Rủi ro từ các nhà máy điện nguyên tử Trung Quốc cao hơn ở Nhật

Thụy My

clip_image001  

Nhà máy điện nguyên tử Tần Sơn ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Reuters

 

Tất cả các tỉnh của Trung Quốc đều muốn xây nhà máy điện nguyên tử riêng. Do người dân chưa nhận thức được các nguy cơ, nên chưa có dự án điện hạt nhân nào gây phản ứng. Nhưng nếu xảy ra tai nạn, thì sẽ trầm trọng hơn ở Nhật nhiều, vì các lò phản ứng của Trung Quốc đặt gần các khu dân cư hơn, và đa số nằm gần biển, dễ bị ảnh hưởng sóng thần. Một nguy cơ tiềm tàng khác nữa là nạn tham nhũng.

Le Monde trong hồ sơ về cuộc tranh luận xung quanh vấn đề năng lượng nguyên tử, sau các vụ nổ ở các nhà máy điện hạt nhân Nhật Bản do hậu quả của động đất, thông tín viên của tờ báo tại Bắc Kinh đã phân tích về việc Trung Quốc hôm thứ tư đã loan báo ngưng xem xét tất cả các dự án xây nhà máy điện nguyên tử mới.

Quyết định này không động chạm đến kế hoạch 35 nhà máy điện hạt nhân đã được duyệt, trong đó có 28 nhà máy đã được bắt đầu xây dựng. Tuy không đưa ra chi tiết nào về các dự án bị treo lại, nhưng theo tờ Global Times thì có 5 dự án trực tiếp liên quan. Một chuyên gia Pháp nhận xét, điều này không có nghĩa là Bắc Kinh đã chùn tay, tai nạn ở Fukushima chỉ làm chậm lại chương trình nguyên tử Trung Quốc, vốn đang tăng tiến với tốc độ kinh hồn, và bị chính Cơ quan An ninh Năng lượng nước này chỉ trích.

Tờ báo cho biết, hiện có 13 lò phản ứng nguyên tử đang hoạt động, nhưng con số này sẽ tăng lên 70 vào năm 2020, so với Nhật Bản chỉ có 55. Theo một nhà nghiên cứu Trung Quốc, thì với tốc độ phát triển nhanh như thế, cần phải đào tạo thật nhanh các kỹ thuật viên phụ trách việc kiểm soát. Nhiều vùng trong nội địa đã lao vào việc xây dựng các nhà máy điện nguyên tử, trong khi năng lực quản lý kém hơn các tỉnh duyên hải. Vấn đề xử lý chất thải hạt nhân, làm mát các lò phản ứng cũng phải được quan tâm hơn.

Trong khi đa số các nhà máy điện nguyên tử nằm dọc theo duyên hải, thì nhiều dự án được duyệt năm ngoái lại nằm sâu trong các tỉnh nội địa kém phát triển hơn như Hồ Nam, An Huy, Hồ Bắc. Một nhà quan sát nhận định: “Tất cả các tỉnh của Trung Quốc đều muốn xây nhà máy điện nguyên tử riêng của mình, do việc nối mạng điện giữa các tỉnh rất phức tạp và vùng nào cũng muốn phát triển kỹ nghệ”.

Tờ báo cho rằng, tai nạn hạt nhân ở Nhật có thể giúp người dân Trung Quốc nhận thức được các nguy cơ từ các nhà máy điện nguyên tử, mà cho đến nay họ vẫn chưa biết đến. Chưa có dự án điện hạt nhân nào gây ra phản ứng chống đối nơi dân chúng địa phương, trong khi trước đây đã có hai dự án công nghiệp về hóa dầu và xe điện từ bị hủy bỏ vì người dân lo ngại bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Tạp chí trên mạng tờ Tân Võng nhận định: “Ngay cả khi không bị thiên tai, công nghiệp hạt nhân Trung Quốc cũng đối mặt với các vấn đề quy định và kỹ thuật đang cần phải suy nghĩ nghiêm túc hơn. Cần phải có cơ chế giáo dục công chúng về các vấn đề căn bản trong an toàn hạt nhân. Trước mắt thì có thể nhanh chóng phát triển điện nguyên tử nhờ dân chúng còn thờ ơ, nhưng trong tương lai có thể xảy ra các khủng hoảng nghiêm trọng”.

Đặc phái viên nhật báo Libération trong bài viết “Ngày mà Trung Quốc đặt câu hỏi về nguyên tử năng nói thêm, một chuyên gia Cơ quan An toàn Hạt nhân Trung Quốc đã cảnh báo, nếu có tai nạn xảy ra thì sẽ trầm trọng hơn ở Nhật nhiều, vì các lò phản ứng nguyên tử của Trung Quốc đặt gần các khu dân cư hơn. Có 13 lò đang hoạt động nằm gần bờ biển, dễ bị ảnh hưởng sóng thần. Một nguy cơ tiềm tàng khác nữa là nạn tham nhũng. Hồi tháng tám, Bắc Kinh đã bắt giam Giám đốc Công ty Nguyên tử Quốc gia Trung Quốc (CNNC), vì đã nhận hối lộ 220 triệu euro để giao hợp đồng xây nhà máy điện nguyên tử cho các đơn vị kém năng lực. Nhưng CNNC thì giấu biệt vụ này, và cố cam đoan là các nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc “phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế”.

Fukushima: Chính phủ tắc trách, truyền thông giấu giếm thông tin

Còn tại Nhật Bản, qua tai nạn ở Fukushima, thông tín viên của Libération ở Tokyo cho biết, các nhà hoạt động môi trường Nhật tố cáo sự tắc trách của Chính phủ. Bên cạnh đó, các thông tin về thảm họa này còn bị làm giảm nhẹ đi trên truyền hình.

Người ta chỉ thấy hình ảnh các hoạt động làm mát các lò phản ứng, và nỗ lực cứu hộ các nạn nhân. Đây là lúc để kêu gọi tình đoàn kết quốc gia, chứ không phải chỉ trích. Tuy vậy, điều này không thể cản trở xã hội công dân lên tiếng, từ các tổ chức phi chính phủ, các hiệp hội bảo vệ sinh thái, môi trường, chống năng lượng hạt nhân.

Trong số những nhà hoạt động can đảm nhất, phải kể đến những thành viên của Hiệp hội các nhà báo truyền hình phát thanh Nhật, và Ryuichi Hirokawa, người sáng lập tạp chí Days Japan. Hôm kia họ đã đến tận thành phố Futaba, gần các lò nguyên tử Fukushima Daichi để tự đo độ phóng xạ tại chỗ. Kết quả là mức phóng xạ thực tế cao hơn rất nhiều so với thông báo chính thức. Tổ chức Green Action nhận định, những người có trách nhiệm đã ước lượng quá thấp mức độ nhiễm xạ, vì thế mới ra quyết định lập khu vực sơ tán chỉ gần 20 km. Một ê kíp y tế đã đến vùng này để chữa chạy cho các nạn nhân bị nhiễm xạ, nhưng thông tin này ít được các phương tiện truyền thông đưa lại.

Đặc phái viên của Libération tại Osaka nhận xét, trên truyền hình Nhật Bản chẳng có vẻ gì tang tóc. Các chương trình giải trí vẫn tràn ngập, từ phim hiệp khách, các show truyền hình đến quảng cáo, giới thiệu địa điểm du lịch, phim dài nhiều tập… Cũng có một số kênh cho chiếu danh sách dài dằng dặc những người sống sót tìm kiếm thân nhân, nhưng có vẻ không cân xứng với con số 290.000 người phải đi sơ tán tại 2.000 trại tạm trú, thiếu thốn nước sinh hoạt và chăn đắp.

Ngược lại với báo chí ngoại quốc, màn ảnh nhỏ Nhật Bản không cho thấy các xác chết, nhà quàn hay lễ tang. Các máy quay phim có độ rõ nét cao chỉ phỏng vấn những người sống sót trên khung cảnh hoang tàn, nhưng không dừng lâu ở đó. Ống kính lướt qua dòng người xếp hàng tại các nhà ga Tokyo, nhưng ít khi chiếu cảnh hàng dãy dài xe hơi chờ mua xăng, và cũng không nói tại siêu đô thị này không thể tìm mua được nước đóng chai. Các hình ảnh ba chiều vẽ lên cảnh xe cảnh sát chuẩn bị dùng vòi rồng để nước phun vào hồ chứa. Hai chiếc trực thăng quân đội được quay từ xa, lấy nước biển vào những túi khổng lồ và thả xuống các lò phản ứng, nhưng gió đã thổi bạt đi phần lớn số nước – hoạt động thủ công này được giới thiệu trịnh trọng như là một phương pháp hết sức nghiêm túc. Nói chung, truyền hình tránh gây hoang mang trong dư luận.

Pháp thành công trong nỗ lực cứu vãn thành quả "Mùa xuân Ả Rập"

Cùng với Nhật Bản, tình hình Libya là hai đề tài chính trên trang nhất các nhật báo Paris hôm nay.

“Tấn công Gaddafi: Nước Pháp ở tuyến đầu”, nhật báo cánh hữu Le Figaro với hàng tựa trên trang nhất đã nhấn mạnh đến vai trò của Paris trong việc thúc đẩy Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết cho phép can thiệp vào Libya. Trong bài xã luận mang tên “Cứu lấy mùa xuân Ả Rập”, tờ báo hãnh diện nhận xét: “Đất nước chúng ta đã đóng trọn vẹn vai trò khi huy động được cộng đồng quốc tế và lôi kéo được Hoa Kỳ, nhằm cứu vãn được thành quả của các cuộc cách mạng Ả Rập”.

Theo Le Figaro, Benghazi đã trở thành một biểu tượng, ở đó tương lai của thế giới Ả Rập được đánh cược. Nhờ sự đánh động của Paris, mà các nước lớn đang nhận ra được sai lầm lịch sử, đã để mặc cho quân Gaddafi hoành hành. Người ta có thể hình dung được hậu quả một khi đạo quân bạo lực này tiến vào đàn áp thành phố có 600 ngàn dân trên, qua các vụ thảm sát Srebrenica, và bài học ở Rwanda, Bosnia trước đây. Hôm qua, trên truyền hình, ông Gaddafi đã đe dọa là sẽ không dung thứ một ai, sẽ lục soát không chừa một căn nhà nào. Hơn nữa, nếu chế độ độc tài này quay trở lại, thì đây cũng là một bước thụt lùi đối với các nước Cận Đông và Bắc Phi, đang bắt đầu bước vào con đường dân chủ. Tờ báo cũng nhắc nhở là xin đừng mơ hồ, cứu lấy Benghazi cũng đồng nghĩa với dấn thân vào một cuộc chiến tranh.

Ngay cả nhật báo cánh tả Libération cũng nhấn mạnh “Paris đẩy Gaddafi vào tầm ngắm của Liên Hiệp Quốc”. Trong bài xã luận với tựa đề “Lô-gic chiến tranh”, tờ báo đã thở ra nhẹ nhõm, cuối cùng thì cộng đồng quốc tế cũng đã hành động xứng đáng với danh xưng. Tuy đã mất đi bao nhiêu thời giờ quý báu khiến quân Gaddafi tái chiếm được đa phần các thành phố nổi dậy, nhưng Hội đồng Bảo an đã cho phép sử dụng “tất cả các phương tiện cần thiết”, ngoại trừ lục quân để bảo vệ cho thường dân. Sự hỗ trợ của Liên đoàn Ả Rập cũng mở ra một kỷ nguyên mới.

Libération cũng bày tỏ hy vọng, sau thời kỳ chủ trương thực dụng, ủng hộ các chế độ độc tài, nghị quyết này sẽ là chỗ dựa cho các dân tộc tay không đứng lên đòi tự do. Đây là thành công của Pháp và Anh, cho dù ban đầu cả Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga và nhiều nước châu Âu khác không ủng hộ. Ngành ngoại giao Pháp đã vươn lên từ tro tàn. Bây giờ đến lượt các nhà quân sự.

Nhật báo Libération dành thêm một số rất đặc biệt cho ngày hôm nay, với hai trang nhất tách biệt, nằm ở hai trang đầu và cuối của số báo này. Trên trang đầu, có chân dung nhà độc tài Libya với hàng tựa “Chống lại Gaddafi: Chiến tranh”. Còn trên mặt kia của số đặc biệt này, lật ngược lại là tấm ảnh một chiếc trực thăng Nhật đang dội nước xuống lò phản ứng số 3 của Fukushima, với tựa đề “Nhà máy hỏa ngục”.

Nhật báo kinh tế Les Echos thì phân tích “Hậu Fukushima”, từ tình trạng hiện nay tại Nhật Bản, cuộc tranh luận về năng lượng nguyên tử cho đến cú sốc của thảm họa này đối với nền kinh tế.

Le Monde chạy tựa “Cái bóng của Fukushima bao trùm tương lai ngành công nghệ hạt nhân”. Đối với nhật báo công giáo La Croix, “Thời gian đang ngưng đọng” tại nước Nhật, khi một tuần lễ sau trận động đất, vẫn còn hàng ngàn người mất tích tại những khu vực hiểm trở, và nỗ lực làm lạnh các lò phản ứng tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima vẫn tiếp tục.

T.M

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn