Thảm họa nước Nhật và... điệu nhảy tự do

Kỳ Duyên

clip_image001

 

Người lính cứu hộ hạnh phúc nhìn em bé 4 tháng tuổi sống sót kỳ diệu sau sóng thần, Ảnh: AP

 

Thảm họa động đất, sóng thần ở Nhật Bản, cái được mất của đời người và sự kiềm tỏa điệu nhảy tự do của vàng, ngoại tệ… Những lát cắt đau thương, hay vui, buồn, là diện mạo của cuộc sống hiện đại mà mà Phát ngôn và hành động tuần này xin được chia sẻ với quý bạn đọc.

Cúi chào và cúi đầu

Ngày 11-3-2011 chắc chắn sẽ mãi đi vào lịch sử thảm họa thiên tai của thế giới nói chung, của nước Nhật nói riêng. Trận động đất kinh hoàng 8,9 độ Richter, được coi là trận động đất lớn thứ 4 kể từ năm 1900, kéo theo sóng thần cao 10 m, tàn phá tan hoang một vùng rộng lớn bờ biển đông bắc nước Nhật, làm cả thế giới bàng hoàng, chấn động mạnh.

Trên nhiều trang báo, người ta so sánh sự hủy diệt của trận động đất không kém 2 trái bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima và Nagasaki năm 1945. Sự bạo tàn của thiên nhiên là ngang ngửa.

Động đất đã làm xoay chuyển cả thời gian, và không gian.

Các nghiên cứu khoa học của Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA), Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ, và Viện Địa vật lý Nghiên cứu núi lửa Quốc gia (Italy) cho biết, thảm họa khiến ngày của trái đất bị ngắn hơn, dịch chuyển đảo chính của Nhật Bản khoảng 2,4m và nâng hành tinh của chúng ta khoảng 10cm trên trục của nó.

"Vũ điệu" van xơ của trái đất, vấp những bước lạc nhịp tàn bạo, đã khiến nước Nhật trả giá đau thương. Hơn 10000 người chết và mất tích, hơn 1 triệu người mất nhà cửa.

Đáng lo ngại nhất, các vụ nổ liên tiếp ở tổ hợp hạt nhân Fukushima đe dọa sự rò rỉ phóng xạ vượt tầm kiểm soát. Còn Tổng giám đốc IAEA Yukiya Amano xác nhận tình hình ở Fukushima I "rất nghiêm trọng".

Sự thiệt hại đẩy nước Nhật vào tình trạng khủng hoảng tồi tệ nhất trong 65 năm nay, kể từ thế chiến II. Người Nhật đang phải đối mặt với quá khứ khổ đau và nhiều hiểm họa, ngay trong hiện tại.

Thế nhưng, sau những chấn động dữ dội của lòng đất, lòng biển, những chấn thương tột cùng của lòng người, cả thế giới – từ phương Đông đến phương Tây – thấy gì ở nước Nhật trong cơn tai biến?

Thảm họa thiên tai, xã hội bất ổn thường dẫn đến cướp bóc. Hiện tượng này gần như được cho là "mặc định" ở nhiều quốc gia kể cả Anh, Mỹ... Thế nhưng mặc nhiên, ở nước Nhật nó đã không hề xảy ra. Nước mắt vẫn rơi trên những gương mặt thất thần vì đau đớn. Những tiếng kêu la khiếp sợ trước sóng thần... Nhưng đâu đâu, cũng vẫn có cảnh người Nhật lặng lẽ, tôn ti trật tự xếp hàng trước các cửa hàng chờ đến lượt mình. Vẫn cúi đầu cảm ơn khi được cứu giúp. Họ tin ở Chính phủ không bao giờ bỏ mặc, bỏ rơi họ trong cơn khốn đốn.

Đến lượt cả thế giới, thay cho sự bàng hoàng lúc đầu, là từ ngỡ ngàng đến thán phục trước sự chủ động ứng phó và văn hóa ứng xử của cả dân tộc này. Thảm họa tạo cơ hội cho cả thế giới thấy cách tổ chức và điều hành một xã hội văn minh công nghiệp chặt chẽ, chuyên nghiệp nhưng vẫn đầy tình người, tính người. Nền tảng văn hóa quốc gia đã thành sức mạnh trong mỗi ứng xử công dân, thành đạo lý một dân tộc trước tai ương bất hạnh của chính mình.

Báo chí thế giới tràn ngập những lời ca ngợi dành cho người Nhật. Và cả thế giới sẵn sàng ứng cứu, chia sẻ với nước Nhật.

Còn người Việt chúng ta, TS Vật lý Nguyễn Đình Đăng đang ở Tokyo thốt lên trên blog của mình: "Một đất nước mà người dân thực sự bình thản, lịch sự, giữ phẩm cách, rất trật tự, tử tế với nhau trong thảm hoạ có thể so với ngày tận thế, là một đất nước thực sự vĩ đại".

Người viết bài này cũng có một cô bạn trẻ sống ở đó. Em chỉ là một người Việt bình thường cư ngụ. Trước đó, em đã bị sốc nặng và hoảng sợ. Nhưng cộng đồng nơi em sống, người chồng Nhật và 2 đứa con em trong những ngày này, cho em sự vững vàng và một trải nghiệm sâu sắc. Trong thảm họa, em nhìn ra "cái lõi" của xã hội. Đó là cách tổ chức của một xã hội luôn biết giúp con người chủ động và bình tĩnh trước tai họa, từ đó con người ta lớn lên:

"Em nghĩ rằng tất cả mọi điều do giáo dục mà ra. Ở trường, các con em thường xuyên được thực tập phòng tránh thương tổn nếu có động đất, nên các bé còn động viên lại mẹ, nhắc mẹ mua sắm thực phẩm dự trữ. Các loại tủ bát, tủ tường được thiết kế, chỉ cần có dư chấn, lập tức cửa tủ khóa ngay lại nên không hề có đổ vỡ đồ dùng. Khi có động đất, lập tức người dân được hướng dẫn chạy tới các trường học, vì đó là những công trình xây dựng chắc chắn nhất, an toàn nhất, trước hết cho trẻ em".

clip_image002

Những người cứu hộ an ủi người phụ nữ mất mẹ và con trai 3 tuổi trong trận động đất ở Miyako, Nhật. Ảnh: Daily Telegraph

Chợt xót xa. Ở ta, vào mùa bão lũ, nơi thiệt hại nhiều nhất lại là các trường học. Bởi nó vốn được xây dựng cẩu thả, gian dối.

Chợt xót xa. Miền Trung nước ta, vốn là nơi luôn phải chung sống với thiên tai. Vậy mà năm nào cũng vậy, khi sự cố chết người nghiêm trọng xảy ra, người ta mới cảnh báo, mới lo làm cầu, mà chưa nghĩ đến hướng dẫn kỹ năng sống, xử lý tình huống cho người dân. Để rồi năm này sang năm khác, sau bão lũ, chết chóc, ta lại phát động từ thiện, "lá lành đùm lá rách". Và rồi, ngay trong tổ chức từ thiện cũng có những kẻ nhân danh, làm điều lừa đảo kiếm tiếng, kiếm tiền.

Con người tham lam đã đành. Mà có cả tổ chức xã hội, cơ quan đoàn thể cũng không chịu... kém. Báo chí đưa tin, mới đây Ủy ban Kiểm tra tỉnh Kiên Giang phát hiện Ủy ban MTTQ tỉnh này giữ lại khoảng 2 tỷ đồng là tiền người dân quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung lũ lụt, để "tạm ứng" sai nguyên tắc, thăm đối tác, mua quà tặng, chi sai mục đích, chiếm dụng tiền... Dân sẽ nhìn việc làm này để hành động thế nào?

Cũng chả cần thảm họa xảy ra. Một sự kiện văn hóa được tổ chức như hội hoa, giỗ các Vua Hùng, lễ đền Trần... đã thấy cái sự "phản văn hóa" liền kề. Cái sự "phản văn hóa" còn diễn ra ngay trong giao thông đi lại ngày ngày, trong cách hành xử nơi công cộng, giữa con người với con người, trong khi chúng ta có rất nhiều phong trào học tập, với nhiều mỹ từ.

Trong thảm họa, nước Nhật có biết bao câu chuyện cảm động về tình người. Người viết bài này đã nghẹn lại trước câu chuyện bé gái mới 4 tháng tuổi thoát chết một cách thần kỳ khi sóng thần ập đến, sau 3 ngày tưởng mất tích. Đó không chỉ là sự may mắn của một sinh linh bé bỏng. Có gì đó như sức sống kỳ diệu và tương lai của đất nước Nhật, vẫn tươi sáng như nụ cười thiên thần nhỏ.

Và đã cay mắt khi đọc lá thư của một cánh sát Nhật, gốc Việt kể về chú bé 9 tuổi, khi được nhường lương khô, chú đã để gói lương khô vào thùng thực phẩm chung đang phát cho mọi người: "Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ". Người cảnh sát đã phải quay mặt đi để khóc... Một chú bé mới 9 tuổi, đã biết hy sinh, chia sẻ ấm lạnh cùng với cộng đồng. Làm sao nước Nhật không hùng mạnh?

Lá thư trước khi lên đường đến phiên trực chiến, ông hẹn: "Vài dòng trả lời chị, vì tới giờ trực của tôi nữa rồi. Nếu qua 48 tiếng nữa mà tôi còn sống thì sẽ trả lời chị dài hơn". Chưa bao giờ, tôi đã phải khóc nghẹn ngào vì một người chưa biết mặt. Vì vẻ đẹp của nhân cách, vì sự can trường thành bổn phận của họ.

Người Nhật luôn cúi chào khiêm nhường. Còn trong thảm họa động đất này, cả thế giới phải cúi đầu kính nể họ.

Đắng và ngọt

Có một người đàn bà đẹp, tại cuộc họp Quốc hội khóa XII cuối năm vừa qua, ở phiên chất vấn, đã để lại ấn tượng tốt cho khán giả truyền hình, những cử tri cả nước, về thái độ và những câu hỏi thẳng thắn, không né tránh. Chị là Phạm Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc công ty Việt Á.

Xưa nay, đàn bà làm doanh nhân, mà lãnh đạo doanh nghiệp, đã là ghê, còn kiêm Đại biểu QH nữa, thì gớm đến đâu? Mà Phạm Thị Loan lại cầm tinh con hổ nữa (1962). Nếu tin ở tử vi, số mệnh, nữ nhi cầm tinh hổ ắt có tài, nhưng vất vả, hay phải làm những việc của nam giới.

Nhưng cờ đến tay ai, người đó phất. Câu thành ngữ đó, cũng ứng với tính cách "hổ" của chị. Trong quá khứ, cô bé Loan sinh tại Hà Nội, nhưng lại theo cha mẹ về định cư tại Nghệ An, từng phải đi bán ngô, bán sắn, lên rừng kiếm củi trước khi tốt nghiệp đại học ngoại ngữ và trở thành doanh nhân như hiện nay, có 7 nhà máy sản xuất với gần 20 công ty thành viên.

Chặng đường lên thác xuống ghềnh kiếm sống ở rừng núi Nghệ An hẳn thua xa những thác ghềnh mà cuộc đời và con người tạo ra để đánh gục người phụ nữ này trên con đường  doanh nghiệp.

Song câu chuyện muốn nói về chị ở đây là cái duyên "nghị sĩ". Trở thành nghị sĩ với chị vừa ngẫu nhiên vừa tất yếu. Ngẫu nhiên vì chị không chủ định, nhưng tất yếu vì chị đã thắng trong một cuộc bỏ phiếu kín theo quy định. Đó là bước khởi đầu từ đây, chị phải đối mặt với những thách thức về tố chất và bản lĩnh chính trị, để bước chân vào nghị trường.

Đó là thế giới khác hẳn với thế giới thương trường quen thuộc của chị. Toàn những vấn đề vĩ mô, nhạy cảm, mà người nghị sĩ phải học hỏi để hiểu vấn đề và nói thật lòng vì dân, không thể tránh khỏi sự trực diện đối thoại, chất vấn các quan chức Chính phủ, các thành viên vốn dầy dạn chính trường. Vì những vấn đề đó, như ùn tắc giao thông, đường sắt cao tốc Bắc- Nam, quy hoạch đô thị Hà Hội... thường là những vấn đề đang nhức nhối lòng dân, và người dân chỉ biết kỳ vọng vào họ- những nghị sĩ, đại biểu của mình.

Dấu ấn của hoạt động chất vấn tại kỳ họp QH khóa XII có nhiều. Nhưng những câu hỏi mở đầu của chị tại phiên họp về khả năng tự trả nợ của Vinashin, với tất cả sự tính toán số liệu chi tiết, vừa thực tiễn, vừa xác đáng của một doanh nhân về số tiền trả nợ hàng năm năm, nguy cơ gấp đôi số nợ... đã làm sôi động nghị trường- một phiên họp nghị trường được đánh giá là dân chủ nhất từ trước tới nay. Có lẽ, giờ Tập đoàn Vinashin vẫn tiếp tục trả lời cho câu hỏi đó. Cũng là trả lời cho nhân dân.

"Cứ hát ngọt cho nhau nghe thì dễ quá", câu phát ngôn thật ấn tượng, giống như tự sự của chính chị, đượm chút hài hước, đượm chút chua cay trải nghiệm của một người đàn bà nhiều thăng trầm. Bởi chị cũng hiểu sự thật thì dễ mất lòng. Nhưng dường như chị không ngại sự mất lòng ấy. Hẳn có thể chị có niềm tin, đó là sự ngay thẳng có thiện chí, có nhiệt tâm, nhiều khi cuối cùng, cái được vẫn nhiều hơn cái mất.

clip_image003

Đại biểu quốc hội Phạm Thị Loan. Ảnh: VietNamNet

Cái được ở đây là được cho dân, cho công việc chung. Còn cái mất ư? Hãy nghe quan niệm của chị: "Trách nhiệm của mình là nói, để cùng tìm ra những bất cập, chưa thuận, để cùng tìm giải pháp. Có điều có dám mạnh dạn nói lên điểm yếu không, còn khi dám nói lên sự thật thì nhiều khi không êm tai, nhưng nếu không toát lên sự thật thì liệu bao giờ có sự điều chỉnh, thay đổi?".

Sự điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp thực tiễn, và vì lợi ích người dân mới là cái đích cần đi đến. Thì đằng sau cái mất vẫn là cái được lớn.

Đắng hay ngọt, được hay mất là tùy góc nhìn thang giá trị cuộc sống của từng người.

Chợt nhớ câu hát và nụ cười tủm tỉm của Tể tướng Lưu Gù trong bộ phim cùng tên: "Cuộc đời này, biết thế nào là dại, biết thế nào là khôn?" Đúng vậy. Nhiều khi tưởng dại lại là khôn. Nhiều khi tưởng khôn lại dồn ra dại.

Đồ ngoại hay đồ nội?

Thế là sau hàng chục năm đồng đô la, vàng miếng - những hàng hóa đặc biệt được thả nổi nhảy vũ điệu tự do, khiến người dân chúng ta lúc cười, lúc mếu méo mặt, cuối cùng, đã bắt đầu phải theo tiết tấu giá cả của Nhà nước.

Đó là một chủ trương đúng. Góp phần ổn định tỷ giá, giảm tình trạng đôla hóa, giữ ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

Bởi thực tế, không một quốc gia nào việc quản lý vàng miếng, ngoại tệ dễ dãi, thả nổi như ở Việt Nam.

Mặc dù từng có lúc – những năm 90 – thị trường chợ đen kinh doanh vàng, ngoại tệ được quản chặt đến nỗi, người viết bài này, đi mua vài tờ USD mà cứ liếc ngang, liếc dọc, sợ hãi, cảnh giác như buôn... bạc giả! Người bán phải ghi xêri từng tờ USD cho người mua.

Nhưng do thả nổi, buông lỏng quản lý quá lâu, đến nỗi giá vàng, ngoại tệ thị trường chợ đen lại "định hướng" cho toàn bộ giá cả các mặt hàng của đời sống, chứ không phải là quy luật cung cầu. Nay, không còn tự do đồng bóng tác oai tác quái, thì việc đưa các "thiếu gia" quen được chiều chuộng này vào khuôn khổ chắc chắn không đơn giản.

Dù vậy cách quản lý này giông giống cách cấm dạy thêm – học thêm của ngành Giáo dục. Khỏi phải nói, trước đây, khi lệnh cấm được ban hành, các lớp dạy thêm – học thêm sống chui sống lủi. Thầy trò đi nhẹ, nói khẽ, mắt mũi nhớn nha nhớn nhác như kẻ tội phạm sợ bắt quả tang.

Tiếc thay, chỉ cấm dạy thêm - học thêm mà ngành GD không có các giải pháp tương đồng: Thay đổi cách thi cứ, đánh giá, tinh giản chương trình, cải thiện đời sống nhà giáo, rút cục, văn bản cấm dạy thêm – học thêm chỉ như chiếc quạt giấy phe phẩy buổi chiều hè oi ả. Nay chuyện dạy thêm – học thêm lại đâu vào đấy, đi theo quy luật có cung ắt có cầu. Ngành đành bó tay.com, ngoảnh mặt... làm ngơ.

Việc cấm thị trường chợ đen vàng miếng, ngoại tệ dù đúng, liệu có sẽ diễn ra như cách cấm dạy thêm - học thêm của ngành GD không? Và liệu có đến lúc nào đó, Nhà nước cũng botay.com, ngoảnh mặt... làm lơ?

Còn trong thực tế hiện nay, một thị trường chợ đen lẩn quất đã tái hiện.

Các "cò" ngoại tệ giờ chấp nhận đi "ăn đêm", dù giữa thanh thiên bạch nhật. Và ai dám bảo đằng sau các cánh cửa đóng im ỉm của các cửa hàng bán vàng, ngoại tệ nổi tiếng ở phố Hà Trung cũng là sự bó tay.com?

Bởi nhu cầu người dân muốn tích lũy, đầu tư, muốn có ngoại tệ cho con du học, hoặc du lịch là có thật. Mặt khác, cách quản lý thả nổi của Nhà nước lâu nay vô tình tạo cho họ niềm tin ở thị trường chợ đen, vừa nhanh chóng, vừa được việc. Trong khi đó, mệnh giá đồng tiền VN mạnh, yếu, lên, xuống thất thường. Có ai dám đặt hy vọng của mình vào một bờ vai ốm yếu?

Chính vì thế, ngay các nhà chuyên môn cũng băn khoăn.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy, ĐH Kinh tế-Luật TP.HCM: Việc xóa bỏ kinh doanh vàng miếng có thể tiêu cực sẽ nhiều hơn tích cực. Liệu rằng khi cấm kinh doanh vàng, chúng ta có thể cấm được hoàn toàn không? Hay thị trường vàng sẽ biến thái ra nhiều hình thức bất hợp pháp khác.

clip_image004

Ngoại tệ và vàng miếng đang là đề tài "hot" nhất trên các diễn đàn kinh tế. Ảnh: Sở CT Hải Dương

Ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần và đầu tư vàng VN (VGB): Nếu Chính phủ quy vàng về một đầu mối thì bài toán kinh tế sẽ đẻ ra sự độc quyền. Như vậy có khả năng thị trường vàng sẽ trở lại thời bao cấp.

... Nếu việc siết kinh doanh vàng miếng nằm ngoài quy luật thị trường thì nạn buôn lậu vàng qua biên giới sẽ càng gia tăng. Điều này sẽ kéo theo tình trạng xuất nhập khẩu lậu USD.

Trước những âu lo của người dân về quản lý ngoại tệ, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối Nguyễn Quang Huy (Ngân hàng Nhà nước) trả lời: "Người dân có thể đến ngân hàng để mua. Trên cơ sở hồ sơ, chứng từ hợp lệ, các ngân hàng sẽ bán ngoại tệ tùy thuộc vào khả năng để đáp ứng các nhu cầu hợp pháp của cá nhân".

Về lý thuyết (lại về lý thuyết) mà nói, ý kiến của ông Huy là đúng. Nhưng thực tế người dân có đổi được không lại tùy "tâm tính" các ngân hàng. Với đủ các quy định để nắm đằng chuôi khi đổi ngoại tệ cho dân, các NHNN đang có xu thế biến thành một chợ đen kiểu khác.

Bài toán quản lý vàng, ngoại tệ phức tạp đến nỗi, cùng trong một bài báo, ý kiến của 3 chuyên gia kinh tế khác hẳn nhau. Trên VTC News ngày 14-3, ông Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng: "Trong thời gian tới, thị trường sẽ dần bình ổn, việc tăng tỷ giá là rất khó. Như vậy, rõ ràng tích trữ USD không tốt bằng nắm giữ đồng Việt Nam trong 3 tháng tới".

Nghe ông Hiển nói, người viết bài này chợt nhớ tới phát ngôn của một Giáo sư thời bao cấp: "Ăn ngô bổ hơn ăn gạo".

Nhưng ngay sau đó, TS. Nguyễn Minh Phong,Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội lại cho rằng, "Giá USD đang ở thời kỳ đỉnh cao nên việc đầu tư vào USD chắc chắn sẽ có hiệu quả" (!)

Còn TS. Nguyễn Đức Thành – GĐ Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách VEPR, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc Gia Hà Nội nhận định: "Thời điểm này thị trường đang hết sức "hỗn loạn" không phải là thời điểm thích hợp để đầu tư".

Đến các chuyên gia kinh tế còn bình loạn cả lên, thì người dân bấn loạn đến đâu. Biết nghe ông nào đây?

Quản lý vàng, ngoại tệ là cần thiết. Nhưng chủ trương này chỉ thành công nếu Nhà nước có cả một giải pháp tổng thể và quyết liệt. Quan trọng nhất là nâng cao "sức" của đồng tiền VN; tiếp đó, nâng cao chất lượng giao dịch của các ngân hàng đáp ứng nhu cầu của người dân.

Nhưng đến bao giờ "cậu ấm" – tiền đồng VN thực sự khỏe mạnh?

K. D.

Nguồn: Tuanvietnam.vietnamnet.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn