Cần bảo tồn Nghĩa trang quân đội Biên Hòa trong tinh thần hòa giải dân tộc

Thanh Phương

Khi tôi đang biên tập bài viết này thì bà Lê Hiền Đức gọi điện đến cho biết, có đến hàng trăm người dân oan các tỉnh miền Nam từ rất nhiều tỉnh kéo về Hà Nội, tụ tập trước nhà bà vì không còn biết nhờ vả vào đâu; có người là vợ cựu chiến binh Tiểu đoàn 307 lừng danh hiện đang bị nhồi máu cơ tim và trong cơn thập tử nhất sinh đó chính quyền không nương tay đã hạ lệnh cướp đất của ông; có người phải đem theo cháu nhỏ ra Hà Nội vì trước chính sách “3 sạch” ở Đắc Nông người ta sợ ngay cháu nhỏ cũng có thể là đối tượng làm “sạch” của người cầm quyền địa phương. Nhưng bà Đức nói thêm: Ở Hà Nội họ cũng không biết ăn ngủ ở đâu ngoài việc lang thang vạ vật tại các vườn hoa vì Nhà nước đã có lệnh cho các quán trọ không chứa chấp họ, thật là cùng kế.

Đấy, cứ nhìn vào dân chúng ở phía bên này, những người vốn là cơ sở cách mạng và là cách mạng hẳn hoi mà còn như thế đấy, nói chi những thành phần ở phía bên kia, là “lính ngụy” thì số phận như thế nào hẳn cũng đoán ra được.

Cho nên nếu nói trên lý thuyết thì dễ lắm, “hòa giải hòa hợp”, “nghĩa tử nghĩa tận”, “cùng chung máu mủ”... ôi chao, tốt đẹp làm sao! Có ai mà không sướng rơn lên trước những lời mỹ miều như thế. Nhưng khi đi vào cụ thể, mọi chuyện lại không hề đơn giản. Cũng may mà Quân khu 7 quản lý Nghĩa trang Quân đội VNCH Biên Hòa từ bấy đến nay chứ nếu không thì có lẽ đến bây giờ mặt mũi của nó cũng đã biến mất tăm – dám chắc thế lắm – giống như mọi nghĩa trang quân đội VNCH ở các tỉnh rồi. Thôi thì ta đành cứ âm thầm thôi, ai làm được gì cho từng phần mộ hãy cứ lặng lẽ mà làm: đắp điếm, sửa sang, xây lên... hãy cố gắng hết sức trong khả năng có thể.

Nhưng mọi việc cũng chẳng biết đâu mà nói trước. Người ông nội tôi, chí sĩ Nguyễn Hiệt Chi, thành viên sáng lập Công ty Liên Thành và Trường Dục Thanh ở Phan Thiết, nơi cụ Hồ thuở còn là Nguyễn Tất Thành đã đến dạy ở đây năm 1911, ông còn có một người em là Nguyễn Hàng Chi là thủ lĩnh phong trào xin xâu bị Pháp chém năm 1908. Thế mà giờ đây Chi gia trang của ông nội tôi đã được xếp hạng di tích vẫn bị địa phương chủ tâm để cho tàn lụi, mộ phần ông trở thành mộ phần một kẻ vô danh. Nhiều người bảo tôi: Hãy làm đơn kêu cứu đi! Tôi bảo: Làm để làm gì? Quy luật cuộc sống là vậy, làm sao lớp người sinh sau với những yêu cầu hết sức thực dụng của họ – tiền và tiền, chức và chức – biết đoái hoài đến dù là một phần những gì để lại của lớp người đi trước (bà Ba Sương mà mang lụy chính là vì không hiểu được chỗ biện chứng nghiệt ngã này của lòng người và sự vật). Đành là ta hãy lấy một câu thơ xưa làm châm ngôn để an ủi: “Vị quy tam xích thổ / Bất bảo bách niên thân / Ký quy tam xích thổ / Bất bảo bách niên phần” (Chưa về ba thước đât / Thân trăm tuổi khó yên / Đã về ba thước đất / Mộ trăm năm đâu bền). Mọi việc như nước chảy qua cầu, lớp sau là kẻ dày xéo lên hành tích của lớp trước, và cái thế hệ đang ngồi trên chiếc ghế quyền lực hôm nay cũng không thoát khỏi quy luật đào thải tàn nhẫn đó.

Nguyễn Huệ Chi

clip_image001  

Một thương phế binh Việt Nam Cộng hòa đến viếng mộ đồng đội cũ

 

Chiến tranh Việt Nam kết thúc gần 36 năm nay, dù có được gọi là chiến tranh giải phóng, nội chiến hay chiến tranh bảo vệ tự do, thì hậu quả cũng đã là hàng triệu thường dân và binh lính của cả hai bên bỏ mạng và rất nhiều người chết mất xác.

Cho tới nay, thỉnh thoảng lại có tin tìm thấy hố chôn tập thể các bộ đội ở nơi này, nơi khác. Chẳng hạn như ngày 30/3 vừa qua, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đăk Lăk, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tiến hành khai quật một ngôi mộ tập thể mới được phát hiện, nghi là của lính đặc công hy sinh vào Tết Mậu Thân năm 1968. Hố chôn tập thể này do một người dân phát hiện trong khuôn viên Bến xe khách phía Nam thành phố Buôn Ma Thuột. Toàn bộ 12 hài cốt được đưa về Nhà tang lễ Nghĩa trang liệt sỹ Đăk Lăk.

Nhưng trong khi đó, bên phía những người thua trận, những quân nhân Việt Nam Cộng hòa, cũng có nhiều hố chôn tập thể, nhưng không biết bao giờ mới được khai quật. Thậm chí nhiều nghĩa trang quân đội chế độ cũ bị phá hủy sau năm 1975. Chỉ còn lại duy nhất Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa.

Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa, mà nay được gọi là Nghĩa trang Bình An, nằm ở xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương, là nơi chôn cất hàng chục ngàn binh sĩ của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Được xây dựng từ năm 1965, Nghĩa trang Quân đội được dự trù chỗ cho 30 ngàn mộ phần. Tính đến năm 1975, đã có 16.000 tử sĩ được chôn cất ở đây. Công trình này dự trù hoàn tất để khánh thành đợt đầu vào ngày 19/6/1975, tức Ngày Quân lực Việt Nam Cộng hòa, nhưng chưa kịp thì xảy ra biến cố 30/4. Sau thời điểm đó, Nghĩa trang Quân đội cũng bị phá hoại dưới nhiều hình thức, nhưng nói chung vẫn tồn tại, dầu là trong cảnh tiêu điều.

Kể từ sau chiến tranh, nghĩa trang này nằm dưới sự quản lý của Quân khu 7, thuộc Bộ Quốc phòng, cho nên trong một thời gian dài không ai được vào trong “khu vực quân sự” này. Đến tháng 11 năm 2006, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra quyết định “ đồng ý chuyển mục đích sử dụng 58 hécta đất khu nghĩa địa sang sử dụng vào mục đích dân sự để phát triển kinh tế-xã hội” và “chỉ đạo việc quản lý khu nghĩa điạ Bình An bình thường như các nghĩa địa khác theo quy định của pháp luật”.

Khi nghe quyết định nói trên, những người quan tâm tâm đến số phận của Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa đã vừa mừng vừa lo. Mừng là vì kể từ nay có thể vào trong nghĩa trang này dể dàng hơn để thăm viếng, tu sửa mộ phần của người thân hay đồng đội; nhưng lo là vì không biết nghĩa trang này rồi có sẽ bị giải tỏa để lấy đất xây các khu công nghiệp hay khu nhà ở hay không.

Hiện nay, mối lo đó tạm thời không còn nữa, nhưng những ai đặt chân đến Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa đều ngậm ngùi trước cảnh tượng vẫn hoang phế của nghĩa trang này, ngoại trừ một số mộ phần đã được tu sửa và tiếp tục được chăm sóc.

Là một trong những người mà những năm gần đây vẫn tham gia vào việc thăm viếng, chăm sóc, tu sửa các mộ phần tử sĩ VNCH trong Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa, ông Nguyễn Quang Hạnh, Chủ tịch Hội Bạn của Thương binh Việt Nam Cộng hòa tại Pháp, mong muốn là chính quyền Việt Nam, trong tinh thần hòa hợp hòa giải dân tộc, nên bảo tồn nghĩa trang này như một di tích lịch sử. Sau đây mời quý vị nghe bài phỏng vấn ông Nguyễn Quang Hạnh:

RFI: Thưa ông Nguyễn Quang Hạnh, trước hết xin ông cho biết về hiện trạng của Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa hiện nay?

Nguyễn Quang Hạnh: Sau khi có sự bàn giao giữa quân đội với tỉnh Bình Dương về việc quản lý nghĩa trang này, việc ra vào thăm viếng dễ dàng hơn, tạo điều kiện cho thân nhân vào tu sửa một số mộ phần và cho bà con Việt kiều có thể vào đây thăm thân nhân và chiến hữu. Từ đó đến giờ, nghĩa trang có khá hơn trước, nhưng vẫn chưa được tu sửa. Đa số mộ phần, mà thân nhân đã đi xa hoặc không ai biết, thì chỉ được đắp bằng đất và qua thời gian đã bị sụp, lở. Nhiều mộ bia sau 75 đã bị phá vỡ. Nói chung, tình hình đến bây giờ cũng chưa được khả quan mấy như sự trông chờ của người Việt trong và ngoài nước.

RFI: Chính quyền có tạo điều kiện dễ dàng khi có những gia đình muốn đến tìm hoặc chăm sóc mộ phần cho những người được chôn ở đấy?

Nguyễn Quang Hạnh: Tôi đã về nhiều lần, thời điểm gần nhất là tháng 10 năm ngoái. Lần đó, khi tôi vào, trên tỉnh có cho xe xuống cắt cỏ trong nghĩa trang, cho nên các mộ phần thấy sáng sủa hơn vì không còn bị cây che phủ. Nhưng cắt cỏ xong thì lộ ra nhiều mộ, nên cảnh sụp đổ càng thấy rõ ràng hơn.

Nghĩa trang này có diện tích theo tôi ước lượng là gần khoảng 30 hectare, trong đó có gần 29 ngàn mộ phần. Có một Ban quản lý ở đó, khi mình vào thì họ cũng hỏi sơ sơ là vào làm gì, thì mình cũng bảo là vào thăm mộ. Vào trong đó thì mình thắp nhang, đi lại cũng dễ hơn là thời gian mà quân đội quản lý.

Nghĩa trang bây giờ, tôi ước lượng, rộng khoảng gần 30 hecta, trong đó có 29.000 mộ phần. Có một ban quản lý ở đó, khi mình đi vào cổng họ cũng hỏi sơ sơ, đi vào làm gì. Mình trình bày là đi vào thăm viếng mộ. Vào trong đó, mình thắp nhang, đi lại cũng dễ hơn hồi quân đội quản lý.

Trong đó, có những người không công ăn việc làm. Nếu mình muốn đắp mộ, sửa mộ gì đó, thì có thể trả tiền nhờ họ làm. Ngoài ra, tôi cũng thấy một số thân nhân vào sửa lại mộ của người thân. Những những mộ đó rất tốt, có đá rửa, xây rất kiên cố.

Tới bây giờ, trong đó còn hai mộ của hai vị tướng, tức là tướng Phước và tướng Ánh. Về cấp tá, có 6 mộ và 44 mộ cấp úy. Danh sách các mộ phần trong đó tôi có lưu giữ.

Gần đây, nếu mình vô làm mộ, thì có các giá cả sau đây : Hai triệu đồng, tiền Việt Nam thì xây theo kiểu mộ phần nghĩa trang thời Việt Nam Cộng hòa, nghĩa là có một tấm đanh (trên bia mộ). Tám triệu thì xây vòng quanh mộ, đắp đất, ở trên có tấm đanh. Ngoài ra còn có cả giá 12 triệu và 24 triệu.

Theo tôi, tình hình cũng dễ dàng hơn hồi trước, nhưng số người chú ý đến việc làm trong nghĩa trang thì không được nhiều. Những mộ không có thân nhân còn quá nhiều.

RFI : Như ông nói lúc nãy, có một danh sách các vị sĩ quan cấp tướng, cấp tá, cấp úy, nhưng liệu chúng ta có một danh sách đầy đủ hơn của các binh sĩ chôn trong nghĩa trang này hay không, để từ đó các bạn bè, người quen, người thân có thể nhận ra, để đến đây chăm sóc mộ phần cho những người đó?

Nguyễn Quang Hạnh : Danh sách thì tôi có đầy đủ, nhưng nhiều mộ không có bia hoặc sau 1975 bị đập phá. Có mộ chỉ có tên mà không có họ, hoặc có họ mà không có tên. Về danh sách, nếu cho tôi biết là mộ trong dãy mấy, hàng mấy, thì tôi cũng có thể tìm ra được.

RFI : Như vậy hiện nay, còn ít người quan tâm đến công việc như ông đang làm. Vào những ngày sắp kỷ niệm biến cố 30/4, ông có lời nhắn gởi gì, đặc biệt là đến người Việt ở hải ngoại, để góp phần vào việc tu bổ, chăm sóc và bảo vệ nghĩa trang quân đội này ?

Nguyễn Quang Hạnh : Tôi quan niệm rằng cuộc chiến đã đi qua 36 năm rồi. Nhà cầm quyền Việt Nam thì cũng đã nói hòa hợp hòa giải. Bên ngoài cũng có các hội đoàn, tổ chức kêu gọi tu sửa mộ phần. Chỉ có tranh luận về việc sửa thế này, sửa thế kia.

Tôi vẫn mong người Việt ở hải ngoại về thăm Việt Nam nên dành một thời gian ngắn năm ba tiếng đồng hồ vào thăm, thắp cho anh em một nén nhang, sửa một vài ngôi mộ. Tuy nhiên, số người làm như vậy chưa được nhiều. Thứ nhất, theo tôi, đây là chương trình lớn. Di tích này, theo tôi, là một di tích lịch sử. Tôi mong rằng nhà cầm quyền Việt Nam cởi mở hơn, tạo điều kiện cho bà con đến thăm viếng, tu sửa. Đây là việc thiêng liêng. Trong cuộc chiến Trung Quốc đánh Việt Nam tại những tỉnh biên giới, tàn sát người dân, tàn sát bộ đội, sau khi họ rút, lính họ chết, họ làm nghĩa trang ở trong đất mình, mà nhà cầm quyền bây giờ vẫn cứ tu sửa đẹp đẽ. Đến ngày lễ, chính quyền địa phương ở tỉnh đó đến dâng hương, dâng hoa. Trong khi đó, ở miền Nam, trước năm 1975, mỗi tỉnh đều có một nghĩa trang quân đội, nhưng bây giờ tôi nghĩ nghĩa trang ở các tỉnh không còn nữa. Chỉ còn duy nhất Nghĩa trang quân đội Biên Hòa. Đó là nơi duy nhất, nên những người dân trong, ngoài nước, nhà cầm quyền phải có trách nhiệm. Cần phải để ý rằng đối với đồng bào ta, đó là chuyện linh thiêng, không thể để những mộ phần không có người chăm sóc bị phá hủy. Tôi chỉ muốn nói là, trong dịp 30-4, có nhiều người vui, nhiều người buồn, cái buồn đó tự do mình tạo nên. Ba mươi sáu năm rồi mà mình không hóa giải được chuyện đó, thì tôi nghĩ rằng, đó là trách nhiệm chung của mọi người.

RFI : Xin cám ơn ông Nguyễn Quang Hạnh.

Về việc tìm mộ các tử sĩ VNCH, không chỉ có những người lớn, mà tại Hoa Kỳ và một số nước khác ở hải ngoại, nay cũng có một số em là học sinh, sinh viên, trong tinh thần “ Uống nước nhớ nguồn”, đã tự động đứng ra thành lập một Văn Phòng Liên Lạc Tìm Mộ vào tháng 12 năm 2010, địa chỉ liên lạc:

Văn Phòng Liên Lạc Tìm Mộ

625 wool Creek Dr ,Suite # E

San Jose . CA 95112

Tel . 559 273 1782

E- mail: lienlactimmo@att.net

Hoạt động của Văn phòng Liên lạc tìm mộ cũng giống như một hộp thư, tức là để những người tìm mộ và những người biết về nơi chôn cất các tử sĩ có thể trao đổi thông tin với nhau, để từ đó có thể tìm ra nơi chôn cất các binh sĩ đã hy sinh trong chiến trận, cải táng và tổ chức cầu siêu cho các tử sĩ này. Với phương tiện Internet, việc trao đổi thông tin nay dễ dàng hơn rất nhiều và nhờ vậy mà qua Văn phòng Liên lạc tìm mộ, một số người đã tìm được chồng, cha hoặc anh, đã bị vùi thây trong đất lạnh từ gần 40 năm qua, mà vẫn chưa được một nén hương.

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn