Nổi dậy ở Bắc Phi: đồng tiền liền khúc ruột!

Thiên Triều

Cuộc nổi dậy của dân chúng Bắc Phi, bắt đầu từ Tunisie, đã kéo dài hơn hai tháng, với vụ tự thiêu của người thanh niên 26 tuổi tên Mohammed Bouazizi, do bị cảnh sát hốt gánh rau của anh, nay đã lan sang tận vùng Vịnh. Các vấn đề kinh tế, xã hội đã đóng vai trò gì trong các cuộc nổi dậy này?

Trước hết, đó là những nước có thu nhập trung bình. Để tiện hình dung, tạm lấy số liệu của Ai Cập, Tunisie và Việt Nam cho đến hết năm 2009, tức thời điểm mà VN được xếp vào nhóm các nước có thu nhập trung bình. So với VN, Ai Cập có GDP/đầu người cao gấp 2,2 lần, Tunisie cao gấp 3,5 lần (làm tròn số). “Con rùa hành chính” khi xin cấp giấy phép mở doanh nghiệp “nhẹ nhàng” hơn ở VN những 7 lần (Ai Cập), hơn 4 lần (Tunisie), tức dễ mở cửa hiệu, công ty để kinh doanh hơn.

Ai Cập

 

2000

2005

2008

2009

GDP (US$ tỷ)

99.84

89.69

162.84

188.41

GDP tăng trưởng (hàng năm %)

5.4

4.5

7.2

4.6

Lạm phát (hàng năm %)

4.9

6.2

12.2

10.8

Nông nghiệp, (% GDP)

17

15

13

14

Công nghiệp (% of GDP)

33

36

38

37

Dịch vụ (% of GDP)

50

49

49

49

Xuất khẩu (% of GDP)

16

30

33

25

Nhập khẩu (% of GDP)

23

33

39

32

Số ngày mất để khởi động doanh nghiệp

 

22

7

7

Dân số (triệu)

70.17

77.15

81.53

83.00

Tăng dân số (hằng năm %)

1.9

1.9

1.8

1.8

Diện tích (ngàn km2 )

1001.5

     

GDP/ đầu người (USD)

     

2270

Tunisie

 

2000

2005

2008

2009

GDP (US$ tỷ)

19.44

28.97

40.84

39.56

GDP tăng trưởng (hàng năm %)

4.7

4.0

4.6

3.1

Lạm phát (hàng năm %)

3.2

3.1

5.4

2.9

Nông nghiệp, (% GDP)

12

11

10

8

Công nghiệp (% of GDP)

29

29

32

30

Dịch vụ (% of GDP)

59

60

58

62

Xuất khẩu (% of GDP)

45

50

60

52

Nhập khẩu (% of GDP)

48

50

64

55

Số ngày mất để khởi động doanh nghiệp

 

11

11

11

Dân số (triệu)

9.56

10.03

10.33

10.43

Tăng dân số (hằng năm %)

1.1

1.0

1.0

1.0

Diện tích (ngàn km2 )

163.6

     

GDP/ đầu người (USD)

     

3596

Việt Nam

 

2000

2005

2008

2009

GDP (US$ tỷ)

31.17

52.43

81.27

90.09

GDP tăng trưởng (hàng năm %)

6.8

8.4

6.3

5.3

Lạm phát (hàng năm %)

3.4

8.2

22.1

6.0

Nông nghiệp, (% GDP)

25

21

22

21

Công nghiệp (% of GDP)

37

41

40

40

Dịch vụ (% of GDP)

39

38

38

39

Xuất khẩu (% of GDP)

55

69

78

68

Nhập khẩu (% of GDP)

57

74

93

79

Số ngày mất để khởi động doanh nghiệp

     

50

Dân số (triệu)

77.64

83.11

86.21

87.28

Tăng dân số (hằng năm %)

0.2

1.3

1.2

1.2

Diện tích (ngàn km2 )

329.2

331.2

331.2

..

GDP/ đầu người (USD)

     

1032

Nguồn: Worldbank.org

Báo tài chính Capital của Pháp nhận xét về kinh tế các nước Bắc Phi này như sau: "Năm 2010, tỉ lệ tăng trưởng ở Tunisie và Tunisie [sic! – BVN] là gần 4%, ở Ai Cập là 5,2 %, ở Libye là 10% . Các nước này hưởng lợi từ toàn cầu hóa và không ngừng giàu có, song sự giàu có chỉ mỗi tầng lớp ăn trên ngồi tróc được hưởng” .

Theo dự báo của IMF trước khi các cuộc khủng hoàng chính trị bùng nổ, tỉ lệ tăng trưởng GDP năm 2011 này sẽ là 10,6% ở Libye, 3,8% ở Tunisie và Tunisie [sic! – BVN], 4,6% tại Maroc, 5,8% ở Ai Cập. Cũng theo IMF, GDP/đầu người cũng kha khá: 12062$ tại Libya, 4477$ tại Algérie, 3790$ tại Tunisie, 2868$ tại Maroc và 2771$ tại Ai Cập.

Nhà báo kiêm nhà nghiên cứu hàng đầu người Tunisie, Khaled Elraz, cũng viết rằng thật ra, các nước Bắc Phi không hẳn đã gặp khủng hoảng kinh tế sâu sắc mà vấn đề ở chỗ, theo BIT (Cơ quan lao động quốc tế), tỉ lệ thất nghiệp nơi giới trẻ quá cao so với tỉ lệ này nơi tổng dân số: 23,6% cho toàn khu vực Bắc Phi, trong đó tại Ai Cập là 16,7% (so với tổng dân số chỉ 9,2%) , tại Tunisie là 31,2% (13,2%) , tại Tunisie 21,5% (10% ) [sic! – BVN], tại Maroc 17,6% (9,5%). Trong những xã hội mà tỉ lệ giới trẻ dưới 24 tuổi chiếm hơn phân nửa tổng dân số như Tunisie (56%), Maroc (51%), thì tỉ lệ thất nghiêp nơi giới trẻ xấp xỉ 20% hoặc hơn, quả là những “quả bom nổ chậm” hay những “lò” bất mãn. Nhất là khi tình trạng tham nhũng lại là khá nặng nề: Ai Cập hạng 98, Tunisie hạng 105, Maroc hạng 85 trên bảng xếp hạng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế. Tự thân tham nhũng đã là một vấn đề, song do tham nhũng gắn chặt với nạn thân bằng, quyến thuộc và bè phái “độc quyền cơ hội”, nên cảm nhận bất công xã hội càng “đậm đặc” hơn.

Khaled Elraz nhấn mạnh: "Bức tranh (kinh tế xã hội) trên, đầu tiên tại Tunisie kế đến tại Ai Cập, nằm trong một bối cảnh tăng trưởng kinh tế mà các thành quả không được chia sẻ, một xã hội bị “tắc nghẽn” trong đó của cải có được từ sự tăng trưởng bị tầng lớp lãnh đạo “tịch biên” mất. Ngày càng có nhiều tầng lớp xã hội có cảm giác rằng tương lai con em họ không được đảm bảo, điều kiện sống con em họ không được thuận lợi bằng họ. Cuộc nổi dậy hiện ra như là một lời giải cho nỗi tuyệt vọng tập thể với các thí dụ Tunisie và Ai Cập. Sự mất kiên nhẫn của quần chúng từ đó có thể mang những hình thái chính trị khác hẳn nhằm giải quyết mối mâu thuẫn giữa tăng trưởng song lại không thấy chân trời tương lai”.

Báo tài chính Capital cùng một kết luận tương tự: “Giới trẻ thất nghiệp của, bất bình đẳng trong xã hội, thêm vào đó là nạn lạm phát phi mã (mà ở Ai Cập lên đến 10% năm 2010), đặc biệt là giá lương thực thực phẩm, đã trở nên không chịu đựng được, khi mà hơn 40% dân số ngấp nghé ngưỡng nghèo khó”.

Biến di sản văn hóa thế giới thành dự án biệt thự

Điều mà tác giả Khaled Elraz gọi là “của cải có được từ sự tăng trưởng bị tầng lớp lãnh đạo “tịch biên” mất” trong thực tế các nước ấy hữu hình nhức nhối hơn là những số tiền bạc tỷ USD tài sản tích tụ của các cựu Tổng thống Ben Ali hay Mubarak gửi ở nước ngoài mà báo chí sau này loan tin. Tờ Jeune Afrique, một tờ báo mấy mươi năm qua đứng đầu phong trào độc lập dân tộc ở châu Phi, đã thuật lại việc phu nhân tổng thống Tunisie bị lật đổ là bà Leila Ben Ali, dã biến các di sản văn hóa thế giới từng được UNESCO công nhận năm 1997 thành dự án địa ốc của mình như thế nào: “Trong hai năm 2006 và 2007, Leila Ben Ali, vợ nhà độc tài Tunisie bị lật đổ, đã cho “gỡ hạng” hai địa điểm di sản cổ xưa ở Carthage, để xây dự án chung cư cao cấp và biệt thự. Thậm chí, ngay cả công viên Belvédère, khoảng xanh lớn độc nhất của thủ đô Tunis, cũng đã suýt biến mất. Lẽ ra, hôm 15/1 vừa qua, tức hôm sau ngày TT Ben Ali tháo chạy, hội đồng thành phố đã họp để nhượng công viên này cho gia đình bà Leila Ben Ali, chia thành ba lô đất có tổng diện tích lên đến 110 ha! May mà cuộc họp này cuối cùng đã bị hủy bỏ! Công viên này, được xây dựng từ năm 1892 trên một ngọn đồi ngự trên cả thành phố Tunis, gồm hơn 50.000 loài thực vật và cả một sở thú”.

Thí dụ trên của đệ nhất phu nhân Leila chỉ là một chi tiết nhỏ của bức tranh tham ô ở các nước này!

“Thuyền nhân” Địa Trung Hải

Khi mà tham ô “quá cỡ thợ mộc”, thì dẫn đến điều mà tác giả Khaled Elraz mô tả là “không thấy chân trời tương lai”. Trong thực tế, các nước Bắc Phi từ bao năm qua đã nổi lên làn sóng “thuyền nhân tỵ nạn kinh tế”. Càng thôi thúc khi chỉ bên kia bờ Địa Trung Hải là một EU với GDP/ đầu người 10, 20, 30 lần nhiều hơn, như một thiên đường hạ giới chỉ một ngày ngồi thuyền là cặp bến! Người Tunisie cứ việc xuống thuyền, trực chỉ hướng bắc là đến Ý, còn người Ai Cập thì đến Hi Lạp…

Thậm chí ngày nay, sau khi chế độ cũ đã sụp đổ, dân Tunisie, Ai Cập… vẫn cứ ra đi. Éo le ở chỗ, nếu như trước kia, khi các chính quyền Bel Ali, Mubark còn, đi vượt biên như thế, bị bắt sẽ bị tù; nay do “khoảng trống chính quyền”, họ cứ thoải mái đi! Chỉ trong năm ngày, tính đến thứ tư tuần trước, tức 1 tháng sau khi nhà độc tài Ben Ali bị truất phế, vẫn có đến 5.278 “thuyền nhân” người Tunisie cập bến hòn đảo Lampedusa ở cực nam nước Ý, cách Tunisie chỉ 125 km. Người Ai Cập, bị chính phủ Hi Lạp chặn đứng từ xa, cũng chuyển hướng sang Ý. Bộ trưởng Ngoại giao Hi Lạp Droutsas phát biểu trên BBC hôm 17/2 vừa qua: “Do vị trí địa lý của mình, nên Hi Lạp gánh chịu gánh nặng lớn nhất trong khối EU về số người nhập cư bất hợp pháp. Khoảng 90% tổng số nhập cư lậu vào châu Âu đi qua Hi Lạp từ ngã Thổ Nhĩ Kỳ”.

Để giúp các nươc “khổ chủ” Hi Lạp, Ý nhẹ bớt gánh nặng này, hôm thứ hai tuần trước, EU loan báo sẽ giúp Tunisie từ nay đến 2013 một số tiền lên đến 258 triệu euro (347 triệu USD) . Số tiền này không thấm vào đâu so với số tiền 1 tỷ USD mà chính phủ Libye năm 2009 đã yêu cầu EU cung cấp để Libya giúp chặn đứng làn sóng “thuyền nhân” châu Phi vào đảo Malte từ cảng Al Zuwarah của Libya. Từ năm 2002, đã có đến hơn 15.000 người nhập cảnh lậu vào Malta từ Libye.

******************

Những nhà cầm quyền cũ ở Tunisie, Ai Cập nay đang hôn mê thập tử nhất sinh trong bệnh viện, và cả những nhà cầm quyền đương thời đang “thoi thóp” ở các thủ đô lân cận đã không ý thức được rằng: khi 40% dân số được xem là nghèo trong khi sự giàu có lại tập trung nơi một giai tầng xã hội, điều đó có nghĩa là sự bất mãn tối thiểu cũng âm ỉ trong bụng phân nửa dân số, như một thùng xăng, chỉ cần một tia lửa là đủ để biến thành bão lửa, nhất là khi các chính quyền ấy không kềm nổi lạm phát cùng những khó khăn từ đó! Tiếc thay, trong giờ phút khốn cùng của chính họ, những thiểu số làm giàu từ quyền hành ấy vẫn chưa ngộ ra. Như cựu đệ nhất phu nhân Leila Ben Ali khi lên máy bay tháo chạy, vẫn còn ngổ ngáo: “Ta sẽ thiêu sạch Tunisie này cùng bọn dân chúng, nếu chúng không thả anh trai ta ra”!

Đồng tiền liền khúc ruột, người giàu hay người nghèo ai cũng thế. Có điều, người nghèo lại là số đông trong khi người nghèo chỉ là thiểu số. Một chính phủ chỉ tồn tại khi cân bằng được lợi ích của đa số với thiểu số. Khi những người thanh niên buôn gánh bán bưng như Mohammed Bouazizi không còn cơ hội mưu sinh, thậm chí bị tịch thu đôi quang gánh kiếm sống, thì đó cũng là thời khắc báo hiệu sự cáo chung của chế độ. Cuộc khủng hoàng Bắc Phi cần được chiêm nghiệm trong bình tĩnh và với số liệu cùng dữ kiện trong tay.

T. T.

Nguồn: Thientrieu2010.blogspot.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn