Có phải là Thông tấn xã của Việt Nam?

Đinh Kim Phúc

imageChủ Nhật, ngày 13 tháng 3 năm 2011, TTXVN phát hành Tài liệu Tham khảo Đặc biệt có tựa đề: “Năm điều hoang đường về Đảng Cộng sản Trung Quốc”. Có mấy điểm cần lưu ý về tài liệu tham khảo đặc biệt này như sau:

- Cách hành văn trong bài không phải của TTXVN. Khi tìm trên Google thì thấy đây là bản dịch bài viết của tác giả RICHARD MCGREGOR, đăng trên Foreign Policy. Bản dịch đầu tiên đã đăng trên Dân Luận và x-cafe cách đây hơn 2 tháng.

- Qua việc đăng bài này cho thấy, TTXVN làm như thế là không đàng hoàng và có thể đối diện với một vụ kiện dân sự, nếu ông Richard McGregor hoặc báo Foreign Policy phát hiện, bởi đây là bản dịch từ bài gốc trên Foreign Policy, nhưng TTXVN không ghi tên tác giả Richard MaGregor. Điều này có thể gây ngộ nhận cho độc giả, rằng đây là bài viết của  một hay một nhóm phóng viên ở TTXVN. Chỉ ghi "Foreign Policy, Số tháng 1-2/2011", độc giả có thể lầm tưởng rằng tác giả là người của TTXVN, viết bài đăng trên Foreign Policy.

- Kể cả khi dịch và có ghi tên tác giả, link nguồn của bài báo đi nữa, để đăng bản dịch, TTXVN cũng phải xin phép Cty chủ quản của tờ báo này và chỉ được đăng bản dịch khi được phép của họ. Foreign Policy đã ghi rõ ràng "All contents ©2011 The Slate Group, LLC. All rights reserved."

Các blog hoặc báo phi lợi nhuận khác có thể không ảnh hưởng khi đăng lại bản dịch, nhưng một tờ báo của chính phủ, hoặc một tờ báo kinh doanh khác, có khả năng gặp rắc rối. Vài tờ báo ở hải ngoại đã bị kiện liên quan đến copyright, chỉ cần đăng lại 1 bức ảnh, dù có ghi nguồn cũng không được phép, ngoài trừ phải làm hợp đồng mua lại từ bản gốc. Mấy tờ báo trong nước có lẽ chưa bị nên không quan tâm đến luật copyright.

- Ngoài chuyện có khả năng đối diện với một vụ kiện dân sự, TTXVN còn làm mất thể diện của một quốc gia qua cách làm việc như thế.

- Hầu hết nội dung bài báo TTXVN rất giống bản dịch đăng trên trang x-cafe cách đây 2 tháng. Cũng có thể TTXVN cho rằng có sự trùng hợp trong cách dùng từ giữa hai bản dịch. Điều này cũng có thể xảy ra, nhưng một nhà phân tích ngôn ngữ có thể kết luận TTXVN có copy từ bản dịch của x-café hay không.

Cũng xin nhắc thêm, ngày 12 tháng 2 năm 2011, TTXVN cũng đã cho phát hành tài liệu tham khảo đặc biệt có tựa đề “Về quan hệ Việt-Trung”, dựa theo báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đăng ngày 7 tháng 2 năm 2011. Tài liệu có đoạn viết:

Theo ‘Thời báo hoàn cầu’ số ra gần đây: Trong các thập niên 70, 80 thế kỷ trước, giữa hai nước láng giềng Trung Quốc – Việt Nam đã có một thời kỳ không yên ả, mãi đến năm 1991 quan hệ hai nước mới được bình thường hoá. Năm 1993 Viện nghiên cứu Trung Quốc-Viện khoa học xã hội Việt Nam thành lập, chuyên gia nổi tiếng của Việt Nam về vấn đề Trung Quốc, Giáo sư Nguyễn Huy Quý bắt đầu giữ chức Viện trưởng, cho đến khi nghỉ hưu vào tháng 8 năm 2002. Trong thập niên, Giáo sư Nguyễn Huy Quý 1950 từng là lưu học sinh tại Khoa lịch sử, Trường Đại học Bắc Kinh, năm nay 74 tuổi, ‘nhà thông hiểu Trung Quốc’ Nguyễn Huy Quý đã ‘nghỉ nhưng vẫn không hưu’, luôn quan tâm đến vấn đề phát triển trong quan hệ hai nước và tình hình mỗi nước. Trong cuộc trả lời phỏng vấn của ‘Thời báo hoàn cầu’ mới đây, Giáo sư Nguyễn Huy Quý tỏ ý lạc quan về triển vọng quan hệ Việt-Trung, đồng thời đặc biệt lưu ý rằng thế lực bên ngoài bắt đầu can thiệp vào vấn đề Nam Hải (Biển Đông) giữa hai nước mà các thế lực đó không hề có liên quan, đó chính là gây mâu thuẫn trong quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam, Trung Quốc ‘không nên mắc lừa’ trong vấn đề này, đồng thời ông cũng nhận định Trung Quốc và Việt Nam cần có mối quan hệ đặc biệt giống như quan hệ Mỹ-Anh”.

Trong lời mở đầu của bài báo này, TTXVN đã cố tình “đánh lận con đen”, che giấu nguyên nhân sâu xa của việc tranh chấp trên biển Đông và chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam và còn đặc biệt nhấn mạnh: “Giáo sư Nguyễn Huy Quý tỏ ý lạc quan về triển vọng quan hệ Việt-Trung, đồng thời đặc biệt lưu ý rằng thế lực bên ngoài bắt đầu can thiệp vào vấn đề Nam Hải (Biển Đông) giữa hai nước mà các thế lực đó không hề có liên quan, đó chính là gây mâu thuẫn trong quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam, Trung Quốc “không nên mắc lừa” trong vấn đề này, đồng thời ông cũng nhận định Trung Quốc và Việt Nam cần có mối quan hệ đặc biệt giống như quan hệ Mỹ-Anh”.

Trước khi TTXVN đăng tài liệu này hơn một tháng, bài trả lời phỏng vấn của Giáo sư Nguyễn Huy Quý với Hoàn Cầu Thời báo đã được lan truyền trên mạng và đã gây phẫn nộ cho các nhân sĩ, trí thức trong nước, nhưng TTXVN dường như đã cố tình bỏ qua điều này.

Một bạn đọc đã viết:

“Đọc xong bài báo, người đọc có thể kết luận, Nguyễn Huy Quý chưa bao giờ nghĩ rằng mình là người VN dù rằng ông ta được nuôi lớn bằng hạt gạo VN. Ông ta có biết rằng những hạt gạo đó được nẩy mầm từ những mảnh đất đã từng thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và kể cả máu của bao thế hệ cha ông chống lại ách thống trị của ngoại bang suốt ngàn năm Bắc thuộc? Ông ta có nghĩ đến những nỗi đau khổ của những bậc cha mẹ khi có những đứa con đại nghịch bất đạo? Có bao giờ ông ta tự hỏi với những suy nghĩ vong bản kia, dòng họ ông ta, người thân ông ta, bạn bè ông ta sẽ nghĩ gì về ông? Một giáo sư mà lại có cách nhìn về dân tộc mình như vậy sao? Cơm cha, áo mẹ, ơn thầy, ông ta đã quên hết rồi sao? Ông ta dựa vào đâu để so sánh mối liên quan giữa dân tộc VN và dân tộc TQ giống như mối quan hệ đồng chủng của Hoa Kỳ và Anh quốc? Và…. !!! Vì vậy nếu như có như ai đó cho rằng ông ta là Việt gian thì điều đó chắc chắn không sai”.

Một trí thức nổi tiếng của đất Hà thành, KTS Trần Thanh Vân đã phẫn nộ:

“Tôi cũng là người kiên nhẫn và chịu khó đọc, tôi cũng định đọc ‘một chút cho biết’ thủ đoạn tinh vi của giới truyền thông TQ và cái GS Trung quốc học này hỏi đáp nhau điều gì? Thế nhưng, tôi không thể đọc nổi những câu chữ, lời lẽ vuốt ve nhau giữa những người gọi là TBHC và cái ông GS NHQ này.

Tôi không đánh giá ông GS này ngây thơ, ‘ngây thơ’ gì một lão già đã 74 tuổi, đã được Nhà nước TQ nuôi nấng, vỗ béo để làm công cụ phục vụ lợi ích thâm hiểm của họ? Cũng không thể bảo ông GS này ngu, Đại học Bắc Kinh là một trường Đại học danh tiếng, trong những năm Việt Nam và Trung Quốc còn thân nhau, đã có đến vài ba trăm người được đào tạo tại đây, tôi cũng quen biết nhiều người, nhưng không động não, không lấy lòng yêu nước ra để soi rọi, mà cam tâm làm cái loa nhai lại lập luận nô dịch của chủ nghĩa bá quyền như ông Nguyễn Huy Quý này thì chỉ có một.

Nhân danh là một trong những con em Việt Nam, từng được ‘Bác Mao’ nuôi dưỡng và trang bị Chủ nghĩa Mao kỹ lưỡng, tôi xin trịnh trọng thông báo với bà con chòm trên xóm dưới rằng CÀNG HIỂU TRUNG QUỐC, CÀNG HÒA ĐỒNG VÀ SỐNG LÂU GIỮA NHỮNG NGƯỜI TRUNG QUỐC LƯƠNG THIỆN, CHÚNG TÔI CÀNG NHÌN THẤY RÕ DÃ TÂM XÂM LƯỢC CỦA NHÀ CẦM QUYỀN TRUNG QUỐC VÀ CHÚNG TÔI TẨY CHAY TÊN VIỆT GIAN BÁN NƯỚC NÀY”.

Không biết Ban Tuyên giáo TW và Bộ Ngoại giao Việt Nam nghĩ gì khi đọc nhận xét sau đây của một công dân:

“Như vậy là phát ngôn của ông Nguyễn Huy Quý không phải chỉ là quan điểm riêng của ông ấy mà là quán triệt từ trên xuống. Có vậy thì TTXVN mới không thèm đếm xỉa đến sự phẫn nộ của đông đảo độc giả bấy nay mà ngang nhiên đăng lại cái bài phỏng vấn ô uế này. Bà con hãy cảnh giác”.

Câu trả lời xin dành cho những vị có trách nhiệm trong bộ máy của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Đ. K. P.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn