Giai đoạn “đồng thuận” trong đảng Cộng sản Trung Quốc đã chấm dứt

Trọng Thành

clip_image001  

Xe cảnh sát trước Đại sảnh đường Nhân dân (Bắc Kinh), nơi diễn ra cuộc họp Quốc hội Trung Quốc. REUTERS/David Gray

 

Theo nhà chính trị học Pháp Matthieu Timmerman, thì giai đoạn đồng thuận trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc nay đã chấm dứt. Giai đoạn đồng thuận, từ năm 1989, có nghĩa là sau cuộc đàn áp Thiên An Môn cho đến thời gian gần đây, dựa trên một chủ trương rất rõ ràng của Đặng Tiểu Bình: cải cách kinh tế, nhưng giữ nguyên hệ thống chính trị.

Dưới tựa đề “Tại Bắc Kinh, một đại lễ chính trị diễn ra trong không khí cực kỳ căng thẳng, Les Echos hôm nay hướng đến sự kiện chính trị thường niên tại Trung Quốc, kỳ họp đầu năm của Quốc hội, tức “Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc”, khai mạc vào ngày 04/03/2011. Les Echos ghi nhận, thay vì khẩu hiệu “hài hòa”, được tuyên truyền lâu nay, giới lãnh đạo Trung Quốc đang chuẩn bị một khẩu hiệu mới: xây dựng xã hội “hạnh phúc”. Hai sự kiện được quan tâm đặc biệt là diễn văn của ông Ôn Gia Bảo, Thủ tướng Trung Quốc, với việc thông báo những chủ trương lớn của chính quyền Trung Quốc trong kế hoạch 5 năm lần thứ 12 và, sự kiện thứ hai là, một chiến dịch chưa từng có mà Bắc Kinh đang tiến hành, để ngăn chặn những ảnh hưởng của Cách mạng Hoa Nhài.

Trên các trang mạng nước ngoài, tràn ngập các thông điệp của các cây bút ẩn danh, có mục tiêu xóa đi hình ảnh về một Trung Quốc đang rơi vào trạng thái mất niềm tin. Riêng tại Bắc Kinh, 500.000 người tình nguyện, thuộc các lứa tuổi, mang băng đỏ, tham gia bảo vệ an ninh. Cảnh sát có mặt tại nhiều ngã tư để ngăn ngừa các cuộc tụ tập đông người, theo lời kêu gọi của các nhà hoạt động Internet. Hơn một trăm nhà đấu tranh dân chủ, mà chính quyền cho là “nguy hiểm”, đã bị khống chế. Một số nhà báo nước ngoài bị gây sức ép, hay đe dọa không cấp visa.

Như vậy, nhân dịp này, công chúng có thể nhận ra sức mạnh của lực lượng an ninh Trung Quốc, mà ngân sách dành cho họ đang không ngừng tăng lên, trong những năm gần đây.

Bên cạnh các biện pháp trấn áp, nhà cầm quyền Trung Quốc cũng tiến hành một chiến dịch tuyên truyền nhằm quyến rũ người dân. Khẩu hiệu “hạnh phúc” đang được giương cao để thay thế cho khẩu hiệu “hài hòa”, vì từ “hài hòa” giờ đã mất thiêng. “Hài hòa”, đối với cư dân mạng, đã chuyển nghĩa thành hành động kiểm duyệt Internet. Les Echos ghi nhận một sự việc rất đáng ngạc nhiên là, theo thông báo của China Daily ngày hôm qua, chỉ có 6% người Trung Quốc cảm thấy hạnh phúc, với mối lo ngại lớn nhất là giá cả đắt đỏ.

Chủ trương xây dựng xã hội hạnh phúc của chính quyền Trung ương, như vậy, đã được các chính quyền địa phương tuân thủ. Tỉnh Quảng Đông đã hứa sẽ xây dựng một “Quảng Đông hạnh phúc” trong 5 năm tới. Còn ông Bạc Hy Lai (Bo Xilai), ngôi sao đang lên của đảng Cộng sản Trung Quốc, phụ trách khu tự trị Trùng Khánh, thì cam kết sẽ làm cho dân cư trong khu vực này trở thành những người hạnh phúc nhất nước vào năm 2015, với việc tăng gấp đôi thu nhập của dân cư tại khu vực nông thôn.

Theo Les Echos, đằng sau các từ ngữ đao to búa lớn này, Bắc Kinh đang phải đối mặt với thách thức cân bằng lại các mục tiêu phát triển. Trong những ngày gần đây, chính quyền Bắc Kinh liên tục đưa ra các hứa hẹn cải cách xã hội và môi trường. Ví dụ như: các gia đình thu nhập thấp sẽ được miễn thuế, hay hỗ trợ cho nông thôn…

Một giáo sư kinh tế của Đại học Công nghệ Bắc Kinh hy vọng vào một đường lối mới sẽ được ban hành, trong đó, giới lãnh đạo chú ý nhiều hơn đến các tiêu chí xã hội và năng lực của các công chức, và quan tâm ít hơn đến mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề là làm thế nào chính quyền Trung Quốc có thể đưa ra các biện pháp cụ thể để thực hiện được những hứa hẹn kể trên.

Les Echos ghi nhận, cách đây 5 năm, vào lúc khởi đầu của kế hoạch 5 năm lần thứ 11, lãnh đạo Trung Quốc đã từng đề ra chủ trương chỉ giới hạn tăng trưởng ở mức 7,5%, nhưng kết quả là, như ai cũng biết, tỷ lệ này đã vượt quá 10%. Vậy việc nói một đằng làm một nẻo như vậy liệu sẽ tiếp tục tái diễn?

Giai đoạn đồng thuận trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc đã chấm dứt

Cũng trong số báo này, Les Echos đã phỏng vấn nhà chính trị học Matthieu Timmerman, giảng viên tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Bắc Kinh. Ông Matthieu Timmerman là tác giả một bài phân tích về đặc điểm của chế độ chính trị Trung Quốc, có nhan đề “Huyền thoại về sự chuyển hóa dân chủ tại Trung Quốc 1989-2008”.

Đồng ý với nhà Hán học Jean-Philippe Béja, nhà chính trị học Pháp cho rằng, giai đoạn đồng thuận trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc đã chấm dứt. Giai đoạn đồng thuận, từ năm 1989, có nghĩa là sau cuộc đàn áp Thiên An Môn, cho đến thời gian gần đây dựa trên một chủ trương rất rõ ràng của Đặng Tiểu Bình: cải cách kinh tế, nhưng giữ nguyên hệ thống chính trị.

Mô hình tuyệt đối ưu tiên kinh tế này đã biết đến những thành công lớn cho đến trước Thế vận hội 2008, thời điểm mà nhiều vấn nạn xã hội buộc chính quyền phải quan tâm trước hết đến các biện pháp giải quyết. Nhà chính trị học Matthieu Timmerman cũng lưu ý độc giả đến tính cách hai mặt của chính quyền Bắc Kinh hiện nay. Kể từ năm 1989, chính quyền luôn muốn thể hiện với phương Tây như là một đất nước của “hòa bình” và “cải cách”, nhưng thực tế bên trong của nước này là khác hẳn.

T. T.

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn