Hai bài viết tổng hợp tiếng nói dư luận “hậu Cù Huy Hà Vũ”

1. Phản ứng sau phiên tòa Cù Huy Hà Vũ

Thanh Quang, phóng viên RFA

VIETNAM-POLITICS-RIGHTS-TRIAL  

­­Công an chặn các ngả đường vào TAND Hà Nội, nơi xử TS Cù Huy Hà Vũ hôm 4/4/2011. AFP photo

 

Kể từ khi TS Luật Cù Huy Hà Vũ bị phiên tòa chóng vánh và không đi đúng thủ tục tố tụng hình sự kết án tù, giới viết nhật ký trên mạng đề cập ngày càng nhiều tới mọi khía cạnh của trường hợp mà nhiều ý kiến cho là bị trả thù này.

Sự đồng thuận của giới blogger

Có lẽ một trong những khía cạnh nổi bật nhất trong vụ án Cù Huy Hà Vũ – nói theo lời blogger Nguyễn Hưng Quốc – là chưa bao giờ dư luận VN, chưa bao giờ giới bloggers và các trí thức quần chúng của Việt Nam lại đồng thuận với nhau như trong vụ án TS Cù Huy Hà Vũ. Từ những người không thích hoặc không hoàn toàn đồng ý với TS Cù Huy Hà Vũ đến những người coi ông là đồng chí, tất cả đều theo dõi sát vụ án và đều lên tiếng tố cáo tính bất công và phi pháp của phiên tòa cũng như phê phán việc nhà cầm quyền VN đàn áp những tiếng nói đấu tranh cho tự do và dân chủ. GS Nguyễn Hưng Quốc nhận xét:

"Riêng trong vụ án Cù Huy Hà Vũ vừa rồi, chúng ta có thể nhận thấy sự đồng thuận ấy một cách dễ dàng, gần như ngay tức khắc, sau khi liếc mắt, thật nhanh, qua các phương tiện truyền thông đại chúng.

Có thể nói, trong và sau khi vụ án Cù Huy Hà Vũ diễn ra, có ba loại cơ quan truyền thông đại chúng loan tin nhiều nhất:

Thứ nhất là các cơ quan truyền thông quốc tế, cả bằng tiếng Việt lẫn bằng các ngôn ngữ khác. Tin tức họ loan tải rất nhanh, có khi ngay từ khi phiên tòa mới mở đầu. Và nhận định chung đều giống nhau, ít nhất ở các cơ quan truyền thông lớn: tất cả đều lên tiếng phê phán cách xét xử và bản án dành cho Cù Huy Hà Vũ. Có ngoại lệ nào không? Nếu có, chắc chỉ có thể tìm thấy trên báo chí ở ba nước: Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Cuba.

Thứ hai là báo chí chính thống, từ báo in đến báo mạng trong nước, ở đó, phần tin liên quan đến vụ án có hai đặc điểm chính: một, chậm chạp, thưa thớt và ngắn ngủi, hầu như bị chìm nghỉm trong vô số các bản tin vu vơ và vớ vẩn khác, từ chuyện sức khỏe cụ rùa ở hồ Hoàn Kiếm đến chuyện Mỹ Tâm hát chung với Đàm Vĩnh Hưng hay chuyện Nguyên Vũ bất ngờ hôn Trang Nhung trên sân khấu, v.v; và hai, nội dung các bản tin ấy đều giống nhau, lấy từ một xuất xứ và có cùng một giọng điệu: Cù Huy Hà Vũ có tội và bản án dành cho ông là xứng đáng. Vậy thôi.

Và thứ ba là báo chí thuộc lề trái, tất cả đều là báo mạng. Có thể nói đây là nguồn cung cấp thông tin chính và sôi nổi nhất về vụ án Cù Huy Hà Vũ. Có blog hoặc website cập nhật tin tức hầu như hàng giờ. Số lượng bài vở tường thuật và phân tích cũng thật nhiều và thật đa dạng. Người ta chịu khó sưu tập và dịch thuật các bài viết bằng nhiều ngoại ngữ khác nhau trên thế giới. Số lượng người truy cập các blog và website ấy cũng tăng vọt".

Chuyện chỉ có ở VN

Qua bài tựa đề “Dính bẫy việt vị” được Blog Bauxite Việt Nam và nhiều mạng nhật ký khác phổ biến, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi lưu ý về nội dung lẫn hình thức cùng bối cảnh “dữ dằn” chung quanh pháp đình khiến người ta “ngỡ như sắp xảy ra quang cảnh Thiên An Môn năm nào”. GS Nguyễn Huệ Chi nhận định:

VIETNAM-POLITICS-RIGHTS-TRIAL

Cảnh công an cản trở người dân đến xem phiên tòa tại Hà Nội. AFP

"Đã có quá nhiều lời chê trách, bực bội, thậm chí chửi bới đốp chát về một phiên tòa gọi bằng công khai mà chẳng ra công khai, gọi bằng dân chủ mà chẳng ra dân chủ, được trình diễn ngay giữa một Thủ đô bắt buộc phải có cách ứng xử văn hóa thế mà rõ là thiếu văn hóa thậm tệ.

Không khí ở ngoài Tòa án thì cho vây bọc bằng đủ loại quân vàng quân xanh với giày mũ mới cứng, áo quần nguyên nếp láng bóng, với hàng rào sắt, xe cộ, dùi cui, thiết bị chặn sóng truyền tin, quan trọng hóa đến mức làm người ta ngỡ như sắp xảy ra quang cảnh Thiên An Môn năm nào...

Thử hỏi một phiên tòa chính trị mà không có Luật sư giám sát và tranh tụng, bị cáo cũng từ chối không tranh tụng, chỉ còn lại Hội đồng xét xử nói qua nói lại với nhau mấy câu rồi ra hội ý và tuyên án, thì lời tuyên án ấy phỏng còn giá trị gì nữa? Thế ra, chỉ là xử kín trong xó bếp nhà mình sao? Vì công lực chưa thâm hậu, lại mất bình tĩnh lúc cần bình tĩnh nhất, ngài Chánh tòa rốt cuộc đã bị các Luật sư của thân chủ cho sập bẫy việt vị một quả thật đau".

Blog Dân Chủ - Nhân Quyền cho Việt Nam cũng vừa phổ biến bài tìm hiểu ý kiến “Các Luật sư hải ngoại nói về phiên xử TS Cù Huy Hà Vũ” do tác giả Mạc Việt Hồng thực hiện, cho thấy rõ hơn ngành tư pháp của VN. Theo Luật sư Trần Thanh Hiệp từ Paris, Pháp quốc:

"Phải nói rằng không hề có xét xử công bằng mà chỉ có một màn tuồng bịt miệng người bị xử để áp đặt những hình phạt hình sự xâm phạm nặng nề những qui phạm pháp lý về nhân quyền mà chính Hà Nội đã tham gia và cam kết tôn trọng kể từ năm 1977 khi Hà Nội được chấp nhận làm thành viên của Liên Hiệp Quốc.

Cách ứng xử bằng bạo lực trần trụi và lạm quyền thiếu văn hóa, thiếu văn minh như vậy đã, thêm một lần nữa, phơi trần ra trước dư luận quốc tế và quốc nội, mặt thực của một bộ máy cầm quyền cộng sản phi-pháp, phi-nhân-quyền và phi-công-lý...

Bây giờ đàn áp đã diễn ra dưới những hình thức tinh vi, khôn ngoan hơn. Nhưng tinh vi và khôn ngoan không phải để thực hiện công lý mà là để che giấu dưới những bề ngoài có vẻ hợp pháp nhằm đánh lừa dư luận quốc tế, chứ không phải để cải thiện cho thân phận những người bị trị mà tất cả nhân quyền cũng như dân quyền đã bị tập đoàn cai trị trắng trợn tước đoạt".

Có thể ông Chánh án Nguyễn Hữu Chính sẽ được đi vào lịch sử thế giới như là một vị Chánh án có khả năng đọc nghị quyết kết án can đảm nhất, bất kể thủ tục hình sự và luật pháp nhà nước.

LS Nguyễn Xuân Phước

Luật sư Nguyễn Xuân Phước ở Texas, Hoa Kỳ trích dẫn Khoản 1 của Bản Tuyên ngôn Quyền làm người của Pháp khẳng định rằng “Bất cứ xã hội nào không có sự phân quyền thì coi như không có Hiến pháp”, và lưu ý rằng Chánh án ở VN chỉ cần tuyên bố án lệnh theo nghị định của lãnh đạo, không biết hay không cần biết thủ tục hình sự tố tụng. Theo LS Nguyễn Xuân Phước:

"Thông thường, trong phiên tòa các vụ án chính trị, các Luật sư bào chữa tha hồ hùng biện để biện hộ cho bị cáo. Cuối cùng ông Chánh án chỉ cần đọc nghị định của lãnh đạo để tuyên án. Ông Chánh án không phải là người cầm cân nẩy mực ở phiên tòa, để lo cho công lý được thi hành. Ông không đóng vai quan tòa để cân nhắc đúng hay sai, vô tội hay phạm tội. Ông không cần xem xét bằng chứng cáo buộc... Có thể ông Chánh án Nguyễn Hữu Chính sẽ được đi vào lịch sử thế giới như là một vị Chánh án có khả năng đọc nghị quyết kết án can đảm nhất, bất kể thủ tục hình sự và luật pháp nhà nước.

Chúng ta biết là hệ thống luật pháp ở Việt Nam là thứ trang trí cho chế độ để làm cho ra vẻ văn minh với người ta khi mình hội nhập vào thế giới văn minh của nhân loại. Nhưng bản chất vẫn là nền luật pháp lấy chủ nghĩa Mác Lê làm tư tưởng chỉ đạo, dựa vào, lấy bạo lực đấu tranh giai cấp và hận thù giai cấp (trong trường hợp này là bạo lực pháp quyền) để trấn áp những người khác chính kiến".

Điểm son cho các Luật sư tại tòa

Luật sư Nguyễn Tường Tâm ở San Jose, Hoa Kỳ cũng có nhận xét tương tự về giới “cầm cân nảy mực” XHCN và đề cập tới sự hy sinh vì dân vì nước của những nhà bất đồng chính kiến trong nước.

VIETNAM-POLITICS-RIGHTS-TRIAL

TAND Hà Nội, nơi diễn ra phiên xử TS Cù Huy Hà Vũ hôm 04/4/2011. AFP photo

"Có thể cho nhóm 4 Luật sư biện hộ cho ông Cù Huy Hà Vũ một điểm son. Bốn vị Luật sư đó đã hành xử đúng như tiêu chuẩn của các Luật sư tại các quốc gia văn minh. Nhưng về phía Chánh án thì vẫn còn hạn chế quan trọng như mấy chục năm qua là, Chánh án vẫn đứng lầm vị trí: Thay vì Chánh án phải đứng trung dung, không nghiêng bên Luật sư biện hộ mà cũng không nghiêng bên đại diện Viện Kiểm sát, thì ở đây, cũng vẫn như từ ngày nhà nước Xã hội chủ nghĩa mới ra đời tới giờ, Chánh án không bảo đảm cho bị can một phiên xử công bằng mà lại về cùng phe với đại diện Viện Kiểm sát, để buộc tội bị can...

Những bản án thường đã được đảng bộ tòa án qui định sẵn, cho nên không ai khờ dại mà tin rằng những biện hộ pháp lý hữu lý có thể cãi trắng án cho bị can. Nhưng những vị tự chọn con đường bất đồng chính kiến, một khi đã nắm được đầy đủ các luận chứng pháp lý bênh vực hành động của mình thì họ cũng yên tâm, bởi vị họ thấy sự hy sinh của họ rất hữu ích cho nhân dân, cho đất nước".

Qua bài “Sự nhạo báng pháp luật” trên Blog Dân chủ - Nhân quyền cho VN, tác giả Đinh Minh Đạo hình dung phiên tòa vừa rồi là một “vở kịch pháp lý” của Hà Nội mà “ngay từ khi khởi đầu, vở diễn đã bộc lộ những yếu kém, lố bịch từ kịch bản đến đạo diễn, diễn viên”, và “vở kịch tồi, càng kéo dài càng phơi bày những thấp kém, những gian xảo về pháp lý và đạo lý... đưa Luật sư Cù Huy Hà Vũ vào tù với bản án đã định sẵn”.

Tác giả có cảm giác đó là phiên tòa của các chế độ phát xít hay thực dân xử những người yêu nước trước đây giữa lúc không khí đàn áp, tra hỏi, hành hung, bắt bớ… bao trùm quanh khu vực xử án khiến người dân, nhiều trí thức ôn hòa khả kính như Bác sỹ Phạm Hồng Sơn, Luật sư Lê Quốc Quân, v.v. bị đánh đập, khám nhà.

Tác giả Đinh Minh Đạo nhận xét:

"Những gì đã diễn ra trong phiên tòa xét xử Luật sư Cù Huy Hà Vũ càng làm cho chúng ta thấy rõ hơn bộ mặt thật của chế độ độc tài toàn trị. Nền tư pháp của họ chỉ nhằm bảo vệ và duy trì quyền lực của bộ máy cai trị. Những tuyên bố về cải cách tư pháp của các quan chức là sự nhạo báng đối với luật pháp".

Vì công lực chưa thâm hậu, lại mất bình tĩnh lúc cần bình tĩnh nhất, ngài Chánh tòa rốt cuộc đã bị các Luật sư của thân chủ cho sập bẫy việt vị một quả thật đau.

GS Nguyễn Huệ Chi

Bất nhẫn trước cảnh nhiễu nhương vừa nói, Ban Biên tập trang mạng Bauxite Việt Nam viết “Kiến nghị trả tự do cho công dân Cù Huy Hà Vũ” gởi giới lãnh đạo VN, qua đó lưu ý rằng:

"Đất nước đang ở trong một hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Kinh tế gặp nhiều thử thách nghiêm trọng, bão giá đang ập vào từng bếp ăn khốn khó của người dân, giáo dục đạo đức suy thoái, bất công và bất ổn xã hội ngày càng gia tăng, độc lập quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ bị đe dọa hàng ngày.

Tăng cường sự đoàn kết và đảm bảo mối đồng thuận toàn dân là điều kiện tiên quyết để đưa đất nước vượt qua thử thách và tiến lên vững chắc. Đồng thời chúng ta cũng cần có sự kính trọng của bạn bè quốc tế cả hai phía nhà nước và người dân, để họ sẵn sàng hậu thuẫn Việt Nam trong công cuộc dựng nước và giữ nước.

Mà điều ấy chỉ có thể thực hiện khi Nhà nước tỏ thiện chí lắng nghe và đối thoại với những tiếng nói khác biệt, tôn trọng các cam kết với nhân dân và bạn bè quốc tế. Vụ án Cù Huy Hà Vũ không những không phục vụ cho mục tiêu cao cả ấy, mà ngược lại, khiến lòng người bất an, và do đó hết sức bất lợi cho lợi ích lâu dài của dân tộc".

T.Q

Nguồn: rfa.org

2. Kiến nghị trả tự do cho TS Cù Huy Hà Vũ

Gia Minh - RFA

Sau phiên xử Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ, bản Kiến nghị trên trang mạng Bauxite Việt Nam kêu gọi trả tự do cho ông đã được gần 460 người ký tên, tính đến ngày 12 tháng 4.

VIETNAM-POLITICS-RIGHTS-TRIAL

Công an dẫn giải TS Hà Vũ rời tòa. AFP photo

Bản ‘Kiến nghị trả tự do cho công dân Cù Huy Hà Vũ’ được gửi đến các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam, là các ông Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chánh án Tòa án Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Nhiều điều bất thường

Một trong những người ký tên vào bản Kiến nghị vừa nói, Tiến sĩ Nguyễn Đình Nguyên, từ Australia cho biết lý do ông tham gia kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông Cù Huy Hà Vũ:

"Chúng tôi làm khoa học, không dính dáng gì về chính trị. Chúng tôi theo dõi vấn đề khi nhóm điều hành trang Bauxite do nhóm của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi khởi xướng. Như lần trước khi làm kiến nghị về vấn đề khai thác mỏ bauxite tại Việt Nam, lần này nhóm kiến nghị trả tự do cho công dân Cù Huy Hà Vũ.

Chúng tôi theo dõi báo chí trong nước cũng như trên thế giới, cũng như từ khi ông Cù Huy hà Vũ bị bắt tại thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi cảm giác thấy có sự bất thường. Điểm bất thường thứ nhất, ông Cù Huy Hà Vũ bị bắt tại nhà nghỉ, và báo chí trong nước đưa tin nghi ngờ ông này sử dụng ma tuý và có hai bao cao su đã qua sử dụng nên nghi ngờ quan hệ với gái mãi dâm.

Tiếp theo báo chí đưa lên bức hình ông Cù Huy Hà Vũ trong tư thế không mặc áo với một người phụ nữ khác. Nhưng rồi chỉ một vài ngày sau những thông tin vừa nói lại được chuyển sang tội danh khác; như thế đó là sự bất thường.

VIETNAM-POLITICS-RIGHTS-TRIAL

TS Cù Huy Hà Vũ trước tòa Hà Nội

Làm những điều ‘tiền hậu bất nhất’, không theo đúng tiêu chí của quan tòa thì tình trạng của người công dân không được yên ổn, chúng tôi cảm thấy rất bất an cho người dân.

TS Nguyễn Đình Nguyên

Chính vì sự bất thường đó buộc chúng tôi phải theo dõi vấn đề ra làm sao! Đỉnh điểm là phiên tòa vào ngày 4 tháng tư vừa qua.

Thực tế chúng ta không biết sự việc ra sao, mà chính những Luật sư bào chữa cho ông Cù Huy Hà Vũ ‘trực diện’ trong phiên tòa đã bước ra ngoài cho biết thông tin. Những thông tin đó cho thấy phiên tòa không bình thường trong một quy trình xử án.

Ông Cù Huy Hà Vũ là Tiến sĩ luật nên ông cũng có hiểu biết về phát luật. Bốn Luật sư bào chữa cho ông Cù Huy Hà Vũ cũng là những người am hiểu luật. Tất cả những người đó còn bị đối xử trong tình trạng như thế, vậy quyền lợi của những người công dân Việt Nam thuộc tầng lớp ‘thấp’ hơn nữa thì sao?

Tại Việt Nam, những vị quan tòa đại diện thi hành luật pháp, cầm cân nảy mực, mà làm những điều ‘tiền hậu bất nhất’, không theo đúng tiêu chí của quan tòa thì chúng tôi thấy tình trạng của người công dân không được yên ổn, chúng tôi cảm thấy rất bất an cho người dân sống trong hoàn cảnh với những xử sự như vậy. Chính vì lý do đó, chúng tôi phải lên tiếng".

Không trọng luật

Phía chính quyền Hà Nội lâu nay luôn cho rằng những người như ông Cù Huy Hà Vũ đã tuyên truyền chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo điều 88 Bộ luật Hình sự Việt Nam. Nhà nước Việt Nam là một nhà nước pháp quyền và những người vi phạm phải bị xử theo luật của Việt Nam.

Trước luận điểm đó, ông Mai Thái Lĩnh, từ Đà Lạt có ý kiến:

"Theo tôi việc tôn trọng luật pháp là điều kiện đầu tiên. Bây giờ, Đảng Cộng sản Việt Nam nói rằng sẽ sửa đổi Hiến pháp, cải cách hành chính, mở rộng dân chủ…; nhưng việc tôn trọng luật pháp không làm thì tất cả những điều kia không có giá trị. Với tư cách người dân, tôi cần phải lên tiếng.

Tôi nghĩ nhiều người, thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, cũng có vị trí trong xã hội tạo nên ‘tiếng nói’ quan trọng. Lý do đó là ‘cảnh báo’ đối với những người đang nắm giữ quyền lực chính trị tại Việt Nam".

Và Tiến sĩ Nguyễn Đình Nguyên từ Australia cũng có nhận định:

"Đúng hay sai theo thời điểm và có tính cách lịch sử nhiều hơn. Ví dụ, mới đây có kỷ niệm 86 năm ngày Cụ Phan Bội Châu ra tòa; một thể chế chính trị mang tính chất tạm thời như ông bà chúng ta nói ‘quan nhất thời, dân vạn đại’; tức sai - đúng mang tính tạm thời, tùy hệ qui chiếu nào được sử dụng.

Phiên tòa hình sự, nếu không giải quyết được có thể kéo dài cả mấy tháng; chứ một phiên xử chính trị mà chỉ có mấy tiếng đồng hồ thì phải đặt lại vấn đề.

TS Nguyễn Đình Nguyên

VIETNAM-POLITICS-RIGHTS-TRIAL

Công an không cho dân dự phiên xử TS Cù Huy Hà Vũ

Chuyện Việt Nam nói làm theo những qui ước quốc tế; vậy hãy đặt ngược lại: chúng tôi được nghe phiên xử ông Cù Huy Hà Vũ là phiên xử tự do, nhưng sao người đến dự không được vào?

Rồi một phiên tòa chính trị mà chỉ xử gói gọn trong sáu tiếng đồng hồ, kể cả đọc bản cáo trạng.

Tại Australia, chúng tôi đi dự rất nhiều phiên tòa. Kể cả những phiên tòa hình sự bình thường phải mất một hai ngày. Nếu không giải quyết được có thể kéo dài cả mấy tháng; chứ một phiên xử chính trị mà chỉ có mấy tiếng đồng hồ [thì] phải đặt lại vấn đề".

Lý giải về thái độ mà ông Mai Thái Lĩnh cho là ‘thụ động’ lâu nay của nhiều người tại Việt Nam, nhất là giới trí thức trước những vấn đề chính trị ‘nhạy cảm’ trong nước thì ông Mai Thái Lĩnh cho biết:

"Tôi đã có trình bày trong những bài nói hay phỏng vấn: do ở Việt Nam qua một thời gian rất lâu, những quyền cơ bản của con người không có, không được thực hiện; lâu ngày tạo ra thói quen ‘thụ động’ khiến cho những người cầm quyền cảm thấy không có gì hạn chế quyền lực của họ và họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn.

Do vậy việc vi phạm luật pháp kéo dài nhiều năm. Tuy nhiên gần đây tôi thấy những người ưu tư với tình hình đất nước còn nhiều, chứ không phải ít".

Đối với vụ xử và bản án mà Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên cho ông Cù Huy Hà Vũ, những ý kiến đồng thuận dường như chỉ xuất hiện trên truyền thông trong nước; còn rất nhiều ý kiến phản đối tiếp tục được đưa ra trên những trang nhật ký cá nhân, cũng như truyền thông ở nước ngoài.

G.M

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn