Việt Nam và Ủy hội Sông Mêkông “dạy” Trung Quốc một bài học quản lý

Trọng Nghĩa

clip_image001

Vị trí dự định xây đập Xayaburi

INTERNATIONAL RIVERS

Lào mong muốn thúc đẩy đề án thủy điện Xayabury ngay trên dòng chính sông Mêkông. Khi được tham vấn, ba nước đồng minh của Lào trong Ủy hội Sông Mêkông (MRC) là Việt Nam, Thái Lan và Cam Bốt đều yêu cầu tạm dừng việc xây con đập. Dù Lào chưa có quyết định dứt khoát, nhưng tiến trình tham khảo ý kiến lẫn nhau giữa các nước hạ nguồn sông Mêkông trong hồ sơ này được cho là bài học cho Trung Quốc.

Trong cuộc họp tham vấn ngày 22/02/2011tại Thành phố Hạ Long về đề án thủy điện Xayabury của Lào, Ủy ban Sông Mêkông Việt Nam đã nhất trí khuyến cáo Vientiane đình hoãn việc xây con đập này trên sông Mêkông. Đối với đại diện chính phủ Việt Nam cũng như các chuyên gia, đập Xayabury trên dòng chính của sông Mêkông, sẽ tác hại rất lớn đến môi trường cũng như đến đời sống cư dân sinh sống phia dưới con đập, cụ thể là ở Cam Bốt và Đồng bằng Sông Cửu Long.

Về mặt kỹ thuật đập Xayabury chẳng có gì đáng nói. Theo thiết kế, nó sẽ dài 820m, cao hơn 32m, diện tích hồ chứa 49km2. Nếu công việc xây dựng diễn ra theo dự trù vào tháng 4/2011, thì con đập sẽ đi vào hoạt động năm 2019. Chủ đầu tư của đề án là một công ty Thái Lan, và khi vận hành, điện làm ra cũng chủ yếu bán cho Thái Lan.

Tuy nhiên, đề án Xayabury quan trọng ở vị trí địa dư của nó, nghĩa là nằm trên dòng chảy chính của sông Mêkông thuộc vùng hạ nguồn, khu vực đã có nhiều đập thủy điện khác, nhưng chỉ đặt trên các phụ lưu sông Mêkông mà thôi. Các đập trên dòng chính hiện đang tồn tại, đều do Trung Quốc xây dựng trên thượng nguồn.

Điểm quan trọng thứ hai là Xayabury là đề án đầu tiên được đưa lên dàn phóng trong số 12 đập thủy điện mà các nước Cam Bốt (2 đập) và Lào (10 đập) muốn xây dựng trên dòng chính của sông Mêkông trong thời gian tới đây. Nó cũng là đập đầu tiên mà công việc xây dựng đi theo một quy trình do Ủy hội Sông Mêkông bao gồm 4 nước vùng hạ nguồn (Việt Nam, Cam Bốt, Lào và Thái Lan) đề ra, gọi tắt là PNPCA (Procedures for Notification, Prior Consultation and Agreement), bao gồm 3 bước chính: thông báo cho nhau về dự án, tham vấn ý kiến của nhau và thỏa thuận với nhau.

Nếu được xây, Xayabury sẽ mở đường cho 11 con đập khác

Nếu được bật đèn xanh, thì Xayabury sẽ tạo tiền lệ cho việc xây dựng các con đập còn lại, đúng vào lúc mà các chuyên gia quốc tế, được Ủy hội Sông Mêkông tham khảo, đã thẩm định rằng chưa nên vội xây dựng đập thủy điện trên dòng chính của sông Mêkông, mà nên tạm hoãn các đề án ít ra trong vòng 10 năm, chờ nghiên cứu thấu đáo các tác động mọi mặt trước khi xúc tiến.

Vào tháng 9/2010, phía Lào đã gửi thông báo về dự án cho các nước thành viên trong Ủy hội Sông Mêkông, và cung cấp một số thông tin theo quy định của thủ tục PNPCA. Tiến trình tham khảo ý kiến đã được khởi động từ tháng 10/2010, trên nguyên tắc sẽ kéo dài trong 6 tháng và phải hoàn tất vào tháng 4/2011.

Trước Việt Nam, các cuộc họp tham vấn đã lần lượt được tổ chức ở Thái Lan, Cam Bốt. Kết luận của tất cả các nước đều giống nhau: đó là Lào nên đình hoãn việc xây dựng đập Xayabury, chờ có nghiên cứu đầy đủ về tác động mọi mặt của các con đập trên dòng chính, từ tác động môi sinh, cho đến tác động tích lũy, tác động xuyên biên giới...

Thái độ thận trọng của các nước láng giềng của Lào không phải là không có lý do vì tất cả các công trình nghiên cứu cho đến nay, dù chưa toàn diện, nhưng đều cho thấy là việc xây đập trên dòng chính sông Mêkông sẽ mang tính chất lợi bất cập hại.

Lợi ích kinh tế không là bao, tổn hại môi trường không kể xiết

Theo các chuyên gia, lợi ích kinh tế nói chung của các đập thủy điện sẽ không là bao, chỉ nhất thời và không đồng đều, chủ yếu có lợi cho Lào, trong lúc ba nước còn lại chẳng được bao nhiêu. Theo báo cáo đánh giá chiến lược môi trường của các chuyên gia quốc tế độc lập, một khi các công trình này được xây dựng, lợi tức thu về mỗi năm khoảng từ 3 đến 4 tỉ đô la nhờ nguồn điện bán ra cho các nước cần năng lượng. Lào sẽ hưởng lợi nhiều nhất, được 70% số tiền này, hơn xa Cam Bốt và Thái Lan chỉ được khoảng 11%. Việt Nam hẩm hiu nhất, nếu tham gia đầu tư thì chỉ thu được vỏn vẹn 5%.

Nguồn điện mà các con đập này làm ra cũng không thấm tháp vào đâu so với nhu cầu của các nước cần năng lượng trong vùng: công suất 12 đập thủy điện trên dòng chảy chính của sông Mêkông, sau khi vận hành đầy đủ, sẽ không bằng 5% tổng sản lượng điện cho Việt Nam, và chỉ đáp ứng được 6% nhu cầu điện của khu vực.

Tóm lại, lợi ích kinh tế như nói trên vừa ít ỏi, lại vừa nhất thời, trong lúc thiệt hại về môi trường, về sinh kế, về đời sống của cư dân trong vùng, ngược lại được cho là không kể xiết, và không thể đảo ngược được.

Việt Nam và Cam Bốt là hai nước sẽ bị tác hại nặng nề nhất. Đối với các chuyên gia, các nước hạ nguồn sông Mêkông hiện đã phải gánh chịu hậu quả của việc Trung Quốc đơn phương xây hàng loạt đập thủy điện khổng lồ trên dòng chảy chính của con sông trên thượng nguồn, do đó không nên tự hại mình bằng cách bắt chước Trung Quốc.

Trong lãnh vực phù sa chẳng hạn, báo chí Việt Nam đã dẫn lời ông Trương Hồng Tiến, chuyên viên văn phòng thường trực của Ủy ban Sông Mêkông Việt Nam, nhận định tác hại của các đập thủy điện trên dòng chính của sông Mêkông như sau: các hồ thủy điện của Trung Quốc sẽ giữ lại 50% lượng phù sa của sông Mêkông, còn các con đập hạ lưu sông Mêkông cũng chặn thêm 25% khác.

Do đó, Việt Nam và Cam Bốt sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất về mức giảm độ dinh dưỡng đất, riêng phù sa ở Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ bị giảm đáng kể, từ 26 triệu tấn xuống còn 7 triệu tấn mỗi năm. Trong tình hình đó, đương nhiên là hai ngành sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản bị tác hại to lớn.

Về mặt sinh thái cũng thế, các con đập sẽ chặn đường di cư của các loài cá nước ngọt, không thể vượt nổi bậc thang cao 32m như của đập Xayabury chẳng hạn. Sự tồn tại của nhiều loài cá nước ngọt sông Mekong sẽ bị đe dọa, trong lúc cuộc sống cư dân hai bên bờ sông phia dưới sẽ bị đảo lộn vì quá trình xói mòn bờ sông, đất đai sạt lở. Lưu lượng nước bị giảm sẽ tạo điều kiện cho nước biển lấn sâu vào đất liền, làm cho hiện tượng ngập mặn thêm nghiêm trọng.

Cách xử lý hồ sơ Xayaburi: bài học cho Trung Quốc

Phỏng vấn chuyên gia môi truờng Nguyễn Đức Hiệp tại Úc

Như vậy là sau Thái Lan, và Cam Bốt, đến lượt Việt Nam khuyến cáo Lào nên tạm hoãn việc xây dựng đập Xayabury. Đối với chuyên gia môi trường Nguyễn Đức Hiệp tại Úc, lập trường nói trên rất hợp lý trong bối cảnh giới nghiên cứu đã liên tiếp báo động về tác hại tiềm tàng của các con đập trên dòng chẩy chính của sông Mêkông đối với môi trường dòng sông, cũng như là đời sống hàng chục triệu cư dân sinh sống trong vùng hạ lưu.

Tác hại này không chỉ là lý thuyết, mà trong thực tế, các con đập ngăn dòng chính của sông Mêkông mà Trung Quốc đã xây trên thượng nguồn đã bắt đầu gây ra những ảnh hưởng tai hại cho cả con sông lẫn cho cư dân phía dưới. Theo chuyên gia Nguyễn Đức Hiệp, bốn nước hạ nguồn đã không được Trung Quốc tham khảo khi họ xây đập, nay nếu lại làm như Trung Quốc thì không thể chỉ trích Trung Quốc được nữa.

Điểm đáng nói nhất, theo anh Hiệp, là khi áp dụng quy trình tham vấn cẩn thận trước khi xây đập, Việt Nam và các nước hạ nguồn sông Mêkông đã dậy cho Trung Quốc một bài học về tính minh bạch, tôn trọng lẫn nhau khi quản lý một dòng sông chung.

T. N.

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn