Đứa con 'Tây học' của đại tá Gadhafi

Đình Nguyễn

Lời bàn vui Chủ Nhật:

Cái nhà bác đại tá Ga-đa-phi này dại! Dại ở hai điều: chiều con quá đáng, và không biết cách dùng luật pháp có lợi cho con cái và gia đình, phe nhóm.

Trước khi cho con đi học nước ngoài, lý ra bác đại tá phải tìm cách sửa luật trong nước cái đã. Sửa luật báo chí để con cái hư hỏng tới đâu cũng vẫn im như re. Sửa luật đối ngoại để thằng con sang Thụy Sĩ ăn chơi mất dạy, bị người ta không cấp visa nữa, đành bênh con phá luật, gây xì-căng-đan ngoại giao. Sửa luật đầu tư để của cải tuồn ra tuồn vào không bị tắc nghẽn.

Và nhất là phải sửa bộ luật có nội dung “luật truyền thống” (tương tự như luật “gia truyền” trong ngành kinh doanh phở). Chẳng hạn quy định nguyên tắc gốc: cứ mấy năm hành nghề thì được coi là “gia truyền”? Nếu không đủ điều kiện, “gia truyền” phải đổi thành “di truyền” chẳng hạn.

Tương ứng, đại tá như bác Ga-đa-phi mà ngốc nghếch vậy, thì đánh tụt hạng xuống… y tá! Hè hè hè, xin lỗi các bác ngành Y… giỡn chơi chủ nhật cho đỡ buồn thời tăng giá… Chả là vì vừa mới được gợi ý từ Ngày truyền thống người thầy thuốc mà!

Bauxite Việt Nam

Saif al-Islam là một trong những người có ảnh hưởng nhất Libya hiện nay và cũng là tác nhân đưa nhiều người quan trọng ở phương Tây lâm vào thế khó do có quan hệ với chính quyền Gadhafi.

Giám đốc Trường Kinh tế London (LSE) Howard Davies hôm qua đệ đơn từ chức sau khi thừa nhận "có lỗi trong đánh giá" khi xây dựng mối liên hệ với chính quyền Libya. Ông từng tới thăm Libya để cố vấn cho chế độ Gadhafi về cải cách tài chính và nhận 300.000 bảng Anh tiền "công đức" cho trường từ con trai thứ hai của lãnh đạo Libya là Saif al-Islam, người sau đó làm nghiên cứu sinh tại LSE.

Sự ra đi của người đứng đầu LSE, một trong những trung tâm học thuật đẳng cấp thế giới, càng cho thấy mối liên hệ với chính quyền Gadhafi của nhiều người quan trọng tại phương Tây đang khiến họ lâm vào thế bí. Người đã dẫn dắt họ tới mối quan hệ có nhiều hệ lụy này không ai khác chính là Saif al-Islam Gadhafi.

clip_image001

Saif al-Islam mang vẻ ngoài hiện đại và là gương mặt được biết đến nhiều nhất trong số con cái của đại tá Gadhafi. Ảnh: AFP

Cánh cửa vào kho dầu

Saif al-Islam sinh năm 1972, là con thứ hai trong số 9 người con của đại tá Gadhafi. Năm 1997, Saif lập ra Quỹ phát triển và nhân đạo quốc tế mang tên cha mình khá nổi tiếng. Sau đó ông đi vào con đường học thuật để lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) tại Đại học Vienna năm 2000 và bằng tiến sĩ tại trường LSE London năm 2008.

Tư cách quý tử nhà Gadhafi, lãnh đạo suốt 4 thập kỷ tại đất nước dầu mỏ Libya, là thế mạnh giúp Saif al-Islam có mối quan hệ với nhiều nhân vật quan trọng tại Anh cũng như phương Tây. Bên cạnh đó, ấn tượng tốt của người này với giới truyền thông cũng góp phần nối dài danh sách những yếu nhân nước ngoài mà Saif có dịp giao thiệp.

Với dáng người cao ráo, điển trai và nói thứ tiếng Anh hoàn hảo, Saif al-Islam đã dần tạo thiện cảm với giới truyền thông nước ngoài như là gương mặt "có thể chấp nhận được" của chế độ Gadhafi. Saif nhờ đó được đánh giá là thuộc mẫu người cải cách và là niềm hy vọng cho sự mở cửa của đất nước Libya trong tương lai.

Tuy nhiên, "bảo bối" quan trọng nhất để Saif được giới chính trị, doanh nhân và học thuật có ảnh hưởng ở phương Tây ưu ái là việc họ nhìn thấy đây chính là cửa ngõ tiếp cận với nguồn dầu mỏ dồi dào của Libya. "Nếu Libya là một đất nước không có trữ lượng dầu mỏ, tôi không nghĩ Saif có thể thuyết phục được phương Tây", BBC dẫn nhận xét của tiến sĩ Omar Ashur thuộc Đại học Exeter.

Giống như những người con còn lại của Gadhafi, Saif sống trong nhung lụa từ bé. Lớn lên khi bước chân vào nền chính trị đã dọn sẵn, Saif cũng như cha khi khẳng định bản thân không hề giữ bất cứ chức vụ chính thức nào trong chính quyền. Ông cũng phủ nhận việc nắm những khoản ngân quỹ khổng lồ như lời lưu truyền trong "dân gian".

'Nhà đầu tư' cho tương lai

Nhưng khác với tuyên bố của Saif, hiện ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy thứ nam của nhà Gadhafi này đang kiểm soát khoản ngân quỹ quốc gia có trị giá nhiều tỷ USD mang tên Cơ quan Đầu tư Libya (LIA). Tổ chức này được cho là nắm giữ khối tài sản trị giá từ 80 đến 100 tỷ USD, có các văn phòng ở nước ngoài như tại London.

LIA cũng là đối tác trong bản hợp đồng thăm dò dầu mỏ giữa Libya với hãng BP năm 2007, trị giá 900 triệu USD. Ngoài ra, LIA còn nắm cổ phần trong câu lạc bộ bóng đá Juventus của Italy, đại gia dầu mỏ Italy Eni và trong tập đoàn Pearson, công ty mẹ của nhà xuất bản Penguin và tờ Financial Times danh tiếng.

clip_image002

Saif al-Islam còn được biết đến như một hoạ sĩ, khi giới thiệu các tác phẩm do mình vẽ. Ảnh: Forbes

Trong tiếng Ảrập, cơ quan LIA có nghĩa là "mẹ của các ngân quỹ", được lập ra với mục đích quản lý số tiền dư thừa từ nguồn xuất khẩu dầu mỏ của Libya để dành cho các thế hệ tương lai. Theo nguồn tin BBC, Saif đã bổ nhiệm một bạn cũ thời đại học là Mustafa Zarti thay mặt điều hành LIA vì sự trung thành và thân cận của người này.

Cách thức hoạt động khác thường của LIA ở chỗ Saif có quyền như "bố già", nhưng lại không chịu trách nhiệm cụ thể về bất cứ việc gì. Thông thường ông bàn thảo về các bản hợp đồng với những người bạn siêu giàu của mình tại các bữa tiệc riêng tư, hoặc sử dụng người trung gian và sau đó Zarti sẽ được chỉ đạo làm như thế nào. Nhưng cuối cùng thì cả Saif lẫn Zarti đều không đặt bút ký để chịu trách nhiệm về bất cứ thoả thuận nào.

Bộ đôi Saif và Zarti bị cho là tác giả của nhiều thoả thuận gây thua lỗ nhiều triệu USD cho LIA, như hợp đồng với siêu lừa Bernie Madoff và với doanh nhân Anh bạn thân của Saif là Nat Rothschild. Nói cách khác, LIA là một phần liên quan đến gia đình Gadhafi đang khiến một bộ phận người Libya nổi giận, dẫn tới bạo loạn hoành hành khắp cả nước.

Gương mặt nổi bật

Trong khi đó, bản thân các tài sản của LIA cũng đã bị nước ngoài phong toả theo lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhằm vào Libya. Cá nhân bộ đôi quyền lực nhất của tổ chức tài chính này là Saif và Zarti đang bị "sờ gáy" và cùng có tương lai chưa rõ ràng như nhau.

Nói về chính quyền Gadhafi, tiến sĩ Omar Ashur thuộc Đại học Exeter kết luận: "Nơi thích hợp cho nhiều nhân vật hàng đầu trong chính quyền này là Toà án hình sự quốc tế và một trong những gương mặt đó là Saif al-Islam. Họ là những người tự ngụy trang như những chú bồ câu, nhưng tôi nghĩ không có con bồ câu nào trong chính quyền Gadhafi, kể cả Saif".

Những mũi dùi từ bên ngoài chĩa vào Saif kể từ khi bạo loạn bùng lên ở Libya hơn hai tuần trước và ông trở thành người hay xuất hiện trên truyền hình với tư cách như phát ngôn viên của chính quyền Gadhafi. Mở đầu cho chuỗi xuất hiện này là việc Saif cảnh báo trên truyền hình quốc gia Libya hôm 20/2 về nguy cơ đất nước nổ ra nội chiến đẫm máu.

Saif cũng nhiều lần lên tiếng phủ nhận việc chính quyền Gadhafi cho không quân trấn áp người biểu tình chống đối và khẳng định sẽ đứng về phía cha đến cùng.

Đ. N.

Nguồn: Vnexpress.net

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn