này  đổ thẳng ra sông Hồng, đoạn qua xã Tân An, huyện Bảo Hà. Theo quan sát của chúng tôi, chất thải từ  nhà máy sắn có màu đen đóng thành từng bãi lớn ngập ngụa bờ sông Hồng và kéo dài hàng km. Ngay bên bờ sông Hồng, một cống thải lớn được nối từ khu vực sản xuất của nhà máy ra sông Hồng. Từ miệng cống thải của nhà máy xuất hiện từng khối bọt trắng xóa theo dòng nước rồi trôi theo sông Hồng chảy về phía hạ nguồn.

Ngay cạnh xưởng chế biến tinh bột sắn của công ty là hai "bể" lớn  nằm sát mép sông Hồng, một bể được dùng để chứa bã sắn sau khi ép, còn một bể đựng nước thải lắng đọng. Lượng nước thải ở hai bể này cũng theo cống thải chảy ra khe Ba Soi thuộc cánh đồng Khai Hoang của xã Tân An, cuối cùng lượng nước này cũng lại đổ ra sông Hồng.

“Thời gian qua các đoàn thanh tra trên tỉnh về cũng chỉ  lập biên bản hành chính và yêu cầu công ty xây dựng lại hệ thống xả thải theo đúng tiêu chuẩn. Hiện tại công ty đã đã triển khai xây dựng hệ thống xả thải nhưng khi nào hoàn thành thì khó mà biết được”.

Bà Trần Thị Liên (Phó chủ tịch UBND xã Tân An)

Có mặt tại bờ sông Hồng bên cửa xả thải của công ty, theo quan sát của chúng tôi, một số hiện tượng lạ bên bờ  sông xuất hiện như các váng đỏ kết tủa sau khi nước rút. Tại những đoạn nước quẩn gần bờ, nhiều vũng nước đã chuyển thành màu đen.

Người dân sống chung với ô nhiễm

Gia đình anh Nguyễn Văn Công ở thôn Tân Sơn chỉ nằm cách nhà máy chế biến sắn chừng 30m. Từ khi nhà máy này đi vào hoạt  động chưa khi nào gia đình anh có được giấc ngủ  ngon vì chịu sự tra tấn ghê gớm của mùi chất thải. Anh Công bức xúc: "Chất thải của nhà máy sắn rất thối, gây như mùi thuốc kháng sinh. Khi ngửi vào thì có hiện tượng choáng váng, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, cơ thể uể oải".

Trước đây, cống thải của nhà máy đổ trực tiếp ra ao của gia đình anh, chỉ cách nhà vài mét, sau một thời gian, khu vực này đã được bịt kín. Tuy nhiên, dấu vết của chất thải vẫn không thể xóa sạch. Anh Công dẫn chúng tôi ra ruộng lúa cạnh nhà để chứng minh điều anh nói. Nếu bằng mắt thường quan sát thì bùn ở đây có màu vàng của đất như chẳng có gì xảy ra. Thế nhưng, khi anh Công bới lớp đất trên bề mặt đi thì lộ ra lớp chất thải đen ngòm, vẫn còn bốc mùi hôi thối. Theo anh Công thì những chỗ như vậy thường không cấy được lúa.

clip_image005

Nguồn nước đen ngòm, kết thành tảng màu đỏ ven sông

clip_image006

Anh Công bên đám ruộng bỏ hoang

Không chỉ  riêng gia đình anh Công, nhiều người dân sống quanh đây đều trong tình trạng tương tự. Bà Nguyễn Thị Đồng ở thôn Tân Sơn không giấu được sự ấm ức khi chúng tôi hỏi về việc này: Trước đây, đã có các đoàn kiểm tra của địa phương đến tìm hiểu, nhưng cứ mỗi lần đến rồi bặt vô âm tín, và nhà máy vẫn xả thải đều đều. Gia đình bà nằm ngay bên miệng cống thoát nước thải của nhà máy sắn, vì thế ngày cũng như đêm, gia đình bà đều phải hít căng lồng ngực những làn hơi độc. Đêm đi ngủ, bà phải đóng kín tất cả các cửa ra vào, đeo khẩu trang khi đi ngủ...

Theo quan sát của chúng tôi, tại  địa điểm sát với cầu Bảo Hà, cón có Xí nghiệp sản xuất giấy Bảo Hà cũng xả thải ra sông Hồng chỉ qua một hệ thống lắng lọc nước thải rất thủ công. Chắc hẳn ai cũng biết về sự ô nhiễm nhưng vì lợi ích cá nhân họ vẫn cứ làm.

Bà Đồng cho biết thêm: "Mùi thối mà chú đang ngửi là nhẹ đó, vì thời tiết lạnh. Còn vào mùa hè, mùi còn nồng nặc gấp chục lần so với bây giờ. Chúng tôi chỉ muốn chạy trốn khỏi đây càng sớm càng tốt, nếu không cứ đà này thì chết mất...".

Thừa nhận sai phạm

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quốc Dũng, Phó giám đốc Công ty Chế biến nông sản, thực phẩm Hiếu Hưng cho biết: Vào vụ cao điểm, mỗi ngày công ty chế biến khoảng 600 - 700 tấn sắn, với số lượng nước thải lên đến 2.000m3 và bã thải khoảng 150 khối. Lượng chất thải này được xử lý bằng men vi sinh, nhưng cũng chỉ là ở mức độ tương đối.

Ông Dũng thừa nhận, việc xử lý bằng men vi sinh không thể khử được mùi hôi thối của nước thải từ nhà máy. Vì thế, phải đợi một thời gian nữa, khi công ty xây dựng xong hệ thống xử lý chất thải theo công nghệ CDM mới mong giải quyết được vấn nạn này. Tuy nhiên, việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải đang gặp nhiều khó khăn mà theo ông Dũng thì đó là do... thời tiết xấu. Nếu đi vào hoạt động, công ty cũng phải chi một khoản tiền lớn cho việc xử lý chất thải. Theo dự kiến, đến khoảng tháng 4/2011, hệ thống này sẽ hoàn thành.

clip_image007

Sắn được chất "thành núi" để sản xuất

Bà Trần Thị Liên, Phó chủ tịch UBND xã Tân An xác nhận với chúng tôi rằng: Việc Công ty Chế biến nông sản, thực phẩm Hiếu Hưng xả thải ra sông Hồng, gây ô nhiễm cho dòng sông và người dân khu vực xung quanh đã có từ mấy năm nay.

Trước Tết Nguyên đán, chúng tôi đã thành lập tổ công tác liên ngành gồm UBND xã, trạm y tế xã và phòng khám bệnh của xã. Đoàn đã lập biên bản về hành vi xả chất thải ra môi trường chưa được xử lý triệt để và khu vực chế biến thực phẩm cho công nhân mất vệ sinh. Lãnh đạo công ty đã ký vào bản cam kết và ký vào biên bản vi phạm hành chính.

Cũng theo bà Liên, ngày 26/1 vừa qua, công ty đã phát hiện 14 công nhân trong nhà  máy có biểu hiện tức ngực, khó thở, ho, sốt. Trong số đó có 7 người đã phải đưa đến trạm y tế xã, nhờ sự hỗ trợ của các y bác sĩ nơi đây mới qua cơn nguy kịch. Bà Liên xác nhận, nguyên nhân xảy ra tình trạng đó một phần do công ty đã lấy nguồn nước từ sông Hồng lên để ăn uống sinh hoạt và bị ảnh hưởng mùi hôi thối bốc lên từ chất thải từ bột sắn.

Sau khi Báo KH&ĐS đưa tin về nước sông Hồng bị "biến sắc", Sở  TN&MT tỉnh Lào Cai vào cuộc để kiểm tra mẫu nước và đã đưa ra kết luận. Kết quả theo dõi từ ngày 7/2, hàm lượng COD, BOD5 có biến động theo chiều hướng tăng dần. Độ pH của nước luôn  ở mức trên 7(pH >7). Mẫu phân tích ngày 23/1, chỉ tiêu COD, BOD5 có hàm lượng vượt so với QCVN 08:2008/BTNMT cột A1 là 1,03 và 1,25 lần. 8 mẫu từ ngày 7 - 19/2, hàm lượng COD, BOD5 có xu hướng tăng. Đặc biệt, ngày 18/2, hàm lượng COD vượt tới 2,7 lần (A1); 1,83 lần (A2), thông số BOD5 chỉ phân tích được tới ngày 15/2 (theo quy trình phân tích, BOD5 phân tích khi mẫu được để 5 ngày) vượt 3,13 lần (A1) và 2,01 lần (A2).

Kết quả kiểm tra cho thấy, mặc dù nước sông Hồng có biến đổi theo chiều hướng xấu. Nhưng chỉ tiêu chất lượng vẫn nằm trong ngưỡng cho phép như tưới tiêu, thủy lợi. Cụ thể, hàm lượng kim loại nặng trong bùn đều nằm dưới tiêu chuẩn cho phép. Các thông số pH, COD, BOD5 và các chỉ tiêu kim loại nặng Cu, Zn, Mn, Fe trong nước sông cũng nằm trong Quy chuẩn, không phát hiện thấy độc tố Cadmi (Cd) và chì (Pb).

Ông Phạm Đức Thuận, giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lào Cai cho biết: Một trong những nguyên nhân khiến sông Hồng biến sắc là do việc xây dựng các nhà máy thủy điện ở khu vực đầu nguồn đã làm cho lượng nước suối cung cấp cho sông Hồng giảm. Vì thế, nước sông Hồng có màu trong hơn. Mùi tanh của nước sông Hồng đoạn chảy qua TP Lào Cai là do các chất hữu cơ phân hủy. Mặt khác, cầu Cốc Lếu đang thi công nên đã gây hiện tượng ứ đọng, cộng thêm rác thải sinh hoạt từ thành phố đổ ra, vì thế nên đã gây ra hiện tượng bốc mùi khó chịu.

Đ. D.

Nguồn: bee.net.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn