Thiếu công bằng trong tăng giá điện

Vũ Thành Tự Anh (*)clip_image001

(TBKTSG) - Kể từ ngày 1-3-2011, giá điện bình quân được tăng thêm 15,3%. Đây là một chính sách cần thiết để giảm bớt tình trạng giá điện bị bóp méo trong nhiều năm, nhờ đó giảm trợ cấp cho các hoạt động sử dụng điện không hiệu quả, đồng thời khuyến khích đầu tư cho sản xuất điện.

Trong một thời gian dài, việc duy trì giá điện tương đối thấp đã khuyến khích sự phát triển thái quá của một số ngành công nghiệp thâm dụng năng lượng. Một ví dụ điển hình là tình trạng dư thừa công suất của ngành thép. Gần một nửa số dự án thép lớn hiện nay không hề nằm trong quy hoạch, trong khi đó công suất thực tế của các nhà máy thép hiện hữu chỉ đạt khoảng 50% so với công suất thiết kế. Khi nhìn vào những con số này thì kết quả xuất khẩu hơn 1 triệu tấn thép với kim ngạch 1,2 tỉ đô la trong năm 2010 (tăng 250% về lượng và 260% về giá trị so với 2009) có lẽ là điều đáng lo hơn là đáng mừng.

Tương tự như vậy, một phần nhờ vào chi phí năng lượng thấp mà Việt Nam đã trở thành một trong mười quốc gia sản xuất xi măng lớn nhất thế giới, và trong năm 2010 đã xuất khẩu được gần 1 triệu tấn clinker và xi măng. Đáng lưu ý là theo đà này, các nhà máy xi măng mới vẫn đang tiếp tục ra đời để lợi dụng năng lượng giá rẻ. Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, với xu thế này thì đến năm 2020, mức cung nội địa sẽ dư thừa từ 30-35 triệu tấn xi măng, tương đương với 30% công suất, trong khi thị trường xuất khẩu lại bấp bênh, không chắc chắn.

Mặc dù việc tăng giá điện là một bước đi đúng hướng nhằm cải thiện hiệu quả sử dụng điện nhưng nó lại đặt ra những câu hỏi lớn về tính công bằng. Theo ý kiến của một vị thứ trưởng Bộ Công Thương thì “việc bỏ bao cấp toàn dân 50 kWh đầu sẽ giúp tránh trợ cấp nhầm cho người giàu, người không phải thu nhập thấp”. Thế nhưng, nếu nhìn vào số liệu về tỷ lệ tiền điện tăng thêm cho các mức tiêu dùng điện khác nhau thì chúng ta lại thấy một bức tranh ngược lại.

Rõ ràng là theo biểu giá mới, một hộ gia đình càng tiêu dùng nhiều điện thì tỷ lệ tiền điện phải đóng thêm càng ít. Cụ thể là những hộ tiêu dùng dưới 50 kWh nhưng không có chứng nhận hộ nghèo sẽ không nghiễm nhiên được hưởng mức trợ giá như trước, và vì thế tiền điện phải đóng sẽ cao hơn 65,5% so với trước (xem bảng).

Với việc không trợ giá đại trà cho 50 kWh đầu tiên, nhóm có mức tiêu thụ nằm trong khoảng 51-75 kWh/tháng sẽ là nhóm chịu tác động lớn nhất vì hóa đơn tiền điện của họ sẽ tăng trong khoảng 69-95%.

Trái lại, mức tăng giá áp dụng đối với các hộ sử dụng nhiều điện chưa đến 4%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng giá điện trung bình 15,3%. Với bảng giá điện được thiết kế như thế này, một hộ phải dùng đến 290 kWh/tháng mới phải đóng thêm 15,3% tiền điện; và nếu dùng tới 400 kWh/tháng thì tỷ lệ đóng thêm chỉ còn là 11,2% - hoàn toàn tương phản với mức tăng 65-95% của nhóm sử dụng dưới 75 kWh/tháng. Đã đành là do giá điện trước đây của hộ nghèo tương đối thấp nên tỷ lệ tăng có thể phải nhiều hơn, song chênh lệch đến mức độ này thì quả là thiếu tính công bằng đối với các hộ nghèo.

Để biện minh cho việc những hộ hàng tháng dùng từ 400 kWh trở lên không phải chịu bậc thang nào cao hơn, vị thứ trưởng nói trên của Bộ Công Thương phát biểu rằng theo tính toán của bộ, số hộ thuộc nhóm này chiếm chưa tới 2%. Đúng là 2% không lớn, song mỗi hộ trong số này có thể tiêu thụ một lượng điện gấp 10, thậm chí 20 lần các hộ nghèo thì tỷ trọng điện tiêu thụ và do vậy, khả năng tiết kiệm của họ không hề nhỏ.

Cách thiết kế biểu giá điện tiêu dùng hợp lý hơn sẽ là vẫn tiếp tục trợ cấp đại trà cho 50 kWh đầu tiên, đồng thời tăng giá điện theo một tỷ lệ cao hơn đối với những hộ gia đình dùng nhiều điện. Cách làm này vừa hiệu quả hơn (nhờ khuyến khích tiết kiệm điện ở những đối tượng sử dụng nhiều điện nhất), vừa công bằng hơn vì căn cứ vào khả năng chi trả của người sử dụng và không làm tiền điện của các hộ nghèo tăng đột biến.

Chính phủ đang vận động người dân đồng cam cộng khổ với những khó khăn của nền kinh tế trong thời buổi lạm phát. Thế nhưng để người dân thực sự đồng lòng thì Chính phủ, trong phạm vi có thể kiểm soát được, cũng cần đảm bảo rằng gánh nặng khó khăn được phân bổ một cách công bằng. Đồng thời, Chính phủ cũng cần cải thiện hiệu quả của nền kinh tế để từ đó có cơ sở cải thiện phúc lợi của nhân dân. Trong trường hợp cụ thể của ngành điện, điều này có nghĩa là EVN phải nỗ lực cải thiện hiệu quả hoạt động, giảm tối đa thất thoát, đồng thời giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của tình trạng cắt điện.

V. T. T. A.

(*) Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright

Nguồn: Thesaigontimes.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn