Tổng hợp tin tức trong tuần Câu hỏi ám ảnh Châu Âu: Bỏ điện hạt nhân được hay không?

Mai Vân

clip_image002  

Một nhà máy điện nguyên tử của Bỉ ở Tihange. Ảnh chụp ngày 15/3/11. Reuters

 

Trước những gì xảy ra ở Fukushima, các quốc gia, trong đó có Châu Âu đang phải xét lại chính sách nguyên tử của mình. Libération trong hàng tựa lớn trang nhất nêu câu hỏi đang ám ảnh giới lãnh đạo ở Châu Âu hiện nay: “Hay là chúng ta nên dừng lại?”. Vấn đề là liệu có thể ngưng được hay không, và ngưng thì thay thế bằng loại năng lượng nào, nhất là đối với Pháp, nơi mà 76% điện sử dụng là điện hạt nhân.

Bên cạnh tình hình chính trị Pháp trước vòng hai cuộc bầu cử địa phương, tình hình Libya và Nhật Bản vẫn là hai hồ sơ lớn được báo giới Pháp hôm nay rất chú ý. Trong hồ sơ Nhật Bản, hệ quả lớn, có ảnh hưởng đến thế giới là vấn đề hạt nhân. Trước những gì xảy ra ở trung tâm Fukushima, các quốc gia, trong đó có Châu Âu đang phải xét lại chính sách nguyên tử của mình.

Libération trong hàng tựa lớn trang nhất nêu câu hỏi đang ám ảnh giới lãnh đạo ở Châu Âu hiện nay: «Hay là chúng ta nên dừng lại?». Tờ báo ghi nhận là Đức và Ý đang phân vân, trong lúc Pháp thì cương quyết tiếp tục.

Vấn đề, theo Libération, là liệu có thể ngưng được hay không, và ngưng thì thay thế bằng loại năng lượng nào, nhất là đối với Pháp, nơi mà 76% điện sử dụng là điện hạt nhân, chỉ có 13% đến từ thủy điện, năng lượng gió, năng lượng mặt trời và 11% là nhiệt điện thông thường.

Tờ báo đã thử tìm hiểu xem khả năng Pháp bỏ điện hạt nhân đến đâu, và hậu quả sẽ như thế nào, và nêu bật hai khó khăn lớn: thời gian và giá cả. Đóng cửa nhà máy điện không khó, nhưng phải mất nhiều thời gian.

Theo Libération, về mặt kỹ thuật, đóng nhanh 19 trung tâm điện hạt nhân (58 lò phản ứng) không có trở ngại gì cả. Nhưng hậu quả là một phần lớn lãnh thổ sẽ chìm trong bóng tối, vì hơn ba phần tư nguồn điện sử dụng là từ năng lượng hạt nhân, và như vậy hoạt động cả nước sẽ bị tê liệt. Tất cả các chuyên gia kể cả các nhà sinh thái đều đồng ý trên một điểm: kịch bản từ bỏ năng lượng nguyên tử không thể tính trước được trong vòng 20 hay 30 năm sắp tới.

Libération nhắc lại là vào năm 2002, nước Đức đã quyết định thôi không dùng điện nguyên tử. Cho dù điện hạt nhân chỉ chiếm có 24%, nhưng Đức cũng phải đưa ra thời hạn 18 năm. Ngay cả thời hạn này cũng khó mà thực hiện, cho nên đương kim Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel, đã phải cho triển hạn hoạt động của các trung tâm hạt nhân, trước khi tai nạn ở Fukushima làm bà phải thay đổi ý kiến.

Nhưng nếu bỏ năng lượng hạt nhân thì thay bằng gì? Thay bằng nhiên liệu tái tạo được hay không? Đối với các nhà sinh thái thì đây là một khả năng thay thế đáng tin cậy. Có điều phải có một chương trình giảm thiểu tiêu thụ năng lượng một cách đáng kể, và dĩ nhiên là phải nỗ lực đầu tư. Phải mất hàng chục năm mới có được nguồn điện thay thế giá hạ.

Libération đã trích dẫn NégaWatt, một hiệp hội Pháp tập trung khoảng 100 Kỹ sư, làm việc từ năm 2003 trên những kịch bản thay thế điện hạt nhân. Họ đã liệt kê những nguồn năng lượng mới cần phải tập trung phát triển, trước tiên là năng lượng gió và điện mặt trời, giá loại điện này tiếp tục giảm, hay điện sinh khối, năng lượng từ biển v.v.

Tuy nhiên Libération cũng ghi nhận là tính toán trên giấy tờ thì tuyệt vời, nhưng trên thực tế, về mặt giá cả, thì chỉ có năng lượng gió trên đất liền là có thể cạnh tranh với điện hạt nhân: đắt hơn điện hạt nhân khoảng 20 đến 30%. Còn đối với những loại năng lượng khác, thì về mặt kỹ thuật, phải mất đến 20 năm mới có thể khai thác được như năng lượng gió hay điện mặt trời. Libération nhắc lại là ngay đối với nhiệt điện, Pháp vẫn phải tiếp tục sử dụng khí đốt, chưa thể bỏ ngay tuy đang giảm dần. Các chuyên gia NégaWatt dự kiến là phải chờ cho đến năm 2040 thì mới có thể bỏ loại nhiệt điện này.

Trước mắt, như Le Monde ghi nhận, là sự cố ở Fukushima đã buộc Pháp phải suy nghĩ, xem xét lại vấn đề an toàn hạt nhân của mình, trong đó có vấn đề các nhà máy điện nguyên tử ngày càng cũ kỹ đi, và vai trò của các chuyên gia.

Không chỉ có Pháp là đang yêu cầu kiểm tra các nhà máy điện hạt nhân, mà cả các nước láng giềng cũng làm như vậy. Báo Les Echos nêu lên trong hàng tựa trang nhất là Châu Âu sẽ cho thử nghiệm độ bền chắc và an toàn của các lò phản ứng hạt nhân. Theo tờ báo, Pháp sẽ đo lường mức an toàn của các nhà máy qua 5 tiêu chí: nguy cơ lụt lội, động đất, mất điện, tình trạng lò không nguội đi, và cách xử lý trong trường hợp những sự cố quan trọng. Tuy đồng ý trên việc thử nghiệm an toàn, nhưng Les Echos lấy làm tiếc là Châu Âu lại bất đồng trên phương thức và tiêu chí thử nghiệm.

Nhật Bản: Tình trạng nhiễm xạ tiếp diễn

Trên đây là lời báo động được nhật báo La Croix đưa ra, cho biết là các thử nghiệm đầu tiên trên mẫu nước biển đã chứng minh rằng ô nhiễm phóng xạ có nguy cơ tác hại lâu dài đến nguồn hải sản trong khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

Theo La Croix, Tập đoàn điện lực Tepco ngày 23/3 vừa qua đã phải công nhận là đợt sóng thần đánh vào Fukushima hôm 11/3 không phải là cao 7 mét như ước tính ban đầu, hay 10 mét như ghi nhận sau đó, mà là 14 mét. Do đó các lò phản ứng hạt nhân đã bị hư hỏng nặng vì chỉ được thiết kế để chịu được sóng thần cao 5,7 mét đối với trung tâm Fukushima Daiichi, và 5,2 mét đối với Fukushima Daini.

Công việc làm nguội lò phản ứng vẫn bấp bênh. Hôm qua, ba nhân viên làm việc tại lò phản ứng số 3 của nhà máy Fukushima Daiichi đã bị nhiễm xạ nặng với mức 170-180 mSv (millisievert), hai trong số này đã phải nhập viện. Trên nguyên tắc, bệnh nhân có nguy cơ bị ung thư khi bị nhiễm xạ với mức 100 mSv trở lên. Theo La Croix, khả năng ô nhiễm phóng xạ lại còn tăng thêm do việc hơi nước dùng để làm nguội lò phản ứng hạt nhân càng lúc càng tích tụ bên trong. Các chuyên gia đang cân nhắc xem có cần phải xả hơi nước bị nhiễm xạ trong lò phản ứng số 1 hay không, để tránh việc áp suất bên trong lò bị nổ.

Nguy cơ đất và nước bị nhiễm xạ

Mặt khác, nước chuyển đến các lò phản ứng và bể nhiên liệu bị sự cố vẫn chưa đủ sức làm nguội, khiến cho phóng xạ tiếp tục bị thải ra. Theo ông Jean-Christophe Gariel, Giám đốc phụ trách vấn đề môi trường và tình trạng khẩn cấp tại Cơ quan An toàn Hạt nhân IRSN, thì «Nước sử dụng để làm nguội đã bị nhiễm xạ do tiếp xúc với nhiên liệu hạt nhân, và một phần lớn sẽ trở ra biển». Tình trạng đất và nước bị nhiễm phóng xạ do đó vẫn tiếp tục.

Theo La Croix, trong những ngày qua, người ta đã lấy mẫu nước biển trên một phạm vi dài 80 km dọc theo bờ biển và ra xa đến 30 km. Khi thử nghiệm, các chuyên gia đã phát hiện ra tỷ lệ iốt 131 và cesium 137 cao hơn mức cho phép.

Tình hình đặc biệt đáng lo ngại gần bờ, cách 700 mét và 7.000 mét. Nồng độ i-ốt đã có thể lên đến mức 6000 becquerels (Bq) cho mỗi lít và hàm lượng cesium là 2000 Bq. Theo ông Jean-Christophe Gariel, «i-ốt thì có thể tan biến, nhanh chóng được loại bỏ, nhưng cesium sẽ có tác động lâu dài, đọng lại trong lớp trầm tích, và cá sẽ không còn tiêu thụ được nữa».

Trên đất liền, theo La Croix, các thông tin chưa đầy đủ cho thấy rằng trong khu vực cách nhà máy từ 20 đến 30 km, nơi mà dân cư được khuyến cáo là nên ở trong nhà, chỉ cần ở ngoài trời một vài ngày là người ta có thể bị nhiễm mức phóng xạ của nguyên một năm. Sản phẩm tươi sống đã bị cấm bán trong khu vực bốn tỉnh xung quanh nhà máy Fukushima.

Thái độ bình tĩnh đáng khâm phục của người Nhật trong cơn hoạn nạn

Nhìn lại Nhật Bản, Le Figaro có bài phóng sự dài mô tả Nỗi hoang mang của người dân vùng Đông Bắc – tựa bài báo ở trang 2.

Đặc phái viên Le Figaro đến tận thành phố Hachinohe, thành phố cảng thứ nhì của vùng bị thiên tai. Tại đây một chiếc tàu đánh cá lớn vẫn còn nằm nghiêng trên một đường phố. Tác giả bài phóng sự, Arnaud De La Grange đã tìm gặp những người sống sót, nhưng hoàn toàn trắng tay.

Điều làm cho nhà báo Le Figaro thán phục là sự bình tĩnh của người dân, cho dù họ vô cùng hoang mang, không thể tưởng tượng nổi tương lai mình sẽ ra sao. Ví dụ như cụ già mà tác giả bài báo đến tiếp xúc: bà Hanaoi Toshi, 80 tuổi. Bà ăn mặc rất tử tế như là đón một người đến uống trà. Từ hai tuần lễ nay bà ngủ dưới đất trên 3 chiếc mền, tại trung tâm cứu trợ ở ngoại ô Hachinohe.

Bà tỏ vẻ rất mạnh dạn, nước mắt chỉ tuôn trào khi bà nhắc lại cảnh ngôi nhà bị nước cuốn đi không khác gì một hòn gạch nhỏ. Nhưng với giọng bình tĩnh, bà giải thích: «Tôi rất muốn xây lại ngôi nhà của mình, nhưng với tuổi của tôi, nhẩm đếm những năm tháng còn lại thì tôi không biết còn đủ sức để xây lại hay không. Tôi chỉ có đồng lương hưu để sống».

Le Figaro cho là trường hợp của bà Hanaoi là trường hợp điển hình tại vùng Đông Bắc này, nơi những người lớn tuổi rất đông. Và thái độ bình tĩnh từ tốn của bà, cũng là thái độ điển hình của những người Nhật mà tác giả bài báo đã gặp trong vùng.

Le Figaro kết luận: Tỏ ra hoảng hốt, khóc lóc trước người khác, có lẽ là một hành động mà ngưòi Nhật xem là vô lễ, cho dù người ta vẫn cảm nhận ra nỗi tuyệt vọng hoang mang của họ qua bề ngoài điềm tĩnh đó.

Không những thế, Armaud De La Grange còn khâm phục tinh thần trách nhiệm. Theo bài báo, ngay ngày thứ hai đầu tuần sau thiên tai, công nhân ở Kuji đã đến trước nhà máy của họ bị “trơ xương” sau trận sóng thần. Nhiều công nhân ở đấy cả ngày. Lời giải thích của họ rất đơn giản: «Đây là một ngày làm việc».

Libya: Lực lượng nổi dậy vừa thiếu tổ chức, vừa kém tinh thần tiến công

Tình hình sôi bỏng ở Trung Đông là một hồ sơ lớn khác đã lấn át phần nào thời sự thế giới. Cũng như các đồng nghiệp, Le Figaro lược qua tình hình trên 4 trang báo, với các hàng tít lớn, đi từ Libya đến Syria, nơi mà các cuộc biểu tình được tờ báo gọi là «Mùa xuân Syria đang làm chao đảo chế độ Assad».

Về tình hình Lybia, tờ báo ghi nhận trước tiên là cuộc oanh kích nhắm vào quân đội Libya gia tăng cường độ, trong lúc mà Liên hiệp Châu Phi đang cố làm trung gian giữa thành phần ủng hộ chế độ và thành phần chống đối.

Riêng Liên hiệp Châu Âu thì nghiên cứu các kịch bản hậu chiến tranh. Theo Le Figaro, Châu Âu đang tìm cách cổ vũ cho sự hòa giải dân tộc ở Lybia.

Về phản ứng trước chiến dịch ở Libya, tờ báo chú ý đến Bắc Kinh, đã «chỉ trích mạnh cuộc tấn công», một tít lớn trên trang quốc tế. Le Figaro nhắc lại rằng Trung Quốc đã không sử dụng quyền phủ quyết, và hiện nay Bắc Kinh lên tiếng cảnh báo là Liên quân sẽ bị sa lầy.

Nhưng yếu tố trong chiến dịch hiện nay ở Libya được cả Le Figaro lẫn Le Monde chú ý là sự kiện lực lượng nổi dậy đã không tranh thủ được lợi thế từ các cuộc oanh kích để đánh bạt quân đội Libya vẫn đe dọa những thành phố phía Đông mà phe nổi dậy đã chiếm đóng.

Trong hàng tít lớn trang nhất Le Monde nhìn thấy là việc can thiệp ở Libya đang vấp phải sự thiếu tổ chức của lực lượng nổi dậy. Lý do, theo tờ báo, đó là vì trên hiện trường lực lượng nổi dậy vẫn tỏ vẻ chần chừ, không tiếp tục cuộc tấn công để giành lại những thành phố đã bị quân đội Libya chiếm lấy. Đặc phái viên của Le Monde, Rémy Ourdan, cùng đi với lực lượng nổi dậy trên đường đến thành phố Ajdabya, đã mô tả trong bài phóng sự thái độ chần chừ của họ, như đang chờ đợi «trận đánh lớn».

Theo Rémy Ourdan, bị cắt đứt với thế giới bên ngoài, thiếu trang thiết bị, không được huấn luyện, lực lượng nổi dậy dĩ nhiên không hay biết gì về cuộc tranh luận liên quan đến mục tiêu cuộc can thiệp hiện nay. Họ cũng không hiểu tại sao nhà báo nước ngoài cứ đặt những câu hỏi như trách móc họ không tấn công một cách nhanh chóng.

Theo Le Monde, câu hỏi lớn hiện nay đối với lực lượng nổi dậy cũng như đối với giới quan sát, là những người trong quân đội Kadhafi đã đào ngũ hiện đang ở đâu. Lực lượng trẻ đang đợi họ đến huấn luyện, hướng dẫn trên tuyến đầu. Vì thế họ cảm thấy hoang mang, thắc mắc về cuộc chiến «bất động» hiện nay.

Cách mạng Libya đang mất hơi sức?

Le Figaro cũng nhìn về Ajdabiya, chạy tít: «Ở phía Đông, phe nổi dậy bị khựng lại trước Ajdabiya». Tác giả bài phóng sự ví von: ngọn gió cách mạng Libya đã nhường chỗ lại cho gió cát. Nếu ngọn gió đầu đã xẹp xuống, thì ngọn gió thứ hai đang thổi ào ạt trên xa lộ băng qua sa mạc về phía Nam. Chân trời mù mịt, không thấy bóng dáng xe vũ trang của lực lượng nổi dậy. Thỉnh thoảng một chiến xa của quân đội Libya bắn một vài quả pháo, nhưng có vẻ cảnh cáo hơn là tấn công thực sự. Sau đó tình hình yên tĩnh trở lại. Không ai nhúc nhích gì cả.

Hiện giờ không ai biết là quân đội Libya trấn giữ Ajdabya là bao nhiêu người, nhưng từ Chủ nhật, họ vẫn ngăn chặn bước tiến của phe nổi dậy, mà phe này cũng cho thấy là chẳng muốn đánh đuổi họ mà chỉ ngồi chờ.

Họ chờ cái gì? Theo Le Figaro, có lẽ là họ chờ lực lượng Kadhafi tự rút lui hoặc là bị liên quân oanh tạc tiêu diệt. Nhưng dù sao thì lực lượng nổi dậy tại đây có vẻ như loại trừ hẳn khả năng chính họ mở cuộc tấn công.

Cuối cùng Le Figaro kết luận: phong trào cách mạng đã hết hơi, đã mất sức bật. Lực lượng của họ không có khả năng chủ động bất kỳ điều gì. Bằng chứng là chỉ một số rất ít lính của Kadhafi cũng đã ngăn chặn được họ ở Ajdabya.

Tờ báo cũng ghi nhận là các cuộc biểu tình cũng đã giảm cường độ, và thành viên Hội đồng Quốc gia lâm thời của phe nổi dậy cũng không thấy tăm hơi, họ hoàn toàn im hơi lặng tiếng.

M.V

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn