Động đất: Nguy cơ tiềm tàng đối với đập Xayaburi tại Lào

Trọng Nghĩa

clip_image001

Vị trí dự định xây đập Xayaburi

INTERNATIONAL RIVERS

Càng gần đến ngày Ủy hội Sông Mêkông xem xét đề án xây dựng đập thủy điện Xayaburi của Lào, công luận càng lo ngại trước thái độ kiên quyết xúc tiến của Viêng Chăn và Bangkok, bất chấp các khuyến cáo về tác hại tiềm tàng cho toàn khu vực. Nhật báo Bangkok Post số ra ngày 13/03/2011 đã nêu bật các mối quan ngại trong công luận, trong đó có mối lo về nguy cơ đập Xayaburi bị vỡ vì động đất.

Trong những ngày sắp tới đây, rất có thể là ngay từ ngày 22 tháng Ba, Ủy Hội Sông Mêkông bao gồm 4 nước Việt Nam, Cam Bốt, Lào và Thái Lan sẽ xem xét việc xây dựng đập thủy điện Xayaburi trên dòng chính sông Mêkông, khúc chảy qua nước Lào. Đây là một đề án của chính quyền Lào, với sự hỗ trợ của các tập đoàn Thái Lan.

Càng cận ngày quyết định, công luận tại các nước càng bức xúc, do việc hai chính quyền Lào và Thái Lan có dấu hiệu kiên quyết xúc tiến công trình, bất chấp phản đối của giới bảo vệ sinh thái cũng như của Việt Nam và Cam Bốt, hai nước phía dưới con đập, về hiểm họa nhiều mặt do công trình này đặt ra.

Trong một bài viết công bố hôm nay, 13/03/2011, nhật báo Thái Lan Bangkok Post đã nêu bật trở lại các mối quan ngại trong công luận nước này cũng như tại các nước có liên quan, về các hậu quả nghiêm trọng không thể đảo ngược được về mặt môi trường, kinh tế và cả nhân mạng nếu công trình này vẫn được tiến hành cho dù các tác hại chưa được nghiên cứu đầy đủ.

Xayaburi nằm trong vùng bị nguy cơ động đất ở mức cao

Vụ động đất hôm 11/03 tại Nhật Bản, với hệ quả khủng khiếp chưa thể ước tính hết, đã thúc đẩy tờ báo uy tín tại Thái Lan nêu bật hiểm họa tiềm tàng của đập Xayaburi, cũng tọa lạc trên một vùng dễ bị địa chấn. Tờ báo nhắc lại là mới đây, một trận động đất đã xảy ra ngay trong khu vực sẽ xây đập Xayaburi.

Theo hãng tin Đức DPA, một vụ động đất với cường độ 4,7° trên thang bậc Richter, đã xảy ra ngày 23/02 tại địa phận Xayaburi, làm cho nhà cửa ở Viêng Chăn cách đó 140 cây số rung chuyển, cho dù không gây thiệt hại gì. Động đất bên Lào cũng được cảm nhận tại các tỉnh Thái Lan lân cận như Phrae, Nan, Loei, Udon Thani…

Đối với giới bảo vệ môi trường Thái Lan, vụ động đất tại Xayaburi là một tín hiệu cảnh báo đối với Lào cũng như đối với những người chủ trương xây dựng con đập này. Theo bà Premrudee Daoroung, giám đốc Tổ chức phi chính phủ TERRA (Towards Ecological Recovery and Regional Alliance), trụ sở tại Bangkok: “Từ rất lâu rồi các chuyên gia địa chất Thái Lan đã cảnh báo rằng Xayaburi có liên quan đến một đường đứt gẫy rộng lớn chạy xuyên qua miền Bắc Thái Lan”.

Theo bà, một nghiên cứu của Trường đại học Chulalongkorn tại Bangkok đã đánh giá rằng vùng phía bắc của Lào và Thái Lan có khả năng xảy ra động đất với cường độ lên tới 7,2 độ Richter. Một trong những ví dụ cho thấy đây là vùng dễ bị địa chấn là vụ động đất 6,1 độ Richter vào năm 2007 tại tỉnh Oudomxay ở ngay phía bắc tỉnh Xayaburi.

Điều đáng quan ngại đối với bà Premrudee là mặc dù chính quyền Lào đã lên kế hoạch xây dựng rất nhiều con đập với công suất lớn trong vùng, thế nhưng cho đến nay, không hề có một nghiên cứu nghiêm túc nào về tác động tiềm tàng của động đất trên các công trình đó. Một trong những nghiên cứu hiếm hoi là một báo cáo của Liên Hiệp Quốc, theo đó 1/4 diện tích của Lào rơi vào vùng có nguy cơ động đất cao, trong đó có tỉnh Xayaburi.

Thái Lan không cần đến điện năng do Xayaburi sản xuất

Bên cạnh lời cảnh báo về rủi ro bị động đất (bắt nguồn từ thời sự), nhật báo Bangkok Post còn nhắc lại các mối quan ngại từ phía Việt Nam và Cam Bốt, đã phản đối một dự án vừa gây tổn hại đa dạng sinh học, chặn đường sinh sản của cá, vừa ảnh hưởng tiêu cực đến 40 triệu người mà sinh kế phụ thuộc vào sông Cửu Long, đặc biệt là những người cư ngụ ở khu vực Biển Hồ bên Cam Bốt, hay Đồng bằng Sông Cửu Long ở Việt Nam.

Còn đối với chính quyền Bangkok, vốn bảo vệ việc xây đập Xayaburi vì cho rằng một khi hoàn tất nó sẽ bảo đảm một nguồn cung ứng năng lượng dồi dào cho Thái Lan, tờ báo cũng nêu bật một số ý kiến phản bác, cho rằng Thái Lan chưa chắc đã cần đến nguồn điện mua từ con đập đó. Đồng thời do đặc trưng của đập này, việc cung ứng có thể không đều đặn, không bảo đảm được an toàn năng lượng cho Thái Lan.

Tóm lại, việc xây đập Xayaburi lợi ít, và chủ yếu là cho Lào, còn thiệt hại cho toàn vùng thì rất to lớn. Tương quan lực lượng hiện nay cho thấy là các nước trong Ủy hội sông Mêkông đang chia thành hai nhóm, một bên là Lào và Thái Lan muốn đẩy mạnh đề án Xayaburi, trong lúc Việt Nam và Cam Bốt đang gây sức ép để tạm hoãn việc xây đập trên dòng chính sông Mêkông trong vòng 10 năm, chờ nghiên cứu thấu đáo các tác động.

Quan điểm thận trọng hiện được sự ủng hộ của Ủy hội Sông Mêkông cũng như của một số nhà tài trợ chính như Hoa Kỳ, Úc… Có điều là nếu Lào cứ xúc tiến kế hoạch bất chấp khuyến cáo, thì các nước khác không có quyền phủ quyết.

T. N.

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn