Đôi lời với anh David Koh

Nguyễn Quang A

David Koh là một nhà nghiên cứu có tiếng của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore, có uy tín về những nghiên cứu của anh về Việt Nam. Anh có nhiều bạn người Việt và họ quý mến anh vì tính thân thiện của anh, vì những đánh giá sắc sảo của anh về tình hình chính trị và xã hội Việt Nam.

Ngày 14-3-2011 anh có một bài đánh giá về chính phủ Việt Nam. Tôi chia sẻ đánh giá chung của tiêu đề bài phân tích của anh, nhưng muốn trao đổi đôi lời về các lập luận liên quan đến tài chính-kinh tế của anh.

Anh dựa vào số liệu do BBC thu thập, thực ra là số liệu chính thức của Bộ Tài chính công bố, rằng “nợ nước ngoài của chính phủ Việt Nam vào đầu tháng Ba năm 2011 là 29 tỷ USD”. Đấy là con số mà Bộ Tài chính công bố. Tuy nhiên, ngay sau đó anh nói con số này là “hơn 42% tổng sản phẩm quốc nội hàng năm” thì bạn đọc nghi ngay về tính chính xác của số liệu anh dùng.

Anh nói Việt Nam thâm hụt kép, thâm hụt thương mại và thâm hụt ngân sách, giống như các học giả và báo chí Việt Nam đã nêu ra từ nhiều năm nay gay gắt hơn anh nhiều và chính phủ Việt Nam cũng đưa ra nhiều biện pháp để chống loại thâm hụt kép này (chưa bàn đến kết quả ra sao).

Để lý giải Việt Nam có thể vỡ nợ anh lập luận như sau. “Dự trữ của chính phủ, tức các khoản tiết kiệm của nó, ít hơn 50% số nợ”. Đây là một nhận xét mơ hồ và lẫn lộn. Không rõ anh định nói về dự trữ ngoại tệ của ngân hàng nhà nước Việt Nam hay về các khoản tiết kiệm của chính phủ? Có lẽ là dự trữ ngoại hối, nhưng đấy đâu phải là các khoản tiết kiệm của chính phủ. Ngân sách thâm hụt kinh niên thì lấy đâu ra tiết kiệm, để dành.

Anh tiếp tục lập luận, “nếu phải trả toàn bộ 29 tỷ tiền nợ ngày mai, chính phủ Việt Nam sẽ không có đủ tiền để trả hết”. Giả định này của anh không chỉ đúng với Việt Nam mà còn đúng với rất nhiều chính phủ khác như Mỹ, và nhiều nước phát triển khác. Những người am hiểu về nợ, về tài chính và kinh tế đoán ra ngay đây chắc không phải là lĩnh vực nghiên cứu của anh. Vấn đề là chữ “nếu” trong giả định của anh: “nếu phải trả toàn bộ 29 tỷ vào ngày mai”, “nếu tất cả các chủ nợ đòi tiền một lúc”. Nếu cái “nếu” của anh thành sự thật, thì tất cả các ngân hàng trên thế giới, không trừ ngân hàng nào, tất cả các chính phủ có tổng các khoản nợ vào thời điểm đó lớn hơn các khoản thu ngân sách cũng ở thời điểm ấy (ngày mai) đều bị vỡ nợ và con số đó có thể là cả trăm chính phủ. Anh cũng cho rằng “điều này có thể không xảy ra, nhưng tồn tại một khả năng như thế”. Đấy là cách lập luận không sai nhưng chẳng ăn nhập gì với hoạt động của thế giới thực!

Theo Bản tin nợ số 6 của Bộ Tài chính (phát hành tháng 12-2010) nợ nước ngoài của chính phủ Việt Nam từ 2006 đến tháng 6-2010 và cơ cấu (%) của các khoản nợ chính phủ này, phân theo lãi suất cố định và lãi suất thả nổi, tính từ số liệu của bản tin trên, như sau:

Năm

2006

2007

2008

2009

30-6-2010

Tổng nợ (triệu USD)

14610,17

17270,6

18916,04

23942,57

25097,49

Tổng trả nợ trong kỳ (triệu USD)

764,5

885,9

1103,88

1290,93

741,24

Cơ cấu nợ (%) theo các loại lãi suất

Lãi suất cố định

98,30

97,50

96,71

92,01

92,35

Lãi suất 0 – 0,99%

1,64

1,73

1,36

1,18

1,18

Lãi suất 1 - 2,99%

78,33

80,59

82,23

80,72

76,95

Lãi suất 3 - 5,99%

10,42

8,64

8,23

6,28

6,69

Lãi suất 6 - 10%

7,92

6,54

4,89

3,84

7,53

Lãi suất thả nổi

1,70

2,50

3,29

7,99

7,65

Từ số liệu trên có thể thấy mức độ gia tăng của nợ nước ngoài của chính phủ tăng khá nhanh trong thời gian gần đây. Đó là chưa kể đến các khoản nợ trong nước.

Nếu tính cả nợ do chính phủ bảo lãnh (từ khoảng 1 tỷ USD đến 3,9 tỷ USD năm 2009 và 30-6-2010, biểu 4.02 của bản tin trên) thì số nợ mà chính phủ có nghĩa vụ trả cao hơn và con số vào 30-6-2010 là 29 tỷ. Có lẽ đấy là con số mà anh Koh đã dẫn ra trong phân tích của mình.

Cũng từ bản tin trên chúng ta thấy số nợ gốc, lãi và phí mà Chính phủ Việt Nam đã trả trong các kỳ ấy ở hàng thứ hai. Có thể thấy lãi, phí và gốc được trả dần dần (dự trù kế hoạch trả nợ trong bảng tin trên được tính cho đến 2025 (biểu 4.14 của bản tin trên, thí dụ cho 2011 là 725,07 triệu gốc và 376,5 triệu USD tiền lãi và phí). Đáng tiếc bản tin trên không cho chúng ta biết phân bố kỳ hạn của các khoản vay, nhưng đại bộ phận (trên 76%) các khoản vay có lãi suất dưới 3% chắc là các khoản vay có kỳ hạn dài, cỡ vài ba chục năm. Như thế chuyện phải trả tất cả ngày mai là không thể xảy ra. Người vay và người cho vay đều phải tuân thủ các điều kiện mà hai bên thỏa thuận.

Anh Koh viết, “năm 2011, cần 4 tỷ USD để trả tiền lãi chính phủ nợ nước ngoài”. Bạn đọc chẳng hiểu anh lấy đâu ra con số 4 tỷ USD. Nếu nợ 29 tỷ mà năm 2011 phải trả 4 tỷ tiền lãi thì lãi suất trung bình hẳn phải là gần 14%! Ngay cả tổng trả nợ gốc, lãi và phí của năm 2011 cũng chẳng đến con số đó. Có lẽ chính phủ cần cung cấp đầy đủ thông tin hơn để cho các học giả trong và ngoài nước đỡ bị lầm lẫn.

Bất cứ bạn đọc nào nếu kiểm tra chéo một chút đều thấy ngay những con số được anh Koh dùng rất mâu thuẫn nhau và khiến cho bạn đọc cảm thấy phân tích của anh còn có chỗ sơ sài. Giá mà anh Koh tham khảo thêm các bạn bè có sự am hiểu sâu hơn về kinh tế, tài chính để củng cố cho các phân tích như vậy của anh thì hay biết mấy.

Nợ chính phủ gia tăng, thâm hụt kép và nhiều bất cân đối vĩ mô khác đã được các học giả trong nước nêu lên từ nhiều năm nay. Chính phủ cũng đã ý thức và có chủ trương mạnh mẽ để chống lạm phát, bình ổn kinh tế vĩ mô. Vấn đề là phải kiên quyết thực hiện và giải quyết tận gốc rễ vấn đề. Công bố Bản tin nợ định kỳ là nỗ lực minh bạch đáng ghi nhận, song cần minh bạch hơn nữa, vì như thế chính phủ có thể tạo niềm tin hơn cho các đối tác và là tốt cho sự phát triển của đất nước.

N. Q. A

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn