Hai nguồn tin về sự cảnh tỉnh của Việt Nam trước Trung Quốc

Có đáng mừng chăng? Việt Nam vốn nổi tiếng tẩm ngẩm tầm ngầm nhưng đấm chết voi kia đấy. Song dầu sao, xin hãy chớ vội lạc quan, cứ kiên trì chờ đợi, không phải là ở lời nói (hoặc động tác giả) mà đích thực ở việc làm. Lời ông Thiệu còn văng vẳng kia, thiêng lắm.

Bauxite Việt Nam

1. Việt Nam bắt đầu để ý tới

“mối đe dọa” Trung Quốc

Jason Mik

Có thể các quốc gia Đông Nam Á đang gặp khó khăn trong khi cùng nhau chỉnh đốn để biểu thị một mặt trận thống nhất nhằm đối phó với những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, thế nhưng chuyện này vẫn không

clip_image001

ngăn cản một số nước đang chuẩn bị cho những tình huống đụng độ vũ trang có thể xảy ra.

Hãng cung cấp tin tức tư nhân Jane’s Information Group đã thu thập được những số liệu về Việt Nam cho thấy nước này đang đẩy mạnh đáng kể chi tiêu quốc phòng trong năm nay, chủ yếu là vì những mối quan ngại về Trung Quốc.

Như hãng này đã viết vào tuần trước, ấy là hiểu được chính xác số liệu ngân sách của Việt Nam là điều không hề dễ – Chính phủ nước này coi chi tiêu quốc phòng là một bí mật quốc gia cho nên thật khó lòng hiểu nổi chính xác điều gì nằm bên trong những con số do Chính phủ công bố thực tế hàng năm. Mặc dù vậy, hãng này viết: “Vào tháng 1 năm 2011, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã phát biểu tại Đại hội Đảng 10 rằng ngân sách quốc phòng của Việt Nam sẽ tăng lên 52 nghìn tỉ đồng (2,6 tỉ đô la) vào năm 2011. Nghĩa là ngân sách được cấp đã tăng 70 phần trăm so với chi tiêu của năm 2010”.

Những tuyên bố ngày càng mạnh mồm của Trung Quốc đòi hầu hết Biển Nam Trung Hoa [nguyên văn chữ được dùng trong bài báo] là của họ dường như đang là một trong những mối quan ngại lớn nhất đối với các quốc gia như Việt Nam (riêng đối với Việt Nam thì còn có thêm cả sự hăm dọa những tàu đánh cá nữa).

Tháng Ba năm ngoái, từ cái cách Trung Quốc không úp mở gọi Biển Nam Trung Hoa là một “lợi ích cốt lõi” người ta đã suy ra rằng họ đang coi nơi này giống hệt với cái cách họ đang làm đối với Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương. Ý định này càng làm cho người ta thêm thuyết phục ấy là sau một cuộc họp kín giữa Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton và nhân vật quan trọng Ủy viên Quốc vụ Viện Đới Bỉnh Quốc thì các nhà báo đã được truyền đạt lại là ông Đới đã mô tả Biển Nam Trung Hoa như là một “lợi ích cốt lõi của quốc gia”.

Nhưng theo nhà nghiên cứu về quân sự Trung Quốc Michael Swaine làm việc tại Quỹ Carnegie Endowment for International Peace thì thông tin trên đã bị truyền đạt sai. Ông nói: “Tin tức Trung Quốc lần đầu tiên đã gọi Biển Nam Trung hoa là một lợi ích cốt lõi có tầm quan trọng ngang với Đài Loan và Tây Tạng đã xuất hiện vào lúc Bắc Kinh đang tìm cách hạn chế sự can thiệp của Hoa Kỳ trong những tranh chấp lãnh thổ trên Biển Nam Trung Hoa và trong lúc có những căng thẳng dâng cao giữa Trung Quốc và các nước láng giềng. Nhưng đây là một sự hiểu sai các sự kiện. Dù báo chí đưa tin với cách hiểu khác thế nào đi nữa, Trung Quốc chưa hề nói một cách rành mạch rằng Biển Nam Trung Hoa là một lợi ích cốt lõi”.

Tuy vậy, mặc cho tin tức nói trên vào mùa hè năm ngoái đã khiến cả thế giới phải chú ý trong lúc căng thẳng trong khu vực dâng cao, thế nhưng Trung Quốc hầu như chẳng làm gì để cải chính sự hiểu lầm nói trên – nếu quả thực đó đúng sự hiểu lầm thật sự. Kết quả là một số nước láng giềng nhỏ hơn đang tin là họ cứ phải tự mình chủ động làm điều gì đó để cho mọi người thấy được sức mạnh của mình một chút.

Người dịch: Phạm Anh Tuấn

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

Nguồn: http://basam.info/ Sáng 29-3-2011

2. VN tăng cường phòng thủ trước Trung Quốc

clip_image002

Các chuyên gia nói ngân sách cho quân đội Việt Nam tăng 70% trong năm 2011

Các chuyên gia quân sự nước ngoài lại một lần nữa nhận định Việt Nam tăng cường hải quân, không quân và hệ thống phòng không để đối phó với Trung Quốc.

Những nhà phân tích từ tạp chí chuyên về thông tin quốc phòng Jane's trong báo cáo hồi giữa tháng Ba nhắc tới tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh hồi đầu năm nay về ngân sách.

Ông Thanh nói trước Quốc hội Việt Nam rằng ngân sách cho quân đội trong năm 2011 là 52.000 tỷ đồng, tức khoảng 2,6 tỷ đô la Mỹ.

Jane's đánh giá ngân sách này tăng tới 70% so với chi tiêu quân sự trong năm 2010 và phù hợp với cam kết chi 1,8% GDP cho quốc phòng.

Họ cũng nói ngân sách thực của quân đội Việt Nam có nhiều khả năng cao hơn nhiều vì họ còn chi tiêu thông qua các tập đoàn thương mại và từng mua vật liệu thông qua các giao kèo liên quan tới doanh thu dầu khí và năng lượng hạt nhân.

Tạp chí này đánh giá việc tăng ngân sách phù hợp với "năm mục tiêu chính" của chính phủ Việt Nam trong giai đoạn 2011-2015 mà một trong số đó là hiện đại hóa lực lượng vũ trang và ngành công nghiệp quốc phòng.

Tạp chí nhận định: "Một trong các ưu tiên là đảm bảo an ninh cho một số vùng ở Biển Nam Trung Hoa nơi Việt Nam có các nguồn lực ngày càng tăng và nơi Trung Quốc đang tăng cường năng lực quân đội."

'Lợi ích cốt lõi'

Trong khi đó Tổng Biên tập trang thời sự Châu Á Thái Bình Dương, The Diplomat, ông Jason Miks cũng dựa vào số liệu của Jane's để nói "Việt Nam theo dõi mối đe dọa Trung Quốc".

Trung Quốc không tuyên bố thẳng thừng rằng Biển Nam Trung Hoa là lợi ích cốt lõi.

Michael Swaine - Viện Nghiên cứu Hòa bình Thế giới Carnegie

Theo ông Miks "một trong những lo ngại chính của những nước như Việt Nam là việc Trung Quốc có vẻ đòi chủ quyền rộng khắp đối với hầu hết Biển Nam Trung Hoa mà ở đó tàu đánh cá Việt Nam bị hăm dọa."

Nhưng ông Miks cũng trích lời một chuyên gia nói những bàn thảo hồi cuối năm ngoái rằng Trung Quốc đã coi Biển Đông là 'lợi ích cốt lõi' giống như Đài Loan, Tây Tạng và Tây Cương là không chính xác.

Chuyên gia Michael Swaine từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Thế giới Carnegie được trích lời nói:

"Đây là chuyện diễn giải sai dữ liệu.

"Trung Quốc không tuyên bố thẳng thừng rằng Biển Nam Trung Hoa là lợi ích cốt lõi."

Hồi đầu tháng 3 năm nay, Trung Quốc tuyên bố nhân kỳ họp Quốc hội rằng ngân sách quốc phòng trong năm 2011 sẽ được tăng đáng kể, giữa lúc có lo ngại trong khu vực về chuyện thế lực quân sự nước này được tăng cường mạnh.

Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc sẽ tăng 12,7%, tăng 601,1 tỷ nhân dân tệ (tương đương 91,5 tỷ đô la) so với mức 532,1 tỷ nhân dân tệ năm ngoái, theo các quan chức Quốc hội ở Bắc Kinh cho báo chí biết.

Trung Quốc luôn nói mục tiêu tăng chi phí cho hiện đại hóa quốc phòng của họ tương xứng với đà phát triển của nền kinh tế và không nhằm để đe dọa ai.

clip_image004

Bảng so sánh quân đội Hoa Kỳ và Trung Quốc

Nguồn: bbc.co.uk

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn