Chế độ Cộng sản Trung Quốc làm những người chỉ trích biến mất

Alex Newman

Ngọc Thu dịch

imageChế độ cộng sản giết người đang cầm quyền ở Trung Quốc đã và đang đàn áp những người đối lập trong những tuần và những tháng gần đây, làm biến mất hàng chục Luật sư và các nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng nhất của đất nước [Trung Quốc]. Trong khi thế giới đang theo dõi, Chính phủ Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng kềm kẹp các nhà phê bình bằng sự tàn bạo và sự trả thù, như các chuyên gia nói (1) là một trong những giai đoạn đàn áp khốc liệt nhất trong nhiều năm qua.

Một trong những người tiêu biểu nhất đã bị bắt cóc là Ngải Vị Vị, là một họa sĩ ở Trung Quốc có thể được nhiều người biết đến nhất trên thế giới. Ông đã làm cho chế độ lúng túng nhiều năm, ông bị đánh đập tàn bạo trong bàn tay của những kẻ cai trị cộng sản Trung Quốc. Người ta cho rằng, sự nổi tiếng của ông có thể bảo vệ ông ở một mức độ nào đó. Tuy vậy nó đã không bảo vệ được ông (2).

Ngày 4 tháng 4, chính quyền Trung Quốc đã bắt ông tại sân bay khi ông sắp lên máy bay để đi đến HongKong. Sau đó ông biến mất mà không có thông báo chính thức ông ở đâu hoặc điều kiện [giam giữ] ông thế nào. Gia đình ông đã không được thông báo.

Chế độ tuyên bố ông Ngải phạm "tội kinh tế", nhưng gần như tất cả mọi người ở ngoài Trung Quốc biết rằng, điều này không đúng sự thật. Bây giờ, được cho biết là ông đã "nhận tội", gần như chắc chắn là do bị tra tấn.

Một trong những cộng sự của ông Ngãi, nhà báo tự do Wen Tao đã bị bắt cóc cùng ngày (3). Cho đến giờ, công chúng cũng chưa biết được số phận của ông ra sao. Và ông Lưu Hiểu Nguyên, luật sư của ông Ngải, chỉ tái xuất hiện hôm 19 tháng 4, sau khi bị chế độ giam giữ hồi tuần trước. Ông Lưu nói với báo Guardian của Anh quốc (4), rằng ông không muốn cho biết chi tiết về những gì đã xảy ra. Rất nhiều bạn bè khác và cộng sự của ông Ngải cũng đã bị bắt (5).

Và không chỉ một mình họ. Hàng chục người, có thể hàng trăm (6) nhà phê bình nổi tiếng, Luật sư về nhân quyền, và thậm chí các blogger cũng đã bị bộ máy "an ninh" cộng sản bắt cóc (7) kể từ tháng 2. Cho đến giờ, chỉ một số ít đã được thả, và tất cả những người này đều từ chối nói chuyện công khai về những gì họ đã phải chịu đựng. Một số người bị bắt cóc đã bị gửi đi lao động và gửi vào các trại "cải tạo" (8).

Một số nhà phân tích tin rằng, chiến dịch đàn áp liên quan đến những lời kêu gọi trên mạng về cuộc "cách mạng Hoa Lài" theo kiểu Trung Đông ở Trung Quốc. Một số thông tin ẩn danh đăng tải trên mạng bắt đầu xuất hiện cách đây vài tháng, nhưng không có cuộc biểu tình quy mô lớn xảy ra, đặc biệt kể từ khi chế độ gửi những đám khủng bố đến từng nơi [dự định biểu tình].

Rõ ràng chế độ độc tài cộng sản đang cảm thấy lo lắng. Mà những người gần gũi với những người bị bắt cóc cũng vậy. Một người giấu tên, thân cận với một trong những Luật sư bị bắt cóc, đã nói với Reuters rằng (9), tình hình “càng ngày càng trở nên đáng sợ”.

Các nhóm hoạt động nhân quyền ngày càng lên tiếng về những trường hợp bị biến mất. Và các cuộc biểu tình (10) tại các Đại sứ quán cộng sản độc tài trên toàn thế giới đã bắt đầu. Ngay cả các chính phủ phương Tây và Liên Hợp Quốc đã bắt đầu đưa ra những lời phê bình nghiêm túc về những vụ bắt cóc.

Trong một tuyên bố hồi đầu tháng này, Nhóm công tác của Liên Hiệp Quốc (UN Working Group on Enforced or Involuntary Disappearances) bày tỏ "lo ngại nghiêm trọng về làn sóng ép buộc mất tích" (11) ở nước cộng sản Trung Quốc, lưu ý rằng, những chiến thuật như thế là một tội phạm. "Không thể nào có một cái cớ để làm người ta biến mất, đặc biệt khi những người này thể hiện quan điểm bất đồng một cách ôn hòa", cơ quan Liên Hợp Quốc cho biết trong một lời chỉ trích hiếm hoi về chế độ cộng sản.

Các chính phủ phương Tây cũng đã đưa ra một số lời quở trách nhẹ nhàng đối với chế độ độc tài. Cả hai Bộ Ngoại giao Đức và Anh đã bày tỏ mối quan ngại (12). Ngay cả Ngoại trưởng Hoa Kỳ, bà Hillary Clinton, chồng bà là ông Bill Clinton được biết (13) đã cung cấp một số bí mật quân sự nhạy cảm nhất của nước Mỹ cho chế độ cộng sản trong thời gian làm Tổng thống, cho biết (14) bà cũng quan ngại. Hồi đầu tháng này, bà nói với phóng viên khi trình bày báo cáo về vấn đề nhân quyền: "Như chúng tôi đã lập đi lập lại nhiều lần, Hoa Kỳ hoan nghênh sự trỗi dậy mạnh mẽ và thịnh vượng của Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng tôi rất quan ngại về các báo cáo, kể từ tháng 2, hàng chục người, gồm các Luật sư, văn nghệ sĩ, trí thức và các nhà hoạt động được công chúng quan tâm, đã bị bắt và bị giam giữ tùy tiện".

Bà Clinton nói rằng những vụ bắt giữ như thế là "trái với các quy định của pháp luật", kêu gọi chế độ độc tài phóng thích tất cả những người bị bắt cóc vì bày tỏ quan điểm ​​của mình. Báo cáo của Bộ Ngoại giao mà bà trình bày, lưu ý rằng, nhiều người Trung Quốc, có thể hàng chục ngàn người đã bị đưa vào các viện tâm thần không phù hợp vì bất đồng quan điểm.

Nhiều nhóm hoạt động nhân quyền trên thế giới cũng lên án nhiều trường hợp chế độ cộng sản làm người ta biến mất. Từ Tổ chức Theo dõi Nhân quyền có trụ sở tại New York, đến Tổ chức Bảo vệ Nhân quyền có trụ sở tại HongKong, sự tàn bạo đang bị các nhóm phi lợi nhuận trên toàn thế giới lên án thẳng thừng.

Hiệp hội Luật sư Quốc tế thậm chí còn tiến xa hơn, với Viện Nhân quyền của mình họ đưa ra một cảnh báo (15) về chế độ [cộng sản Trung Hoa] trong một tuyên bố. Tuyên bố nói rằng: "Một bản liệt kê mở rộng về các vụ bắt cóc của chính quyền Trung Quốc [đang tạo ra] một không khí sợ hãi. Viện Nhân quyền của Hiệp hội Luật sư Quốc tế kêu gọi Chính phủ Trung Quốc phóng thích tất cả các Luật sư nhân quyền đã bị giam giữ bất hợp pháp, chấm dứt mọi hình thức sách nhiễu tương tự; và tuyên bố công khai về chỗ ở của các Luật sư đã bị ‘biến mất’, lý do bắt giữ họ và đối xử với họ như thế nào trong khi giam giữ".

Như thường lệ, Trung Quốc ngăn cản các quan sát viên quốc tế và các nước khác chỉ trích về những vụ bắt cóc và mất tích. "Chúng tôi khuyên Hoa Kỳ nên lo về vấn đề nhân quyền của chính nước họ và đừng làm như một nhà rao giảng về nhân quyền, và ngưng sử dụng vấn đề báo cáo nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác". Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hồng Lỗi, đã nói (16) trong một tuyên bố đăng trên trang web của chế độ.

Như tin tức đã đưa trong thời gian gần đây trên báo The New American , các nhà hoạt động nhân quyền không phải là những người duy nhất chịu đựng sự đàn áp và sự tàn bạo trong tay của chế độ cộng sản. Những người Cơ-đốc giáo (17) và những người dân Tây Tạng (18) cũng bị đánh đập, bị bắt và "cải tạo". Tra tấn, trại lao động, tẩy não và ám sát công khai là tất cả các chiến thuật đã được Chính phủ Trung Quốc sốt sắng sử dụng nhằm duy trì quyền lực tuyệt đối.

Vẫn chưa rõ điều gì sẽ xảy ra đối với vô số những người chỉ trích đã bị bắt cóc. Nhưng cho đến nay, mặc dù bị phản đối kịch liệt và gia tăng áp lực quốc tế, chế độ độc tài cộng sản càng kiểm soát chặt chẽ thậm chí khó khăn hơn.

N.T.

Ghi chú:

(1) economist.com

(2) telegraph.co.uk

(3) .telegraph.co.uk

(4) guardian.co.uk

(5) guardian.co.uk

(6) online.wsj.com

(7) guardian.co.uk

(8) spiegel.de

(9) guardian.co.uk

(10) thestar.com.my

(11) google.com

(12) heraldscotland.com

(13) thenewamerican.com

(14) google.com

(15) www.guardian.co.uk

(16) reuters.com

(17) thenewamerican.com

(18) thenewamerican.com

Dịch từ: thenewamerican.com

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn