Học giả Việt Nam giúp Manila về Biển Đông

clip_image001  

Trung Quốc đã cho tàu đe dọa đoàn khảo sát của Malaysia ở Reed Bank hồi tháng Ba

 

Báo Manila Times nói học giả Việt Nam đưa ra "giải pháp tuyệt vời" cho Philippines trong tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông.

Trong bài xã luận "Chúng ta phải làm gì với đường chữ U của Trung Quốc", Tổng biên tập Manila Times nhắc tới vùng lãnh hải Reed Bank mà Philippines đang tranh chấp với Bắc Kinh và viết:

"Hai học giả này [Dương Danh Huy và Lê Minh Phiếu] đã đưa ra cho Philippines một giải pháp tuyệt vời: Philippines cần tuyên bố rằng theo các quy định của Liên Hiệp Quốc, Reed Bank không phải là một phần của quần đảo Trường Sa đang tranh chấp".

Bài "Bảo vệ quyền lợi của Philippines tại Reed Bank" do Tiến sỹ Dương Danh Huy của Quỹ Nghiên cứu Biển Đông viết và đưa ra cơ sở để Philippines có thể bảo vệ chủ quyền tại Reed Bank, nơi hồi tháng Ba năm nay tàu khảo sát địa chất của nước này bị tàu Trung Quốc đe dọa và phải ngưng hoạt động.

Tiến sỹ Huy nói cũng như Philippines, cả Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia và Đài Loan đều đòi chủ quyền các đảo trong quần đảo Trường Sa và hiển nhiên Philippines sẽ không nhận được sự ủng hộ của bất kỳ nước nào trong số này khi nhắc tới Trường Sa nói chung.

Tuy nhiên ông Huy cũng nói Việt Nam, Malaysia và cả Indonesia và Brunei trong khối ASEAN chưa bao giờ phản đối hoạt động của Philippines ở Reed Bank và đưa ra gợi ý:

"Giải pháp là Philippines cần khẳng định Reed Bank không thuộc vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của đảo Trường Sa.

"Khẳng định này có nghĩa là Reed Bank không liên quan tới tranh chấp ở đảo Trường Sa và như vậy thuộc về Philippines vì nó thuộc đặc khu kinh tế xét theo đường cơ sở của nước này".

Chính sách 'hai không'

Ngoài bài của ông Dương Danh Huy về cách bảo vệ quyền lợi đảo Reed Bank, Manila Times cũng đăng bài ông Huy viết chung với chuyên gia luật quốc tế Lê Minh Phiếu.

Bài viết nói Bắc Kinh có chính sách 'hai không' liên quan tới Biển Đông.

"Trung Quốc luôn luôn kiên quyết rằng tranh chấp Biển Đông cần được giải quyết qua đàm phán song phương và đã phát triển chính sách "hai không" liên quan tới giải quyết tranh chấp ở Biển Đông: không đàm phán đa phương và không "quốc tế hóa".

Nếu các nước Đông Nam Á giải quyết riêng rẽ với Trung Quốc họ sẽ dễ bị thuần phục trước sức mạnh hơn hẳn của Trung Quốc so với trường hợp họ có chiến lược chung, có lập trường thống nhất và hỗ trợ lẫn nhau.

Hai nhà nghiên cứu Việt Nam thuộc Quỹ Nghiên cứu Biển Đông nói tranh chấp tại vùng biển này liên quan tới nhiều nước và đàm phán song phương không phải là cơ chế thích hợp để giải quyết tranh chấp đa phương.

Họ cũng đặt câu hỏi liệu Trung Quốc có chấp nhận không khi Philippines và Việt Nam đàm phán và thỏa thuận song phương về quần đảo Trường Sa.

Hai tác giả viết: "Nếu các nước Đông Nam Á giải quyết riêng rẽ với Trung Quốc họ sẽ dễ bị thuần phục trước sức mạnh hơn hẳn của Trung Quốc so với trường hợp họ có chiến lược chung, có lập trường thống nhất và hỗ trợ lẫn nhau.

"Bằng việc kiên quyết đòi sử dụng cách tiếp cận không hợp lý, trên thực tế Trung Quốc đang cản trở việc tiến tới một thỏa thuận thông qua đàm phán. Điều này khiến Trung Quốc, nước mạnh nhất trong số các nước đòi chủ quyền, có cơ hội ngày càng tăng để củng cố vị trí của họ và gây phương hại cho vị trí của các nước khác".

Các học giả Việt Nam cũng trích Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển nói các quốc gia không có chủ quyền ở khu vực ngoài 12 hải lý tính từ đường cơ sở quốc gia và nói đường hình chữ U của Trung Quốc đã vượt quá giới hạn này rất xa và như vậy ảnh hưởng tới quyền lợi của các quốc gia khác.

Bài đăng trên Manila times - bấm vào để xem ảnh lớn

clip_image002

Nguồn: bbc.co.uk

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn