CẢM HỨNG ANH HÙNG - THI NHÂN TRONG THƠ TRẦN QUANG KHẢI(*)

Nguyễn Huệ Chi

Trần Quang Khải sinh năm Tân Sửu niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình thứ 10 dưới triều Trần Thái Tông (1241), mất ngày 3 tháng Bảy năm Giáp Ngọ niên hiệu Hưng Long thứ 2 dưới triều Trần Anh Tông (26-VII-1294). Quê quán ở hương Tức Mặc, sau đổi thành phủ Thiên Trường, nay thuộc thành phố Nam Định, nhưng chắc nơi sinh là Thăng Long, và vì là vương hầu tôn thất nhà Trần nên cũng như nhiều vương hầu khác, ông có trang ấp riêng ở hương Độc Lập, nay thuộc xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, nơi vẫn còn đền thờ ông cùng với mộ và tấm bia ghi tiểu sử và hành trạng của người vợ mẫu mực của ông, Công chúa Phụng Dương.

Là con trai thứ ba vua Trần Thái Tông, em ruột vua Trần Thánh Tông, nổi tiếng là người học rộng biết nhiều, “hiểu biết tiếng nói của các phiên”(1), ông được các vua Trần hết sức biệt đãi, ngay từ còn rất trẻ (17 tuổi) đã được phong tước Chiêu Minh Đại vương và sớm trở thành một trụ cột của Triều đình. Năm 1261, vừa tròn 21 tuổi, vua Trần Thánh Tông giao cho ông chức Thái úy. Trên cương vị đó, năm 1267, ông được cử vào trông coi đất Nghệ An, sử dụng vị Trạng nguyên của xứ Nghệ là Bạch Liêu làm môn khách. Đến năm 1271, ông lại được phong lên chức Tướng quốc Thái úy nắm quyền coi giữ việc nước. Thời gian này quan hệ giữa Đại Việt với nhà Nguyên ngày một căng thẳng, ông và Triều đình phải tính kế đối phó việc tiếp sứ Sài Thung, cố sức làm dịu bớt thái độ hống hách của y, mặt khác dứt khoát khước từ âm mưu lập An Nam tuyên úy ty của vua Nguyên. Liền năm sau, nhà Nguyên chuẩn bị cuộc xâm lược quy mô xuống Đại Việt lần thứ hai, sau hội nghị Bình Than vào mùa đông năm đó, Trần Quang Khải được phong lên chức Thượng tướng Thái sư, toàn quyền công việc nội chính. Trong những năm 1285 và 1287-1288, hai cuộc kháng chiến chống Nguyên kế tiếp nổ ra, ông đã góp phần công sức quan trọng vào thắng lợi quyết định của nhà Trần.

Cuộc đời Trần Quang Khải là một tấm gương sáng về tinh thần trách nhiệm, tận tụy với xã tắc và với sự bền vững của ngai vàng dòng họ Trần. Tuy là một Tể tướng địa vị bậc nhất trong triều, tính tình ông lại rất phóng khoáng, “ham học, hay thơ, có Lạc đạo tập (Tập thơ vui đạo) lưu hành ở đời”(2), được Phan Huy Chú đánh giá là “lời thơ sâu xa lý thú” (3). Nhưng Lạc đạo tập từ lâu đã mất. Chỉ còn giữ được 9 bài: Tụng giá hoàn Kinh sư (Phò giá trở về Kinh), Tặng Bắc sứ Sài Trang Khanh Lý Chấn Văn đẳng (Tặng các vị sứ Bắc Sài Trang Khanh, Lý Chấn Văn), Tống Bắc sứ Sài Trang Khanh (Tiễn sứ Bắc Sài Trang Khanh), Đề dã thự (Đề thơ ở biệt thự đồng quê), Phúc Hưng viên (Vườn Phúc Hưng), Lưu Gia độ (Bến đò Lưu Gia), Xuân nhật hữu cảm (Cảm xúc ngày xuân) 2 bài, do Phan Phu Tiên sưu tập trong tập Việt âm thi tập ở thế kỷ XV, trong số đó có bài Đề dã thự, trùng với bài Tịnh Bang cảnh vật (Cảnh vật đất Tịnh Bang) của Trần Tung trong Thượng sĩ ngữ lục, đến nay tuy vẫn chưa đủ cứ liệu để xác minh ai là tác giả đích thực, nhưng trong bài có nói đến vị trí của trang trại được miêu tả là ở ngay ngoại ô kinh kỳ, trong khi Dưỡng Chân trang thuộc ấp phong Tịnh Bang của Trần Tung được biết hiện ở làng Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, nên có nhiều khả năng là thơ của ông. Ngoài ra, sách Việt điện u linh cũng có ghi được một bài thơ mang tên ông, bài Đề Bạch Mã từ (Đề thơ đền Bạch Mã) là thơ ghi lại một nghi lễ trọng đại được triều đình cử hành và chắc chắn do ông đóng vai chủ trì, nhằm kêu gọi thần linh phù trợ ngay khi bắt đầu tiến hành công cuộc chống xâm lược phương Bắc. Như vậy, chung quy, số lượng còn lại cũng chỉ trong giới hạn 10 bài.

Mặc dầu chỉ vẻn vẹn có thế, thơ Trần Quang Khải trước sau vẫn là một trong những chùm sáng tác tiêu biểu nhất của dòng thơ mang cảm hứng “xã tắc” đời Trần. Ở đây, có sự phối hợp khó chia tách giữa tiếng nói của một nhà chính trị, một nhà ngoại giao và một thi nhân. Có tình yêu thâm trầm mà cháy bỏng đối với đất nước, tầm nhìn xa rộng, khí phách kiên cường và lòng tin vững chắc vào thắng lợi; cũng có cái cười xã giao mềm mỏng với kẻ thù khi cần phải “chén tạc chén thù” với chúng; lại cũng có niềm vui hồn nhiên thoải mái khi được ngắm nhìn non sông toàn vẹn, được thưởng thức không chán những cảnh vật lạ lùng, tươi thắm mà mình thực sự là người chủ, hay đúng hơn là một người bạn tri kỷ tri âm. Điều quan trọng là xét về giọng điệu và ngôn từ, bài nào trong số 10 bài cũng mang cốt cách khoáng đạt tài hoa của một thi nhân cỡ lớn, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi cái âm hưởng chung của cả một thời mà nhà thơ không phải ngoại lệ, là âm hưởng sử thi, nhưng đây đó vẫn bộc lộ hồn nhiên phẩm chất con người tác giả.

Trần Quang Khải có xã giao thù tạc cũng là cái thù tạc không cần phải gắng gượng hay khách sáo, mà trái lại rất dung dị, hiếm người có được:

Nhất đàm tiếu khoảnh, ta phân quệ,

Cộng xướng thù gian, tích đối sàng.

(Tống Bắc sứ Sài Trang Khanh)

(Vừa nói cười đó mà thoắt đã ngậm ngùi dứt áo,

Tiếc những lúc hai giường đối diện xướng họa

cùng nhau).

 

Và Trần Quang Khải có ngắm nhìn đồng quê trong tư cách một vị chủ nhân trang trại thì vẫn là cái nhìn đột xuất, tình tứ khác thường :

Dã thự tân khai, cảnh vật tân,

Phương phi đào lý, tứ thời xuân.

Nhất thanh ngư địch, thanh lâu nguyệt,

Kỷ phiến nông thoa, bích lũng vân.

(Đề dã thự)

(Trại giữa đồng quê dựng mới rồi,

Thơm tho đào mận bốn mùa tươi.

Lầu cao trăng biếc: vi vu sáo,

Lũng rợp mây xanh: lấp loáng tơi) (4)

Câu thơ bắt nguồn từ cảm xúc thực trong đáy lòng người viết, nhưng nghe ra như có nhuốm ý vị siêu thực: chỉ một tiếng sáo chài cất lên mà ánh trăng trên lầu bỗng xanh hơn; và vài mảnh tơi lá của mấy bác nông phu nổi rõ dưới lũng khiến cho cả vầng mây thêm biếc. Tình yêu nồng thắm của Trần Quang Khải thấm được vào hồn cảnh vật, làm cho cảnh vật như hư như thực.

Sau nữa, ấn tượng tươi tắn của chúng ta đối với thơ Trần Quang Khải - thi nhân còn ở chỗ, như trên đã nói, ta biết tác giả những vần thơ không chút gò gẫm này là một vị Thái sư Thượng tướng, cùng với Trần Quốc Tuấn là hai nhân vật đứng đầu hàng văn và hàng võ, đã từng hao tâm tổn sức góp phần không nhỏ vào công cuộc dựng nước và giữ nước đời Trần. Kể từ khoảng mươi năm sau cuộc kháng chiến chống Nguyên lần thứ nhất (1258), gánh nặng của triều chính và xã tắc đã thực sự dồn lên vai hai ông. Ròng rã gần hai thập niên tạm gọi là hòa bình mà kỳ thực là chuẩn bị lực lượng rất khẩn trương ấy, với cương vị một ông quan đầu triều, Trần Quang Khải đã ra sức chèo chống về nội trị, ngoại giao, đưa vương triều Trần vượt qua nhiều thử thách, nhất là những cuộc đấu trí mệt nhọc, căng thẳng với đám sứ giả Nguyên Mông. Những bài thơ ông làm trong các dịp này cũng giống như những bài thơ tiếp sứ của Trần Nhân Tông và nhiều người khác, có cái mềm mỏng, nhún nhường về lời lẽ, nó là một sách lược nhất quán trong quan hệ nhiều đời giữa nước ta với các đế chế phương Bắc vốn luôn luôn tự thị vào cái “lớn”, cái “khỏe” của họ. Nhưng trên bề nổi là quan hệ trọng thị, nể nang mà dưới bề sâu lại là sự cân nhắc rạch ròi từng lời từng chữ của một con người ở vào cương vị đòi hỏi phải rất giàu bản lĩnh:

Khẩu hàm uy phúc quân bao biếm,

Thân bội an nguy quốc trọng khinh.

Cảm chúc tứ hiền quân phiếm ái,

Hảo vi noãn dực Việt thương sinh.

(Tặng Bắc sứ Sài Trang Khanh, Lý Chấn Văn đẳng)

(Miệng nói lời oai phúc thay vua mà khen chê,

Thân mang theo sự an nguy quan hệ đến việc

lớn nhỏ của nước nhà.

Dám xin cầu chúc bốn vị sứ giả hiền tài có lòng

yêu thương rộng lớn,

Ra sức che chở cho con dân nước Việt).

 

Mới nghe, đây là một lời tán dương có phần to tát. Hình ảnh mấy ông sứ giả tưởng như được đề cao lên tận mây xanh. Nhưng có đối chiếu với sử mới thấy hết cái thâm thúy trong đòn phép ngôn từ ngọt ngào đưa đẩy của người làm thơ. Sài Trang Khanh là hiệu của Sài Thung, là Thượng thư Bộ Lễ của nhà Nguyên, từng ba lần đóng vai Chánh sứ sang Đại Việt trong vòng bốn năm sát trước cuộc kháng chiến lần thứ hai, từ 1278 đến 1281. Vì quân Nguyên vừa liên tiếp đánh bại đi đến xóa sổ nhà Nam Tống trong năm 1278 vắt sang đầu năm 1279, khí thế đang như chẻ tre, lại chưa thật sự nếm mùi thất bại trên chiến trường Đại Việt(5), nên trong cả ba lần đến nước ta, lần nào Thung cũng tỏ ra ngông nghênh, không mấy “chơi đẹp”. Cuối năm 1278, Thung không theo lộ trình thông sứ quen thuộc giữa hai nước mà theo chỉ dẫn của Hốt Tất Liệt, đi thẳng từ Giang Lăng (Hồ Bắc) qua Ung Châu (Quảng Tây) để đột nhập Đại Việt. Khi đến trại Vĩnh Bình ở Ung Châu, vua Trần Thánh Tông nghe tin cho người đưa thư nói: “Nay nghe Quốc công đến biên giới nước tôi, biên dân không ai là không lo sợ, không biết sứ nước nào mà đến lối đó, xin đem quân về đường cũ mà đi” (6). “Sài Thung không chịu, lại còn hách dịch, đòi phải lên biên giới đón mình. Triều đình Trần đành phải nhân nhượng chút ít, cho Ngự sử trung tán coi Thẩm hình viện Đỗ Quốc Kế lên đón Thung. Tháng 1 năm 1279, Thái úy Trần Quang Khải ra bờ sông Hồng đưa Thung vào sứ quán ở Thăng Long [...]. Vua Trần đặt tiệc ở hành lang, Sài Thung không chịu đến, phải đặt tiệc ở điện Tập Hiền, hắn mới đến dự” (7). Sài Thung sang lần này cốt ép vua Trần phải thân sang chầu vua Nguyên. Nhưng rồi khi thấy Thượng hoàng Trần Thánh Tông lấy cớ không quen thủy thổ từ chối không đi, ông ta đã bực tức bỏ về nước. Tháng Mười hai năm 1279 Thung lại sang cùng Thượng thư Bộ Binh Lương Tằng đòi Trần Thánh Tông: “Nếu quả không thể sang bệ kiến thì phải dồn vàng lại thay cho thân mình, lấy hai hạt châu thay cho mắt mình, thứ nữa lấy hiền sĩ, phương kỹ, con trai con gái, thợ thuyền mỗi loại hai người thay cho thổ dân trong nước. Bằng không thế hãy sửa sang thành trì đợi chờ khu xử” (8). Còn đến năm 1281 thì Thung được lệnh Hốt Tất Liệt đem một nghìn quân lính hộ tống Trần Di Ái là chú họ vua Trần Nhân Tông về nước kiếm cớ khiêu khích Triều đình Trần. Trước đấy Trần Di Ái vâng mệnh Trần Nhân Tông đi sứ Bắc nhằm làm giảm bớt cơn thịnh nộ ngày một nung nấu trong lòng vua Nguyên. Bất đồ Ái được nhà Nguyên phong lên làm Quốc vương và cho Sài Thung đưa về, với ý đồ xóa luôn ngôi vua của Trần Thánh Tông(9). Chẳng cần nói cũng biết thái độ của ông Chánh sứ Bắc triều trong chuyến đi sang Đại Việt lần này còn “kẻ cả” hơn cả hai lần trước: “Xuân ngạo mạn, vô lễ, cưỡi ngựa đi thẳng vào cửa Dương Minh. Quân sĩ Thiên Trường ngăn lại, Xuân dùng roi ngựa đánh họ bị thương ở đầu. Khi đến Viện Tập Hiền, thấy chăng bày màn trướng mới chịu xuống ngựa. Vua sai Quang Khải đến sứ quán tiếp đãi, Xuân nằm khểnh không chịu ra. Quang Khải vào hẳn trong phòng, Xuân cũng không dậy”(10). Thậm chí sau đấy Trần Quốc Tuấn phải gọt tóc đóng giả một nhà sư phương Bắc đến sứ quán, theo tập quán Thung đành phải ngồi dậy tiếp ông, vậy mà quân lính của y đã đáo để dùng mũi tên đâm vào phía sau đầu ông chảy máu để thử xem ông có mất bình tĩnh hay không(11). Đến đất nước người mà hành xử gai mắt đến thế thì thử nghĩ, trong đối thoại, miệng lưỡi đám sứ giả nhà Nguyên do Sài Thung dẫn đầu phải hùng hổ, cao đạo đến thế nào(12). “Khẩu hàm uy phúc quân bao biếm / Miệng nói ra những lời tác oai tác phúc, thay vua mà khen chê”, rõ là Trần Quang Khải đã không hề nói tôn mà chỉ vẽ lại chân dung đích thực của bọn họ, gợi tả sự đa giọng trong lời lẽ của họ. Ngòi bút khắc họa của ông rất nghiêm trang mà vô hình trung lại ngụ một ý vị châm biếm, bởi chính đối tượng ông đang miêu tả vừa lên giọng dạy dỗ khiến vua tôi nhà Trần nghe đến phát mệt, nhưng khách quan mà nói, lại cũng mang dáng dấp của những tên hề. Đặt vào văn cảnh tiếp sứ uy nghi, khi đối phương đang trổ hết cái mã kiêu căng, thao thao bất tuyệt, bài thơ do “bồi thần An Nam” nhã nhặn ứng khẩu hiển nhiên có tác dụng kìm bớt “khí kiêu” của đám con trời kia, làm xẹp hẳn bầu không khí đang bị “quan trọng hóa”, ôn tồn đưa họ trở về với hiện thực. Vâng, oai phong, vị thế của các ngài thì quả là ghê gớm, không ai dám phủ nhận, vì các ngài là đại diện cho Thiên triều kia mà. Song ngẫm cho cùng, các ngài chỉ giữ được tư cách ấy khi các ngài biết cúi nhìn xuống đám “con đỏ” của nước chúng tôi, vì họ mà làm một đôi điều có ích. Bài thơ ngỡ như lời khẩn cầu hóa ra còn gói ghém một đài từ phản vấn phía sau xướng ngôn của chủ thể, một sự nói ngược kín đáo ý nhị. Và ta chợt nhận ra dụng ý của người làm thơ: tất cả những cụm từ trang trọng, mang âm hưởng ngợi ca của 6 câu đầu rút lại đều chỉ là một cách nói nghi thức. Đó là thứ ngôn ngữ đưa đẩy, những sáo ngữ. Chỉ có hai câu cuối cùng mới là lời nói có trọng lượng ngữ nghĩa: “Cảm chúc tứ hiền quân phiếm ái / Hảo vi noãn dực Việt thương sinh - Dám xin cầu chúc bốn vị sứ giả hiền tài có lòng yêu thương rộng lớn / Hãy ra sức che chở cho con dân nước Việt. Sức nặng của toàn bài dồn cả vào đấy và thủ pháp “ý tại ngôn ngoại” của nhà thơ cũng là ở đấy.

Từ cách hiểu này ta sẽ còn “giải mã” được một bài thơ ngoại giao khác của Trần Quang Khải, cũng là bài tiễn chính Chánh sứ Sài Thung. Sài Thung trong các lần sang sứ Đại Việt đều muốn coi mình là người đứng ngang hàng với vua Trần. Tất cả những tranh chấp gay go xung quanh việc tiếp sứ mà phía Đại Việt phải bị động đối phó là phát sinh từ ý đồ thâm hiểm ấy. Việc Sài Thung không chịu để cho Trần Quang Khải đến sứ quán giao hảo với mình cũng là vì tâm địa trịch thượng đó. Triều đình Trần không ai không hiểu rõ dã tâm của ông ta và chắc đã phải “chịu đựng” ông ta một cách nhẫn nại đến quá sức. Thế mà trong bài thơ tiễn biệt khi Sài Thung giã từ, Trần Quang Khải vẫn không hề gợn một ý gì khó chịu, trái lại còn nói ra những lời lưu luyến, thân tình:

Tống quân quy khứ độc bàng hoàng,

Mã thủ xâm xâm chỉ đế hương,

Nam Bắc tâm tình huyền phản bái,

Chủ tân đạo vị phiếm ly trường.

Nhất đàm tiếu khoảnh, ta phân quệ,

Cộng xướng thù gian, tích đối sàng.

Vị thẩm hà thời trùng đổ diện,

Ân cần ác thủ tự huyên lương.

(Tống Bắc sứ Sài Trang Khanh)

(Tiễn ông ra về, mình tôi luống những bâng

khuâng,

Đầu ngựa xăm xăm hướng về nẻo quê hương Hoàng đế

[thiên triều] mà cất bước.

Nỗi lòng Nam Bắc lưu luyến trên ngọn cờ người ra đi,

Tình chủ khách dạt dào trong chén rượu ly biệt.

Vừa nói cười đó mà thoắt đã ngậm ngùi dứt áo,

Tiếc những lúc hai giường đối diện xướng họa

cùng nhau.

Biết bao giờ lại được gặp mặt,

Để nắm tay ân cần kể nỗi hàn huyên) .

 

Đằng sau cái nội dung ước lệ diễn đạt tình cảm lưu luyến người đi kẻ ở, thông điệp chủ yếu bài thơ muốn gửi gắm là gì? Không có gì khác hơn là sự đáp trả một cách lịch sự thái độ xấc xược của Chánh sứ họ Sài. Ta đã biết yêu sách của Sài Thung là buộc nhà Trần phải đặt mình lên hàng thượng khách cao hơn hẳn các quan chức An Nam có phẩm trật cao nhất. Trần Quang Khải không thế, giữ bằng được vị trí cân bằng giữa mình với đối thủ: giữa ngài với tôi chúng ta hoàn toàn bình đẳng, ngài là một sứ giả và tôi là ông quan tiếp sứ - quan hệ chủ / khách ấy bao giờ cũng thường trực trong ý nghĩ của tôi và thể hiện thành tình cảm của tôi (Chủ tân đạo vị phiếm ly trường - Tình chủ khách dạt dào trong chén rượu ly biệt). Về phía ngài thiết tưởng cũng cần sòng phẳng mà chấp nhận sự thực đó. Ngay cả khi gặp lại nhau sau này, nếu như ngài có dịp sang nữa, thì cũng chỉ là gặp tôi trong tư thế ngang hàng ngang bậc, để hàn huyên, tâm sự, giãi bày, nếu ngài muốn (Vị thẩm hà thời trùng đổ diện / Ân cần ác thủ tự huyên lương - Biết bao giờ lại được gặp mặt / Để nắm tay ân cần kể nỗi hàn huyên). Thế thôi, chứ không phải để ngài hống hách, chơi trội, muốn chòi lên ngang với thiên tử nước tôi, hoặc tự tiện yêu sách này khác với bậc nhân chủ của chúng tôi. Có nhìn trong ngữ cảnh ấy, những cụm từ “trùng đổ diện”/ mặt nhìn mặt lần nữa, “ân cần ác thủ”/ tay nắm tay ân cần... mới có giá trị là những “nhãn tự” với ý nghĩa song quan vô cùng thâm thúy. Người làm thơ đã chủ động nhắc khéo cho đối tượng của mình biết: ông hãy trở lại đúng với cương vị thực của ông, và một khi ông không vượt qua giới hạn, thì tôi vẫn là một người bạn rất mực ân tình.

Sẽ không phải là thừa khi nhắc lại rằng, tuy hết sức dụng công dùng từ lập ý, bản lĩnh của Trần Quang Khải biểu hiện trong thơ vẫn mang một sắc thái hồn nhiên, do ông sẵn có một nội lực thâm hậu, nên không hề gây cảm giác cường điệu hay gò gẫm. Đứng trước một vị thần nổi tiếng uy linh như thần Bạch Mã, phía sau những lời lẽ trịnh trọng, ông vẫn có cái giọng tưởng như ẩn giấu một nét hài hước, đùa cợt:

Tích văn nhân đạo Đại vương linh,

Kim nhật phương tri quỷ thiếp kinh.

Hỏa tụ tam khu phần bất cập,

Phong trần nhất trận phiến nan khuynh.

Chỉ huy võng lượng tam thiên chúng,

Đàn áp chư ma bách vạn binh.

Nguyện phục dư uy thôi Bắc địch,

Đốn linh hoàn vũ yến nhiên thanh.

(Đại vương xưa nức tiếng oai linh,

Nay mới hay rằng ma quỷ kinh.

Lửa táp ba khu không cháy miếu,

Gió lay một trận chẳng nghiêng mình.

Khiến sai bọn quỷ ba nghìn đứa,

Đánh dẹp loài ma trăm vạn binh.

Nhờ cậy dư uy trừ giặc Bắc,

Vụt đưa đất nước đến thanh bình)(13)

 

Nụ cười trào lộng của nhà thơ nằm ở hai câu cuối, trong cách dùng những chữ mang hàm nghĩa thậm xưng: “nguyện phục dư uy” / chỉ xin một chút oai thừa; “đốn linh hoàn vũ yến nhiên thanh” / đột ngột khiến cho cả vũ trụ này trở nên trong lặng. Đó là lời khẩn cầu, mong ước, hay là một sự tỉnh táo cần thiết của lý trí trong khi nhà thơ đang tiến hành một nghi thức quan trọng, thay mặt cho Triều đình cầu khấn với thần linh? Trong tiếng nói nhiều chiều của bài thơ có lẽ là có cả hai mặt tương phản trên, bởi tác giả ở cương vị của mình phải là người hiểu hơn ai hết rằng giữa tình thế thiên nan vạn nan đang đe dọa quân dân Đại Việt thì thần dẫu có thiêng đến bao nhiêu cũng chẳng thể nào chỉ trong phút chốc xoay chuyển được cục diện. Cũng vậy, trong bài Đề dã thự phần trên đã dẫn, sau những câu rất đậm cảm hứng trữ tình về cảnh vật đồng quê nơi ngôi nhà mình mới dựng, nhà thơ bỗng chuyển sang một lời kết hài hước:

Quỷ thần ám địa thâu tương ngữ:

Nhất đoạn phong quang khả ẩn quân.

(Quỷ thần đang bàn vụng với nhau trong chỗ kín đáo:

Rằng một giải phong quang này có thể làm nơi ẩn dật

cho nhà ngươi được đấy).

 

Có thể nói, nghệ thuật thơ Trần Quang Khải là nghệ thuật mai phục: ông luôn luôn dành cho hai câu kết một tứ rất mới nhằm chuyển tải một điều gì đó mà ông cố giấu cho đến phút cuối cùng. Vì thế, bài thơ nào của ông cũng gây được ấn tượng đột ngột buộc tâm lý tiếp nhận của người đọc phải thay đổi mau lẹ, tầm thước con người thơ phút chốc được nâng lên một tư thế rất cao. Kết cấu bài thơ vì thế thường tạo ra một sự tương phản, giữa phần đầu và phần cuối, đưa cảm xúc thẩm mỹ đến một sự thăng hoa về chất. Nhưng nhờ đó người ta càng có dịp nhìn sâu vào con người chủ thể, tìm thấy sự gắn quyện khăng khít giữa phong cách con người thực và con người hiện diện trong thơ. Với Trần Quang Khải, tấm lòng hăng hái bất kỳ việc gì cũng không từ nan, cũng thung dung nhận lấy và làm hết mình, ông giữ được cho mãi đến già. Và cái nét ngang tàng, hào mại trong bản chất của ông cũng vậy, vẫn là một cốt tính đặc sắc làm trẻ trung mãi ngòi bút của nhà thi sĩ. Bài thơ Cảm xuân có lẽ làm ít lâu trước lúc mất là biểu hiện kết hợp cả hai phương diện vừa nói:

Vũ bạch phì mai tế nhược ti,

Bế môn ngột ngột tọa thư si.

Nhị phần xuân sắc nhàn tha quá,

Ngũ thập suy ông dĩ tự tri.

Cố quốc tâm hoàn phi điểu quyện,

Ân ba hải khoát túng lân trì.

Sinh bình đởm khí luân khuân tại,

Giải đảo đông phong phú nhất thi.

(Cảm xuân, I)

(Lâm râm mưa bụi gội hoa mai,

Khép chặt phòng thơ ngất ngưởng ngồi.

Già nửa phần xuân cam bỏ uổng,

Tới năm chục tuổi biết suy rồi.

Mơ màng nước cũ chim bay mỏi,

Khơi thẳm nguồn ân, cá khó bơi.

Đảm khí ngày nào rày vẫn đó,

Đè nghiêng ngọn gió đọc thơ chơi !)(14)

 

Bài thơ gợi một thi hứng thật man mác, bâng khuâng! Trước mắt người đọc hiện ra hai con người: một người thơ và một tráng sĩ. Người thơ ngồi lặng trong phòng như si như ngây, suy tưởng mênh mang về đất nước, về ơn vua, về tuổi trẻ và những tháng năm đã trôi vào dĩ vãng. Có một chút ngậm ngùi, tiếc rẻ cho phần đời xuân sắc đã trôi qua trong cuộc chiến mà những người như mình từng phải gánh chịu. Còn người tráng sĩ thì vẫn tỉnh táo, dồn hết tâm trí canh giữ xã tắc trong bao nhiêu năm không lúc nào lơi lỏng, và vẫn chờ đợi với tấm lòng nhiệt huyết những nhiệm vụ hệ trọng mà xã tắc phó thác cho mình! Tưởng chừng hai con người là hai nhân vật khác hẳn nhau, đồng hành trên suốt một chặng đường dài... vừa chẵn năm mươi năm. Nhưng nào đâu có phải! Để có được cái mê si đầy khoái cảm của chàng thi nhân kia - mê si trong khung cảnh yên bình, nhàn nhã của đất nước - tất phải nhờ vào cái tỉnh táo trường kỳ, không biết mệt mỏi của người tráng sĩ nọ. Và quả tình là ở phần cuối bài thơ, cả anh hùngthi nhân đều đã nhập trở lại trong một hình tượng nhất quán. Cảm hứng của người thơ có vẻ như lâng lâng, dàn trải ở phần đầu, đến đây cũng được xác định lại cụ thể: là niềm hứng khởi, là ý thức sắc bén trước món nợ đối với xã tắc của mọi đấng nam nhi:

Sinh bình đởm khí luân khuân tại,

Giải đảo đông phong phú nhất thi.

(Chí khí dũng lược lúc sinh bình hãy còn

hăng hái.

Muốn quật ngã gió đông mà ngâm lên một

bài thơ).

 

Những từ ngữ rắn chắc “sinh bình đởm khí” đi liền với từ láy “luân khuân” nghe như tiếng giáo mác vang lên loảng xoảng. Và hình tượng “giải đảo đông phong” / quật ngã gió đông gợi lên sức mạnh của một người làm thơ không phải trong phòng vắng nữa mà ngay trên mũi con thuyền chiến của mình. Không cần nghiền ngẫm sâu hàm nghĩa hai câu thơ muốn nói lên điều gì thì kết cấu ngôn ngữ đặc sắc tự nó đã dồn cảm xúc của người nghe đến trạng thái hứng khởi nhất. Không thể nói khác đi rằng hai câu kết như một điểm son nghệ thuật đã làm trọn vẹn bức chân dung tự họa của nhà thơ cũng là vị tướng cầm quân.

Một bài thơ tương tự là bài Phúc Hưng viên. Nhà thơ phác vẽ cảnh sống thanh đạm của mình ở vườn Phúc Hưng, có thể là một trang trại khác của ông. Tưởng như không còn việc gì khác trong tình cảnh “lão giả an chi” của người làm thơ ngoài cái việc sáng chiều ngắm nhìn mai và trúc, hoặc pha chè đãi khách và chăm sóc giàn cây thuốc bảo bối dưỡng già của mình:

Phúc Hưng nhất khúc thủy hồi hoàn,

Trung hữu bình viên sổ mẫu khoan.

Mai ổ tuyết tiêu châu bội lỗi,

Trúc đình vân quyển bích lang can.

Thử lai yêu khách kiêu trà uyển,

Vũ quá hô đồng lý dược lan.

(Một dòng nước chảy bao quanh vườn Phúc Hưng,

Ở giữa là một khu vườn bằng phẳng rộng đến vài mẫu.

Bờ mai khi tuyết tan, nụ lóng lánh hạt châu,

Đình trúc lúc mây cuốn, lá xanh cành biếc.

Nắng lên, mời khách pha chén trà,

Mưa tạnh, gọi gia đồng sửa lại giàn thuốc)

 

Hẳn không ai phủ nhận đây là một bài thơ tức cảnh vào loại hay trong thơ Đường luật. Nhưng nếu chỉ có thế thì cũng không có gì đáng nói nhiều vì nó sẽ chìm đi giữa vô vàn bài thơ tức cảnh đặc sắc khác. Vấn đề làm cho bài thơ gây ấn tượng khác thường là ở hai câu cuối. Giữa lúc người đọc tưởng chừng nhà thơ - con người tuấn kiệt một thời - nay đã tự xếp mình vào quên lãng, không thấy có gì để phải bận tâm nữa, thì có biết đâu trước khi đi vào giấc ngủ, như thông lệ ông lại ngoảnh nhìn về nơi biên giới:

Nam vọng lang yên vô phục khởi,

Đồi nhiên nhất tháp mộng thiên an.

(Trông về phía Nam không còn thấy ngọn khói lang

[báo tin giặc] bốc lên,

Thảnh thơi trên giường, yên tâm với giấc mơ riêng).

Thì ra con người thơ đắm say cảnh vật ấy vẫn hiện

 

diện như một trang nam tử canh cánh nghĩa vụ làm trai. Thơ xưa bao giờ cũng là ước lệ, Trần Quang Khải không phải cố làm ra vẻ mình vẫn còn khí phách; cái ước lệ ràng buộc ông mà cũng tôn thêm nét độc đáo của phẩm cách ông. Đó chính là nền tảng của sự thống nhất giữa hai mẫu hình con người thời đại trong thơ Trần Quang Khải, xuất phát từ sức mạnh lịch sử và yêu cầu thường trực về sự vững mạnh của xã tắc giang sơn trong buổi thịnh trị của triều Trần. Nhờ có nó người ta nhận thức được rằng mình vẫn còn và tất yếu phải còn nguyên “đởm khí “ - dồi dào sức trẻ. Cũng nhờ có nó, mặt khác, người ta lại cảm thấy cái hạnh phúc được sống và quên bẵng rằng mình sống, nghĩa là được thoải mái đắm mình theo nhịp trôi chảy của thời gian, để rồi đôi khi nhìn lại mà bỗng thốt giật mình.

Con người đó, giữa lúc chếnh choáng vài chén giải khuây vẫn không quên phận sự, trái lại, còn biết nâng cao tấm lòng tráng chí: “vỗ thanh gươm cũ nhớ non xưa”, làm cho sự giải khuây tăng thêm phần ý nghĩa :

Khử sầu lại hữu tam bôi tửu,

Phủ kiếm du du ức cố sơn.

(Cảm xuân, II)

(Tiêu khiển may nhờ ba chén rượu,

Vỗ thanh gươm cũ nhớ non xưa) (15)

 
 

Và con người đó, khi soi bóng trên dòng sông mà mặc cảm về mái tóc bạc trắng, cũng vẫn giữ được niềm thanh thản, vì biết tin vào sự trường tồn của đất nước, nó là cái bảo đảm vững chắc nhất cho những gì còn lại của cá nhân mình và sự nghiệp của mình:

Thái bình đồ chí kỷ thiên lý

Lý đại quan hà nhị bách niên.

Thi khách trùng lại đầu phát bạch,

Mai hoa như tuyết chiếu tình xuyên.

(Lưu Gia độ)

(Cơ đồ đất nước lúc thái bình rộng mấy nghìn

dặm,

Non sông nhà Lý trải hai trăm năm.

Khách thơ trở lại đây đầu đã bạc,

Hoa mai như tuyết chiếu xuống lòng sông buổi

trời tạnh).

 

Cũng vẫn giữ được sự đối xứng thần tình về hình tượng thơ ở hai câu kết, Trần Quang Khải bất ngờ đưa ta trở về một không gian hồi cố trải dài theo lịch sử. Hình ảnh “khách thơ đầu bạc” và “hoa mai như tuyết” cùng soi bóng xuống lòng con sông đã từng là nơi chiến trường xưa đọng lại trong tâm khảm chúng ta, mở cho ta thấy một mặt khác trong tâm trạng trữ tình của ông, cái nhìn bùi ngùi, độ lượng trước mọi dâu bể của cuộc đời.

Với một con người thơ đặc sắc nhiều mặt như đã phân tích, rất dễ hiểu chân dung một Trần Quang Khải nhà thơ phóng chiếu qua thời gian, đã giao hòa với chân dung một Trần Quang Khải ở trong sử sách, cũng như một Trần Quang Khải ở trong sử sách đã làm giàu thêm sức sống và thi liệu cho một Trần Quang Khải trong thơ. Ấn tượng của người đọc thơ Trần Quang Khải càng trở nên thi vị hơn khi được gắn liền với những giai thoại trong mối quan hệ giữa ông và Trần Quốc Tuấn: hai ông đã vì việc nước mà bỏ hết hiềm khích cũ, trở thành hai ông quan đầu triều gương mẫu, cũng là hai người anh em rất thấu hiểu câu tục ngữ “Một sự nhịn là chín sự lành”. Trần Quốc Tuấn không phải là người thiếu cá tính. Thời trẻ, ông đã quyết liệt bảo vệ tình yêu của mình với Công chúa Thiên Thành. Vào ngày 15 tháng Giêng năm Tân hợi (1251), mới 21 tuổi ông đã dám một mình lẻn vào phòng cưới của Thiên Thành để “thông dâm với nàng”, nhằm cướp lại nàng cho bằng được, mặc dù đám cưới giữa Thiên Thành và Trung Thành vương con Nhân Đạo vương là do vua Trần Thái Tông sắp đặt, “mở hội rất to đến bảy ngày đêm liền”(16). Ai bảo chàng trai con dòng trưởng An Sinh vương không ngông nghênh cơ chứ! Nhưng trước một Trần Quang Khải đặc biệt sắc sảo và giỏi giang, Trần Quốc Tuấn đã tỏ ra có cách cư xử thận trọng. Thời Trần Thái Tông còn tại vị, một lần Trần Quang Khải theo vua Trần Thánh Tông đi dẹp giặc xa mà sứ Bắc đến bất thình lình không về kịp, Trần Thái Tông định phong cho Quốc Tuấn chức Tư đồ là chức của Quang Khải để Quốc Tuấn có danh nghĩa ra tiếp sứ. Quốc Tuấn biết việc ấy rất hệ trọng vì đụng đến lòng tự ái của Quang Khải nên tuy vẫn làm tròn nghĩa vụ được giao, song chức Tư đồ thì cố sức khước từ. Vào khoảng đầu tháng Ba năm 1285, khi Thoát Hoan đã đánh phá Khâu Cấp - Nội Bàng và đẩy lui quân Trần ở Vạn Kiếp tiến vào Thăng Long, biết tin tướng giặc Toa Đô đang cấp tốc đem quân từ Chiêm Thành đánh ra Đại Việt để phối hợp với đại quân của Thoát Hoan, Trần Quốc Tuấn liền điều động Trần Nhật Duật - vừa khôn khéo vượt qua vòng vây của giặc ở mặt trận Tuyên Quang - vào trấn giữ Nghệ An. Chưa thật yên tâm, ngay sau đấy ông đã không ngần ngại tâu xin hai vua cho Trần Quang Khải - vị đại thần chức trách cao hơn - vào Nghệ An tiếp ứng cho Trần Nhật Duật(17). Biết vị Quốc công tiết chế là người có tầm nhìn chiến lược không phải tầm thường, Trần Quang Khải đã khảng khái tuân lệnh. Đối lại, trên đường phò giá ở các mặt trận phía Bắc, Trần Quốc Tuấn đã chủ động bẻ mũi sắt bọc đầu chiếc gậy ông mang theo bên mình để quan lại cùng đi khỏi dị nghị ông có ý đồ này khác đối với hai vua Trần. Và đến khi đã đuổi được giặc ra khỏi Thăng Long, ông lại nhường cái vinh dự tháp tùng hai vua về Kinh đô cho Trần Quang Khải, còn mình thì tiếp tục ruổi quân giao chiến với Thoát Hoan và Lý Hằng tại Vạn Kiếp(18). Không nghi ngờ gì nữa, cặp bài trùng tướng sĩ đứng vào hàng nhất trong hai cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai và thứ ba đã luôn “đi guốc trong bụng của nhau”, cố gắng xác lập một giới hạn giúp họ biết “dừng” đúng lúc, cũng nhờ đó xây nên hạt nhân cốt lõi cho khối đoàn kết của cả vương triều. Đại Việt sử ký toàn thư đã có những dòng rất cảm động để kể về sự phục thiện giữa hai người: “Một hôm Quốc Tuấn từ Vạn Kiếp đến, Quang Khải xuống thuyền chơi suốt ngày mới về. Lại tính Quang Khải lười tắm gội, Quốc Tuấn thì thích xông tắm, từng nói đùa với Quang Khải rằng: “Thân cáu bẩn xin tắm giùm”. Rồi Quốc Tuấn cởi áo Quang Khải ra, lấy nước thơm tắm cho ông và nói: “Hôm nay được tắm cho Thượng tướng”. Quang Khải cũng nói: “Hôm nay được Quốc công tắm cho”. Từ đấy hai người vui chơi với nhau, tình thân càng mặn”(19).

Trong vô vàn cái đẹp của đời sống, tưởng không có gì đẹp hơn là những con người biết tự vượt mình. Nhưng trong số những người biết tự vượt mình, tưởng không gì thuyết phục hơn là người nào ít tỏ ra mình khác thường nhất. Họ dường như không ý thức về vai trò trọng đại mà chính mình đang sắm. Họ không làm dáng lịch sử nhưng lại cấp cho lịch sử một tầm thước xưa nay chưa có. Đúng như một kiến giải thâm thúy của Lão Tử: “Thường không ham muốn, có thể gọi là nhỏ. Vạn vật quy tụ về mình mà mình không làm chủ nó, có thể gọi là lớn. Chỉ vì rốt cuộc không tự coi mình là lớn, cho nên trở thành lớn” (20). Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải và không ít nhân vật chủ chốt trong triều đại Trần đã chiến thắng oanh liệt kẻ thù phương Bắc và “sống” mãi cho đến ngày nay, chính là những con người nắm được bí quyết ứng xử ấy!

*

* *

Tuy nhiên, tất cả những điểm nổi bật ở thi sĩ Trần Quang Khải mà ta vừa viện dẫn cũng sẽ không hoàn toàn thu hút được sự chú ý rộng rãi của các thế hệ sau, nếu như trong văn nghiệp của ông không có một bài thơ tuyệt bút: bài Tụng giá hoàn Kinh sư (Phò giá trở về Kinh). Bài thơ làm vào khoảng những ngày cuối thượng tuần tháng Bảy năm 1285, tức là trong những ngày thắng lợi tưng bừng của cuộc kháng chiến lần thứ hai. Ngày 9 tháng Bảy năm này, Trần Quang Khải được lệnh hộ giá hai vua Trần trở về lại Kinh đô đã sạch bóng quân giặc. Và bài thơ của ông ra đời vào dịp ấy, gồm vẻn vẹn 4 câu thơ 5 chữ:

Đoạt sáo Chương Dương độ,

Cầm hồ Hàm Tử quan.

Thái bình tu trí lực,

Vạn cổ thử giang san.

 

Bốn câu thơ thật ngắn gọn, ý tứ cũng không có gì hóc hiểm, nhưng đã sống trong mọi trí nhớ, đem lại niềm bồi hồi, xúc cảm cho rất nhiều thế hệ, không khác gì một bài Bình Ngô đại cáo, một bài Hịch tướng sĩ, một bài Nam quốc sơn hà.

Hãy bàn về hai địa danh Chương Dương, Hàm Tử của bài thơ. Đối với tác giả thì đây là những sự kiện hãy còn quá mới mẻ. Chỉ mới trước khi ông đặt bút viết bài thơ đúng hai tháng thôi, hai trận thắng oanh liệt Chương Dương, Hàm Tử đã diễn ra, làm kinh hoàng quân giặc, và cũng mở ra cơ hội để quân Trần lật lại thế cờ. Nhưng mới có hai tháng mà hai địa danh chưa ai quen biết đã bước hẳn vào địa hạt của thơ, y như những điển cố quen thuộc tiêu biểu cho chiến công vẫn thường gặp trong sách sử. Trước Trần Quang Khải, chiến thắng chống xâm lược của dân tộc cũng đã có nhiều, và thơ văn nói về chúng cũng không phải không có, nhưng một địa danh cụ thể của một chiến công nào được văn thơ thi vị hóa thì chưa tìm thấy. Thế mà giờ đây, lần đầu dùng những địa danh Việt Nam để nói về chiến trận, người viết lại không chút bỡ ngỡ, lúng túng, cũng không cần dài dòng lý giải, trái lại, giọng điệu bình thản như chuyện tất yếu cần làm. Nếu có một thoáng mặc cảm nào đấy, có lẽ ông đã buộc phải thay Chương Dương, Hàm Tử bằng những địa danh ước lệ quen thuộc từ xưa trong cảm hứng thẩm mỹ truyền thống, chẳng hạn Xích Bích, Hợp Phì mà nhà nho không ai không sùng bái... Ông đã cấp cho thơ một khả năng biểu cảm mới thông qua những cái tên rất mới mà không khiến ai bỡ ngỡ. Đấy là điều rất lạ!

Vậy, cái lý do gì làm cho Trần Quang Khải nói đến Chương Dương, Hàm Tử mà xúc động thành thơ? Phải nói đây là hai cái tên tượng trưng cho cả một chiến dịch lớn của quân dân nhà Trần. Bấy giờ, sau nhiều ngày tháng liên tiếp đuổi theo hai vua Trần không có kết quả, bọn giặc Nguyên vốn có thừa trí xảo và sức mạnh đã dần dần lâm vào bị động. Hai vua Trần và Trần Quốc Tuấn liền hạ lệnh cho quân sĩ phản công. Tháng Năm năm 1285, Trần Nhật Duật cùng một số tướng sĩ được lệnh đem quân đến đón giặc ở cửa Hàm Tử - nay thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Giặc Nguyên đại bại. Thừa thắng, Trần Quang Khải cùng một số tướng sĩ khác lại được lệnh đem quân đánh úp Chương Dương - nay thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội - và Thăng Long. Cuốn Kinh thế đại điển tự lục đời Nguyên đã thừa nhận: “Thủy lục đến đánh vào đại doanh, vây thành mấy vòng, tuy chết nhiều nhưng quân tăng thêm càng đông. Quan quân - nhà Nguyên - sớm tối đánh rất khốn đốn, thiếu thốn, khí giới đều kiệt”(21). Và thế là bắt đầu cuộc tháo chạy của đám tàn quân Trung Quốc ra khỏi Thủ đô của Đại Việt, rồi từng bước, từng bước rút lui thục mạng về được đến Tàu.

Trên đường trở về Kinh đô đúng giữa ngày toàn thắng, tất cả những hình ảnh sốt dẻo của cái chiến dịch sấm sét mà chính mình vừa tham gia, chắc vẫn chưa thôi xôn xao trong tâm trí Trần Quang Khải, chưa hết làm ngạc nhiên, sảng khoái tâm hồn nhà thơ. Cái nhân tố gì đã giúp cho non sông xã tắc ta giành được thắng lợi? Trước một kẻ địch thiện chiến và kiêu hùng đến như vậy, làm sao quân Trần lại có thể giáng cho chúng những đòn thất điên bát đảo, và thần tốc đến chính người trong cuộc cũng ít ai có thể ngờ? Lạ lùng quá đi thôi! Nhưng mà sự thực vẫn còn kia: này đây là Chương Dương, này đây là Tây Kết, này đây là Hàm Tử. Lòng nhà thơ bỗng rộn lên một niềm bâng khuâng khôn tả. Ông ngẫm lại những ngày long đong xa giá Triều đình đã phải ra đi; ngẫm lại bao nhiêu cái giá đã phải trả cho cuộc chiến... Và đột nhiên, một chân lý bỗng lóe hiện trong óc ông: chiến thắng này phải đâu giờ đây mới đến. Nó đã được chuẩn bị từ ngày đất nước còn thanh bình. Vì chính vào những ngày đó, cả nước đã biểu hiện sự chung sức chung lòng: người trên biết làm gương cho kẻ dưới, biết “nới sức dân”; kẻ dưới không ngủ quên trong những lạc thú gia đình, cá nhân, vẫn hun đúc quyết tâm “sát Thát” và có tinh thần thắng giặc. Chân lý đến với Trần Quang Khải và cảm hứng thi ca cũng đến cùng một lúc. Nhà thơ thấy không thể không thốt lên, bằng những lời rất tiết kiệm và súc tích, để nhắc nhở con cháu, cũng là để nhắc nhở với lòng mình :

Cướp giáo Chương Dương đó!

Bắt thù Hàm Tử đây!

Thái bình nên gắng sức,

Muôn thủa nước non này!(22)

 

Không có gì gọn ngắn và đơn giản hơn nữa. Quả là buột thốt thành thơ! Song cái ý chứa đựng bên trong, nằm ngoài nội dung thông báo của lời thơ, thì không chút tầm thường và đơn giản. Ở đâu và bao giờ cũng cần một lời nhắc như vậy! Những chiến công của ông cha thật đáng tự hào cho con cháu Nhưng càng tự hào, càng không quên quá khứ, thì càng phải sống những phút giây hiện tại cho thật có ý nghĩa. Trần Quang Khải chỉ dùng một cụm từ vắn tắt: “Thái bình tu trí lực” nhưng ý thơ đã chuyển sang một hướng mới, vượt xa thông báo của hai câu thơ mở đầu. Người ta có thể liên tưởng đến vô vàn ý nghĩa khác nhau, song tựu trung là một triết lý nén lại trong nó lời nhắn gửi không riêng cho thời đại mình mà cho muôn đời hậu thế: càng hiểu cái giá của chiến tranh thì càng không được đánh mất mình trong phút giây thanh bình hiện tại. Trên hay dưới, ai cũng như ai - nhưng với Trần Quang Khải đây là câu thơ tự vấn, ông hướng đến trách nhiệm của kẻ cầm quyền - đều phải sử dụng thích đáng từng phút từng giây vô giá đó. Có thế mới xứng đáng tiếp nối được cái “nước non” mà cha ông trao vào tay mình, mới làm cho “nước non này” trở thành “nước non muôn thuở”.

*

* *

Hơn một trăm năm sau bài thơ của Trần Quang Khải, chúng ta lại được đọc bài Quá Hàm Tử quan của Trần Lâu, một nhà thơ đồng thời là nhà giáo dưới đời Hồ. Không ai biết gì nhiều về cuộc đời và văn nghiệp nhà thơ họ Trần này, chỉ biết ông đỗ đến Tiến sĩ (Thái học sinh) và để lại cho hậu thế chỉ có bài thơ duy nhất, cảm tác về cửa Hàm Tử ấy. Nhưng có lẽ cũng chính nhờ bài thơ duy nhất đó mà tên tuổi ông còn được lưu truyền. Bài thơ như sau :

Thuyết trước sa trường cảm khái đa,

Như kim Hàm Tử mạn kinh qua.

Cổ chinh húng dũng triều thanh cấp,

Kỳ bái sâm si trúc ảnh tà.

Vương đạo hồi xuân nồng cổ thụ,

Hồ quân bão hận, sấu hàn ba.

Toa Đô thụ thủ tri hà xứ?

Thủy lục sơn thanh nhập vọng xa.

(Cảm khái bao nhiêu cuộc chiến này !

Mà nay Hàm Tử mới qua đây.

Triều lên dồn dập: trống chiêng rộn,

Tre ngả đung đưa: cờ quạt lay.

Vương đạo hồi xuân, cây thắm lại,

Quân Hồ ôm hận, sóng vùi thây.

Toa Đô nộp mạng nơi nào nhỉ ?

Nước biếc non xanh mắt chứa đầy) (23)

 

Rõ ràng là trên cùng một sự kiện lịch sử mà cảm hứng thơ đã khác xưa. Ở đây, nhịp điệu thơ trầm tĩnh hơn, hình tượng thơ tỏa rộng, tứ thơ trở nên man mác. Quả là lời thơ của người đời sau, nhân vãng cảnh mà “tìm lại một bức tranh ấn tượng đã mất”, chứ không còn chứa đựng những suy tưởng đột xuất của một người trong cuộc vẫn còn đó cái không gian và thời gian nóng hổi của thời đại mình.

Và nói chung, những điều nhận xét về Trần Lâu cũng hoàn toàn đúng đối với tất cả những thơ văn cảm tác về Chương Dương, Hàm Tử làm ra sau bài Phò giá trở về Kinh: chúng đều là những đóng góp có tính chất bổ sung hay tô đậm thêm vào cái phần sáng tạo căn bản của Trần Quang Khải; song chúng không thể làm lu mờ, càng không thể thay thế bốn câu thơ tinh túy của nhà thơ đời Trần.

Lại cũng có thể ngờ rằng mấy câu:

Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô,

Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã

 

trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi là bắt mạch xa gần từ trong hình tượng thơ của bài Phò giá trở về Kinh. Mấy chi tiết lẫn lộn về lịch sử ở đây - Toa Đô không phải bị bắt ở Hàm Tử mà bị giết chết ở trận Tây Kết lần thứ hai; trái lại, Ô Mã Nhi không phải bị giết mà bị bắt sống ở Bạch Đằng - chẳng làm người đọc bận lòng mấy tý. Nhưng cái hình ảnh bắt giặc ở cửa Hàm Tử thì cứ y như thoát thai từ nguồn cảm hứng tươi rói của câu thơ: Hàm Tử Bắt quân thù. Còn như mấy câu lục bát của tác giả Đại Nam quốc sử diễn ca :

Chương Dương một trận phong đào,

Kìa ai cướp giáo ra vào có công.

Hàm Quan một trận ruổi rong,

Kìa ai bắt giặc uy phong còn truyền

 

thì không nghi ngờ gì nữa, đó là dư âm trực tiếp của hai câu thơ đầu trong bài Tụng giá... nổi tiếng của Trần Quang Khải. Công lao khai sáng nên những địa danh thi ca trong thơ Trần Quang Khải là ở chỗ ấy.

Là một nhà thơ lớn đời Trần, Trần Quang Khải không những đã để lại cho hậu thế những vần thơ bất hủ mà ông còn mở ra một trường ảnh hưởng lâu dài trong lịch sử, lần đầu tiên đưa những địa danh ghi dấu chiến công chống xâm lăng của dân tộc vào thơ, thổi hồn vào cho chúng, khiến chúng trở thành những điển cố văn học mãi mãi trường tồn.

Chú thích :

(*) Trích Mục 6, Chương II “Những gương mặt tiêu biểu qua các thời kỳ dựng nước đuổi giặc”, sách Gương mặt văn học Thăng Long. Xem trên BVN từ ngày 20-3-2011.

([1]) Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II, 1993, Sđd; tr. 72. Các phiên là các dân tộc thiểu số.

(2) Đại việt sử ký toàn thư, Tập II, 1993, Sđd.; tr. 72.

(3) Lịch triều hiến chương loại chí, “Văn tịch chí”. Bản dịch của Viện Sử học, Tập III, Nxb. Khoa học xã hội, 1992; tr. 91.

(4) Nguyễn Huệ Chi dịch. Thơ văn Lý-Trần, Tập II, Q. thượng, 1989, Sđd.

(5) Trong cuộc xâm lược Đại Việt lần thứ nhất vào tháng Giêng năm 1258 do U-ry-ang-kha-đai (Ngột Lương Hợp Thai) chỉ huy, tuy có đến 2 vạn rưởi quân lính, nhưng là một cuộc hành binh không chuẩn bị trước từ Triều đình nhà Nguyên mà chỉ nhân đánh Vân Nam rồi đánh tạt xuống, nên vấp phải sự kháng cự của quân Trần, quân Nguyên đã rút rất nhanh sau 9 ngày chiếm giữ Thăng Long. Đại việt sử ký toàn thư cũng cho là lần đó du binh của quân Nguyên chưa có ý đánh lấy nước ta (Bản kỷ, Quyển V, tờ 23a). Trong sách Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1968, tr. 74, Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm có dẫn Nguyên sử, “An Nam truyện” nói: “U-ry-ang-kha-đai vào Giao Chỉ định kế ở lâu dài” nhưng chúng tôi đã soát lại và không tìm thấy câu này trong “An Nam truyện”.

(6) Nguyên sử, Q. 209. “An Nam truyện”. Trích theo Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm. Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII, Sđd; tr. 110.

.

(7) Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm. Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII, Sđd; tr. 110-111.

(8) Nguyên sử, Q. 96, Liệt truyên, Ngoại di 2, “An Nam”. Nguyên văn: 若 果 不 能 自 觐。则 積 金 以 代 其 身。两 珠 以 代 其 目。副 以 賢 士。方 技。子 女。 工 匠 各 二。 以 代 其 土 民。不 然。修 尔 城 池。以 待 其 審 處 焉。 (Nhược quả bất năng tự cận, tắc tích kim dĩ đại kỳ thân, lưỡng châu dĩ đại kỳ mục, phó dĩ hiền sĩ, phương kỹ, tử nữ, công tượng các nhị, dĩ đại kỳ thổ dân. Bất nhiên, tu nhĩ thành trì, dĩ đãi kỳ thẩm xử yên).

(9) Lúc bấy giờ Trần Thánh Tông đã lên làm Thái thượng hoàng, nhường ngôi cho Trần Nhân Tông, nhưng trên danh nghĩa đối với nhà Nguyên thì ông vẫn là ông vua đương kim.

([1]0) ([1]1) Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, Q V, tờ 41a-41b. Bản dịch của Cao Huy Giu, Tập II, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971; tr. 51. Chữ “Xuân” là do chữ “Thung” viết nhầm.

([1]2) Nguyên sử , Q 96, Ngoại di 2, “An Nam” có dẫn lời đối đáp của Sài Thung trong lần sang sứ cuối năm 1278. Xin trích lại đây để thấy rõ khẩu khí của ông ta. Nguyên văn:

椿等傳旨曰。汝國内附二十余年。向者六事猶未见從。汝若弗朝。则修尔城。整尔軍。以待我師。又云。汝父受命為王。汝不請命而自立。今復不朝。異日朝廷加罪。将何以逃其责。請熟慮之。日烜仍舊例設宴于廊下。椿等弗就宴。既歸館。日烜遣范明字致書謝罪。改宴于集賢殿。日烜言。先君棄世。予初嗣位。天使之来。闻谕詔書。使予喜惧交戰于胸中。竊闻宋主幼小。天子憐之。尚封公爵。于小國亦必加憐。昔谕六事。已蒙赦免。若親朝之禮。予生長深宫。不習乘騎。不諳風土。恐死于道路。子弟太尉以下亦皆然。天使回。謹上表達誠。兼獻異物。椿曰。宋主年未十歲。亦生長深宫。如何亦至京師。但詔旨之外。不敢聞命。且我四人實来招汝。非取物也。Phiên âm: Thung đẳng truyền chỉ viết: Nhữ quốc nội phụ nhị thập dư niên, hướng giả lục sự do vị kiến tòng. nhữ nhược phất triều, tắc tu nhĩ thành, chỉnh nhĩ quân, dĩ đãi ngã sư. Hựu vân: Nhữ phụ thụ mệnh vi vương, nhữ bất thỉnh mệnh nhi tự lập. Kim phục bất triều, dị nhật triều đình gia tội, tương hà dĩ đào kỳ trách? Thỉnh thục lự chi. Nhật Huyên nhưng cựu thiết yến vu lang hạ, Thung đẳng phất tựu yến. Ký quy quán, Nhật Huyên khiển Phạm Minh Tự trí thư tạ tội, cải yến vu Tập Hiền điện. Nhật Huyên ngôn: Tiên quân khí thế, dư sơ tự vị. Thiên sứ chi lai, văn dụ chiếu thư, sử dư hỷ cụ giao chiến vu hung trung. Thiết văn Tống chủ ấu tiểu, Thiên tử lân chi, thượng phong công tước, vu tiểu quốc diệc tất gia lân. Tích dụ lục sự, dĩ mông xá miễn. Nhược thân triều chi lễ, dư sinh trưởng thâm cung, bất tập thừa kỵ, bất am phong thổ, khủng tử vu đạo lộ. Tử đệ Thái úy dĩ hạ diệc giai nhiên. Thiên sứ hồi, cẩn thượng biểu đạt thành, kiêm hiến dị vật. Thung viết: Tống chủ niên vị thập tuế, diệc sinh trưởng thâm cung, như hà diệc chí kinh sư? Đãn chiếu chỉ chi ngoại, bất cảm văn mệnh. Thả ngã tứ nhân thựclai chiêu nhữ, phi thủ vật dã. Dịch nghĩa: Bọn Thung truyền chỉ dụ rằng: “Nước ngươi nội phụ hơn hai mươi năm. Trước đây 6 việc còn chưa chịu theo, nay nếu không thân sang chầu thì hãy sửa sang thành trì, chỉnh đốn binh sĩ để đợi quân ta đến”. Lại truyền tiếp: “Cha ngươi vâng mệnh làm vua, ngươi không xin mệnh trên mà tự lập, nay lại không sang chầu, ngày khác Triều đình gia thêm tội thì lấy gì để trốn trách nhiệm? Xin hãy nghĩ cho kỹ”. Nhật Huyên theo lệ cũ thết tiệc ở hành lang, bọn Thung không chịu vào dự. Sau khi đã quay về sứ quán, Nhật Huyên sai Phạm Minh Tự đem thư đến tạ lỗi, dời yến tiệc sang Điện tập Hiền. Nhật Huyên nói: “Cha tôi lìa trần, tôi mới nối ngôi, Thiên sứ đến, nghe tuyên bố chiếu thư khiến tôi mừng sợ giao tranh trong lòng. Trộm nghe chúa nước Tống còn nhỏ bé mà Thiên tử thương xót còn phong đến tước công. Đối với nước nhỏ ắt càng tăng phần thương xót. Xưa dụ 6 điều đã đội ơn được miễn tha cho. Nếu phải thân sang làm lễ chầu thì tôi sinh trưởng trong thâm cung, không quen cưỡi ngựa, không am hiểu phong thổ, sợ chết ở dọc đường. Con em tôi từ chức Thái úy trở xuống thảy đều như thế cả. Khi Thiên sứ trở về xin kính cẩn dâng biểu bày tỏ lòng thành và hiến thêm lễ vật lạ”. Thung đáp: “Chúa nước Tống chưa đến 10 tuổi, cũng sinh trưởng trong thâm cung, cớ sao cũng đến được Kinh sư? Vậy nên ngoài chiếu chỉ ra không dám nghe lời truyền bảo. Vả lại, bốn người chúng tôi sang đây thực tâm vời ngươi, chẳng phải là cốt lấy lễ vật”.

([1]3) Trần Lê Văn dịch. Thơ văn Lý-Trần, Tập II, Q thượng, 1989, Sđd. Có hiệu chỉnh tí chút.

([1]4) Ngô Tất Tố dịch. Thơ văn Lý-Trần, Tập II, Q. thượng, 1989, Sđd.

([1]5) Ngô Tất Tố dịch. Thơ văn Lý-Trần, Tập II, 1989, Sdd.

([1]6) Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II, 1993, Sdd; tr. 23.

([1]7) An Nam chí lược, Q. IV và Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II, 1993, Sđd; tr. 53. Trên thực tế, đội quân do Trần Quang Khải vừa kéo vào đến Thanh Hóa thì gặp một cánh quân Toa Đô do Giảo Kỳ chỉ huy đã tiến nhanh ra, được hàng tướng Trần Kiện dẫn đường và giao chiến với ông tại Phú Tân. Trong trận này về phía quân Trần có sự tham gia của các đội quân do con trai Trần Quang Khải là Văn Túc vương Đạo Tái, Tá Thiên vương Đức Việp và Chiêu Hiếu vương chỉ huy. Xem thêm Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm, Sđd; tr. 214-215 và tr.219-221.

([1]8) Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II, 1993, Sđd; tr. 56.

([1]9) Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, Q. VI; tờ 2b. Bản dịch của Cao Huy Giu, Tập II, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1967; tr. 72.

(20) Đạo đức kinh, Chương 34. Nguyên văn: “常 無 欲 可 名 於 小 。 萬 物 歸 焉 而 不 為 主 可 名 為 大 。 以 其 終 不 自 為 大 。 故 能 成 其 大” (Thường vô dục khả danh ư tiểu. Vạn vật quy yên nhi bất vi chủ khả danh vi đại. dĩ kỳ chung bất tự vi đại, cố năng thành kỳ đại)

(21) Dẫn theo Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm. Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII, Sdd ; tr. 135.

(22) Trinh Đường dịch. Thơ văn Lý-Trần, Tập II, Q. thượng, 1989, Sđd.

(23) Trích Hoàng Việt thi tuyển, A.608. Nguyễn Huệ Chi dịch.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn